Hà Nội: Những cái chưa hay, chưa đẹp |
Tác Giả: Trà Mi / VOA | |||
Thứ Ba, 05 Tháng 10 Năm 2010 15:14 | |||
Nói về vùng đất và con người thủ đô nhân dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, 3 người bạn trẻ đang sống ở Hà thành tham gia trong cuộc thảo luận tuần trước đã giới thiệu với chúng ta những nét hay, nét đẹp đặc trưng vốn nổi tiếng của Hà Nội. Trong buổi trao đổi hôm nay, các bạn sẽ bàn về những điểm chưa hay, chưa đẹp mà giới trẻ mong muốn được cải thiện, cũng như ước mơ của họ về Hà Nội trong tương lai. Mời quý vị và các bạn cùng gặp gỡ Ly, người Hà Nội gốc; Hương, sinh viên từ Hải Phòng đến Hà Nội học tập và sinh sống được 3 năm; và Bích, một cô dâu Sài Gòn theo chồng ra Hà Nội định cư mấy năm nay.
Ly: "Có lẽ bây giờ Hà Nội không còn gì đặc trưng, thật sự đã bị “bão hòa”, chỉ trừ có cái đặc biệt là người Hà Nội hay chửi hơn." Trà Mi: Trên báo chí trong nước và trên các trang mạng gần đây xuất hiện nhiều bài viết phản ánh rằng văn hóa thanh lịch của người Hà Nội đang bị mai một, trong khi đó lại xuất hiện văn hóa “bún mắng cháo chửi”. Ý kiến các bạn như thế nào? Các bạn có đồng tình với những nhận xét này không? Ly: Đúng đấy chị ạ. Bây giờ, sự hội nhập và thay đổi ảnh hưởng đến Hà Nội và cả con người Hà Nội. Bây giờ có những thay đổi “biến tướng”, ảnh hưởng văn hóa, đời sống, và tất cả những tính cách con người Hà Nội. Cho nên, giờ để nói thế nào là một người Hà Nội gốc, bọn em cũng không biết rõ đâu, chỉ cảm thấy sự thay đổi chỉ cần cách nhau 5-6 năm thôi đã khác biệt rất lớn rồi. Trà Mi: Những trang mạng thông tin cho thấy rằng văn hóa “ăn mắng” xuất hiện nhan nhản trên khắp đời sống người Hà Nội. Các bạn ở đây có kinh nghiệm nào chia sẻ không? Ly: Ở Hà Nội, khách vào quán sẽ nghe chủ quán chửi nhân viên và cả khách hàng luôn. Thế nhưng quán vẫn rất đông. Đó như là sự hiếu kỳ của thực khách, người này truyền qua người kia. Thật ra chỉ vì tiếng đồn rằng “Ở quán này có bà chủ chửi hay lắm”, thì mọi người kéo đến. Trà Mi: Mình không biết hiện tượng này phổ biến tới mức nào trong đời sống thực tế ở Hà Nội. Đọc các bài viết đó rất nhiều người nêu cùng ý kiến khiến mình tự hỏi không lẽ tất cả hàng quán ở Hà Nội, đời sống Hà Nội hiện nay là như thế hết cả sao? Các bạn ở đó thấy thế nào? Hương: Đại đa số hàng quán ở Hà Nội đều như vậy. Nếu chị bước vào những hàng quán bình dân ở Hà Nội, ngay lập tức sẽ cảm thấy rất bực mình với dịch vụ và cung cách phục vụ của họ. Các dịch vụ trong Sài Gòn rất tốt, nhưng ở Hà Nội này rất khó khăn. Ngay cả khi mình vào một quán cà phê rất đẹp và sang trọng, chỉ cần xin thêm một cốc nước lọc thôi đã nhận ngay một cái nguýt dài của anh bồi bàn rồi. Rất là khó khăn. Bích: Thật ra, mình ở Sài Gòn ra đây, mình đi ăn ở các quán thuộc khu trung tâm một tí thì thấy họ thường như thế. Nhưng mình ra các vùng ven như Cổ Nhuế, Cầu Diễn, hay Phạm Hùng…thì thấy dân ở đó họ thật thà hơn, dễ chịu hơn. Chỉ có vấn đề là nếu mình nói giọng miền Nam thì thế nào cũng bị chặt đẹp. Khác với trong Sài Gòn. Ở Sài Gòn, bạn có thể nói đủ loại tiếng, họ chỉ tính tiền một giá. Nhưng ngoài này, mình nói tiếng Sài Gòn một cái là “ăn chém” ngay. Trà Mi: Như vậy theo ghi nhận của Bích, người dân ở khu vực trung tâm Hà Nội thì có vẻ.. Bích: Dữ lắm, dữ lắm. Ví dụ mình vào quán ăn ít, họ cũng đuổi mình đi, không cho mình ngồi đấy nữa. Chẳng hạn mình bảo “Em chỉ ăn vài cái bánh thôi”, là họ bảo ngay “Ăn ít vậy đi chỗ khác đi”. Hoặc giả như đi mua hàng, mình trả giá, họ liền mắng “Hàng này mà trả như thế, không có tiền thì đi chỗ khác đi”. Mình sợ quá bước đi, họ chạy ra níu mình lại năn nỉ mua hộ đi. Mình rất kinh hãi với cái kiểu ở đây, ở vùng ven thì dân sống hiền hòa hơn. Trà Mi: Đó là kinh nghiệm của một người khách phương xa khi mới đặt chân tới Hà Nội. Sự “kinh hãi” này mình cũng đã thấy nhiều người chia sẻ trên những trang mạng, nhưng chưa được tận tai nghe một người nào kể cho những câu chuyện “sống động” như vậy. Ly: Hôm nào chị ghé Hà Nội, em sẽ đưa chị đi để chị được thưởng thức. Bây giờ mỗi lần em phải dắt du khách tới Hà Nội đi ăn, hay đi đâu đó, em phải rất cân nhắc. Muốn chọn một dịch vụ tốt, muốn thưởng thức những món ngon truyền thống, rất là khó. Cho nên sợ nhất là phải dắt khách nước ngoài đi ăn ở đây. Bích: Mình cũng cảm nhận giống bạn Ly đó. Nghĩa là muốn ăn những món truyền thống phải chịu nghe chửi. Còn đi những nhà hàng lịch sự sang trọng thì không thưởng thức được hương vị các món ăn truyền thống. Trà Mi: Đó cũng là “phong cách riêng” của Hà Nội, phải không ạ? Hương: Đúng thế. Trà Mi: Các bạn vừa chia sẻ những phong cách về ngôn ngữ, phong tục, ẩm thực của người dân. Những nét này chung quy có thể gọi là bản sắc văn hóa. Như vậy, có thể nói bản sắc văn hóa, nếp sống của Hà Nội ngày nay so với “Hà Nội thanh lịch” ngày xưa đã khác quá xa. Ly: Có lẽ bây giờ Hà Nội không còn gì đặc trưng, thật sự đã bị “bão hòa”, chỉ trừ có cái đặc biệt là người Hà Nội hay chửi hơn. Không biết có phải không, nhưng thật sự người Hà Nội giờ thay đổi rất nhiều. Trà Mi: Mình có nghe một số nhận định cho là văn hóa Hà Nội ngày nay không còn những nét tinh túy. Qua câu chuyện với các bạn hôm nay cũng thấy nhận định đó có phần nào đúng. Giả sử một người bạn phương xa được biết tiếng về Hà Nội thanh lịch hỏi các bạn rằng người Hà Nội ngày nay thanh lịch như thế nào. Các bạn trả lời ra sao? Hương: Câu trả lời đó rất khó. Bây giờ rất khó kiếm được người Hà Nội thanh lịch. Xưa người Tràng An thân thiện, hòa đồng, thanh lịch bao nhiêu thì giờ nó mất đi bấy nhiêu, gần như là không còn. Trà Mi: Một cách tóm tắt, theo các bạn, Hà Nội sau 1000 năm tuổi đã làm được những gì, điều gì chưa làm được, và cần cải thiện những mặt nào? Ly: 1000 năm qua đi, điều bọn em mong muốn nhất là sự thay đổi sao cho Hà Nội ngày càng phát triển đi lên về đời sống, con người, khoảng cách giữa người giàu-người nghèo rút ngắn lại, và không còn những cái bất công đang tồn tại trong xã hội về mặt kinh tế, chính trị. Mong sao người Hà Nội cố gắng thay đổi để tìm lại những nét tốt đẹp của ngày xưa. Hội nhập nhưng vẫn phải học hỏi những cái hay, cái đẹp, và giữ lại những gì truyền thống, những đức tính tốt đẹp của người Hà Nội ngày xưa. Trà Mi: Hương ước mong Hà Nội sẽ như thế nào trong 10-20 năm tới? Hương: Em thấy Hà Nội sau 1000 năm đúng là thay đổi theo quy luật của một thành phố cần phải phát triển. Thế nhưng cái gì cũng có giá của nó. Khi thành phố phát triển về mặt kinh tế, chính trị, mức sống người dân ngày càng cao lên, thì ngược lại, bản sắc văn hóa và những nét truyền thống càng ngày càng bị mai một rõ ràng chứ không phải dần dần nữa. Em chỉ hy vọng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội như thế này, người ta nhắc tới Hà Nội là nhắc tới 1000 năm văn hiến. Em mong rằng song hành với sự phát triển kinh tế-chính trị, đất nước ngày càng giàu đẹp, thì nét truyền thống văn hóa vẫn được lưu giữ lại để vài chục năm nữa em vẫn cảm nhận được Hà Nội vẫn thanh lịch, người Hà Nội vẫn là “người Tràng An” để phân biệt giữa “Kẻ Chợ Hà Nội-Thăng Long” với tất cả những nơi khác, không thể lẫn vào đâu được. Nếu cứ phát triển theo đà này mà không có biện pháp gìn giữ thì e là vài năm nữa thôi, Hà Nội sẽ không có gì đặc biệt so với những nơi khác. Trà Mi: Vừa rồi là ước mong của hai bạn về Hà Nội trong tương lai. Bích có gì khác bổ sung không? Bích: Mình thấy hiện tại ở Hà Nội đang xây dựng nhiều quá. 10-20 năm nữa hy vọng là xây dựng ổn định và có quy hoạch chứ không lộn xộn như bây giờ. Trà Mi: Cần làm gì để bảo vệ nét văn hóa truyền thống và kiến trúc văn minh của Hà Nội? Làm sao để Hà Nội xứng đáng là “trung tâm văn hóa quốc gia” sau 1000 năm tuổi? Bích: Để truyền thống của người Hà Nội không bị mai một, mình nghĩ, người Hà Nội nên chăm chú vào gia đình nhiều hơn, chứ không phải là chăm kiếm tiền xây nhà to đẹp, mua xe xịn. Người Hà Nội bây giờ lo kiếm tiền nhiều quá, lo làm giàu để chứng tỏ bản thân nhiều quá nên con cái không dạy dỗ nhiều. Nhiều khi mình nghe thấy em bé Hà Nội nói lẫn lộn chữ “n” và “l” trong khi bố mẹ em đều là người Hà Nội gốc. Mình rất ngạc nhiên. Trà Mi: Về điểm mà mọi người bức xúc, phản ánh hiện nay về “văn hóa mắng chửi”, làm thế nào xóa bỏ được nền văn hóa này để lấy lại “nền văn hóa thanh lịch” của người Hà Nội xưa kia? Bích: Người Hà Nội phải tẩy chay những hàng quán đó, không đi ăn những nơi đó, thì mới dẹp bỏ được. Như mình ra đây mình phản ứng, thì ông xã mình lại bảo là “Em không ăn thì thôi, đầy người họ ăn đấy, làm gì phải khó chịu như thế!” Nếu người nào cũng quan niệm như ông xã mình thì văn hóa đó vẫn còn mãi, không thay đổi. Có khi mình vào quán Lotteria, quán Tây như thế, mà vào đó vẫn bị nhân viên của quán nhại giọng và cười giễu một cách thiếu lịch sự. Mình tẩy chay quán đó ngay. Nếu người tiêu dùng mà bày tỏ thái độ và tẩy chay thì họ sẽ phải thay đổi. Trà Mi: Người trẻ có thể đóng góp như thế nào để góp phần tạo ra những thay đổi tích cực hơn? Ly: Em thấy giới trẻ bây giờ sống hơi thiếu chiều sâu, nặng về giá trị vật chất hơn là tinh thần. Dường như giới trẻ Hà Nội bây giờ không mong muốn gìn giữ cái Hà Nội cổ ngày xưa nữa, vì các bạn sinh ra vào thời điểm Hà Nội đang chuyển mình thay đổi. Bây giờ trên mạng có rất nhiều diễn đàn như nguoihanoi.net hay các diễn đàn về Hà Nội xưa. Các bạn có thể vào đó tìm hiểu thêm về văn hóa của người Hà Nội, cũng như trao dồi thêm kiến thức để đóng góp cho xã hội, đất nước mình thay đổi một cách tích cực. Mình cũng phải tiếp nhận những cái hay của các nước bạn như sự tự do ngôn luận và dân chủ. Đó là những cái cần đổi mới. Giới trẻ phải can đảm nhìn nhận vào sự thật, xem mình thiếu sót những gì , cần phải làm những gì, và can đảm làm những điều đấy từ những hành động nhỏ nhất. Có thế Hà Nội mới có thể thay đổi được. Hương: Hà Nội đang thay đổi, hiện đang là một thành phố ngày càng lớn mạnh, chỉ sau Sài Gòn ở Việt Nam này thôi, nhưng cái làm em không hài lòng nhất là cơ sở hạ tầng ở đây. Em mong ước Hà Nội sẽ thay đổi về mặt đường sá, xe cộ, giải pháp về nhà cửa, ách tắc giao thông… Em cảm thấy rất ngột ngạt vì Hà Nội cực kỳ bụi bẩn mà lâu rồi vẫn giải quyết chưa xong. Trà Mi: Đó là những tồn tại mà các bạn mong muốn thay đổi. Mình hy vọng là 10-20 năm nữa nhìn lại Hà Nội sẽ thấy được những sự thay đổi tích cực, tốt đẹp hơn. Cảm ơn các bạn đã dành cho chương trình những ý kiến ghi nhận rất thực tế và thú vị.
|