Vẫn chuyện đội Bắc Hàn ở World Cup |
Tác Giả: Nguyễn Giang / BBC | |||
Thứ Tư, 23 Tháng 6 Năm 2010 16:59 | |||
Các cầu thủ Bắc Triều Tiên sững người trước một loạt bàn thắng của Bồ Đào Nha Tôi đã định thôi không viết tiếp về chuyện Bắc Hàn, vì chẳng phải cây bút thể thao, và có ý kiến của một bạn đọc rằng "Nguyễn Giang và các nhà báo khác nếu không có tinh thần thể thao hay yêu bóng đá thì đừng bình loạn, đừng để hận thù cộng sản che mất lý trí..." Xin trả lời tôi không hận thù ai và cũng chỉ theo dõi chính sự kiện đội Bắc Hàn thi tài ở mức độ như báo chí bên Anh này quan tâm. Hơn nữa, đây là câu chuyện có ý nghĩa vì làm toát ra rất nhiều thang bậc tình cảm, vượt lên trên cả thời sự thuần tuý. Bởi thế, xin phép các bạn cho tôi bàn nốt chuyện đội Bắc Hàn dự World Cup, nhất là những bình luận sau khi họ thua Bồ Đào Nha 7 bàn ngày hôm qua. Đá vì lãnh tụ? Dù muốn hay không thì đội bóng Bắc Hàn vẫn bị so sánh và đặt vào bối cảnh chính trị, lịch sử của nước đó. Ngay trên chương trình thể thao của BBC News tối qua, người ta cũng dùng từ "đội bóng cộng sản" (The Communist team). Tìm cách lý giải các bàn thua với Brazil, có báo nói rằng vì 'Lãnh tụ Kính yêu' Kim Chính Nhật cho truyền trực tiếp trận đấu nên các cầu thủ Bắc Hàn mất tự tin (?). Người ta cũng phát hiện ra rằng đội Bắc Hàn không phải là một khối thống nhất vì Jong Tae-se, kiều dân Triều Tiên sinh ra ở Nhật Bản, là người chơi xe Hummer và dùng Internet. Trên blog của mình, anh kể các đồng đội trong một chuyến công du châu Âu đầu năm nay đã hỏi anh cách dùng toilet phải trả tiền thế nào...và bình rằng "Vì đây đúng là xã hội tư bản thứ thiệt". Tôi nghĩ anh này cũng hơi quá khi kể ra chuyện đó vì trong đời ai chẳng có lúc bị "quê" khi đến xứ lạ. Chính tôi trong lần đầu đến Paris lúc gặp bí cũng phải loay hoay hỏi cách bỏ xu, mở cửa vì ai ngờ nhà vệ sinh lại là một cái cột tròn to đùng giữa phố. Nhưng sự khác biệt giữa tư cách kiều dân và người "bị nhốt lâu" không chỉ dừng ở đó. Cầu thủ Jong Tae-se được coi là 'Wayne Rooney của châu Á' Jong Tae-se, hoặc có tư cách thượng khách, giống như các Hàn Kiều, Hoa Kiều hay Việt Kiều được ưu ái mời về đóng góp cho tổ quốc, hoặc đã có quốc tịch Nhật nên không sợ bị đối xử tệ, lại còn dám viết blog. Nếu không muốn đá cho Bắc Hàn nữa, anh ta có thể trở về Nhật hoặc đi nơi khác. Còn những cầu thủ bình thường khác thì sao? Bình luận trên báo chí Anh vẽ ra bức tranh đen tối. Nào là các cầu thủ Bắc Hàn nếu không đi cải tạo thì cũng khốn đốn. Nào là thân nhân họ có thể cũng bị vạ lây. BBC News trích lời Kim Young-il, một người Bắc Hàn vượt biên nay sống tại Seoul rằng, "chắc chắn các cầu thủ sẽ phải cải tạo tư tưởng và tự phê khốc liệt". Tờ The Guardian quả quyết chính Kim lãnh tụ đã chọn ra các cầu thủ. Nếu đúng vậy thì lại càng nguy vì họ đã làm mất niềm tin lãnh tụ trao phó. Một số ý kiến còn nói tốt nhất là họ tìm cách chạy vào Sứ quán Mỹ may ra được tị nạn chính trị. Riêng về chuyện này thì chẳng cứ Bắc Hàn mà Cuba, Việt Nam, hay Liên Xô ngày xưa đều từng có văn nghệ sĩ, ca sĩ, cầu thủ hay thành viên các đoàn công cán trốn ở lại Phương Tây. Một lần nữa, chuyện về đội Bắc Hàn phải ánh những điều rất con người đã và đang xảy ra ở những nước khác nữa, nơi hoàn cảnh bất thường khiến người ta tìm mọi cách xoay xở vì cuộc sống. Tình dân tộc Nhưng Bắc Hàn chiến bại cũng làm cho không ít người Nam Hàn nổi tinh thần đoàn kết dân tộc. Chừng 1000 người tụ tập bên ngoài ngôi chùa Bong Eun Sa tại thủ đô Seoul đã hô vàng khẩu hiệu ủng hộ Bắc Triều Tiên và "dân tộc là một" khi thấy các đồng hương cộng sản của họ bị thua Brazil. Đốt nến vì thống nhất tổ quốc hồi quan hệ Nam Bắc chưa bị cắt đứt Báo chí Phương Tây ngạc nhiên rằng sau vụ tàu Cheonan mà vẫn có người Nam Hàn ủng hộ cho đội Bắc Hàn. Với quan niệm quốc tịch cao hơn sắc tộc, họ không hiểu rằng 'một giọt máu đào hơn ao nước lã'. Người Nam Hàn dù có ghét chế độ ở Bình Nhưỡng thì vẫn thương đồng hương miền Bắc hơn là người Brazil hay Cameroon. Ở điểm này, họ thật giống người Việt Nam. Các bài về Việt Kiều, người di dân Việt, dù ở Mỹ, Czech hay Angola cũng thường thu hút bạn đọc trên trang bbcvietnamese.com hơn chuyện nơi khác. Giống như trên bán đảo Triều Tiên, những khác biệt, thậm chí thù hằn Nam và Bắc với Riêng tôi mỗi khi lướt mạng tiếng Anh thì trong đầu vẫn có một ăng-ten sẵn sàng tìm ra ngay các họ Nguyen, Tran, Pham v.v. Đây là những tín hiệu vượt qua mọi biên giới. Và càng đi xa thì người ta lại muốn về gần. Trở lại với chuyện Nam Bắc Hàn. Một cựu đồng nghiệp BBC, anh Kevin Kim, sống ở Seoul, từng nói với tôi rằng "Dù sao thì Việt Nam cũng đã giải quyết xong việc thống nhất hai miền, nay chỉ cần tập trung phát triển kinh tế, còn với Nam Bắc Hàn thì chuyện thống nhất vẫn rất xa". Tôi trả lời: "Ngược lại, bạn không thấy rằng nước bạn có miền Nam là hình mẫu, nay chỉ việc thống nhất và vực miền Bắc lên là ổn, còn Việt Nam thống nhất nhưng vẫn nghèo và tụt hậu?" Và kỳ World Cup này lại một lần nữa cho thấy thực tế lịch sử với cả hai dân tộc hiển hiện qua bóng đá. Bóng đá Việt Nam thì không chỉ quá kém mà còn lây bệnh tham nhũng từ khu vực chính trị. Bóng đá Nam Hàn khá hơn nhiều so với Bắc Hàn nhưng giấc mơ cùng đá trong một màu cờ sắc áo của họ vẫn còn xa. Vị sư tại chùa Bong Eun Sa được trích lời rằng: "Chúng tôi ước mơ một ngày Jung Tae-Se nhận cú trao bóng từ Park Ji-Sung (cầu thủ miền Nam), và đó là ngày nước Hàn thống nhất".
|