Hết Sợ PDF Print E-mail
Tác Giả: Ts. Nguyễn Đình Thắng   
Thứ Ba, 05 Tháng 10 Năm 2010 09:55

Được vậy, con người sẽ từ thụ động chuyển dần sang thành chủ động. Và tinh thần chủ động sẽ đẩy lùi nỗi sợ hãi.

 

Đặc tính của các chế độ độc tài là cai trị bằng sự sợ hãi-người dân sợ hãi chính quyền-trong khi trong các thể chế dân chủ thì chính quyền sợ dân. Khi người dân không sợ nữa thì đó là ngày tàn của chế độ độc tài.

Nhà nước Việt Nam rất tinh vi trong việc sử dụng sự sợ hãi. Người dân trong nước sợ đã đành. Nhiều người đã vượt thoát ra vùng trời tự do mà vẫn còn sợ hãi.

Có người sợ hãi vì có thể bị nguy hiểm khi về nước thăm thân nhân. Có người sợ hãi rằng lời nói hay việc làm của mình có thể gây cho thân nhân ở trong nước bị trả thù. Và có người lại còn giải thích rằng sợ sẽ không được về nước để thực hiện các công tác từ thiện.

Nếu cũng lập luận như vậy thì người ở miền Nam trước đây đã chẳng dám chiến đấu bảo vệ tự do vì trong số họ rất nhiều người có thân nhân ở miền Bắc.

Nếu cũng lập luận như vậy thì các quốc gia Âu Châu dưới thời Đức Quốc Xã chẳng ai dám tham gia kháng chiến hay hợp tác với đồng minh để giải phóng quê hương.

Nếu cũng lập luận như vậy thì cộng đồng tị nạn người Ba Lan, Latvia, Iraq, Phi Luật Tân, Nam Dương... trước đây và những cộng đồng tị nạn Miến Điện, Cuba, Trung Hoa… ngày nay đã đầu hàng từ lâu chế độ độc tài ngự trị trên đất nước họ.

Thế thì tại sao một số người Việt tị nạn, hậu duệ của thế hệ cha ông anh hùng và lớn lên ở một đất nước của những anh hùng (the land of the brave), lại hãi sợ đến vậy?

Tôi không có câu trả lời. Tuy nhiên nhiều khi chúng ta không cần biết căn nguyên mà vẫn có thể tìm ra giải pháp.

 
Khi mới tiếp xúc với một số người có thân nhân là nạn nhân của vụ đàn áp ở Cồn Dầu, phần lớn bày tỏ sự sợ hãi, không muốn lên tiếng, không dám ra mặt. Trước tình hình ấy, khi chúng tôi phát động chiến dịch Cứu Cồn Dầu, chỉ có dăm ba người trong số họ đồng ý ra mặt tham gia chiến dịch. Số người còn lại sẵn sàng yểm trợ ở đằng sau, một cách kín đáo.

Khi chiến dịch Cứu Cồn Dầu tiến triển với buổi điều trần trước Uỷ Hội Nhân Quyền Tom Lantos, với sự lên tiếng của một số vị dân biểu, với sự hưởng ứng ngày càng nhiều các tổ chức nhân quyền quốc tế… thì những người trước kia sợ hãi đã nhả dần sự sợ hãi ấy ra.

Tôi hỏi họ: Không sợ thân nhân bị đàn áp à? Không sợ sẽ không được về thăm xứ đạo nữa sao?

Câu trả lời là, nếu không tranh đấu thì cũng chẳng còn xứ đạo để về thăm và có lên tiếng thì sự đàn áp cũng không thể dã man hơn hiện nay.

Điều này làm tôi suy nghiệm và đi đến một kết luận: vì thấy mình bất lực, trước đây họ sợ hãi; nhưng càng biết cách vận động, càng hiểu rõ mối tương quan giữa các thế lực, và càng cảm thấy mình có thể chủ động thay đổi tình thế, họ càng tự tin hơn và mối sợ càng giảm dần di.

Và chính sự tự tin này đã lây lan từ người này sang người khác, không những chỉ ở hải ngoại mà cả ở trong nước. Nhiều nạn nhân ở Cồn Dầu trước đây chỉ biết phủ phục thì nay cũng đã tự tin hơn vì họ cảm thấy có thể đặt niềm tin vào những thân nhân ở Hoa Kỳ-- trước đây, khi người ở Hoa Kỳ còn sợ hãi thì người ở trong nước lấy đâu để đặt niềm tìn?

Muốn giúp cho mọi người vượt qua sự sợ hãi, chúng ta cần thực hiện hai việc.

Thứ nhất là giúp cho ngày càng nhiều người ở hải ngoại và ở trong nước hiểu được mối tương quan giữa các thế lực quốc tế và biết cách huy động chúng để làm đối trọng với thế lực của chính quyền độc tài.

Thứ hai là đề ra những kế hoạch có trọng tâm, có thời hạn, và có những mục tiêu cụ thể được thông báo trước. Qua đó mọi người có thể thấy được từng bước đi, nắm được tiến trình hành đ ộng, và đo lường được hiệu quả của công việc mình làm.

Được vậy, con người sẽ từ thụ động chuyển dần sang thành chủ động. Và tinh thần chủ động sẽ đẩy lùi nỗi sợ hãi.