Tranh cử thống đốc |
Tác Giả: Nguyễn Văn Khanh | |||
Thứ Hai, 30 Tháng 8 Năm 2010 13:59 | |||
Chưa lúc nào khó bằng lúc này. Tình hình kinh tế khó khăn khiến các tiểu bang đang phải sống nhờ bằng tiền nợ, tất cả các chương trình phục vụ dân chúng đều bị cắt giảm, giờ làm việc của nhân viên cũng bị cắt dưới hình thức này hay hình thức khác, một số tiểu bang đã phải tính đến chuyện tăng thuế để có thêm ngân sách -dù biết dân chúng sẽ ào ạt chống đối. Hình minh họa Cũng chính vì khó khăn đó nên cuộc tranh cử thống đốc năm nay trở nên buồn bã hơn bao giờ hết. Tổng cộng có 37 tiểu bang bỏ phiếu chọn thống đốc, trong đó chỉ có 13 ông bà đương nhiệm ghi tên tái ứng cử. Thông thường số cựu thống đốc nhập cuộc cũng khá đông, nhưng năm nay vỏn vẹn chỉ có 5 ông. Ðiều đó chứng tỏ hình như chức thống đốc không phải là chức các chính trị gia Mỹ nhắm tới trong lúc này. Một trong những ông “cựu” đang nuôi hy vọng lấy lại ghế của mình là ứng viên Cộng Hòa Terry Branstard của tiểu bang Iowa. Từng giữ vị trí thống đốc từ năm 1982 cho đến năm 1999 mới từ giã chính trường để về làm Viện Trưởng Ðại Học Des Moines. Ông kể lại khi trình bày ý muốn ra tranh cử ghế thống đốc với gia đình, người lên tiếng chống đối đầu tiên “chính là nhà tôi”. Bà vợ ông bảo “bộ anh điên rồi hay sao?” Không biết các ứng viên đang tranh chức thống đốc có “điên” không, nhưng rõ ràng cuộc vận động tranh cử năm nay hầu như không có những lời hứa “sẽ giải quyết mọi khó khăn về mặt kinh tế ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên” hay “sẽ tạo thêm cả trăm ngàn công ăn việc làm cho dân chúng trong vòng 12 tháng sắp tới”. Thay vào đó, những câu cử tri nghe quen nhất ở cuộc bầu cử lần này là những hứa hẹn mang tính chung chung, chẳng hạn “sẽ có một ngày mai tươi sáng hơn”. Sự kiện này chứng tỏ chính những người đang nuôi mộng trở thành ông hay bà thống đốc cũng hiểu nếu được cử tri bỏ phiếu tín nhiệm hoặc tái tín nhiệm, họ sẽ phải đương đầu với trăm ngàn nỗi khó khăn, không ai dám vội đảm bảo những kế sách họ đưa ra cho tương lai sẽ đem lại kết quả giữa thời buổi các chính trị gia khắp nơi vẫn ví von “nhiều gai hơn hoa hồng”. Khó khăn thấy quá rõ nhưng tại sao vẫn có người thích làm thống đốc? Giáo sư chính trị học Alan Rosenthal, tác giả nhiều quyển sách chuyên nói về thống đốc và vai trò thống đốc của Hoa Kỳ trả lời: làm thống đốc “khỏe” hơn làm tổng thống. “Thống đốc không bị trách nhiệm nặng nề như tổng thống, nhưng vẫn hoạch định được chính sách và thực hiện chính sách họ tin là tốt nhất cho tiểu bang”. Ðiều này được ông “cựu” Robert Ehrlich của tiểu bang Maryland xác nhận, cho biết vai trò thống đốc “tiếp cận sát với dân hơn, thành quả nhìn thấy rõ hơn so với tất cả các chức vụ khác”, kể cả vị trí của một vị dân biểu mà ông đã phục vụ 8 năm ở Quốc Hội Liên Bang trước khi được dân chúng chọn làm thống đốc -dù chỉ một nhiệm kỳ. Ðối thủ chính trị của ông Ehrlich chính là đương kim Thống Ðốc Martin O'Malley, người đã cho ông “đo ván” cách đây mới vài năm. Ông Ehrlich không phải là người duy nhất muốn lấy lại chiếc ghế đã mất. Trong danh sách các ông “cựu” còn có ông John Kitzhaber của Oregon, ông Roy Barnes của Georgia và ông Jerry Brown của tiểu bang California. Ông Brown được chú ý đến nhiều nhất vì từng đảm trách 2 nhiệm kỳ thống đốc, từng được giới truyền thông Mỹ xem là chính trị gia sáng giá của đảng Dân Chủ, từng 3 lần thất bại khi ra tranh cử sơ bộ cho chức tổng thống và 1 lần không thành công khi tranh ghế thượng nghị sĩ. Ngoài ra, ông cũng từng làm chủ tịch đảng Dân Chủ ở California trong một thời gian ngắn, làm thị trưởng thành phố Oakland và đang ăn lương của tiểu bang trong vị trí Chưởng Lý do dân bầu lên. Ðương nhiên phải tin sẽ đắc cử mới ra tranh cử, và chính 5 ông cựu thống đốc cũng tin vào điều này khi quyết định trở lại hoạt động chính trị. Theo những nhà quan sát, có ít nhất 2 lý do khiến các ứng cử viên tin sẽ giúp họ thành công. Lý do đầu là dư luận quần chúng Mỹ không hài lòng với những người đang tại chức và lý do thứ nhì là họ đứng bên ngoài, không can dự vào những quyết định gây trở ngại mà dân chúng đang bực bội. Vì thế, những phát biểu được đưa ra trong các cuộc vận động tranh cử đều nhắm vào mục tiêu nhắc nhở cho cử tri thấy họ là người có sẵn kinh nghiệm và “không gì hay hơn là chọn người có sẵn kinh nghiệm để giải quyết khó khăn”, như ông Barnes vẫn thường nói với cử tri ở Georgia. Ngay chính các ông này cũng không thể ngờ có ngày ra tranh cử trở lại. Ông Ehrlich của tiểu bang Maryland nhìn nhận sau khi thất bại hồi 2008, “Tôi không nghĩ sẽ có dịp ra tranh cử trở lại ngay đâu”. Nhưng tình thế thay đổi quá bất ngờ, bên cạnh chuyện kinh tế, thất nghiệp “là chuyện cả nước Mỹ chuyển từ cánh hữu sang cánh tả” và ông biết đây là cơ hội bằng vàng để thu hút lá phiếu của tập thể cử tri bảo thủ thầm lặng “đang lo âu nước Mỹ sẽ đi quá đà”. Ông Kitzhaber của Oregon cũng thế, bảo từ khi ông rời chức thống đốc hồi 2003 đến giờ, “chưa bao giờ tình hình lại lộn xộn như bây giờ”. Ông chỉ trích những người kế nhiệm và ngay cả người đương nhiệm “không biết điều hành, không biết giải quyết vấn đề, tạo khủng hoảng xã hội”. Ông Kitzhaber còn khoe người trẻ trong tiểu bang “đòi hỏi phải có tiến bộ” và ông là người họ có thể đặt niềm tin. Nhưng dù có thành công ở cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây, các ông cựu thống đốc đều biết tình hình chưa sáng sủa lắm nên chính tương lai chính trị của họ cũng... không sáng sủa theo. Ðừng quên luật lệ nhiều tiểu bang quy định cứ 2 năm lại bầu thống đốc một lần, nên nếu đắc cử kỳ này và mọi chuyện vẫn không thay đổi, đến năm 2012 thế nào cũng có các vị cựu thống đốc khác nhảy vào cuộc chiến và cử tri một lần nữa sẽ nghe được những gì lúc này họ đang nghe.
|