Báo Úc: “Người Trung Quốc đang mua sạch các trang trại của chúng ta” |
Tác Giả: Vũ Cao Đàm | |||
Thứ Năm, 24 Tháng 6 Năm 2010 11:46 | |||
Trong bài “Phải giết bọn giặc Việt Nam để làm lễ vật tế cờ trong trận chiến thu hồi Nam Sa”, được dịch đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 14/5/2010, Trung Quốc đã nói công khai ý đồ “Dùng tiền bạc để đổi lấy đất đai”. Quả thực Trung Quốc đã và đang thực hiện chiến lược đó một cách ráo riết trên phạm vi toàn cầu. Mới cách đây vài ngày, trên tờ The Daily Telegraph (Điện báo hàng ngày) của Australia (Úc), tác giả Malcolm Farr, biên tập viên quốc gia của nước này có bài viết nhan đề “Người Trung Quốc đang mua sạch những trang trại của chúng ta” (Chinese buying up our farms), trong đó đưa tin, một nhân vật cao cấp của lãnh đạo Trung Quốc là Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình đã đích thân đến Úc để thương thảo việc mua một vùng trang trại rộng lớn thuộc đồng bằng Liverpool của Úc với giá 320 triệu đô-la Úc. Rất nhanh nhạy, hai chính khách của Tiểu bang Nam Úc đã lên tiếng về việc này. Đó là Thượng nghị sĩ Bill Haffernan và Nghị sĩ Robert Brokenshire. Các nhà chính khách này đã tỏ những mối quan ngại với cuộc thương thảo nói trên. Nghị sĩ Robert Brokenshire đã gọi Trung Quốc là “Con chim kền kền”, còn Thượng nghị sĩ Bill Haffernan thì nghi ngờ chủ trương đầu tư vào những vùng đất mà người Trung Quốc đang đặt mua với giá cao một cách không tưởng tượng nổi. Bài báo được GS Vũ Cao Đàm tóm lược và bình luận. Trong phần bình luận của mình, tác giả Vũ Cao Đàm cho rằng, nếu Trung Quốc thành công trong vụ mặc cả chèo kéo này với Úc, thì Trung Quốc đã làm được cái việc quây trọn khu vực phía Tây Thái Bình Dương thành ao nhà của họ và chúng ta chưa thể hình dung được chuyện gì sẽ xẩy ra, khi vùng biển này nằm trọn trong vòng kiềm tỏa của Trung Hoa. Cũng trong bình luận của mình, người viết đã mạnh dạn so sánh Trung Quốc với các hình thức của chủ nghĩa thực dân được biết đến trong lịch sử nghiên cứu chính trị học. Ông cho rằng, chúng ta chắc chắn không thể xếp Trung Quốc vào hàng các nước “anh em – đồng chí”, cũng khó xếp họ vào hạng chủ nghĩa thực dân cũ, song lại cũng rất khó đặt họ trong cùng một loại với chủ nghĩa thực dân mới theo phân loại chủ nghĩa thực dân vốn là khái niệm quen thuộc trong nửa cuối thế kỷ XX, bởi vì các động thái của Trung Quốc ngày nay vừa mang màu sắc xâm chiếm thuộc địa của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, nhưng cũng mang cả màu sắc thị trường của chủ nghĩa thực dân mới, và ông đã gọi đó là một thứ “chủ nghĩa thực dân tân-cổ điển” (neo-classical colonialism). Ông cho rằng chủ nghĩa thực dân tân-cổ điển Trung Quốc nguy hiểm ở chỗ, nó vừa khoác áo đế quốc xâm lươc, vừa khoác áo bạn hàng, lại vừa khoác áo “anh em – đồng chí”. Và sự “biến hình” nhiều màu mờ ảo đó rất dễ làm mê hoặc các “đồng chí” nhẹ dạ trong các nước “anh em”. Chúng tôi nghĩ, đó là một nguy cơ không chỉ đe dọa chủ quyền lãnh thổ của Úc Châu trong tương lai mà còn là mối đe dọa gần gũi đối với nhiều nước, nhất là những nước mà tầng lớp lãnh đạo về mặt này mặt khác đã tỏ rõ sự sa sút, yếu kém đáng ngại về nhận thức, quan điểm, cũng như trở nên quá ích kỷ về quyền lợi, còn nhân dân thì không có quyền ăn quyền nói, như nước ta. Vì vấn đề khá phức tạp trong quan niệm về người láng giềng Trung Quốc, nên rất có thể dẫn đến nhiều ý kiến tranh luận, Bauxite Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết và mong nhận được ý kiến chỉ giáo của các vị thức giả cùng bạn đọc xa gần.
|