Home Tin Tức Bình Luận Nhìn lại Việt Nam sau 35 năm (1975-2010): Đất nước tôi, dân tộc tôi - bao giờ tỉnh thức?

Nhìn lại Việt Nam sau 35 năm (1975-2010): Đất nước tôi, dân tộc tôi - bao giờ tỉnh thức? PDF Print E-mail
Tác Giả: Song Chi   
Thứ Hai, 05 Tháng 7 Năm 2010 22:08

Khi phải sống lâu trong một môi trường mà sự ô nhiễm từ không khí, nguồn nước cho đến thực phẩm đã vượt xa mức cho phép, mà sự bừa bộn,

 phản thẩm mỹ, phản văn hóa, phi văn hóa… tràn lan từ cảnh quan, quy hoạch, kiến trúc cho đến cách sống cách xử của con người… như ở Việt Nam hiện nay, người ta sẽ quen với điều đó và nhiều khi không nhận ra là mình đang phải chịu đựng điều gì.

 Cũng vậy, khi phải sống quá lâu dưới một chế độ độc tài, hoặc nói cách khác, khi chưa bao giờ thật sự được hưởng một nền tự do dân chủ, người ta sẽ không nhận thức được mình đang thiệt thòi như thế nào so với người dân trong một đất nước tự do, dân chủ.

Nếu nhìn vào một xã hội dân chủ dân sự như Mỹ chẳng hạn, có thể thấy một trong rất nhiều ví dụ về sự thay đổi: chỉ mới vào những năm 50, 60 của thế kỷ XX thôi, nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ còn nặng nề như thế nào, nhưng bây giờ nước Mỹ đã có một Tổng Thống da màu.

Một trong những điều làm nên sự thay đổi đó là khả năng dám nhìn vào sự thật của chính người Mỹ – rất nhiều bài báo, cuốn sách, bộ phim về đề tài này đã ra đời, rất nhiều cuộc biểu tình thậm chí có cả đổ máu nữa… đã thức tỉnh lương tâm của nhân dân và chính quyền.

Một xã hội dám nhìn thẳng vào những sai lầm, những căn bệnh của nó, xã hội đó chắc chắn sẽ tìm ra hướng giải quyết và sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Trong khi đó, sự tồn tại của một thể chế chính trị độc tài là dựa trên sự bưng bít, che chắn, dối trá và mỵ dân, do vậy không bao giờ dám nhìn vào sự thật, vào những sai lầm, khuyết tật của mình.

Ở Việt Nam, đã có một thời gian dài sau ngày 30.4.1975, mọi cái xấu, cái tệ hại của xã hội được đổ thừa hết cho hậu quả của chiến tranh và “tàn dư của chế độ Mỹ-Ngụy”. Sau đó, khi đến thời “mở cửa” thì bao nhiêu sự xáo trộn, tha hóa về mặt đạo đức xã hội, sự thay đổi và cả biến chất của con người… lại được đổ cho nền kinh tế thị trường.

Còn gần đây, người ta lại mới tìm được một lý do nữa để đổ thừa: sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu – chính nó đã làm cho giá cả leo thang, nạn thất nghiệp tăng vọt, nó cũng là nguyên nhân của nhiều tội ác do kẻ phạm tội bị khủng hoảng, trầm cảm…! Nhưng cái nguyên nhân chính, gốc rễ của mọi vấn đề trong xã hội VN bao nhiêu năm qua thì không bao giờ được phép nhắc đến!

Khởi đầu từ sự chọn lựa sai con đường đi cho cả đất nước và dân tộc đã dẫn đến mọi sai lầm khác: từ cải cách ruộng đất, Nhân văn Giai phẩm cho đến quyết tâm lao vào con đường thống nhất bằng mọi giá kể cả máu của hàng triệu người dân và quá nhiều tổn thất đến hàng bao nhiêu năm sau cũng chưa hồi phục nổi; vừa kết thúc chiến tranh thì những sai lầm trong chính sách ngoại giao lại dẫn đến hai cuộc chiến tranh khác với Trung Quốc và Cam puchia , tiếp tục làm hao mòn tài lực nhân lực của đất nước; trong lĩnh vực kinh tế xã hội cho đến cách đối xử với phe bại trận và con cháu của họ cũng lại hàng loạt chính sách sai lầm, bất công phi lý… dẫn đến những cuộc ra đi của hàng triệu thuyền nhân VN bất chấp cả sinh mạng để tìm đến những vùng đất tốt đẹp hơn; một nền kinh tế theo mô hình bao cấp xã hội chủ nghĩa suýt làm cả dân tộc lâm vào cảnh chết đói…, và những sai lầm khác nữa, sai lầm sau luôn đắt giá hơn sai lầm trước! Tại sao?
 

Bởi vì khi không dám hoặc không muốn nhìn thẳng vào sai lầm thì bài học sai lầm sẽ không bao giờ được thuộc.
Bởi vì sự thật vô cùng đơn giản là chưa bao giờ những người lãnh đạo Đảng và Nhà Nước CSVN đặt quyền lợi của đất nước, của dân tộc lên trên quyền lợi và sự tồn vong của Đảng, của chế độ, thậm chí chỉ là quyền lợi của một nhóm người.

Một trong hàng ngàn ví dụ về điều này: cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm giữa hai miền Nam Bắc đã kết thúc được 35 năm (1975-2010) nhưng nhà nước VN chưa bao giờ nhìn lại lịch sử một cách công bằng, trung thực, chưa bao giờ có một hành động nào gọi là hòa hợp hòa giải thực lòng ngoại trừ những lời nói suông!

Hãy nhìn vào cách ứng xử của phe thắng trận Bắc Mỹ đối với phe đầu hàng Nam Mỹ sau khi cuộc nội chiến giữa hai miền Nam Bắc Hoa Kỳ kết thúc vào tháng 4.1865; hay cách ứng xử của chính quyền Tây Đức đối với nhân dân Đông Đức sau ngày bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 để thấy lòng đau đớn vì đất nước này, dân tộc này đã quá nhiều bất hạnh mà lại thêm tầm nhìn hẹp hòi của các thế hệ lãnh đạo ĐCSVN nên đã tạo thêm nhiều bi kịch sau chiến tranh và cho đến tận bây giờ, sau 35 năm lòng dân vẫn đầy chia rẽ, rời rạc, tan tác.

Hay cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc mở đầu hơn 30 năm trước (17.2.1979) mà cho đến nay nhà nước VN vẫn cố tình né tránh, không muốn nhắc đến. Không có lễ kỷ niệm, diễn văn, những bài báo công khai trên mạng lưới báo chí quốc doanh… như là những cuộc chiến tranh với Pháp với Mỹ; và tất nhiên lại càng không có sự nhìn lại, tổng kết, rút kinh nghiệm một cách thành thật công khai rõ ràng trước toàn dân… điều mà họ chưa bao giờ làm trong bất cứ cuộc chiến tranh nào.

 Không chỉ đa số giới trẻ VN mà ngay cả phần lớn người dân VN, do vậy chỉ được biết một cách lơ mơ rằng đã có một cuộc chiến tranh như thế giữa hai quốc gia cùng một ý thức hệ, một thời “môi hở răng lạnh” và hiện tại vẫn đang trong một mối quan hệ vô cùng phức tạp này. Còn nguyên nhân thực sự vì sao xảy ra cuộc chiến, tổn thất sinh mạng giữa hai bên và những hệ lụy của nó, kể cả việc có liên quan đến những hiệp định ký kết về lãnh hải cũng như đường biên giới sau này giữa hai nước… người dân không hề biết, không được quyền biết.

Tất cả mọi sai lầm của chế độ, những khuất tất của lịch sử đều bị bưng bít. May mà bây giờ còn có internet và hệ thống thông tin bên ngoài cho phép những ai muốn tìm kiếm một phần sự thật. Nhưng còn những tháng năm trước đó khi luồng thông tin bên ngoài hầu như không thể vào được VN?
Vào những thời điểm trong quá khứ, sự sai lầm dẫu quá lớn cũng có thể quy cho sự mông muội, thiếu hiểu biết, hoặc ảo tưởng về một lý tưởng, một mô hình xây dựng đất nước. Nhưng cho đến ngày hôm nay thì là chuyện khác.

Làm thế nào có sự công bằng tốt đẹp trong một xã hội khi mà một đảng cầm quyền tự ban cho mình quyền lãnh đạo đất nước duy nhất, vô thời hạn và không hề chịu một cơ chế phân quyền, giám sát nào; khi mà từ công an, quân đội, luật pháp cho tới báo chí chỉ là để bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ chứ không hề bảo vệ nhân dân; khi mà những người lãnh đạo không hề do dân bầu ra và người dân thì không có bất cứ quyền hạn gì từ việc tự do bầu cử, tự do ngôn luận, tự do biểu tình ôn hòa v.v… và nhiều quyền khác nữa.
 

Chính một thể chế chính trị xã hội như vậy đã tạo điều kiện cho những sự bất công phi lý, những cái xấu và không bình thường được phép tồn tại và ngày càng trở thành bình thường; còn cái đẹp, cái thiện, sự công bằng, dân chủ, tự do, nhân ái đã trở thành của hiếm hoặc bất bình thường hoặc không thể tồn tại.

Từ lâu rồi những người lãnh đạo đất nước từ trên xuống dưới đã tự cho phép mình né tránh sự thật, chỉ nhìn thấy những gì họ muốn thấy và hết sức coi thường nhân dân.

Vì coi thường nhân dân, coi đất nước này chỉ là của riêng họ – của giai cấp cầm quyền, nên họ tự cho phép mình thông qua mọi quyết định từ nhỏ cho đến lớn, trong đó có những quyết định vô cùng hệ trọng liên can đến vận mệnh đất nước như những cuộc đàm phán thương lượng với Trung Quốc về lãnh thổ lãnh hải; hay những quyết định có liên quan đến môi trường, sinh thái, sức khỏe, quyền lợi của hàng chục triệu người dân thế hệ hôm nay và hàng bao nhiêu thế hệ sau, kể cả vấn đề an ninh của Tổ Quốc như việc ký quyết định cho phép Trung Quốc khai thác quặng bô-xít ở Tây Nguyên, cho nước ngoài thuê rừng đầu nguồn, những dự án kinh tế xa xỉ với những số tiền khổng lồ phải đi vay v.v… Nhân dân không có quyền được biết, được bàn bạc, được có ý kiến. Bởi vì đất nước này không thuộc về nhân dân.

Và ngược lại, chính vì biết rằng có lên tiếng trước một điều gì đó cũng là vô ích nên lâu dần, người dân trở nên thờ ơ ngay với chính sinh mệnh của dân tộc mình, đất nước mình. Mọi bức xúc rồi cũng chẳng thay đổi được gì, tốt hơn hết là sống cho bản thân, cho gia đình mình – số đông nghĩ thế và họ đã sống như thế. Họ trở nên ngày càng vô cảm với mọi cái bất công phi lý, mọi cái xấu cái ác trong xã hội.

Có thể nói những căn bệnh nặng nhất của xã hội VN bây giờ là sự vô cảm, sự nghi kỵ, mất lòng tin – người dân mất lòng tin vào Đảng, vào những kẻ cầm quyền, vào luật pháp, vào lẫn nhau; và một tình trạng không có chuẩn mực, không có ranh giới – tạm gọi là căn bệnh “vô chính phủ” tràn lan trong xã hội.
Có ai đó đã nói rằng chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản đều là những thảm họa cho nhân loại, nhưng chú nghĩa phát xít thì bạo phát bạo tàn, còn chủ nghĩa cộng sản kéo dài hơn nên cái hại mà nó gây ra cho từng quốc gia từng dân tộc là nặng nề hơn, to lớn hơn.

Có thể thấy, đến bây giờ thì ít nhất trên thế giới đã có hai “mô hình” chủ nghĩa cộng sản: chủ nghĩa cộng sản kiểu cũ của Liên bang Xô Viết và các nước Đông Âu cũ hoặc ngay cả Cuba, Bắc Hàn bây giờ và “chủ nghĩa cộng sản biến thể hay có thể gọi là ngụy cộng sản” như Trung Quốc và VN - thực tế chỉ là những quốc gia theo chế độ độc đảng, độc tài còn toàn bộ hệ thống lý thuyết Mác xít Lêninnít, lý thuyết về CNCS, CNXH thì đã bị chính những thế hệ lãnh đạo ở các nước này vứt bỏ chỉ còn trưng ra cái vỏ như những tấm bình phong mục ruỗng mà thôi.

Nếu như “chủ nghĩa cộng sản kiểu cũ” làm cho nền kinh tế quốc gia của Liên bang Xô Viết và các nước Đông Âu cũ hoặc ngay cả Cuba, Bắc Hàn bây giờ bị kiệt quệ, không phát triển nổi, đời sống nhân dân bị bần cùng hóa, vô sản hóa cùng với sự cực đoan, hà khắc về chính trị và tư tưởng, điển hình là những cuộc thanh trừng, đấu tố, bắt bớ diễn ra hàng loạt khiến cho giấc mộng về “thiên đường xã hội chủ nghĩa ưu việt hơn chế độ tư bản hàng nghìn lần” như lập luận của các nhà lãnh đạo các nước này đã nhanh chóng tan thành bong bóng xà phòng trong nhận thức của người dân; hay sự cực đoan, ngu xuẩn và tàn ác của một chế độ cộng sản kiểu chính quyền Pôn Pốt-Iêng Xary của Campuchia khiến cho thế giới kinh hãi và giúp cho người dân thức tỉnh nhanh hơn.

Trong khi đó, cái nguy hiểm ở những quốc gia theo chế độ cộng sản biến thể như Trung Quốc hay Việt Nam là nó tạo nên một sự thay đổi bề mặt về kinh tế giúp cho các đảng cộng sản ở những nước này vẫn còn có lý do để mà bào chữa với nhân dân, và nó khiến cho người dân chỉ biết lao vào cuộc làm giàu bằng mọi giá mà quên đi bao nhiêu mâu thuẫn, bất công khác trong xã hội.

Đảng cộng sản ở những nước này vì vậy tiếp tục kéo dài sự tồn tại của họ, quá trình thay đổi chỉ diễn ra chậm chạp, nửa vời, nhỏ giọt và chỉ khi thật cần thiết, thực chất là kéo dài ngày hấp hối của chế độ trong khi sự tàn phá tiếp tục diễn ra hàng ngày và di họa để lại càng lớn. Giống như một căn bệnh ung thư nếu phát hiện sớm, dũng cảm cắt bỏ tất cả phần thịt bị hư hoại thì có cơ may sống sót và cứu được những phần thân thể còn lại, ngược lại nếu né tránh căn bệnh, chỉ dùng thuốc giảm đau để cho qua tạm thời thì đến một lúc nào đó, cả cơ thể chỉ còn là một đống thối ruỗng!

Không kể đến số đông người dân vì thiếu thông tin, vì chỉ được giáo dục tuyên truyền theo kiểu một chiều suốt bao nhiêu năm nên vẫn còn nghe theo những gì Đảng, Nhà Nước và báo chí quốc doanh nói, ngay cả trong hàng ngũ những người lên tiếng đấu tranh đòi tự do dân chủ, vẫn có những người lập luận rằng chỉ chống lại những đảng viên thoái hóa, tham nhũng, tồi tệ, đi chệch đường chứ không chống lại chế độ, không chống lại tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản, mô hình XHCN.

Vâng, lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản rất hay, mô hình Nhà Nước XHCN rất đẹp (không đẹp sao có thể lôi cuốn hơn nửa thế giới lao theo trong bao nhiêu năm?). Nhưng không phải là mô hình một nước XHCN được lãnh đạo bởi duy nhất một Đảng Cộng sản độc tài toàn trị dù theo kiểu một hay hai kể trên, đã được chứng minh bằng sự sụp đổ của hàng loạt quốc gia trên thế giới, và trong những quốc gia còn lại thì người dân vẫn chưa thật sự được sống tự do,dân chủ, hạnh phúc; vả lại, nếu chỉ chống những cá nhân tham nhũng tồi tệ mà không nói đến cả thể chế chính trị là chỉ mới nói đến cái gốc mà không nói đến cái ngọn.

Một trong những lá bài chủ chốt mà những nhà lãnh đạo cả hai quốc gia theo chủ nghĩa ngụy cộng sản Trung Quốc và Việt Nam hay đưa ra để xoa dịu nhân dân của họ là tốc độ phát triển nhanh về kinh tế và sự thay đổi trên bề mặt của xã hội.

Nhưng phát triển kinh tế chỉ mới là một phần trong việc chứng tỏ xã hội đó đang đi lên theo chiều hướng tích cực, còn bao nhiêu vấn đề khác: khoảng cách giàu-nghèo và sự bất công quá lớn trong xã hội, vấn nạn tham nhũng và sự hình thành những nhóm “siêu lợi ích” trong bộ máy chính quyền có khả năng lũng đoạn kinh tế và thâu tóm mọi quyền lợi vào tay mình; bên cạnh đó là tài nguyên của đất nước bị khai thác đến cạn kiệt, thiên nhiên bị tàn phá không thương tiếc, môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề, chất lượng cuộc sống của đa số người dân chưa được cải thiện tận gốc và chế độ an sinh xã hội chưa được quan tâm đến; chưa kể sự xuống cấp tha hóa về đạo đức xã hội, mọi giá trị đều bị lệch chuẩn, và nhiều vấn đề khác… Như thế là một xã hội đang phát triển một cách phi nhân tính và lệch lạc, chệch hướng so với con đường phải đi là xã hội phải ngày một văn minh, con người ngày một tự do, tự chủ, được coi trọng và hạnh phúc hơn!

Một lập luận khác mà những người cầm quyền của Nhà Nước VN cũng thường xuyên đưa ra đó là sự ổn định về chính trị và mọi sự thay đổi, đa đảng… sẽ dẫn đến sự mất ổn định, hỗn loạn, lý do là bởi vì trình độ dân trí Việt Nam còn thấp nên mô hình độc đảng với sự lãnh đạo của Đảng CSVN như lâu nay là đúng đắn, tối ưu. Những người cầm quyền đã lừa mị nhân dân của họ với khái niệm về sự ổn định. Việt Nam quả thật là “ổn định” về chính trị – bởi vì mọi sự lên tiếng, mọi hành động đối kháng của từng cá nhân thôi đều đã được dập tắt ngay từ trong trứng nước.

Nhưng ổn định về chính trị hoàn toàn không có nghĩa là ổn định về xã hội, về kinh tế. Bên dưới sự ổn định về chính trị, xã hội VN và ngay cả một cường quốc kinh tế như Trung Quốc, đang chất chứa trong lòng nó những mâu thuẫn vô cùng to lớn do cơ chế chính trị bất công gây nên, có khả năng bào mòn, hủy hoại, tàn phá cả xã hội như đã nói ở trên.

Ba mươi lăm năm sau khi chiến tranh kết thúc, 24 năm sau ngày bắt đầu “mở cửa” chuyển mình theo nền kinh tế thị trường, đất nước vẫn đang bị tàn phá hàng ngày bởi nạn tham nhũng, dối trá, bất công phi lý, cái xấu tồn tại khắp nơi… và người dân vẫn chưa hề được hưởng quyền làm chủ thật sự trên đất nước mình.
Nếu như tin rằng nỗi con người đều có số phận khác nhau thì mỗi quốc gia, mỗi dân tộc cũng có số phận riêng. Và nếu tính cách của mỗi con người làm nên số phận của họ thì điều đó cũng đúng với một dân tộc.

Số phận của Việt Nam là một số phận nhiều bi kịch, nhiều chua xót ngậm ngùi, nhưng ngoài những lý do khách quan của vị trí địa lý, của thời cuộc lịch sử chi phối đến một quốc gia nhược tiểu, thì chính tính cách của con người Việt Nam đã lý giải cho số phận ấy.
Hãy nhìn lại số phận Việt Nam và tính cách Việt Nam – ở đây tạm thời chỉ nói đến giai đoạn từ khi có Đảng CSVN.

Ở những kẻ lãnh đạo đất nước, đó là sự ngu muội, chủ quan, duy lý, ích kỷ, tham lam, đớn hèn. Khi phải chọn lựa con đường cho đất nước và dân tộc, họ luôn luôn có những chọn lựa hoặc sai lầm hoặc nửa vời. Còn ở nhân dân, phải đau xót mà nói rằng chính sự bạc nhược, vô cảm và cả thói chia rẽ, thiếu đoàn kết của nhân dân nói chung đã lý giải cho số phận ấy.
Trong tính cách con người Việt Nam nhìn chung dường như không có tham vọng cũng có cả sự cực đoan mà chính những tố chất này mới tạo nên những đột biến, những sự thay đổi mạnh mẽ số phận của một dân tộc.
Dù sao đi nữa, những gì đã xảy ra trong lịch sử thì cũng đã xảy ra.

Nhìn lại quá khứ, học bài học của quá khứ là vô cùng cần thiết. Nhưng quan trọng hơn nữa là việc của ngày hôm nay. Những người cầm quyền đất nước này ngày hôm nay và sắp tới sẽ chọn lựa con đường đi của đất nước như thế nào để VN có thể thoát ra khỏi số phận đầy bi kịch của mình? Và đồng thời nhân dân VN sẽ làm gì để thay đổi vận mệnh của đất nước?

Với những người đang nắm quyền đất nước, hãy đừng so sánh Việt Nam với Trung Quốc để tiếp tục tự nguyện làm bản sao mô hình con đường đi của nước này. Cái khác biệt lớn nhất giữa hai nước đó là nếu ĐCSTQ có tiếp tục lãnh đạo Trung Quốc thêm vài thập niên nữa, Trung Quốc vẫn chẳng mất vào tay nước nào mà ngược lại, gần như chắc chắn sẽ phát triển trở thành một quốc gia phát xít mới với tham vọng khống chế cả toàn cầu, thậm chí dẫn nhân loại vào một thế chiến thứ ba. Còn ĐCSVN nếu tiếp tục nắm chính quyền thì độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ sẽ luôn luôn là ngọn chỉ mành treo trước gió bão từ phương Bắc.

Nếu không có bất cứ một sức ép nào từ sự thức tỉnh của nhân dân, chắc chắn rằng những người cầm quyền đất nước này không muốn thay đổi bởi vì chỉ có một cơ chế chính trị độc tài toàn trị như lâu nay mới cho phép họ được hưởng mọi quyền lợi trong cuộc sống mà không bị phán xét gì.

Trong nhân dân, ngoài những kẻ có chức có quyền, có thể có một thiểu số giàu có thuộc tầng lớp trên cũng không muốn thay đổi vì xã hội càng nhá nhem hỗn loạn, luật pháp càng nhiều kẽ hở, chính quyền càng thối nát thì họ càng dễ kiếm tiền. Nhưng hãy nhìn vào số đông nhân dân đang sống như thế nào, hãy nhìn vào điều kiện và môi trường sống chung của cả xã hội, hãy nhìn và so sánh với các nước để rồi đau và nhục.

VN – đất nước tôi, dân tộc tôi! Chỉ riêng trong thế kỷ XX, bao nhiêu triệu người VN đã ngã xuống trong những cuộc chiến tranh liên tiếp với Pháp, Mỹ, Campuchia, Trung Quốc; bao nhiêu triệu người VN đã chết trong những ngục tù khác nhau của cả hai miền Nam Bắc trong và sau chiến tranh; hàng trăm ngàn người bỏ xác trên biển khi tìm đường ra đi và hàng triệu người khác vẫn đang sống kiếp tha hương trên những quốc gia khác nhau, chưa kể con số đang gia tăng mỗi năm hàng trăm ngàn người khác nữa vẫn đang đi làm thuê, làm Osin, và cả bán thân nuôi miệng trên xứ người… Nỗi đau đó có thể nào quên?

VN hiện nay đang đứng ở vị trí nào trên bản đồ thế giới về sự giàu có, văn minh, tự do dân chủ, công bằng trong xã hội? Nỗi nhục đó có thể nào quên?
Cuộc sống không dừng lại, thế giới xung quanh không dừng lại. Việt Nam càng thay đổi chậm ngày nào thì mỗi người chúng ta sẽ càng có tội với đất nước, ông bà tổ tiên, với dân tộc và với cả chính bản thân mỗi người ngày đó.

Sự thay đổi đó sẽ đến khi những người cầm quyền đất nước hiện nay (và tương lai) biết sợ sự thật, sợ sự phán xét của lịch sử và sợ nhân dân. Nhưng quan trọng hơn, sự thay đổi đó sẽ đến khi mỗi người VN biết được quyền hạn và sức mạnh của mình, biết nhục nhã chua xót khi nhìn vào các quốc gia khác và có tham vọng để đất nước, dân tộc mình phải được giàu có, độc lập, con người phải được sống trong tự do, dân chủ, hạnh phúc thật sự.

Khi nhân dân Mỹ chọn Barack Obama, họ đã chọn sự thay đổi – Change, từ khát vọng muốn thay đổi của tất cả mọi người.
Với nhân dân VN, sự thay đổi còn cần kíp hơn gấp nhiều lần bởi vì đất nước này, dân tộc này đã sống trong sự thua thiệt, lạc hậu về mọi mặt quá lâu và quá lớn so với rất nhiều dân tộc khác. Và khi gọng kìm của nước láng giềng phương Bắc đang từ từ siết chặt bằng cả sức mạnh về quân sự và “quyền lực mềm” về chính trị, kinh tế, văn hóa…
VN-đất nước tôi, dân tộc tôi, bao giờ thì thức tỉnh?