Home Tin Tức Bình Luận Đàm phán hạt nhân dân sự Mỹ - Việt, ai hưởng lợi?

Đàm phán hạt nhân dân sự Mỹ - Việt, ai hưởng lợi? PDF Print E-mail
Tác Giả: Việt Hà, phóng viên RFA   
Thứ Sáu, 13 Tháng 8 Năm 2010 13:12

Hoa Kỳ và Việt Nam đang tiến hành đàm phán về hạt nhân dân sự, trong đó có việc chia sẻ các nguyên liệu và công nghệ hạt nhân.

 

 
Mô hình Nhà máy điện hạt nhân của VN dự định xây dựng tại xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận 

Liệu một thỏa thuận mà hai nước có thể đạt được trong thời gian tới liên quan đến hạt nhân sẽ mang lại lợi ích gì cho Việt Nam và Mỹ? Việt Hà có bài tổng hợp và tường trình

Trong buổi họp báo tại Bộ ngoại giao Hoa Kỳ ngày 5 tháng 8, người phát ngôn bộ ngoại giao Mỹ, Philip Crowley cho biết Hoa Kỳ và Việt Nam đang trong quá trình đàm phán hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ hạt nhân dân sự của Việt Nam. Tuy nhiên ông không cho biết cụ thể về cuộc đàm phán giữa hai bên:

Philip Crowley: Hoa Kỳ đang đàm phán từng giai đoạn với Việt Nam. Cũng bởi vì đang trong quá trình đàm phán nên tôi không thể đưa ra nhận xét gì về cách thức cũng như kết quả của các đuộc đàm phán. Và theo hiệp ước về không phổ biến vũ khí hạt nhân thì các nước có quyền theo đuổi việc làm giàu uranium vì mục đích dân sự.

Việt Nam được gì từ thỏa thuận này?

    Việt Nam thực tế đã có quyết định từ nhiều năm trước về phát triển điện hạt nhân dân sự vì thiếu điện. Carl Thayer   

Giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện quốc phòng Úc, chuyên gia nghiên cứu quân sự, kiêm giám đốc diễn đàn Nghiên Cứu Quốc Phòng về châu Á cho rằng thỏa thuận này sẽ giúp phát triển điện hạt nhân, giải quyết tình trạng thiếu điện của Việt Nam.

Carl Thayer: Việt Nam thực tế đã có quyết định từ nhiều năm trước về phát triển điện hạt nhân dân sự vì thiếu điện. Trong vòng 6, 7 năm qua Việt Nam đã làm việc rất chặt chẽ với Hoa Kỳ để tuân thủ các quy định về cấm phổ biến vũ khí hạt nhân.

Theo giáo sư Carl Thayer, thì việc đạt được thỏa thuận hạt nhân với Hoa Kỳ, mở đường cho việc phát triển hạt nhân dân sự, sẽ giúp Việt Nam đảm bảo được an ninh năng lượng cho mình, và không còn phải cạnh tranh với Trung Quốc, phụ thuộc vào nguồn năng lượng dầu khí từ Trung Đông.

Với mức tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 7% 1 năm, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trầm trọng trong thời gian tới. Theo dự đoán Việt Nam có thể sẽ thiếu đến 1 tỷ kw giờ điện trong năm nay với mức tiêu dùng điện năng tăng vào khoảng 18% một năm. Báo cáo đầu tư về nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam cho biết dự báo nhu cầu điện năng của Việt Nam vào năm 2020 sẽ là 380 tỷ kw giờ, gấp 4 lần năm 2010, trong khi  điện từ các nguồn than, dầu, thủy điện là những nguồn chính của Việt Nam hiện tại, đều đang cạn kiệt.

 
Nhà máy điện nguyên tử ở Cattenom, Pháp (hình minh họa). Photo courtesy of wikipedia. 

Năm 2009, Quốc hội Việt Nam đã chính thức đồng ý dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại tỉnh Ninh thuận, miền Nam Việt Nam. Theo đó Việt Nam sẽ tiến hành xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân với bốn lò phản ứng công suất 4.000 MW và hoàn tất từ năm 2020 đến 2022. Từ năm 2023 đến 2025 sẽ tiếp tục đưa vào 4 lò nữa với tổng công suất 4.000 MW. Tổng giá trị đầu tư là 11 tỷ đô la.

Mối lợi của Hoa Kỳ

Hiện các công ty từ các nước như Nga, Nhật bản, Trung Quốc, Pháp và Mỹ đều mong muốn được tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho Việt Nam. Công ty Rosantom của Nga đã được chọn để xây dựng nhà máy đầu tiên.

Hãng tin Nikkei của Nhật cho biết Bộ trưởng thương mại Nhật bản Masayuki Naoshima cùng với lãnh đạo các công ty Toshiba và Mitsubisshi sẽ đến Hà Nội vào tháng này. Đầu năm nay, tập đoàn điện hạt nhân Quảng Đông của Trung Quốc cũng đã ký thỏa thuận hợp tác hạt nhân với  Việt Nam.

Theo các nhà phân tích thì thỏa thuận hợp tác hạt nhân giữa hai nước, trong đó cho phép Việt Nam làm giàu hạt nhân vì mục đích dân sự, sẽ tạo điều kiện cho các công ty của Hoa Kỳ bán các vật liệu và lò phản ứng hạt nhân cho Việt Nam. Giáo sư Carl Thayer nhận xét:

    Các công ty Mỹ đang bực mình vì những ràng buộc khiến họ không thể tham gia vào thị trường Việt Nam. Bước đi này sẽ làm cho mọi chuyện dễ dàng hơn.
    Carl Thayer

Carl Thayer: Các công ty của Mỹ và đặc biệt là Westinghouse đã cố gắng tham gia vào thị trường Việt Nam trong nhiều năm. Các công ty Mỹ đang bực mình vì những ràng buộc khiến họ không thể tham gia vào thị trường Việt Nam. Bước đi này sẽ làm cho mọi chuyện dễ dàng hơn. Bằng việc tham gia và đóng vai trò tích cực của Mỹ  sẽ tạo môi trường thuận lợi dẫn đến những quyết định chính trị có lợi cho các công ty Mỹ so với các đối thủ cạnh tranh khác.

Ông Fred Hochpert, chủ tịch ngân hàng xuất nhập khẩu Hoa Kỳ, trong chuyến thăm Việt Nam hồi đầu tháng 5 cho biết, mục tiêu của Mỹ là tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam trong vòng 5 năm tới.

Fred Hochpert: Theo tôi cơ hội kinh doanh tại Việt Nam là rất lớn… chúng tôi xuất khẩu khoảng 3 tỷ đô la một năm và tổng thống Barack Obama muốn tăng gấp đôi con số ngày trong vòng 5 năm nữa, và Việt Nam là một trong những nước mà chúng tôi chắc chắn có thể thực hiện được mục tiêu đó.

Trò chơi hai mặt

Tuy nhiên, việc Hoa Kỳ đàm phán hạt nhân với Việt Nam và có thể cho phép Việt Nam làm giàu Uranium lại khiến các phân tích gia đặt câu hỏi về tính hai mặt của Hoa Kỳ. Tờ Wall Street Journal hôm 5 tháng 8 cho biết đã có những chỉ trích từ quốc hội Mỹ là các điều khoản trong thỏa thuận với Việt Nam sẽ đưa ra những điều kiện dễ dãi hơn so với các điều kiện mà Hoa Kỳ đặt ra cho các đối tác khác ở Trung Đông liên quan đến việc làm giàu Uranium. Ngày 15 tháng giêng năm ngoái, các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đã ký thỏa thuận với Mỹ, trong đó nước đối tác của Mỹ tại Trung Đông đã phải từ bỏ quyền làm giàu uranium của mình theo hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân.

 
Ông Philip J. Crowley. Photo courtesy of state.gov 
Trả lời câu hỏi của các phóng viên tại cuộc họp báo ở Bộ ngoại giao Mỹ ngày 5 tháng 8, người phát ngôn bộ ngoại giao Mỹ Philip Crowley nói quan điểm của Hoa Kỳ vẫn khuyến khích các nước theo gương của các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, nhưng quyền quyết định theo đuổi việc làm giàu uranium là thuộc về từng nước miễn là phải tuân thủ các quy định của hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân và các nghĩa vụ quốc tế.

Philip Crowley: Chúng ta muốn thấy nhiều nước hơn sẽ thực hiện những gì mà các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất đã làm và việc Việt Nam có làm vậy hay không thì đó là quyết định của Việt Nam. Chúng ta rất muốn càng ít nước càng tốt tham gia làm giàu Uranium. Chúng ta chắc chắn muốn thấy việc phát triển hơn nữa một hệ thống quốc tế đảm bảo các nguồn làm giàu uranium được giám sát chặt chẽ. Còn đối với nước nào vẫn muốn theo đuổi làm giàu uranium thì sẽ có những biện pháp đảm bảo việc thực hiện những thỏa thuận với cơ quan nguyên tử năng quốc tế, cũng như các nghĩa vụ chung.

Các nhà phân tích cũng cho rằng bằng việc cho Việt Nam quyền làm giàu Uranium, Hoa Kỳ đang chơi trò chơi hai mặt với các đối tác Trung Đông và ban cho Hà Nội những ưu tiên khác. Tờ Wall Street trích nguồn tin nói rằng Trung Đông đưa ra những mối nguy về phổ biến vũ khí hạt nhân nhiều hơn châu Á. Và Hoa Kỳ sẽ có những bước tiếp cận khác nhau  đối với từng khu vực và từng nước khác nhau. Giáo sư Carl Thayer nhận xét:

Carl Thayer: So sánh thảo thuận này với thỏa thuận của Ấn Độ, là nước không tuân thủ theo hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, tức là không có vũ khí hạt nhân, nhưng Hoa Kỳ vẫn cho phép Ấn Độ làm giàu Uranium. Các nhà phân tích thấy cùng một tình huống ở đây với  Việt Nam. Nhưng có một lập luận là việc Việt Nam phổ biến vũ khí hạt nhân là không lớn và đây không phải là khu vực bất ổn.

    Nhưng có một lập luận là việc Việt Nam phổ biến vũ khí hạt nhân là không lớn và đây không phải là khu vực bất ổn. Carl Thayer   

Theo giáo sư Carl Thayer, Việt Nam đã ký một lọat các thỏa thuận và biên bản ghi nhớ về hạt nhân với Mỹ trước đó. Việt Nam luôn tỏ ra tuân thủ đầy đủ các quy định của Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Việt Nam tham gia hiệp ước này vào năm 1982. Năm 2006, Việt Nam phê chuẩn hiệp ước cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân toàn diện.

Trả lời hãng tin Bloomberg, ông Vương Hữu Tấn, viện trưởng viện năng lượng Việt Nam nói ‘Việt Nam không có ý định làm giàu uranium do vấn đề chi phí và đây là công nghệ tế nhị. Việt Nam khong muốn làm cho các quan hệ quốc tế của mình thêm phức tạp’.

Để trả lời câu hỏi Mỹ có cần phải ý kiến Trung Quốc trước khi tham gia thỏa thuận này với Việt Nam hay không. Người phát ngôn bộ ngoại giao Mỹ nói:

Philip Crowley: Đây là đàm phán giữa Mỹ và Việt Nam, nó không có liên quan đến Trung Quốc.

Người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc Khương Du nói Bắc Kinh không biết gì về các chi tiết đàm phán giữa hai nước. Bà khẳng định lập trường của Trung Quốc ủng hộ các nước theo đuổi việc sử dụng hạt nhân cho điện dân dụng. Nhưng tất cả các nước phải tuân thủ nghiêm ngặt các nghĩa vụ về chống phổ biến vũ khí hạt nhân.

Ngày 6 tháng 8, hãng tin AFP cho biết người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nói Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn chưa đàm phán gì về một thỏa thuận phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình.