Home Tin Tức Bình Luận Nhật Bản đang ở thế kẹt trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và Nga

Nhật Bản đang ở thế kẹt trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và Nga PDF Print E-mail
Tác Giả: Thụy My   
Thứ Bảy, 13 Tháng 11 Năm 2010 13:11

Thật hiếm khi một nước chủ nhà lại ở vào một tình thế lúng túng như Nhật Bản, khi đón tiếp các thành viên của Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ngày 13 và 14/11 tại Yokohama.

Thường thì quốc gia chủ nhà của một hội nghị quốc tế vẫn đóng vai trò nhà hòa giải, nhưng chính phủ Naoto Kan thì đang bị sa lầy trong các vụ tranh chấp lãnh thổ với hai nước láng giềng lớn là Trung Quốc và Nga.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào được Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan và phu nhân chào đón khi đến tham dự một sự kiện văn hóa nhân hội nghị thượng đỉnh APEC tại Yokohama, ngày 13/11/2010.
Reuters

Thông tín viên nhật báo Le Monde tại Tokyo trong bài phân tích hôm nay đã nhắc lại, từ hai tháng qua, Tokyo và Bắc Kinh rất căng thẳng sau vụ chiếc tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu tuần duyên Nhật ở gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Còn với Matxcơva cũng không khá gì hơn, sau khi Tổng thống Nga Medvedev đi thăm quần đảo Kouriles, mà Nhật vẫn xem là thuộc chủ quyền của mình.

Theo nhận định của Le Monde, thì có nhiều nhân tố ảnh hưởng, mà một số mang tính chất trạng huống, như sự thiếu kinh nghiệm đối ngoại của chính phủ Naoto Kan.

 Những nguyên nhân căn cơ khác là : tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông, ý đồ của Nga muốn hiện diện tại Thái Bình Dương qua việc tái khẳng định chủ quyền tại Kouriles, và việc Nhật không muốn công nhận có sự tranh chấp lãnh thổ với các nước này.

Tờ báo phân tích thêm về những điểm khác biệt. Nếu tranh chấp với Nga là ở một địa điểm cụ thể, thì việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền ở Senkaku/Điếu Ngư nằm trong một chiến lược rộng hơn nhiều. Đó là việc chiếm thế thượng phong tại Biển Đông, được Bắc Kinh xem là « vùng lợi ích cốt lõi ».

Điểm khác biệt thứ hai là, vấn đề quần đảo Kouriles vẫn tồn tại từ giữa thập niên 50 đến nay, cản trở việc ký hiệp ước hòa bình giữa hai nước Nga – Nhật. Ngược lại, vấn đề Senkaku cho đến nay vẫn treo lơ lửng, cần được giải quyết mà không làm ảnh hưởng đến quan hệ chính trị và kinh tế Nhật – Trung. Nhưng bây giờ, theo Le Monde, thì tình hình không còn êm đẹp như thế nữa rồi.

Le Monde trích nhận định của tờ báo Asahi, cho rằng, nhân tố đầu tiên gây căng thẳng, là do chính quyền ông Kan đã lao vào một cuộc khủng hoảng mà lẽ ra đã có thể giải quyết bằng con đường ngoại giao.

 Sai lầm của phe Dân Chủ là đã chọn lựa đối đầu mà không có phương tiện để đấu tranh đến cùng, và việc lùi bước trước đối phương – trả tự do vô điều kiện cho thuyền trưởng chiếc tàu cá - đã làm tỉ lệ được lòng dân của Thủ tướng Nhật sụt xuống chỉ còn 32%.

Không chỉ có sự vụng về của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Seiji Maehara vốn chủ trương cứng rắn mà không có mục tiêu lâu dài, thất bại ngoại giao của Nhật còn do thiếu vắng các kênh thông tin trực tiếp với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh.

Trung Quốc đã phản ứng một cách thô bạo bằng những biện pháp trả đũa kinh tế mạnh mẽ quá mức. Trong khi vào thời đảng Tự do Dân chủ cầm quyền trước đây, hai bên đều bàn bạc để tránh xảy ra các sự cố. Chẳng hạn như năm 2004, những người Trung Quốc chống Nhật đổ bộ lên Senkaku cũng đều bị bắt, nhưng sau đó lập tức gởi trả cho Trung Quốc.

Những người chủ trương cứng rắn trước Bắc Kinh cho rằng thái độ vừa rồi của Tokyo là đúng đắn, vì chiếc tàu cá Trung Quốc cố tình đâm vào tàu Nhật, và phản ứng sau đó đã cho thấy khuôn mặt thật đầy đe dọa của Bắc Kinh. Vụ này cũng cho thấy nguồn gốc sâu xa là những xung đột trong lịch sử không dễ xóa nhòa.

Le Monde đặt câu hỏi : còn việc Nga tham gia vào cuộc chơi liệu có phải là một sự tình cờ ? Và tờ báo tự trả lời, có lẽ là không. Hồi tháng 9, Tổng thống Nga và ông Hồ Cẩm Đào đã ký chung thông báo về việc « hỗ trợ lẫn nhau bảo vệ các lợi ích sống còn của hai nước, gồm chủ quyền quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ».

Liệu Nhật Bản có dám tự cho phép xung đột với cả Trung Quốc và Nga cùng một lúc hay không ?

Trước sự tấn công từ hai phía này, Tokyo vẫn chưa có dấu hiệu gì muốn nhìn nhận tình trạng lãnh thổ đang bị tranh chấp, và tiến hành đối thoại với Bắc Kinh cũng như Matxcơva. Nhưng theo kết luận của Le Monde, điều này thật khó khăn đối với một chính phủ đang bị suy yếu và không có tầm nhìn rộng.