Mỹ tính gì ở Biển Ðông? |
Tác Giả: Ngô Nhân Dụng | |||
Thứ Năm, 10 Tháng 6 Năm 2010 10:43 | |||
Một vị độc giả Nhật báo Người Việt viết thư nêu ý kiến rằng nước Mỹ sẽ chẳng đời nào để tâm đến những tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc; lý do là vì Mỹ đã “nhường Việt Nam cho Trung Cộng” từ khi ông Nixon đi Tầu năm 1972 rồi. Vị độc giả nêu thêm một bằng cớ: Năm 1974 quân Trung Cộng tấn công chiếm quần đảo Hoàng Sa; trong khi Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa bị tàn sát thì Hạm Ðội Thứ Bẩy của Mỹ đứng ngoài không can thiệp mặc dù lúc đó nước Mỹ vẫn là đồng minh. Không những thế, khi tầu Việt Nam bị đánh chìm các sĩ quan đã điện xin chiến hạm Mỹ đến vớt các thủy thủ lênh đênh trên mặt biển, họ hoàn toàn bất động. Ai cũng phải tức giận trước thái độ làm ngơ vô tình của Hạm Ðội Thứ Bẩy của Mỹ khi không cho tầu đi cứu vớt các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam. Không biết họ có lý do kỹ thuật nào để từ chối hay không; nhưng thái độ đó không thể nào tha thứ được. Nhưng về mặt chính trị thì chúng ta hiểu tại sao chính phủ Mỹ quyết định đứng ngoài không can thiệp vào vụ Hoàng Sa năm 1974. Về mặt ngoại giao cũng như trên mặt chiến lược, nước Mỹ không thấy lý do nào đủ mạnh để can thiệp vào vụ Hoàng Sa. Lúc đó chính phủ Nixon đã quyết định rút khỏi Việt Nam rồi. Năm 1968, trong khi đang tranh cử tổng thống, ông Richard Nixon đã cho cố vấn Henri Kissinger đến gặp riêng đại sứ Nga tại Washington, yêu cầu chính phủ Nga đừng làm gì ảnh hưởng tới cuộc bầu cử năm đó. Ông Kissinger nói với Ðại Sứ Dobrynin rằng ông Nixon chắc chắn sẽ rút quân Mỹ khỏi Việt Nam. Và ông nhấn mạnh: Sau đó chế độ chính trị ở miền Nam Việt Nam ra sao, Mỹ cũng không quan tâm, “dù đó là một chế độ cộng sản.” Ðại Sứ Anatoliy F. Dobrynin đã nhắc đến những lời Kissinger cam kết như vậy 2 lần trong cuốn hồi ký của ông ta in năm 1995; ông kể đủ chuyện về 24 năm làm đại sứ, qua sáu đời tổng thống Mỹ từ 1962 đến 1986 (ông mới qua đời năm 2010). Năm 1974, sau khi Kissinger đã ký hiệp định Paris để rút quân, chính phủ Mỹ coi những tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Cộng không dính líu đến họ. Vào năm 1974, chính phủ Mỹ có thể đã nhìn trước thấy trước sau miền Nam sẽ bị cộng sản chiếm. Họ không thể vì bênh vực một quốc gia sắp rơi hoàn toàn vào tay một chính quyền cộng sản mà đi gây thêm rắc rối với Trung Quốc, một nước mà họ đang ve vãn để cùng hợp tác chống Nga Xô! Từ thời gian đó cho tới gần đây, nước Mỹ vẫn giữ thái độ đứng ngoài mọi tranh chấp giữa hai nước cộng sản Việt Nam và Trung Quốc. Vùng Biển Ðông là địa bàn tranh chấp giữa hai nước cộng sản đó, nước Mỹ không dính vào, trừ khi có chuyện nào liên hệ tới quyền lợi của các nước Ðông Nam Á và các nước đồng minh của Mỹ như Ðài Loan, Nhật Bản hoặc Nam Hàn. Ngay cả sau khi chính phủ Mỹ đã mở bang giao với cộng sản Việt Nam, các vị tổng thống Mỹ như Clinton, Bush, đã đến thăm Việt Nam và giúp Việt Nam vào tổ chức Thương Mại Thế Giới, chính phủ Mỹ luôn công khai đứng ngoài trước các tranh chấp giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Nhưng trong tuần qua, có những dấu hiệu cho thấy chính sách của Mỹ đang thay đổi, qua các hành động và lời tuyên bố của ông bộ trưởng quốc phòng Mỹ. Ông Robert Gates đã nhân cuộc họp mặt ở Singapore về các vấn đề an ninh khu vực để gặp riêng bộ trưởng quốc phòng của chính quyền Cộng Sản Việt Nam. Hành động này có thể chỉ được coi là một cử chỉ xã giao bình thường nếu không có những lời tuyên bố của ông Gates, rõ ràng nhắm vào Trung Quốc. Ông Gates nói thẳng đến vùng Biển Ðông (thường gọi là Nam Hải của Trung Quốc). Ông nhấn mạnh rằng Biển Ðông là một vùng đang căng thẳng. Nước Mỹ tỏ ra không phải chỉ quan tâm đến phía Ðông Bắc Á Châu, nơi Bắc Hàn đang gây hấn, mà vẫn ngó về phía Nam. Nhưng ông Gates nói rõ: “Biển Ðông không phải chỉ là mối lo của các nước chung quanh,” mà còn đáng quan tâm đối với “các nước có quyền lợi kinh tế liên can” đến vùng này. Không nói ai cũng hiểu: Nước Mỹ nằm trong các quốc gia có quyền lợi kinh tế trong vùng này. Nước Mỹ phải có mặt trong vùng Biển Ðông để bảo vệ các quyền lợi đó. Ông Gates nhắc lại chính sách của Mỹ là “ổn định, bảo đảm quyền tự do đi lại và quyền phát triển kinh tế của các nước trong vùng Biển Ðông không bị ngăn cản.” Ðó chỉ là những nguyên tắc chung chung, không đủ để khiến cho Trung Quốc coi là có thái độ khiêu khích họ. Hai điều ai cũng có thể nói và ai cũng đồng ý: Cần ổn định và tự do sử dụng đường biển nối liền vùng Ðông và Nam Á Châu với Âu Châu và thế giới dầu lửa Á Rập. Nhưng có một điều mới mẻ: Ðây là lần đầu tiên một vị bộ trưởng quốc phòng Mỹ nhấn mạnh thêm đến “quyền phát triển kinh tế không bị ngăn cản” của các quốc gia trong vùng Biển Ðông. Và ông ta nói trong một hội nghị về an ninh trong vùng. Tại sao nhắc đến quyền lợi kinh tế? Vì, cũng trong câu chuyện ngày Thứ Bẩy vừa qua, ông Robert Gates nhắc đến chính sách Mỹ là phản đối tất cả mọi hăm dọa đối với các công ty năng lượng dầu khí của Mỹ hay của bất cứ nước nào khác, đang hoạt động trong khu vực này. Ðiều này rõ ràng không thể nào hiểu lầm được: Ông Gates ám chỉ việc Trung Cộng ngăn cấm các công ty Mỹ dò tìm dầu khí ở trong vùng biển mà Việt Nam coi là thuộc hải phận của mình. Năm 2007, Bắc Kinh đã làm áp lực đối với công ty British Petrolium Anh Quốc, buộc họ ngưng hợp đồng khai thác dầu khí với Việt Nam. Năm 2008, công ty Mỹ Exxon Mobil cũng phải rút lui không tìm mỏ dầu ở thềm lục địa Việt Nam nữa. Chính quyền Cộng Sản Việt Nam hoàn toàn bó tay và kín miệng trước các hành động áp bức đó. Các công ty dầu khí quốc tế thì phải tự lo quyền lợi kinh tế của chính họ: Nếu không nghe lệnh Bắc Kinh, họ sẽ mất các hợp đồng với Trung Quốc, là một thị trường nhiều triển vọng tốt hơn gấp bội. Nhưng chính phủ Mỹ không thể làm ngơ, vì họ chịu trách nhiệm với Quốc Hội Mỹ, nơi các công ty dầu lửa không ngừng vận động hành lang. Năm ngoái, nhân viên Bộ Ngoại Giao Mỹ đã bị các đại biểu Quốc Hội chất vấn về hiện tượng Trung Cộng ngăn cản các công ty Mỹ khi khai thác trong vùng Biển Ðông của Việt Nam. Bây giờ, chính một vị bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã đề cập tới vấn đề này, tại một hội nghị quốc tế về vấn đề an ninh trong vùng Ðông Nam Á. Cho nên, chúng ta có thể thấy một bước chuyển biến mới trong chính sách ngoại giao của chính phủ Mỹ. Họ xác định quyền lợi kinh tế của nước Mỹ trong vùng biển mà trước đây họ coi như các tranh chấp ở đó hoàn toàn là vấn đề của các nước chung quanh, nước Mỹ đứng xa không can thiệp. Ông Robert Gates xác định: Nước Mỹ có những quyền lợi kinh tế trong vùng Biển Ðông. Và người đại diện chính phủ Mỹ nói thẳng điều này với đại diện của chính phủ Bắc Kinh. Thử nhớ lại, năm 1974 chính phủ Nixon bỏ rơi các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam cho quân Trung Cộng tàn sát, 7 tháng trước khi ông Nixon từ chức. Ba mươi sáu năm sau, một chính phủ Mỹ khác xác định họ sẽ bảo vệ quyền lợi của các công ty dầu khí Mỹ trong vùng Biển Ðông, không cho Trung Cộng ngăn cản. Ðây là một bước rẽ mới. và cũng là một cơ hội mà bất cứ chính quyền Việt Nam nào cũng nên bắt lấy, nếu họ thực sự lo cho quyền lợi của nước Việt Nam chứ không quá hèn nhát chỉ lắng nghe theo những ý kiến từ Bắc Kinh. Ðể tạo thêm sức nặng cho những lời nói trên đây, ông Robert Gates còn nói thêm rằng chính phủ Mỹ khẳng định lại các cam kết lâu dài của họ tại Châu Á. Hơn nữa, họ tiếp tục gia tăng và mở rộng các liên minh cũng như các quan hệ trong khu vực này. Nhắc lại: gia tăng và mở rộng các liên minh ở Á Châu. Bài nói chuyện của ông Gates còn nhấn mạnh rằng chính sách an ninh của chính phủ Mỹ đang “mở rộng về mặt địa lý,” cứng rắn hơn về lập trường, và bền chắc hơn về chính trị (một câu nói khá mơ hồ cho mọi người tự tìm cách diễn giải). Những lời tuyên bố của ông bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ không chỉ nhắm riêng vào mối xung đột giữa Trung Cộng với Việt Nam, mà còn nhắn nhủ chung cho các nước Ðông Nam Á khác. Từ nửa thế kỷ nay, nước Mỹ vẫn đánh lá bài “mối đe dọa của Trung Cộng” đối với các nước trong vùng này. Ðến nay, lá bài đó vẫn còn có giá trị trong việc khích động các chính phủ và người dân Á Châu. Họ vẫn thấy phải có lá dù che chở của nước Mỹ. Nếu không, các nước từ Nhật Bản, Nam Hàn, đến Indonesia, Phi Luật Tân sẽ phải tốn rất nhiều tiền để vũ trang, có nước sẽ làm bom nguyên tử! Các nước Ðông và Nam Á đã được hưởng một thời gian kéo dài một thế hệ, từ 1955 đến 1985, khi Trung Cộng và Việt Cộng bị cầm chân trong cuộc chiến Việt Nam và chiến tranh giữa các nước cộng sản Việt, Hoa và Campuchia. Trong thời gian đó các chế độ cộng sản không thể thúc đẩy mạnh các phong trào nổi loạn ở các nước trong vùng Ðông Nam Á. Chính nhờ 30 năm đó mà các quốc gia, từ Mã Lai, Tân Gia Ba, Phi Luật Tân, vân vân, có thời gian để phát triển kinh tế; nối gót Ðài Loan, Nam Hàn, và Hồng Kông. Một khi kinh tế đã phồn thịnh cho người dân đủ sống thì họ được bình yên vì chủ nghĩa cộng sản hết hấp dẫn. Thêm một thế hệ nữa đã qua, đến năm 2010 này, ông Robert Gates nhắc lại sự có mặt của nước Mỹ trong vùng Biển Ðông. Trong lúc đó, mối đe dọa của chính sách bành trướng của Trung Cộng còn lộ liễu hơn, mặc dù đã chuyển từ chính sách gây bạo loạn cách mạng vô sản sang chủ trương liên kết kinh tế trong hòa bình. Nhưng đối với các nước Ðông Nam Á, đây là những lời cam kết mới của chính phủ Mỹ, chứng tỏ họ sẵn sàng giúp các nước vùng Biển Ðông đứng vững trước áp lực của Trung Cộng. Tất cả mọi người Việt Nam yêu nước phải nhìn thấy đây là một cơ hội phải bắt lấy. Nước Việt Nam không bao giờ nên liên kết với một cường quốc ở xa để khiêu khích hoặc gây hấn với nước láng giềng to lớn phương Bắc. Nhưng Việt Nam phải lợi dụng ngay bất cứ cường quốc nào, khi thấy họ có quyền lợi giống như mình vì phải cùng đối phó với chính sách bành trướng bá quyền của Trung Quốc.
|