Home Tin Tức Bình Luận 80 năm tuyên giáo, 80 năm dối gian

80 năm tuyên giáo, 80 năm dối gian PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Trần   
Thứ Tư, 04 Tháng 8 Năm 2010 09:44

Kinh nghiệm sống chung với người Cộng Sản Việt Nam cho thấy nếu muốn được yên thân thì không nên có thái độ với nhà nước; khi cán bộ tuyên truyền thì cứ banh tai ra mà nghe, chớ có cãi mà mang họa vào thân, mặc dù Hiến Pháp năm 1992 đã nói rõ trong Ðiều 2: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức.” 


 
 Một phụ nữ buôn ruột xe gắn máy trên đường phố Hà Nội
năm 2003, 17 năm sau khi chính sách “Ðổi Mới” ra đời tại
CS Việt Nam. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Quyền này còn được tái khẳng định ở Ðiều 3: “Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân; xây dựng đất nước giàu mạnh, thực hiện công bằng xã hội, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.”

Nhưng đảng và nhà nước đã chứng minh từ năm này qua năm khác chỉ giỏi nói mà không muốn làm hoặc không bao giờ làm nên trong dân gian mới có câu: “Nói vậy mà không phải vậy,” hoặc có người còn nhắc lại cả câu nói của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu của miền Nam trước 1975 rằng: “Ðừng tin những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm.”

Hậu quả của sự sợ hãi không dám lên tiếng với nhà nước của người dân đã phơi ra mặt thật của một nhà nước độc tài nên giữa nhà nước và người dân không có sự đồng thuận trên nhiều phương diện, nhất là về mặt chính sách và đường lối. Hơn nữa Ðảng CSVN lại là tổ chức chính trị duy nhất cầm quyền không do dân bỏ phiếu bầu lên nhưng lại tự ý cho mình có quyền quyết định mọi việc rồi bắt dân phải làm theo nên nhiều khi dân đã bỏ mặc thây cho đảng muốn làm gì thì làm.

Ðến khi làm ăn thua lỗ, kế hoạch hỏng thì đảng và nhà nước mới chịu sửa sai, nhưng đồng tiền mồ hôi, nước mắt của dân đã tan theo mây khói. Những cán bộ trách nhiệm trong các vụ việc này đáng lẽ phải bị trừng phạt thì lại chỉ bị thay chỗ, đổi ngôi, ngoại trừ các vụ tày đình không còn che giấu được mắt dân.

Như vậy nếu lấy việc nhỏ suy ra việc lớn, cả thành công lẫn thất bại, thì mọi việc của đảng và nhà nước đều do đám cán bộ làm công tác tuyên truyền của đảng chủ động cả, nhất là những việc thay trắng, đổi đen và xuyên tạc lịch sử.

Công tác này đã diễn ra từ 80 năm qua, bắt đầu với Ban Cổ Ðộng và Tuyên Truyền ra đời ngày 1 tháng 8, 1930, với tập tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 1/8” nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên Bang Xô-Viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với nhân dân, hưởng ứng cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc. Từ đó, ngày 1 tháng 8 trở thành một cái mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của đảng, gắn liền với sự ra đời của một tài liệu lịch sử quý giá, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa trong công tác tuyên giáo của đảng.” (Theo: Minh Hải, Ban Tuyên Giáo Trung Ương)

Tổ chức này sau đổi thành Ban Tư Tưởng-Văn Hóa Trung Ương. Ðến năm 2007, ban này và Ban Khoa Giáo Trung Ương hợp nhất thành Ban Tuyên Giáo Trung Ương để tiếp tục làm công tác tuyên truyền và giáo dục chính trị trong đảng.

Sau quyết định này, Ban Bí Thư Trung Ương Ðảng (khóa X) ra quyết định lấy ngày 1 tháng 8 hằng năm làm Ngày Truyền Thống Công Tác Tuyên Giáo.

Năm nay (2010), việc tổ chức kỷ niệm được tập trung vào công tác kiểm điểm lại những việc đã làm được và còn thiếu sót của công tác tuyên giáo trong 80 năm qua, trong đó có điều được gọi là “Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và “tổ chức hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.”

Tuyệt nhiên không thấy những người cầm đầu ngành tuyên truyền cũ và mới đả động gì đến những tội ác chiến tranh của cơ quan (tuyên giáo) này.

Nếu có thì giờ tính sổ từ cái ngày được gọi là Cuộc Cách Mạng Mùa Thu 1945 cho đến khi cuộc chiến huynh đệ tương tàn chấm dứt ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì không biết ngành tuyên truyền đã mắc cơ man nào vụ “nợ máu” với nhân dân hai miền Nam-Bắc Việt Nam.

Lịch sử đau thương của dân tộc vẫn còn đó và vô số nạn nhân của người cộng sản vẫn còn sống ở trong và ngoài nước. Những người này đã viết lại lịch sử bằng chính máu và nước mắt của họ.

Xin kể ra đây một số chuyện đau thương nổi bật nhất:

1. Cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc từ 1953 đến 1956 đã có mấy chục ngàn dân chết oan và mất tích, kể cả những người đã cưu mang Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng, Võ Nguyên Giáp v.v...

2. Cuộc chiến xâm lăng miền Nam Việt Nam của đảng CSVN từ 1960 đến 1975 đã thiêu đốt bao nhiêu triệu sinh linh con người Việt Nam ở cả hai miền đất nước, trong đó có hàng trăm ngàn thanh niên, thiếu nữ tuấn tú của miền Bắc đã bị tuyên truyền lừa bịp lao đầu vào cuộc chiến thiêu thân dưới danh nghĩa ngụy tạo “Giải phóng miền Nam”?

3. Liệu đảng CSVN có rửa được vết nhơ trong vụ tấn công Tết Mậu Thân 1968 ở miền Nam Việt Nam với vụ thảm sát trên 7,000 thường dân và viên chức vô tội mà bộ máy tuyên truyền của đảng CSVN đã vu oan cáo vạ cho họ là những “kẻ có nợ máu với nhân dân”?

4. Vụ ép buộc và đánh lừa hàng trăm ngàn quân-cán-chính Việt Nam Cộng Hòa đem tập trung vào các trại lao động dưới danh nghĩa ngụy danh cải tạo để đày đọa và hành hạ trả thù làm cho không biết bao nhiêu người chết mất xác nơi rừng thiêng, nước độc từ Nam ra Bắc sau 1975 có che giấu được tội ác của “những kẻ chiến thắng” không?

5. Chiến dịch tuyên truyền đánh tư sản mại bản sau khi người cộng sản chiếm được miền Nam năm 1975 và đẩy dân thành phố và vợ con binh lính và viên chức Việt Nam Cộng Hòa đi “vùng kinh tế mới” đã đưa đến phong trào người dân miền Nam liều chết vượt biển và vượt biên giới ra đi bằng đường bộ qua Cao Miên và Thái Lan. Mấy chục ngàn vong hồn những người dân Việt chết trên Biển Ðông và trong tay quân Khmer đỏ đâu biết rằng họ đã bị guồng máy tuyên truyền của CSVN xuyên tạc, mạ lỵ khi bỏ nước ra đi?

6. Bây giờ sau 24 năm gọi là “đổi mới” từ 1986, ngành tuyên truyền đã bôi son vẽ phấn cho chế độ đến mức nào để che giấu những thảm cảnh mà đảng đã gây ra cho người dân trong đời sống hàng ngày từ kinh tế, văn hóa đến giáo dục, chính trị và xã hội?

Nếu phải kể ra thì có hàng nghìn trang giấy cũng không ghi hết, vì ai cũng thấy công bằng xã hội chỉ có cho những ai biết xin-cho, các quyền tự do quy định trong Hiến Pháp cũng vậy. Bất công xã hội, hố ngăn cách giàu-nghèo giữa thành phố và nông thôn, giữa người ít học, không có cơ hội, không biết ra luồn vào cúi, không quen gọi dạ bảo vâng, làm đầy tớ ngoại bang càng ngày càng lan rộng, ăn sâu trong mọi góc cạnh của xã hội.

Tệ nạn tham nhũng, lãng phí, cường quyền, quan liêu, mất phẩm chất, vô đạo đức của vô số cán bộ, đảng viên nhất là những kẻ có chức, có quyền tiếp tục chồng lên như núi.

Nạn kỳ thị địa phương, phân hóa, chia rẽ dân tộc giữa kẻ chiến thắng và người bại trận vẫn còn sờ sờ ra đó mà ngành tuyên truyền thì luôn luôn phô trương cho những thành tích chỉ có giá trị trên giấy tờ trong khi trên thực tế lại đen thui như mõm chó mực!

Cán bộ ngành Tuyên Giáo hãy tự hỏi xem tiền bạc đâu mà trong xã hội ngày nay, có con cán bộ được đi nước ngoài học tốn vài chục ngàn dollars một năm trong khi hàng trăm ngàn trẻ em ở vùng đồng bằng Cửu Long và ở các vùng xa, vùng cao lại không được cắp sách đến trường?

Và do đâu có cán bộ không một ngày cắp sách đến trường mà vẫn có bằng Cử nhân, Tiến sĩ để thăng quan tiến chức? Có những bữa tiệc cán bộ phung phí 5 ngàn dollars trong khi nhiều người dân vẫn bữa đói, bữa no?

Tất cả những tỉ dụ nêu trên có phải là bằng chứng tốt đẹp của chế độ hiện nay không, hay đó là những chuyện bịa đặt của “các thế lực thù địch,” của “diễn biến hòa bình” và của “những kẻ nội thù” đang cấu kết với nhau để gây chia rẽ, xuyên tạc đảng và nhà nước và làm cho đảng “tự chuyển hóa,” “tự chuyển biến” đến nguy cơ tiêu tan?

Nhưng có lẽ cán bộ ngành Tuyên Giáo vẫn như bị quáng gà trước đồng tiền và danh vọng nên trong bài phát biểu tại đại hội Ðảng bộ cơ quan Ban Tuyên Giáo Trung Ương lần thứ II nhiệm kỳ 2010-2015 ngày 21 tháng 7 (2010) vừa qua, Tô Huy Rứa, ủy viên Bộ Chính Trị, trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương đã chỉ thị cán bộ phải: “Không ngừng phấn đấu, rèn luyện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu, đoàn kết, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của đảng, có tinh thần trách nhiệm cao trong việc đấu tranh chống lại các quan điểm trái với đường lối, cương lĩnh, điều lệ đảng; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chính trị nội bộ, góp phần làm thất bại chiến lược ‘Diễn biến hòa bình’ của các thế lực phản động, cơ hội chính trị trong tình hình hiện nay.”

Cùng ngày tại cuộc hội thảo: “80 năm công tác tuyên giáo của Ðảng - Kinh nghiệm và đổi mới,” Tô Huy Rứa đã phô trương lập trường cố hữu bảo vệ Chủ nghĩa Cộng sản của ngành Tuyên Giáo: “Trong 80 năm chiến đấu, xây dựng, trưởng thành của Ðảng, của sự nghiệp cách mạng do đảng lãnh đạo, công tác tuyên giáo đã góp phần tích cực trong việc xây dựng, củng cố những luận cứ khoa học, góp phần hình thành và phát triển đường lối, quan điểm của đảng; tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cổ vũ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên phong trào hành động cách mạng của các tầng lớp nhân dân; góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển lý luận về con người, khẳng định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình phát triển; phát triển nền báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, khoa học, giáo dục ngày càng vững mạnh; đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, phản động, làm thất bại âm mưu ‘Diễn biến hòa bình’ của các thế lực thù địch.”

Nói bô bô như thế nhưng ông Rứa có biết rằng, ngày nào đảng CSVN còn chúi đầu xuống cát mê sảng với chủ nghĩa Cộng Sản thì ngày đó dân tộc còn lầm than và đất nước chưa hết lạc hậu, chậm tiến?