Hiện tượng Nguyễn Văn An |
Tác Giả: Trung Điền | ||||
Thứ Năm, 23 Tháng 12 Năm 2010 05:37 | ||||
Gần đây, ông Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên chủ tịch Quốc hội và nguyên Trưởng ban tổ chức của đảng CSVN đã có những phát biểu gây sự chú ý của dư luận vì thoáng nghe có vẻ rất triệt để, nhưng thực chất hoàn toàn mang tính… nghịch lý và mâu thuẫn. Khác với hình thức ông Võ Văn Kiệt thường hay viết những bài đề nghị đảng thay đổi ở cuối đời, ông Nguyễn Văn An thì lại dùng lối phỏng vấn của Diễn đàn Vietnannet để cổ võ các quan điểm “đổi mới” của mình nhân đại hội toàn đảng kỳ XI sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 1 năm 2011. Qua Diễn đàn VietnamNet, ông Nguyễn Văn An đã góp ý với lãnh đạo CSVN ba vấn đề: 1/ Vấn đề tư hữu sản xuất; 2/ Vấn đề xây dựng đảng; và 3/ Vấn đề tuyển chọn nhân sự lãnh đạo cấp cao của đảng. Ông Nguyễn Văn An cho rằng từ nguyên thuỷ, đảng CSVN tiến hành cuộc cách mạng “dân tộc dân chủ”. Đến năm 1975 họ đã đạt được cuộc cách mạng dân tộc vì đã “thắng Mỹ giải phóng miền Nam” nhưng chưa đạt được cuộc “cách mạng dân chủ” vì… tiến thẳng lên xã hội nghĩa và bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Đặc biệt là từ năm 1980, đảng CSVN đã áp dụng hoàn toàn mô hình Liên Xô, với sự ra đời nhà nước “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” mà theo ông An thì đây là LỖI HỆ THỐNG. Ông An định nghĩa lỗi hệ thống là lỗi từ gốc đến ngọn, từ lý thuyết đến mô hình và đã được cuộc sống kiểm nghiệm là chưa phù hợp với thời đại ngày nay. Từ nhận thức này, ông Nguyễn Văn An đề nghị với lãnh đạo CSVN hiện nay nên nhìn lại hệ thống đang áp dụng, và đảng CSVN nên có những thay đổi như sau: 1/ Công nhận sở hữu tư nhân vì đây chính là vấn đề tự do dân chủ trên lãnh vực kinh tế. Bãi bỏ “chế độ công hữu về tư hữu sản xuất” để tránh những sự phá sản tương tự như Vinashin xảy ra trong tương lai vì đó chính là nguồn gốc của lỗi hệ thống, dựa trên một lý thuyết cực đoan “vô sản chuyên chính”. 2/ Bãi bỏ chế độ “đảng chủ” của mô hình cộng hòa xã hội chủ nghĩa, áp dụng rõ rệt và minh bạch chế độ tam quyền phân lập, thống nhất theo Hiến pháp và luật pháp, tức là thống nhất theo lá phiếu chọn lựa của người dân chứ không thống nhất theo sự lãnh đạo của đảng. 3/ Dân chủ là phải có tranh cử, phải công khai minh bạch để có sự chọn lựa trong bầu cử. Vì thế những trách vụ cao trong đảng và bên ngoài xã hội phải có nhiều người ra tranh cử để có sự chọn lựa đúng đắn những người có khả năng. Thoạt nghe những đề nghị nói trên, thì thấy rất hợp lý, nhưng khi ông kết luận là “vẫn giữ học thuyết Marx-Lenin” và tiếp tục để “đảng Cộng Sản giữ độc quyền chính trị” thì người nghe nếu không trợn mắt vì ngạc nhiên chắc cũng phải lắc đầu với một con người khá… lẩm cẩm. Một số những đề nghị của ông Nguyễn Văn An không có gì mới. Trước ông An đã có nhiều người như ông Trần Xuân Bách, ông Võ Văn Kiệt, ông Nguyễn Hộ, Tướng Trần Độ… đã lên tiếng cho rằng đảng CSVN phải đổi mới cả về kinh tế lẫn chính trị theo con đường dân chủ hóa đất nước thì mới giải quyết rốt ráo tình trạng tụt hậu của đất nước Việt Nam. Những người đề nghị thay đổi nói trên đã từng là “công thần” của đảng như ông Nguyễn Văn An, nhưng nhóm lãnh đạo đảng đương thời không hề lắng nghe. Tất cả những góp ý, đề nghị cải cách của những đảng viên “công thần” một thời đều bị bỏ quên sau mỗi kỳ đại hội đảng CSVN chấm dứt. Tuy nhiên những góp ý lần này của ông Nguyễn Văn An còn có thêm một điều khá bất thường là ông đòi lập ra Luật về đảng… để áp dụng cho đảng CSVN. Ông An lý luận rằng ngày trước, đảng CSVN phải đấu tranh giành chính quyền với thực dân nên xài luật rừng để chống lại đế quốc. Ngày nay, đảng CSVN đã nắm được thiên hạ, cai trị đất nước mà không có luật để quy định lề lối hoạt động của đảng CSVN, vì thế không tránh khỏi một số trường hợp đảng CSVN vẫn đứng trên nhà nước, đứng trên pháp luật… theo kiểu luật rừng. Để đảng CSVN hoạt động hợp Hiến và hợp Pháp, theo ông Nguyễn Văn An thì Quốc hội phải sớm ban hành bộ luật nhằm quy định những nguyên tắc hoạt động, lãnh đạo dành cho đảng CSVN. Rõ ràng, ông Nguyễn Văn An đã lẫn lộn giữa nguyên tắc điều hành quốc gia và nguyên tắc hoạt động của đảng phái. Chính vì sự lẫn lộn này, các giải pháp đề nghị của ông đã trở nên vô ích, ngớ ngẩn và mâu thuẫn đến độ khôi hài. Thứ nhất, ông An cho rằng việc đảng CSVN hoạt động độc đảng không sao, nhưng việc bầu cử các trách vụ cao của nhà nước như dân biểu quốc hội, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nên để cho nhiều người ra ứng cử và công khai trình bày chương trình hành động để cho mọi người có quyền chọn lựa và bỏ phiếu tín nhiệm. Có lẽ do suy nghĩ và hành xử trong guồng máy độc tài đã lâu, ông An đã không nhìn thấy được nguyên uỷ căn bản của mọi sự sai trái trên đất nước Việt Nam. Nguyên uỷ của cái gọi là Lỗi Hệ Thống mà ông đã phân tích ở trên chính là do sự độc quyền cai trị của đảng CSVN. Chính sự độc quyền hiện nay đã khiến đảng CSVN không có nhu cầu phải cải sửa “lỗi hệ thống” khi nó không bị những thách đố chính trị từ những đảng phái khác, và đã không thèm lắng nghe kể cả những góp ý từ các “công thần” của đảng. Ngoài ra, việc cho nhiều người ra ứng cử và công khai trình bày các chương trình hành động cũng vô ích vì chính đảng CSVN, chứ không phải người dân, sẽ là yếu tố quyết định ai được làm việc trong guồng máy do đảng thống trị. Từ mối tương quan này, có mấy ai đắc cử sẽ thực sự phục vụ người dân và có đảm lược đi ngược lại với những việc làm sai trái của đảng. Việc mỗi ứng viên tự trình bày chương trình hành động của mình cho dân chọn lựa chỉ là “trò hề dân chủ”, vì trong thực tế những chương trình đó không do sáng kiến của các ứng viên mà là của đảng được các ứng viên pha chế cách trình bày mà thôi. Thứ hai, để tránh việc đảng CSVN bao biện nhiều thứ, cần phải có một bộ luật để quy định các giới hạn của đảng đối với nhà nước, xã hội, mặt trận và nhất là đối với các đoàn thể xã hội. Với tiền đề là đảng CSVN vẫn ở vị trí lãnh đạo duy nhất, ông An đã quên dù đã từng là chủ tịch Quốc hội, quốc hội chỉ là một bộ phận ngoại vi của đảng CSVN, mang tính chất hình thức và bù nhìn để tạo hình ảnh “dân chủ” mà thôi. Quốc Hội đã chế ra biết bao nhiêu luật nhưng đảng CSVN đã chẳng thi hành mà còn ngang nhiên đặt ra những điều luật đi ngược lại với hiến pháp của chính họ như điều 88 và 79. Dù quốc hội hiện nay có quyền bỏ phiếu tín nhiệm hay bãi nhiệm thủ tướng và các bộ trưởng, nhưng nếu lãnh đạo đảng không cho - như vụ các đại biểu yêu cầu Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm trách vụ Thủ tướng của ông Nguyễn Tấn Dũng vì đã làm sụp đổ Tập đoàn Vinashin - thì quốc hội cũng chỉ bó tay và im lặng chấp hành. Ông Nguyễn Văn An tuy đã nghỉ hưu nhưng ông hiện là bố vợ của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, một cán bộ trẻ có nhiều tiềm năng trở thành Ủy viên Bộ chính trị kể từ đại hội XI và có xác xuất thay thế Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng vào năm 2017. Với những mối quan hệ như vậy, những đề nghị thay đổi của ông Nguyễn Văn An rõ ràng là nói lấy được, như kẻ say đèn mầu… khi ngồi trước ống kính của ký giả mà thôi. Trung Điền
|