Có Gì Mới Lạ Tại Đại Hội Sắp Tới Của Đảng Cộng Sản Việt Nam ? |
Tác Giả: Bùi Hoài Nam | ||||
Chúa Nhật, 12 Tháng 9 Năm 2010 10:14 | ||||
Hầu hết tất cả những người đã về nghỉ hưu, dầu có còn nghĩ tới đảng chăng nữa, đều có quan điểm không khác gì nhiều so với quan điểm của lớp người trẻ ở trong nước nay trong nhiều trường hợp đã mạnh dạn đứng lên tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền\. Họ coi giới lãnh đạo cao cấp hiện nay của Đảng là bất xứng. Tại kỳ Hội Nghị thứ 12 mới đây (tháng 3, 2010) của Ban Chấp Hành Trung Ương, một hội nghị có tính cách quyết định để sửa soạn cho Đại Hội, Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh có nói rõ là : “Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức căn bản. Đảng Cộng Sản Việt Nam là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà Nước và xã hội”. Đồng thời Chủ Tịch Quốc Hội, Nguyễn Phú Trọng (mà nhiều người cho rằng có thể thay thế Nông Đức Mạnh) cũng lên tiếng chủ trương Đảng phải trở về với cương lĩnh năm 1991, một cương lĩnh cực kỳ bảo thủ. Như vậy có nghĩa là đường lối trong tương lai của Đảng sẽ không thay đổi. Đối với những người đương tại chức và nắm quyền thì những chủ trương này là lẽ đương nhiên, nhưng đối với một số đông những người đã về nghỉ hưu hay những người được gọi là “lão thành cách mạng, cách mạng tiền khởi nghĩa” thì quan điểm của họ lại khác. Và tại đây người ta thấy ngay, nổi bật lên những mâu thuẫn giữa thế hệ những người đương quyền và thế hệ những người đã về nghỉ hưu. Hầu hết tất cả những người đã về nghỉ hưu, dầu có còn nghĩ tới đảng chăng nữa, đều có quan điểm không khác gì nhiều so với quan điểm của lớp người trẻ ở trong nước nay trong nhiều trường hợp đã mạnh dạn đứng lên tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền\. Họ coi giới lãnh đạo cao cấp hiện nay của Đảng là bất xứng. Về những quan điểm này, trước hết người ta được biết ý kiến của ông Nguyễn Văn An, Cựu Chủ Tịch Quốc Hội. Trong một bài trả lời phỏng vấn, ông An đề nghị nếu muốn có sửa đổi để điều chỉnh guồng máy Nhà Nước (gần đây đã có đề nghị gồm cả hai chức Tổng Bí Thư và Chủ Tịch Nhà Nước vào làm một) thì phải trở về với tinh thần của Hiến Pháp năm 1946, tôn trọng quyền phúc quyết của người dân (trong lúc còn tại chức thì không thấy ông nói những điều này). Cùng một chiều hướng chống đối, nhưng đi xa hơn nữa thì có bức thư của Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại Sứ Việt Nam tại Trung Quốc cùng với 17 tướng lãnh và lão thành cách mạng gửi lên Bộ Chính Trị (ngày 22 tháng 4, 2010) lên án nặng nề Trung Tướng Nguyễn Chí Vịnh, nhân vật được coi là người của Trung Cộng, Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng và Trưởng Ban Tư Tưởng Văn Hóa Trung Ương Tô Huy Rứa. Rồi đến bản “Lược ghi buổi gặp mặt bạn bè, thân hữu, nhân ngày kỷ niệm 35 năm ngày 30 tháng 4, 2010 của những ông Lê Hữu Hà, Nguyễn Thị Cương, Nguyễn Văn Bé, Trần Trọng Tân (toàn những người trên 60 tuổi đảng) với sự có mặt của ông Nguyễn Văn An, nguyên Ủy Viên Bộ Chính Trị và Chủ Tịch Quốc Hội. Ông Tân đã chỉ trích không tiếc lời giới lãnh đạo của đảng (nguyên văn lời ghi chép của bản lược ghi : “Tôi nói thật với các anh Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang và cả Bộ Chính Trị nữa, là nếu tình hình này kéo dài thì sự căm phẫn của hai giai cấp công nhân và nông dân với sự đồng tình cao độ của trí thức có văn hóa và nhân dân lao động khác sẽ đứng lên lật đổ cái Đảng, cái chế độ của các anh đang là lãnh đạo của họ”). Tiếp đến lại là những lời đề nghị của Luật Sư Trần Lâm, đề nghị đảng tách ra làm hai và đặc biệt hơn cả một bài viết dài nhan đề “Trách nhiệm lịch sử” của tác giả cuốn Giòng Đời, ông Nguyễn Trung, một cựu công thần của chế độ. Ông Nguyễn Trung đưa ra nhận định: Đảng đã đánh mất nhiều cơ hội trong quá khứ để thực hiện điều mà ông gọi là “sự thống nhất dân tộc ở tầm cao trên nền tảng của dân chủ”. Ông đưa ra thực trạng của đất nước ngày nay bằng cách ghi nhận những tệ nạn như “cơ hội tranh thủ vơ vét, tài nguyên tranh thủ khai thác, đất đai tranh thủ chia chác, thi nhau phô trương địa vị, bằng cấp với chất lượng thấp, giả và rởm, việc khó đùn cho tương lai hoặc cho người khác, giả vờ đạo đức và yêu nước, rồi ông đặt câu hỏi “Đảng mới chỉ hoàn thành sự nghiệp lãnh đạo nhân dân giành độc lập, thống nhất, còn sau 35 năm lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, ngày nay nước ta đang ở đâu ? Đất nước này được gì ? Mất gì ? Người dân nước này được gì mất gì ? Nguy cơ phía trước đối với đất nước là nhãn tiền hay không phải vậy ?”. Những câu hỏi như vậy chắc cũng đã được âm thầm dặt ra trong đầu óc mọi người nay mới bộc phát ra nên gần đây người ta mới được thấy Quốc Hội Việt Nam, từ trước đến nay vẫn được liệt vào hạng bù nhìn, bác bỏ dự án của chính phủ xây đường sắt cao tốc nối liền Sài Gòn- Hà Nội với kinh phí dự trù 56 tỷ Mỹ Kim ? Thật là chưa bao giờ gần đến ngày Đại Hội người ta lại thấy nhiều tin trái ngược lại với đường lối của Đảng như lúc này. Từ nay cho đến ngày Đại Hội còn hơn 5 tháng nữa. Các Ban chấp hành địa phương, các Đảng Bộ Cơ Sở (các bộ, quân đội, công an, các tổ chức chính trị, xã hội) đang tổ chức kiểm điểm ưu, khuyết điểm của nhiệm kỳ sắp hết (2006-2010) để báo cáo trước Đại Hội cũng như để sửa soạn hai tài liệu quan trọng : bản “Dự thảo cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” và bản “Báo Cáo chính trị của khóa X tại Đại Hội XI”. Liệu rồi đây trước ngày Đại Hội có còn những biến chuyển ngoạn mục gì nữa không ? Nhưng có hay không thì với tình hình chung bất trắc của đất nước cũng như vì tình hình đầy mâu thuẫn trong nội bộ của Đảng, Đại Hội cũng phải đối phó với ba thách thức lớn : thay đổi nhân sự ở cấp lãnh đạo cao nhất, đối phó không những với những khó khăn về mặt kinh tế mà còn cả với nguy cơ đang đè lên đầu dân tộc bởi chủ trương bá quyền của nước bạn đàn anh, Trung Cộng, và sau hết là nhu cầu khẩn thiết, điều chỉnh chế độ và guồng máy nhà nước đang bị đục khoét bởi quốc nạn tham nhũng. Nhận định về hiện trạng trên đây, một số người ở trong nước cũng như ở ngoài nước cho rằng đã đến lúc trong lòng người dân ở Việt Nam cũng như ngay trong hàng ngũ những người Cộng Sản đã và đang có những chuyển động lớn, vì vậy mà phải nắm lấy thời cơ để đẩy mạnh sự chuyển hóa về mặt chính trị. Tinh thần lạc quan là một động lực có thể đẩy mạnh công cuộc tranh đấu cho đại cuộc để sớm mang lại tự do, dân chủ và nhân quyền thực sự cho dân tộc, nhưng nếu nhìn vào thực tế thì ai cũng phải nhìn nhận là con đường tranh đấu của mọi người, trong nước cũng như ở ngoài nước, còn nhiều chông gai. Không ai được quên rằng tất cả những lời tuyên bố có vẻ cấp tiến hay tiến bộ được đề cập tới trên đây đều là từ phía những người thuộc lớp người, dù có là đại công thần chăng nữa, nay không còn ảnh hưởng gì nữa đối với đám người đang mải mê vơ vét tiền bạc và tìm cách giữ chỗ trong chế độ để ăn trên, ngồi chốc. Cách đây vài năm, người ta đã từng thấy ông Võ Văn Kiệt, cựu Thủ Tướng, mãi đến khi về hưu rồi mới đưa được ra những lời tuyên bố “Lịch sử đã đặt nhiều gia đình miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này vừa ở phía bên kia… Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có cả hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương cần phải được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Hơn thế nữa, người ta cũng không nên quên rằng chủ trương căn bản của giai cấp lãnh đạo ở Việt Nam hiện nay là làm sao cứu được Đảng trước còn lợi ích quốc gia thì bị đặt xuống ưu tiên thứ hạng, điều mà chính ông Nguyễn Trung trong bài viết “Trách nhiệm lịch sử” đã phải lớn tiếng yêu cầu: “Xin đừng đẩy Tổ Quốc xuống hàng hai”. Đại Hội thứ 11 sắp tới đây của những người Cộng Sản ở Việt Nam sẽ đưa đất nước theo chiều hướng nào để đối phó với những thử thách lớn lao cả về hai mặt đối nội và đối ngoại như đã được đề cập tới ở trên đây, hiện nay người ta chỉ mới được biết qua những kỳ họp của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng và những lời đồn đại nửa hé mở, nửa công khai của một số người trong Đảng không còn tin tưởng vào tương lai của Đảng nữa. Nếu nói đến những triệu chứng cho thấy đất nước đã chuyển mình, thì qua sự chống đối nhà cầm quyền từ mọi phía, từ trong Đảng cho đến ngoài dân gian, âm thầm cũng như công khai, không ai phủ nhận được là hoàn cảnh lúc này càng ngày càng thuận lợi hơn trước cho tất cả những người tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở trong nước và ngoài nước. Tuy nhiên công cuộc tranh đấu còn đòi hỏi nhiều kiên nhẫn, nhiều sửa soạn vì theo như lời của một nhân vật của chế độ Cộng Sản thời còn Liên Bang Xô Viết, ông Yeltsin (người thay thế ông Gorbachev) “Chế độ Cộng Sản không thể nào sửa đổi được, phải thay thế nó” Ngày 15 tháng 7, 2010
|