Cuộc khủng hoảng ở Triều Tiên chứng tỏ Trung Quốc đang tìm cách thống trị thế giới
|
Cuộc nã pháo hèn hạ của Bắc Triều Tiên vào thường dân và phản ứng cực kì thận trọng của phương Tây vì đây là đất nước được trang bị vũ khí hạt nhân cho ta thấy rõ hai sự thật về thế giới ngày nay. Thứ nhất, hành tinh của chúng ta vẫn nằm trong tình trạng hiểm nghèo hệt như thời chiến tranh lạnh vậy. Thứ hai, những sự kiện đang xảy ra ở vùng Viễn Đông có ý nghĩa quan trọng hơn là trước đây. Trong năm trăm năm qua, thế giới là của phương Tây, nhưng trong mấy năm gần đây quyền lực đã chuyển dần sang phía Đông. Chúng ta đã sẵn sàng – cả về mặt quân sự lẫn kinh tế, và có thể quan trọng nhất là về mặt tâm lí – chấp nhận sự kiện địa chính trị đang giữ thế thượng phong này hay chưa?
QUYỀN LỰC
Khi cuộc Chiến tranh Lạnh chống lại chủ nghĩa cộng sản Liên Xô kết thúc cách đây 20 năm – dù có bị một vài vết thâm tím, nhưng lạy Trời, đã không xảy ra những vụ đụng độ lớn – phương Tây cùng thở phào nhẹ nhõm. Người ta hứa hành tinh này sẽ trở thành tử tế hơn, cao quí hơn, một trật tự thế giới mới, không còn những cơn ác mộng của sự hủy diệt hạt nhân, mà ngược lại, sẽ có thể sử dụng số tiền dôi ra từ chi phí quốc phóng cho những mục đích hoà bình. Từ ngõ cụt của tình trạng hủy diệt lẫn nhau, chúng ta dường như đang tiến tới “một cao nguyên đầy nắng trải dài đến tận chân trời” của nền hoà bình trên toàn thế giới mà Winston Churchill từng nói. Nhà triết học Francis Fukuyama thậm chí còn tuyên bố “Sự cáo chung của lịch sử”, đấy là khi các nước cùng chấp nhận chế độ dân chủ xã hội, do Mĩ lãnh đạo. Tất cả đã chấm dứt vào ngày 11 tháng 9. Nhưng dù al-Qaeda có thực hiện những cuộc tấn công dữ dội đến thế nào thì về mặt công nghệ, kinh tế hay quân sự, đạo Hồi chính thống cũng không bao giờ có thể tiến gần đến địa vị đủ sức đóng vai trò cường quốc lớn nhất thế giới, thay cho Mĩ được. Hiện nay Trung quốc đang tìm mọi cách nhằm giành cho bằng được vị trí đó trong thế giới đa cực; Ấn Độ đang vươn lên như một siêu cường kinh tế, Brazil, Indonesia, Iran và Nam Phi cũng đang nhắm đến cùng mục đích đó. Ngay cả nước Nga, kẻ bại trận trong Chiến tranh Lạnh, cũng đang chuẩn bị vũ khí nhằm chống lại các quốc gia láng giềng của họ. Chiến tranh Lạnh dĩ nhiên là đã chết. Bây giờ chúng ta đang gặp phải một cuộc đại loạn mới. "Trung Quốc là một người khổng lồ đang ngủ”, hai thế kỉ trước Napoleon đã nói như thế. "Khi thức dậy, nó sẽ làm rung chuyển cả thế giới”. Từ khi Richard Nixon và Henry Kissinger tới Bắc Kinh vào năm 1973 nhằm mở cửa nước Trung Quốc của Mao ra với thế giới, nước này lúc nào cũng sôi lên sùng sục. Nhưng trong mười năm qua nước này đã tiến được những bước dài trên con đường giành vị trí đứng đầu thế giới. Năm 1990, Trung Quốc chỉ chiếm 14% sản lượng toàn cầu. Hiện nay đã là 37%. Năm 2007-2008, khi phương Tây lâm vào suy thoái thì Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục phát triển một cách đầy ấn tượng. Vượt qua Nhật Bản, hai nước này đã đạt được tốc độ tăng trưởng mà tờ Financial Times gọi là "sự thay đổi quan trọng nhất trong cán cân về tài sản và quyền lực, kể từ khi Mĩ xuất hiện như là một lực lượng mới hồi cuối thế kỉ XIX”. Các nhà phân tích còn chưa thống nhất được với nhau khi nào thì thu nhập quốc dân của Trung Quốc sẽ vượt Mĩ, có người nói là năm 2020, người khác thì bảo phải đến năm 2040, nhưng mọi người đều đồng ý là sẽ có ngày nó vượt. Hiếm có ngày nào mà không có tin tức mới từ châu Á, nay đã trở thành trung tâm của thế giới. Trong tuần này, đô đốc Mike Mullen, chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mĩ, đã gọi vai trò của Trung Quốc trong vụ rắc rối ở Bắc Triều Tiên là “có tính chất quyết định… rất quan trọng để cho Trung Quốc vươn lên dẫn đầu”.
QUẢ BOM HẸN GIỜ
Tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 họp trong tháng này, Tổng thống Obama và Bộ trưởng tài chính Timothy Geithner đã bị các nhà lãnh đạo Trung Quốc và các nước châu Á khác “cho ra bã”, còn họ thì chỉ chống đỡ một cách yếu ớt; việc Mĩ nợ 3 ngàn tỉ dollar đã tạo điều kiện cho Trung Quốc kiểm soát tình hình. Nếu muốn, Trung Quốc có thể hạ gục đồng dollar chỉ trong một đêm, nhưng hiện nay đấy không phải là điều hay vì Mĩ đang là nước nhập khẩu hàng hoá lớn nhất của Trung Quốc. Gần đây Obama đã kêu gọi Ấn Độ giữ vị trí trong Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, đấy cũng là chỉ dấu của một liên minh quyền lực mới trên thế giới. Các nhà khoa học Trung Quốc đang chế tạo máy tính Tianhe-1 A, được coi là siêu máy tính, có tốc độ tính toán nhanh nhất thế giới. Trung Quốc đang kí những bản hợp đồng lớn với các nước châu Phi và Nam Mĩ nhằm cung cấp các loại nguyện vật liệu cần thiết cho việc duy trì nền kinh tế đang phát triển rất nhanh của nước này. Năm nay Citigroup thu được 9 tỉ dollar tiền lời trên toàn thế giới, một phần ba trong số đó là từ châu Á. Công ty Tata Motors của Ấn Độ đã mua hãng Jaguar và Land Rover. Sang năm Trung Quốc sẽ vượt Mĩ và trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Châu Á đi lên một cách bền vững và có vẻ như còn được EU và Mĩ với tỉ lệ thất nghiệp lên đến 9.5% trợ giúp nữa. Trung Quốc và Ấn Độ là những nước đông dân, giàu tài nguyên, lao động rẻ, tay nghề cao; tương lai sẽ thuộc về họ. 49% người Mĩ trong cuộc thăm dò dư luận trong tháng trước không tin là Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường số 1 trên thế giới sẽ phải bất ngờ. Dĩ nhiên là các cường quốc ở châu Á cũng gặp những vấn đề mà những người cạnh tranh với họ ở phương Tây không có. Chính sách một con của Trung Quốc làm cho nó trở thành quả bom nổ chậm, đây là nước duy nhất trên thế giới cố tình theo đuổi chính sách mà kết quả là người già sẽ đông hơn thanh niên. Những người cộng sản có thể bảo đảm được sự thống nhất dân tộc, nhưng các giai cấp trung lưu giàu có vừa mới hình thành đã cảm thất bực bội vì bị nhà nước độc đảng đàn áp về mặt chính trị. Trong khi đó cơ sở hạ tầng nông nghiệp của Ấn Độ, chẳng khác gì thời kì Victoria, đang cần một xung lực phát triển quyết liệt. Nền dân chủ của họ và di sản có nhiều điểm chung với phương Tây, trong đó có tiếng Anh, làm cho chiến thắng của nước này có vẻ hấp dẫn hơn là Trung Quốc. Lịch sử đã cho thấy rằng những dân tộc giàu có và đang vươn lên phía trước sẽ thực hiện các dự án của mình bằng biện pháp quân sự. Trung Quốc và Ấn Độ đã là có mặt trên vũ trụ, Trung Quốc thậm chí còn có tên lửa chống vệ tinh nữa. Họ có đội quân lên đến 2,75 triệu người. Ngoài ra, họ đang xây dựng tàu ngầm, máy bay tàng hình, họ sản xuất được những chiếc máy bay không người lái hiện đại nhất và cả những dàn tên lửa tầm xa có thể bắn chìm hàng không mẫu hạm nữa. Iran đang chế tạo bom hạt nhân, còn Nga thì chi từ nay đến năm 2015 hơn 276 tỉ dollar nhằm đóng mới sáu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, tám tàu ngầm có trang bị tên lửa hành trình và những tàu phá băng loại lớn hoạt động gần Bắc cực. Trong khi đó Anh lại có ý định bỏ tàu đô đốc HMS Ark Royal.
THẾ GIỚI ĐẦY TAI ƯƠNG
Năm 1956, lãnh tụ Liên Xô là Nikita Khruschev tuyên bố với phương Tây: “Chúng tôi sẽ chôn các người”. Nhưng Liên Xô không có hi vọng chôn chủ nghĩa tư bản vì nền kinh tế cộng sản không thể đối địch được với các nước có nền kinh tế tự do cạnh tranh trong việc cung cấp hàng hoá và dịch vụ với giá phải chăng. Rút kinh nghiệm, Trung Quốc đã “ấn” thị trường tự do vào hệ tư tưởng cộng sản của mình nhằm tạo ra một con vật lai đủ sức chôn chúng ta trong một thời gian gần. Viễn cảnh của một chính quyền toàn trị hung ác giữ thế thượng phong trong cái thế giới mà con cháu chúng ta sẽ phải sống không phải là việc đáng mừng. Những thành tựu đã đưa, đầu tiên là Anh và sau đó là Mĩ, lên vị trí siêu cường hiện đang được Trung Quốc sử dụng nhằm vượt qua Mĩ và châu Âu, nhưng thực đơn của họ lại thiếu một thành phần quan trọng nhất: tự do chính trị. Những người nói tiếng Anh sẽ không thể thoát được cái logic của những sự kiện nhức đầu này. Như một câu trong bài thánh ca “Các vị hoàng đế vĩ đại rồi sẽ chết hết”. Thời gian để chúng ta đứng trong ánh đèn sân khấu của lịch sử đã sắp hết rồi. Tất cả những gì chính ta có thể làm cho nền văn minh phương Tây đang lụi tàn của chúng ta là hi vọng rằng Ấn Độ sẽ thắng Trung Quốc trong cuộc đua này. Một số chuyên gia tin rằng vào 2020 tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kì.
|