Home Tin Tức Bình Luận Hồ sơ kinh tế trong cơn địa chấn chính trị tại Mỹ

Hồ sơ kinh tế trong cơn địa chấn chính trị tại Mỹ PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nghĩa / Thanh Hà   
Thứ Sáu, 05 Tháng 11 Năm 2010 11:32

Tại Hoa kỳ, sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 02/11, Đảng Dân Chủ đã đại bại vì mất đa số tại Hạ viện,

 mất thêm ít ra sáu ghế Nghị sĩ ở Thượng viện và nhường vai trò Thống đốc cho đảng Cộng Hoà ở 29 tiểu bang để chỉ còn giữ lại được có 18 tiểu bang. Như giới quan sát đã dự báo, hồ sơ kinh tế đã làm đảng Dân Chủ mất phiếu khi thất nghiệp vẫn ở mức gần 10% trong hơn một năm qua và bội chi ngân sách gia tăng quá mạnh.


 
  Tổng thống Barack Obama ©Reuters
 
Giảm thâm hụt ngân sách và xét lại đạo luật cải tổ y tế, đây sẽ là hai hồ sơ lớn trong cuộc đọ sức giữa hành pháp và lập pháp tại Hoa Kỳ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống.

Từ California, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa phân tích thêm về nguyên nhân và hệ quả của chiến thắng của đảng Cộng hòa

  Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại California  05/11/2010
by Thanh Hà

- Ngay sau khi có kết quả sơ khởi của cuộc bầu cử thì hôm Thứ Tư mùng ba, Tổng thống Barack Obama đã họp báo để nói về tình trạng "tơi tả" - chữ của ông ta - của đảng cầm quyền, và rằng ông đã hiểu là vì tình hình kinh tế chưa sáng sủa nên cử tri có phản ứng. Câu trả lời đó cho thấy ông ta chưa hiểu gì cả, vì kinh tế chỉ là một nguyên nhân mà thôi!

Thanh Hà: Anh dùng một chữ hơi lạ và hơi bạo khi nói rằng Tổng thống Mỹ chưa hiểu gì cả! Tại sao lại như vậy ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Một sự thât mà nhiều người Mỹ vừa khám phá ra là có nhiều chuyện mà ông Barack Obama không hiểu gì cả! Có bốn nhân vật trong ban tham mưu kinh tế của ông thì ba người đã từ chức trong hai tháng qua nên chẳng còn ai nhắc ông về thực tế kinh tế nữa!

Nói về kinh tế thì Hoa Kỳ bị suy trầm từ Tháng 12 năm 2007 và đụng đáy vào Tháng Bảy năm 2009 mà rồi chưa hồi phục hẳn. Thất nghiệp vẫn tăng đều, từ 5,5% vào cuối năm 2007 lên tới 10% sau khi ông Obama nhậm chức được gần một năm. Ngày nay, mức thất nghiệp vẫn là 9,6% dân số lao động và kinh tế tăng trưởng với tốc độ quá thấp, chỉ số tin tưởng của giới tiêu thụ vẫn sa sút. Đó là về bối cảnh chung.

Trong hoàn cảnh đó, người dân chờ đợi là ưu tiên của chính quyền trong tay đảng Dân Chủ tất nhiên là giải quyết vấn đề quốc kế dân sinh, kinh tế và nhân dụng. Họ thất vọng vì điều ấy không xảy ra, ưu tiên của ông Obama và đảng Dân Chủ lại là chuyện khác, là cải tạo xã hội theo hướng bao cấp. Vì vậy, cử tri mới thấy bất mãn không chỉ vì tình hình kinh tế.

- Lý do ngoài kinh tế là Quốc hội Dân Chủ đã chủ quan ỷ thế đa số mà "tọng vào họng người ta" - là chữ được dùng bên này - mấy đạo luật tốn kém và vô hiệu về kinh tế. Ngay từ cuối năm ngoái, đảng Dân Chủ được nhiều biến cố tiên báo về sự thất vọng của dân chúng. Thí dụ là ứng viên Dân Chủ thất cử ở các tiểu bang có truyền thống bỏ phiếu Dân Chủ. Vậy mà sau đó họ vẫn xào nấu ra đạo luật cải tổ chế độ y tế và dùng thủ thuật chính trị để thông qua, kể cả biểu quyết một đạo luật hơn 2.000 trang mà người ta chỉ có hai tiếng để đọc. Càng đọc ra hiểu ra thì càng thất vọng. Vì vậy, Quốc hội trong tay đảng Dân Chủ chỉ còn sự tín nhiệm của 17% dân chúng.

- Lý do thứ ba là chính bản thân Obama. Ông tin vào tài hùng biện cùa mình để thi hành giấc mơ cải tạo lớn lao chứ không đi sát với mối quan tâm của người dân. Ông đã để Quốc hội Dân Chủ tung ra những biện pháp tăng chi và bành trướng vai trò của nhà nước để làm cách mạng xã hội ngay giữa sự lầm than của người dân. Vì vậy, chưa đầy hai năm sau khi cầm quyền, tỷ lệ ủng hộ của ông xì như bóng, từ 66% thì nay chỉ còn chừng 45%. Và cử tri Mỹ đi bầu như một cuộc trưng cầu dân ý về Tổng thống Obama.

- Thực tế thì hai phần ba dân Mỹ cho rằng quốc gia đang đi chệch hướng và đa số thành phần ôn hòa độc lập xưa kia đã ủng hộ ông Obama nay đều bỏ phiếu Cộng Hoà! Nhiều đảng viên Dân Chủ trung kiên cũng bất mãn với Tổng thống. Cho nên bảo rằng dân Mỹ bỏ phiếu vì lý do kinh tế không thôi thì chưa đủ!

Thanh Hà: Bây giờ thì các chương trình cải tổ kinh tế của ông Obama sẽ đi về đâu ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thật ra, Obama có ưu tiên là cải tạo xã hội hơn là cải tổ kinh tế. Tháng trước, ông ta vừa công nhận là chuyện "sẵn sàng cuốc sẻng" để kích thích kinh tế lại không sẵn sàng như ông ta tưởng lúc ban đầu. Trong lúc ấy lại đòi cải tổ y tế!

- Về thực tế, kế hoạch kích thích kinh tế dự chi 787 tỷ đô la vào đầu năm 2009 mà sau lên tới 865 tỷ thì không công hiệu nên ngày nay hết ai dám nói đến chữ kích thích nữa! Kế hoạch cải tạo hệ thống năng lượng để bảo vệ môi sinh là đạo luật "Cap and Trade" mà ông Obama đề xướng và vận động thì chưa thành luật vì kẹt tại Thượng viện. Đạo luật Cải tổ Tài chính thì đang đi vào áp dụng với cả ngàn điều khoản làm các doanh nghiệp e sợ sự kiểm soát và chế tài của nhà nước nên hết dám nhúc nhích. Lớn lao nhất là đạo luật Cải tổ Chế độ Bảo dưỡng Y tế thì bị hơn 60% dân Mỹ phản đối và đang thực tế làm các doanh nghiệp kẹt cứng vì chi phí tốn kém và thủ tục hành chính rườm rà nên họ càng không dám tuyển thêm nhân viên.

Thanh Hà: Nhưng ngay trước mắt thì Hành Pháp trong tay đảng Dân Chủ và Lập pháp do đảng Cộng Hoà kiểm soát ở Hạ viện sẽ phải sống chung như thế nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ngay trước mắt thì đôi bên dàn trận trong các hồ sơ cấp bách như nhau. Cấp bách nhất là ngân sách. Quốc hội Dân Chủ giấu biến dự luật ngân sách cho tài khóa 2011, là từ đầu tháng 10 vừa qua đến cuối tháng Chín năm tới, chỉ vì sợ thất cử còn nặng hơn. Cho nên, đôi bên phải cấp tốc thông qua dự luật này và phải nhổ hai cái gai là giảm chi và giảm thuế.

Vì bội chi ngân sách quá lớn, đảng Cộng Hoà đòi lập tức giảm chi 100 tỷ, đó là một. Cái gai kia là thuế. Hết năm nay, hai đạo luật giảm thuế của Bush năm 2001 và 2003 phải mãn hạn, nếu không tái tục thì qua mùng một Tháng Giêng, thuế tăng đồng loạt ngay giữa sự sa sút kinh tế. Bên Cộng Hoà đòi duy trì việc giảm thuế, đảng Dân Chủ chỉ muốn giảm thuế thành phần trung lưu mà không dám đưa chuyện đó ra biểu quyết trước ngày bầu cử vừa qua.

 Hôm Thứ Năm, ông Obama ngỏ ý là có thể triển hạn giảm thuế thêm vài năm cho các hộ gia đình gọi là giàu, là có lợi tức trên 250 ngàn đô la một năm, mà chưa chắc bên Cộng Hoà đã đồng ý. Và ngân sách bị kẹt ở giữa. Đó là một trận đánh.

- Trận thứ hai là giảm bội chi ngân sách, hiện đã quá 14.300 tỷ đô la và năm tới còn tăng nữa. Đảng Cộng Hoà báo trước là được cử tri đưa vào Quốc hội để cắt giảm bội chi. Các thành phần chủ trương tăng cường kỷ luật chi thu và cắt hết loại công chi vô trách nhiệm đều thắng lớn nên họ sẽ không nhượng bộ. Trận đánh này sẽ kéo dài nhiều năm.

- Trận thứ ba, dữ dội nhất, là về đạo luật cải tổ y tế. Phe Dân Chủ coi đây là thành tích của mình, đảng Cộng Hoà thì tự nguyện là sẽ thu hồi, hoặc tu chính lại. Trận này sẽ kéo dài vài năm vì lãnh tụ khối Cộng Hoà tại Thượng viện nói trước, và sau khi gặp ông Obama hôm Thứ Năm còn nói lại: Nhiệm vụ của chúng tôi là đẩy lui "chế độ bảo dưỡng kiểu Obama" và muốn như vậy, phải khiến ông Obama chỉ là tổng thống một nhiệm kỳ!

Thanh Hà: Câu hỏi cuối, thưa anh. Trong tình trạng đó, liệu ông Obama còn trọng lượng để gây sức ép với Trung Quốc về tỷ giá đồng Nhân dân tệ hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thực tế thì Obama chỉ dọa già vì áp lực bảo hộ mậu dịch của Quốc hội Dân Chủ chứ từ chín tháng nay, Chính quyền của ông đều tìm cách trì hoãn việc Quốc hội gây sức ép và Bắc Kinh có thấy điều ấy nên không sợ. Từ năm tháng nay, họ chỉ điều chỉnh tỷ giá đồng bạc cỡ 2% mà thôi. Bây giò Bắc Kinh e ngại là Quốc hội bên đảng Cộng Hoà sẽ không gây áp lực mậu dịch như đảng Dân Chủ nhưng cứng rắn hơn với Trung Quốc trên nhiều hồ sơ khác.

- Vả lại, chính trường Mỹ có tê liệt thì một định chế độc lập là Ngân hàng Trung ương vẫn có thể kích thích kinh tế bằng biện pháp in bạc bơm tiền vào kinh tế, nói văn hoa là "tăng mức lưu hoạt có định lượng".

Hôm Thứ Tư, định chế này loan báo quyết định sẽ bơm thêm 600 tỷ đô la trong tám tháng tới, hôm sau các thị trường chứng khoán thế giới đều lên giá vù vù! Số tiền này thật ra không nhiều, vì trung bình mỗi tháng tăng thêm 75 tỷ so với khối tiền tệ lưu hành là 8.700 tỷ đô la, nhưng nó cho thấy Mỹ vẫn còn nhiều đòn phép gây ành hưởng. Biện pháp đó làm đô la sụt giá, hàng Mỹ thành rẻ hơn, cạnh tranh mạnh hơn và tư bản Mỹ chảy qua Á châu làm bong bóng đầu tư của Trung Quốc nay mai càng dễ bể!

Vì vậy, lời nói hoa mỹ và yếu ớt của Obama thật ra không đáng sợ bằng quyết định của nhiều định chế khác của nước Mỹ.