Từ sau 1975, ‘chữ tín’ của Mỹ bị thách đố |
Tác Giả: Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt | |||
Thứ Hai, 13 Tháng 9 Năm 2010 16:18 | |||
T.S. Nguyễn Tiến Hưng nói về việc Hoa Kỳ rút quân khỏi Iraq
Cách đây hơn một tuần, chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố chính thức chấm dứt nhiệm vụ tác chiến của những đơn vị Mỹ tại chiến trường Iraq, và chỉ lưu lại 50 ngàn quân, có trách nhiệm cố vấn và huấn luyện cho quân đội Iraq. Gần 40 năm về trước, hành động này của Hoa Kỳ đã từng diễn ra, ngay tại miền Nam Việt Nam. Và lần này, cuộc rút quân có nhiều điểm tương đồng với 40 năm trước. Lịch sử lặp lại như thế nào? Và bước ngoặt này mang ý nghĩa gì? Mời độc giả theo dõi cuộc phỏng vấn sau đây của Người Việt với Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng, nguyên tổng trưởng kế hoạch của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và cũng là phụ tá tái thiết của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Cuộc phỏng vấn do Ðinh Quang Anh Thái thực hiện. - ÐQAThái (NV): Hoa Kỳ đã chấm dứt nhiệm vụ tác chiến tại Iraq, chỉ để lại những binh sĩ cố vấn. Tiến sĩ bình luận ra sao về sự việc này? - T.S. Nguyễn Tiến Hưng: Tuy rằng hai cuộc chiến, hai mục đích, hai hoàn cảnh lịch sử khác hẳn nhau, và Việt Nam không phải Iraq, nhưng xét về những diễn tiến của cuộc chiến, và liên lạc giữa đồng minh, thì 2 cuộc rút quân, cách nhau gần 40 năm, có nhiều điểm khá giống nhau. Như chúng tôi đã viết: “Do Thái là tiền đồn của Mỹ ở Trung Ðông, quyền lợi của Mỹ đòi phải giảm đi mối đe dọa của Iraq đối với Do Thái, vậy thì bây giờ dẹp xong được Saddam Hussein rồi và khi mối đe dọa về dầu lửa đã giảm đi, đã đến lúc phải rút quân để dồn lực vào Afghanistan.” Ngoài ra, cuộc chiến ở Iraq đã lấn cấn ngay từ đầu về mục đích của nó: lúc đầu thì Tổng Thống Bush nói là vì Saddam có vũ khí sát hại đại chúng (WMD). Khi tìm không thấy WMD thì đổi mục đích là ‘để tiêu diệt nguồn gốc yểm trở quân phá hoại’, rồi đổi ra mục đích ‘xây dựng dân chủ’ - “Operation Iraqi Freedom,” rồi cả hai. Bởi vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, 53% nhân dân Mỹ cho rằng Tổng Thống Bush sai lầm. Bây giờ thì cuộc chiến đã kéo dài trên 7 năm, 4,400 quân nhân Mỹ tử thương, tốn phí cả gần một ngàn tỷ đô la, và 72% người Mỹ vẫn chống đối. Tuy nhiên, về thời điểm rút quân, chúng ta cần để ý, lại là cái mốc ‘bầu cử tổng thống Mỹ’. Cứ đến gần mốc đó là có sự đổi ngược chính sách (như ở miền Nam năm 1968 và 1972). Ở Iraq, gần đây nhất là bầu cử 2008. Mặc dù Tổng Thống Bush luôn tuyên bố “sẽ theo đuổi tới cùng” và “sẽ ở lại bao lâu còn phải ở lại,” nhưng tới bầu cử 2008 thì ông đã ký một hiệp định “Status of Forces Agreement,” ấn định sẽ rút hết quân vào cuối 2011. Khi tranh cử, ông Obama nắm ngay lấy cơ hội, hứa dứt khoát sẽ rút hết quân vào năm 2011. Bây giờ sắp đến tuyển cử giữa kỳ (Mid-term Election), chẳng lạ nếu thấy Tổng Thống Obama tuyên bố “Mission Iraqi Fredom is over,” và sẽ rút hết quân vào cuối 2011. Trong cuốn “Tâm tư Tổng Thống Thiệu,” chúng tôi có ghi rất rõ: “Tổng Thống Nixon đã chuẩn bị kỹ càng ngay từ 1969-1970 cho cuộc bầu cử tổng thống năm 1972, và bây giờ đúng 40 năm sau, Tổng Thống Obama đang chuẩn bị ngay từ 2009-2010 cho cuộc bầu cử năm 2012.” - NV: Cách nhận định của tiến sĩ khiến độc giả có thể có cảm tưởng rằng tình hình hiện nay ở Iraq có nhiều điểm khá tương đồng với tình hình miền Nam Việt Nam những tháng đầu tiên của năm 1975 dẫn tới sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa? - T.S. Nguyễn Tiến Hưng: Lịch sử thường lặp lại! Nếu so sánh như thế khi nói tới những tháng đầu năm 1975 là lúc cao điểm thì ta phải đợi tới cuối năm 2011. Theo ước tính của chúng tôi về việc rút quân, ở Iraq bây giờ cũng giống như ở miền Nam vào năm 1971: Tổng Thống Nixon rút quân từ mức 336 ngàn xuống 133 ngàn, tức là rút 203 ngàn hay trên 60% trong một năm. Bây giờ quân đội Mỹ đóng ở Iraq chỉ còn khoảng 50 ngàn, như vậy là đã rút đi gần 70% rồi. Nói về việc rút quân, có vài điểm đáng chú ý: Thứ nhất, khi muốn rút quân, Hoa Kỳ thường vận động để bản thân giới lãnh đạo ở nước sở tại tuyên bố đồng ý với mình để ra đi cho đẹp. Tổng Thống Thiệu kể lại là khi vừa lên chức thì Tổng Thống Nixon đã mời ông tới họp ở đảo Midway. Vừa gặp nhau, Tổng Thống Nixon đã nói là ông chỉ muốn rút đi một số quân nhỏ để làm dịu tình hình phản chiến ở Mỹ. Rồi thêm “Ngài giúp tôi để tôi giúp Ngài.” Tổng Thống Thiệu trả lời: “Vâng, tôi sẽ giúp Ngài để Ngài giúp tôi.” Sau cuộc họp, ông Thiệu tuyên bố là VNCH đồng ý để Mỹ ‘tái phối trí’ (thay vì dùng chữ ‘rút quân’). Bây giờ cũng vậy: Tổng Thống Obama tuyên bố: “Nhân dân Iraq sẽ đảm nhiệm trách nhiệm về an ninh trên đất nước của họ”. Và Thủ Tướng Maliki tuyên bố: “Lực lượng an ninh của Iraq đủ sức để đảm nhận trách nhiệm của mình”. Thứ hai, khi tôi nghe Tổng Thống Obama tuyên bố “bây giờ là lúc lật sang một trang sử mới,” tôi lại nhớ tới lời Tổng Thống Ford tuyên bố ở đại học Tulane ngày 27 tháng 4 năm 1975, giống y như vậy. - NV: Thưa tiến sĩ, lịch sử thường lặp lại như tiến sĩ vừa nói, như vậy, phải chăng ở Iraq bây giờ đồng minh lại chuẩn bị xoay lưng một lần nữa? Ai còn dám tin vào nước Mỹ nữa? - T.S. Nguyễn Tiến Hưng: Câu hỏi liệu ai còn dám tin nước Mỹ nữa thì cần nhiều thời gian để phân tích vì nó có nhiều khía cạnh phức tạp. Trong mỗi hoàn cảnh, câu hỏi chính vẫn là liệu quyền lợi trực tiếp của Mỹ có dính líu vào hay không, và dính vào như thế nào? Dù sao, sau 1975, lãnh đạo nhiều nước cũng đã đặt nặng vấn đề ‘chữ tín’ đối với Hoa Kỳ. Chính Tiến Sĩ Kissinger cũng phải công nhận là uy tín của Mỹ xuống thấp tới độ một nước như Iran mà đã bắt trọn tòa đại sứ Mỹ ở Teheran (52 người) làm con tin. Ngày nay, chính phủ Do Thái cũng đang đặt vấn đề ‘chữ tín’ vì họ nói là năm 1995 Mỹ công nhận “Jerusalem phải là thành phố thống nhất và thuộc về lãnh thổ Do Thái” mà bây giờ Tổng Thống Obama lại ngăn chận Do Thái xây cất nhà cửa ở miền Ðông Jerusalem. Nhưng Do Thái phải hiểu rằng năm 1995 không phải là 2010. - NV: Với những kinh nghiệm của ông khi thương thảo với Mỹ, theo tiến sĩ, chính phủ Iraq nên ứng xử như thế nào trước tình hình này? - T.S. Nguyễn Tiến Hưng: Chúng tôi nghĩ rằng đối với Iraq vào thời điểm này thì đã quá muộn, có thể chỉ còn ba khuyến cáo: Thứ nhất, tính cho tới cuối 2011 (lúc quân đội Mỹ rút đi hết) Iraq chỉ còn khoảng 480 ngày nữa thôi. Nếu không kể số giờ ngủ, nghỉ (khoảng một nửa), thì số giờ còn lại để làm việc là không tới 6,000 giờ. Ấy là chưa kể những ngày nghỉ cuối tuần, lễ nghỉ quốc gia, lễ nghỉ tôn giáo, v.v. Như vậy, Thủ Tướng Maliki phải gấp rút thành lập một chính phủ cho thật nhanh để có một sự đoàn kết tối thiểu, vì tính từ lúc ông ấy thắng cử tới nay là đã 6 tháng rồi mà chưa thành lập được một chính phủ; Thứ hai, khi có được chính phủ thì phải tìm mọi cách để nhượng bộ, hòa giải để có được một sức mạnh tượng trưng thì mới có chút hy vọng. Nhưng điều này nói dễ, làm khó: có rất nhiều yếu tố chia rẽ, nhất là ba phe nhóm của họ khó mà đội trời chung với nhau, đó là Shiites, Sunnis và Kurds. Rồi lại có sự can thiệp của các nước láng giềng: Turkey, Saudi Arabia, Iran, Jordan, v.v. Thứ ba, điều quan trọng đối với ông Maliki là nếu Tổng Thống Obama hay Ngoại Trưởng Clinton có bí mật hứa hẹn điều gì trong các cuộc gặp gỡ hay rỉ tai hay bằng văn thư thì chớ có tưởng bở, phải yêu cầu họ công khai hóa, và thông báo cho Quốc Hội Hoa Kỳ để họ đồng thuận thì mới được. Chẳng hạn như chính khách Mỹ có thể nói rằng “đừng lo, cứ để chúng tôi rút quân, chúng tôi vẫn tiếp tục ủng hộ các ông, vì chúng tôi vẫn đóng quân ở Saudi, Kuwait, khi cần thì chúng tôi phản ứng ngay, v.v.” Tôi nghi ngờ rằng điều này hiện thời đang xảy ra, và đằng sau lời tuyên bố mạnh mẽ của Thủ Tướng Maliki (để cho quân đội Mỹ rút đi cho êm đẹp) là đã có những vận động hậu trường đối với ông này và những người chung quanh ông ta rồi. - NV: Cám ơn tiến sĩ đã dành thì giờ cho Người Việt.
|