Từ bỏ đảng Cộng Sản |
Tác Giả: Ngô Nhân Dụng | ||||
Thứ Tư, 07 Tháng 7 Năm 2010 10:16 | ||||
Nhà báo Bùi Tín mới phổ biến hai bản tin về việc 200 đảng viên Cộng Sản Pháp đã công khai từ bỏ đảng, trong đó có 3 dân biểu Quốc Hội mới viết chung một bài trên nhật báo Thế Giới (Le Monde) giải thích hành động của họ. Còn một người vào đảng Cộng Sản thì giống như gia nhập một giáo hội. Họ tôn thờ những giáo điều của các ông thánh Mác, Lê Nin, coi đó là những chân lý, là những giá trị tuyệt đối để theo đuổi trong đời. Cho nên, những đảng viên cộng sản bỏ đảng là họ rất can đảm, dám thú nhận rằng trong quá khứ họ đã chọn nhầm, đã sai lầm trên những điều căn bản. Trong số những người Pháp mới bỏ đảng có những vị đã đắc cử thị trưởng, nghị viên, dân biểu, vân vân, khi họ là đảng viên cộng sản. Nghĩa là họ đã đạt được những địa vị xã hội nhờ nhãn hiệu cộng sản, mà nay họ sẵn sàng từ bỏ. Như vậy thì việc bỏ đảng của họ còn đáng khen hơn những đảng viên thường. Những đảng viên Cộng Sản Việt Nam bây giờ mà dám từ bỏ đảng còn đáng khâm phục hơn những người Pháp này. Vì ở Việt Nam mà bỏ đảng thì không những biết trước sẽ mất nhiều quyền lợi dành cho các đảng viên, mà còn phải chấp nhận có thể sẽ bị đàn áp, trù dập suốt đời. Nếu chế độ đó kéo dài thì đến đời con, đời cháu có thể còn chưa thoát bị trù. Ngày 9 tháng 6 vừa rồi, ba dân biểu cộng sản đại diện các khu lao động trong vùng thủ đô Paris viết chung một bài dài 767 chữ trên báo Le Monde, Le sens de notre départ du Parti communiste - Ý nghĩa việc chúng tôi rời khỏi Ðảng Cộng Sản. Một nguyên nhân chính mà họ nêu lên là trong nhiều năm qua họ cùng nhiều người khác đã tranh đấu để thay đổi đảng Cộng Sản, nhưng bao nhiêu lời hứa hẹn thay đổi đã bị trì hoãn. Một nguyên nhân khiến người ta muốn thay đổi là không còn muốn ôm lấy những giáo điều cũ rích trong khi thế giới đã đổi thay - một thế giới chính trị đã chết, Ðảng Cộng Sản (Pháp) là một thành phần thừa hưởng di sản đó, một thế giới mới mà chúng tôi mong muốn đang chuẩn bị ra đời (Simplement, un monde politique meurt, don't le PCF est l'un des héritiers, un autre tarde à naitre...). Nhưng thế giới chính trị đã chết đó là thế giới nào? Mới nghe người ta có thể tưởng đó là thế giới cộng sản do Liên Bang Xô Viết lãnh đạo. Nhưng không chỉ giản dị như vậy. Sự sụp đổ của Nga Xô và các nước cộng sản chư hầu chỉ là hiện tượng bình thường trong lịch sử. Khi một hệ thống kinh tế chính trị đã tận dụng các ưu điểm của nó, tự nó sẽ sinh bệnh khô cứng rồi chết; khi một đế quốc lan ra rộng quá, trung tâm không còn đủ sức kiểm soát các địa phương, đế quốc tan rã. Một thế giới chính trị quan trọng hơn đã chết, là thế giới trong đó một số người sử dụng quyền bính áp đặt ý kiến của mình trên tất cả mọi người khác để hưởng thụ, trong khi vẫn tự coi mình đang theo đuổi một lý tưởng, nhân danh lợi ích của đám đông. Họ có thể hành động tàn bạo, lừa lọc, gian trá, trong lúc thực hiện “lý tưởng” của họ, vì họ tin rằng họ đã làm chủ được chân lý - để thực hiện chân lý, như một tôn giáo, người ta không từ nan một việc ác nào. Khai tử thế giới đó, chấm dứt ảo vọng đó, dù mới chỉ thực hiện được ở các nước cộng sản Âu Châu thôi, đã là một điều rất đáng mừng cho cả nhân loại. Những người đầu tiên theo chủ nghĩa cộng sản vì lý tưởng muốn chấm dứt, thay đổi cảnh bất công trong nền kinh tế tư bản. Nhưng lý thuyết kinh tế của Karl Marx dù phân tích rất xuất sắc nhưng chỉ đưa ra những viễn tượng thiếu thực tế, cho nên Lenin đã tìm cách thực hiện qua guồng máy nhà nước. Stalin đã hoàn thiện hệ thống chuyên chế quản lý xã hội này, kiểm soát cuộc sống của tất cả mọi người bằng một guồng máy tập trung. Các người làm cách mạng trong những nước nghèo nhìn vào hệ thống tổ chức đó rất cảm phục vì cảm thấy nó giản dị, hữu hiệu, và dễ bắt chước. Họ tưởng rằng muốn cho các nước nghèo tiến lên với tốc độ nhanh thì nên bắt chước Liên Xô! Ðó là bắt đầu sai lầm những mối sai lầm. Sai lầm đầu tiên là một đảng cách mạng dù theo mục tiêu dân chủ nhưng hoạt động trong bí mật sẽ dần dần đưa tới chế độ “quả đầu” ngay trong đảng của họ. Một lớp cán bộ chỉ huy năng động nhất sẽ chiếm độc quyền lãnh đạo và chỉ còn nghĩ tới địa vị của mình, bỏ qua lý tưởng ban đầu mà các đảng viên vẫn theo đuổi. Ðiều này đã được nhà xã hội học Robert Michels (1876-1936), một học trò giỏi của Max Weber nêu lên từ năm 1911. Các đảng cộng sản trên thế giới đều đi vào con đường như Lenin và Stalin đã đi ở Nga, cuối cùng đều phản bội lý tưởng ban đầu, chỉ còn giữ một hệ thống thư lại độc quyền. Một điều sai lầm quan trọng không kém là họ không nhớ rằng “quyền hành sinh nhũng lạm, quyền tuyệt đối sinh nhũng lạm tuyệt đối.” Lord Acton (1832-1902) được người đời nhớ nhất vì nhận xét giản dị này, mà một người bình thường sử dụng lương tri cũng có thể thấy như vậy. Chỉ những người cuồng tín và tự cao tự đại mới nhắm mắt trước sự thật đơn sơ đó. Những lãnh tụ cộng sản ở các nước nghèo tưởng rằng họ có thể đưa dân tộc mình vào con đường hiện đại hóa bằng guồng máy kinh tế, chính trị cộng sản Nga, họ phạm một nhầm lẫn khác. Sử dụng chính quyền để thúc đẩy kinh tế tiến lên, thay vì khuyến khích thị trường phát triển, đã không tiến nhanh hơn mà ngược lại còn làm cho quá trình hiện đại hóa chậm chạp hơn. Vì chính quyền không giúp cho xã hội tiến nhanh mà lại trói buộc, trì hoãn, khiến xã hội tiến chậm hơn. Cứ so sánh hai vùng Tây và Ðông Âu Châu sau Ðại Chiến Thứ Hai, thấy ngay. Các nước Ðông Âu có những chính quyền mạnh, tập trung lãnh đạo, chỉ huy, vẽ ra các kế hoạch; còn các nước Tây Âu thì luôn luôn lộn xộn, chính phủ lên rồi lại đổ, những nước như Italy tưởng như không ai cai trị nổi. Nhưng sau cùng Tây Âu đã tới trước Ðông Âu trong cuộc chạy đua kinh tế, đồng thời xã hội của họ cởi mở, tự do, lành mạnh hơn. Các chế độ cộng sản ở Nga và Ðông Âu sụp đổ không phải vì “những thế lực thù địch” nào chống phá mà vì chính người dân, các nhà trí thức, rồi đến các đảng viên cộng sản của các nước đó nhìn thấy con đường họ đang theo bế tắc, vì những sai lầm căn bản trên. Người dân sống nghèo hơn. Họ không có tự do. Ðạo lý cũng suy đồi. Hạnh phúc không đạt được. Những người như Gorbachev, Yeltsin ở Nga, Zaruelski ở Ba Lan, Egon Krenz ở Ðông Ðức không yêu thích gì chế độ dân chủ; họ vẫn mong bảo vệ một chế độ đã nuôi nấng họ, tạo nên địa vị, của cải cho họ. Nhưng họ phải lùi bước, vì những sai lầm tích lũy đã đưa đảng cộng sản đến bước đường cùng. Họ đã “từ bỏ đảng cộng sản” bằng cách lẳng lặng để cho nó tan rã, vô tình giúp bao nhiêu đảng viên khác tự động từ bỏ đảng. Cuối cùng thì tất cả các đảng viên cộng sản sẽ từ bỏ đảng, bằng cách này hay cách khác. Lịch sử sẽ ghi nhận cộng sản là một cuộc thí nghiệm thất bại của loài người. Kinh tế tư bản có vẻ sống lâu hơn. Tư bản không phải là một chủ nghĩa, mà chỉ là một cách tổ chức kinh tế dựa trên thị trường, trên hoạt động và sáng kiến của các công dân tự do. Hệ thống tư bản không theo một giáo điều cho nên cứ thế thay đổi, thích ứng; chưa biết nó sẽ kéo dài được bao lâu. Loài người sẽ tiếp tục thí nghiệm những phương pháp tổ chức xã hội khác. Một điều chắc sẽ khó thay đổi, là niềm tin vào tự do dân chủ của con người mỗi ngày mạnh hơn. Chỉ trong cuộc sống tự do dân chủ xã hội loài người mới tiến bộ được. Cho nên, nếu các đảng viên Cộng Sản Việt Nam biết từ bỏ đảng sớm, như 200 đảng viên Cộng Sản Pháp vừa mới làm, thì đó sẽ là phúc lớn cho dân tộc.
|