Lòng dân và vận nước |
Tác Giả: Song Chi | |||
Thứ Bảy, 27 Tháng 11 Năm 2010 09:07 | |||
Từ nhiều năm nay một trong những mối bận tâm lớn nhất của người Việt là quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Hồ Gươm, Hà Nội
Cứ mỗi khi có chuyện gì đó xảy ra trong mối quan hệ vô cùng phức tạp giữa hai quốc gia này là từ báo chí hải ngoại, các diễn đàn độc lập cho đến các trang blog cá nhân lại “nóng” hẳn lên trong khi báo chí quốc doanh hoặc im lặng hoặc nhà nước cho phép nói đến đâu thì nói đến đó! Có thể kể ra hàng loạt ví dụ như vậy: vụ sinh viên học sinh Sài Gòn, Hà Nội biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa Trường Sa vào tháng 12.2007, vụ rước đuốc Olympic Bắc Kinh ngang qua Sài Gòn vào tháng 4.2008, những vụ tàu Trung Quốc bắt giữ, đánh cướp, đòi tiền chuộc các ngư dân Việt Nam, xung quanh dự án cho phép Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên hay dự án cho Trung Quốc thuê rừng đầu nguồn của một số tỉnh miền Bắc, bài viết “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” gây nhiều tranh cãi của bà “chuẩn bị là Tiến sĩ” Đỗ Ngọc Bích đăng trên BBC tháng 4.2010, hay gần đây là những dấu hiệu cho thấy sự trở lại của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á và châu Á nói chung đã làm cho Trung Quốc tức giận ra sao và người Việt đa số đã hồ hởi như thế nào… Vì vậy không có gì lạ khi gần đây, dư luận lại “nóng” lên trước các sự kiện: Một: Bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Mỹ khi đến Hà Nội tham dự hội nghị khu vực ASEAN và một số hoạt động kỷ niệm 15 năm quan hệ Ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ vào tháng 7.2010, đã có những lời phát biểu mạnh mẽ thách thức Trung Quốc trên hồ sơ biển Đông đồng thời cho thấy sự thay đổi trong đường lối chính sách ngoại giao của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á. Hai: trong tháng 8 vừa qua, một loạt các tàu chiến Mỹ đến thăm Việt Nam và có những hoạt động hợp tác với hải quân Việt Nam, thể hiện mối quan hệ đang phát triển theo chiều hướng tích cực giữa hai nước cựu thù. Không chỉ người Việt trong và ngoài nước mà cả báo chí khu vực, báo chí quốc tế cũng quan tâm đến những sự kiện này. Tất nhiên, thế giới quan tâm không phải vì một nước Việt Nam nhỏ bé mà vì Mỹ và Trung Quốc-bất cứ động thái nào trong mối quan hệ giữa hai cường quốc này cũng sẽ làm ảnh hưởng rất lớn, thậm chí thay đổi toàn cục thế giới. Điều đó đã từng diễn ra cách đây gần 40 năm, khi Henry Kissinger đến Bắc Kinh năm 1971 để thực hiện sứ mệnh ngoại giao thay đổi mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc, đưa đến một loạt thay đổi trong cục diện cuộc Chiến tranh lạnh trên thế giới, cuộc chiến tranh Việt Nam lúc bấy giờ cũng như mở đường cho việc Trung Quốc mở cửa về kinh tế, góp phần định hình thế giới ngày nay. Và bây giờ, những lời phát biểu của bà Hillary Clinton cho thấy thái độ của Mỹ với Trung Quốc đã khác và Mỹ dường như vừa kịp nhận ra họ đã bỏ quên khu vực này đủ lâu để cần phải sửa sai về điều này. Còn đối với người Việt Nam, rõ ràng là phải quan tâm những sự kiện này vì vận mệnh của đất nước, dân tộc. Điều đầu tiên có thể nhận thấy đó là về phía Việt Nam, từ báo chí quốc doanh, báo chí hải ngoại cho đến ý kiến của người dân trên các trang blog cá nhân đều tỏ ra khá là đồng thuận trước sự trở lại của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á cũng như Việt Nam cần phải phát triển mối quan hệ với Mỹ và các nước tự do dân chủ nói chung. Kể cũng lạ mà không lạ. Rằng ít nhất với một nửa dân số Việt Nam sống ở miền Bắc trước năm 1975 thì Mỹ là kẻ thù mà trong nhiều năm dài mọi người đã được giáo dục, tuyên truyền nhồi nhét đủ mọi điều xấu xa, mọi tội ác để căm thù Mỹ, trong khi mối quan hệ hữu nghị Việt Trung hay Việt Xô thì được ca ngợi hết lời. Sau năm 1975, các thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam lại tiếp tục được dạy dỗ theo chiều hướng này, chỉ có giai đoạn xảy ra cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung 1979 hay 1988 thì những lời ca ngợi tình hữu nghị Việt Trung đời đời bền vững mới lặng tắt đi, để rồi sau khi Đảng cộng sản Việt Nam quay trở lại xin làm lành với Đảng cộng sản Trung Quốc thì mối quan hệ ấy đã được nâng lên thành 16 chữ vàng! Nhà Nước thì “dạy dỗ” con dân như vậy, nhưng người dân thì vẫn chỉ nghe theo lý trí lẫn tình cảm của mình. Cho đến bây giờ, có thể nói rằng số người Việt Nam không thích, thậm chí ghét hay thù hận chính quyền Mỹ, nhà nước Mỹ vẫn có, nhưng chắc chắn rằng số người Việt Nam không thích nhà cầm quyền Trung Quốc và e ngại đường lối, chính sách đối ngoại của họ đối với Việt Nam cao hơn nhiều. Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Những kinh nghiệm cay đắng ngàn đời trong lịch sử khiến cho người Việt Nam luôn luôn có một tinh thần cảnh giác cao đối với mọi động thái của nước láng giềng. Chưa kể cho đến tận bây giờ, trong cách hành xử với nước đàn em nhỏ bé hơn nhiều lần, Trung Quốc đã không chứng tỏ được tư cách nước lớn mà ngược lại. Mặc cho nhà cầm quyền Việt Nam vì quyền lợi của Đảng và của các nhóm lợi ích cam tâm cúi đầu nhịn nhục Đảng và nhà nước Trung Quốc, người dân Việt Nam từ lâu đã hiểu rất rõ rằng là bạn với Trung Quốc chỉ có thua thiệt đủ đường cho đến mất nước mà thôi, ngược lại chơi với các nước phương Tây trong đó có Mỹ thì chả ai lấy mất của mình một mẩu đất hay có âm mưu đồng hóa, tiêu diệt văn hóa Việt Nam gì cả. Thanh niên sinh viên Việt Nam biểu tình trước Tòa đại sứ Trung Quốc hôm 9-12-2007
để phản đối việc Bắc Kinh hợp thức hóa việc quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Những sự kiện gần đây vô hình chung là một phép thử cho cả nhà nước Việt Nam cũng như người dân Việt Nam. Không nói đến báo chí trong và ngoài nước, nếu chỉ theo dõi các diễn đàn độc lập, các trang blog cá nhân là nơi người Việt thuộc đủ mọi thành phần, lứa tuổi…viết lên những suy nghĩ, quan điểm của mình, sẽ thấy lòng dân nghĩ gì về Việt Nam trong mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, về sự lựa chọn con đường phải đi trong tương lai. Có khá nhiều ý kiến phân tích những cái lợi, cái hại trong việc tiếp tục ngả hẳn về phía Trung Quốc là con đường mà nhà cầm quyền Việt Nam đã chọn trong nhiều năm qua, hay chơi trò “đu dây” để hưởng lợi từ sự đối đầu giữa hai cường quốc trong tương lai hoặc dứt khoát đứng hẳn về phía thế giới tự do dân chủ. Đa số người dân kêu gọi nhà nước Việt Nam hãy tỉnh táo đặt quyền lợi đất nước và dân tộc lên trên quyền lợi của Đảng, của một thiểu số tầng lớp có đặc quyền đặc lợi với chế độ. Trong suốt chiều dài mấy chục năm cướp chính quyền và giữ chính quyền, Đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam chưa bao giờ làm được điều này và đã luôn luôn có những sự lựa chọn sai lầm chỉ vì tầm nhìn ngắn, tư duy hẹp hòi, bảo thủ, cộng với lòng tham vô đáy của các thế hệ lãnh đạo Việt Nam nối tiếp nhau. Giờ đây đất nước và dân tộc Việt Nam lại đang đứng trước một ngã rẽ mới-sẽ là thời cơ, là vận hội nếu biết nắm lấy và thay đổi chế độ để tập hợp được lòng dân, dựa vào dân và dựa vào thế giới bạn bè đồng minh là các nước dân chủ mà giữ nước, hồi sinh và phát triển đất nước hay sẽ lại một lần nữa nhỡ tàu, đẩy đất nước gần hơn tới họa Bắc thuộc, điều đó là trách nhiệm của họ, những người đang nắm quyền lãnh đạo đất nước. Nhưng trách nhiệm ấy cũng thuộc về mọi người dân Việt Nam. Phải nói thật tôi chưa bao giờ tin vào sự thay đổi cũng như quan trí của những người lãnh đạo Đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam. Trước những biến chuyển của thời cuộc thái độ của nhà nước Việt Nam ra sao? Họ sẽ lại tiếp tục “một bước tiến hai bước lùi”, chơi trò đi xiếc trên dây giữa các nước như từ xưa đến giờ vẫn thế. Thậm chí, nếu đọc lại những lời phát biểu của trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ quốc phòng về những chuyến viếng thăm của tàu chiến Mỹ tới Việt Nam vừa qua hay đường lối, chính sách quốc phòng của Việt Nam thì đủ rõ phe thân Tàu trong Bộ chính trị Việt Nam vẫn còn mạnh lắm. Nhưng tôi tin vào lòng dân và vận nước. Nhớ một lần đến Warszawa tôi đã được tận mắt chứng kiến những dấu tích còn lại từ những trang lịch sử bi thương của dân tộc anh hùng này. Cũng giống như Việt Nam, Ba Lan phải nằm cạnh nước láng giềng khổng lồ là nước Nga, một thời là Liên Bang Xô Viết đứng đầu phe xã hội chủ nghĩa. Người Ba Lan đã từng có nhiều kinh nghiệm cay đắng trong mối quan hệ với Liên Xô. Chiến tranh giữa Ba Lan và Nga Xô viết đã từng diễn ra trong thời gian 1919-1921, cũng chính Liên Xô mà cụ thể là Xtalin đã “đi đêm” với phát xít Đức bán đứng Ba Lan trong chiến tranh thế giới lần thứ hai dẫn đến việc Đức và Liên Xô cùng xâm lược Ba Lan năm 1939 và lãnh thổ Ba Lan bị chia thành hai vùng thuộc quyền kiểm soát của Đức Phát xít và Liên Xô, hay việc Xtalin hạ lệnh hành quyết hơn 22 ngàn sĩ quan cao cấp và công dân Ba Lan trong khu rừng Katyn vào mùa xuân năm 1940 v.v… Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, dân tộc này cũng như nhiều dân tộc khác của Đông Âu phải nằm dưới sự kiểm soát, cai trị của Liên Xô .Vậy mà cũng chính Ba Lan là quốc gia mà đảng cộng sản phải chịu sụp đổ đầu tiên góp phần to lớn vào sự sụp đổ nhanh chóng sau đó của chủ nghĩa cộng sản trên khắp Đông Âu. Ngày nay Ba Lan là một quốc gia tự do, dân chủ, có nhiều cải thiện về nhân quyền, với nền kinh tế trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất vùng Trung Âu. Và nhiều thành tựu khác về vị trí chính trị trên thế giới. Khi nghĩ về Ba Lan, tôi lại nghĩ về dân tộc tôi đất nước tôi. Số phận cũng đặt Việt Nam nằm sát bên cạnh một nước khổng lồ xấu chơi như Trung Quốc, số phận cũng đẩy đưa khiến Việt Nam cứ phải rơi vào bàn cờ chính trị giữa các nước lớn, chỉ cay đắng rằng những người lãnh đạo Việt Nam không có đủ dũng, nhân, trí và dân tộc Việt Nam thì chưa kịp hiểu hết nỗi cay đắng của một nước nhỏ để mà tự thay đổi vận mệnh của đất nước mình. Nhưng dù sao tôi vẫn tin rằng một dân tộc không bị diệt vong bởi họa ngàn năm Bắc thuộc hay những cuộc chiến tranh với những nước lớn mạnh hơn gấp nhiều lần thì ngày hôm nay cũng không thể bị diệt vong.
|