Nhìn lại thảm họa thiên nhiên 2010 |
Tác Giả: Gia Minh, biên tập viên RFA | |||
Thứ Ba, 28 Tháng 12 Năm 2010 22:19 | |||
Có thể nói năm 2010 là một năm không may mắn đối với nhiều nơi trên khắp thế giới
Nhiều người sống trên hành tinh trái đất suốt năm qua cho đến nay và cả trong thời gian tới không khỏi lo lắng vì nhiều nơi đang phải trải qua những thiên tai, thảm họa môi trường cũng như những đổi thay bất thường của thời tiết.
Chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này, trước khi kết thúc năm dương lịch 2010, xin mời quí vị cùng điểm lại một số những thảm họa không may đó mà nhiều người trên thế giới phải kinh qua. Haiti rung chuyển Có thể nói năm 2010 là một năm không may mắn đối với nhiều nơi trên khắp thế giới. Mới ngày 12 tháng giêng, một trận động đất mạnh đến 7 độ trên thang địa chấn Richter rung chuyển Haiti giết chết hơn 200 ngàn, làm bị thương 300 ngàn dân của đảo quốc này. Ngoài ra còn có cả triệu người mất nhà cửa do động đất gây hư hại nặng nề. Cả thế giới phải chung tay cứu giúp những nạn nhân động đất tại Haiti, nơi mà cuộc sống của dân chúng vẫn còn khó khăn, nghèo khổ. Tiếp theo trận động đất tại Haiti, một quốc gia trong khu vực Nam Mỹ phải hứng chịu thảm cảnh tương tự dù mức độ thiệt hại ít hơn, đó là Chilê. Vào ngày 27 tháng hai, trận động đất mạnh đến 8,8 độ Richter xảy ra ngoài khơi Vùng Maule của nước Chile. Trận động đất có thể cảm nhận được ở khắp sáu vùng khác nhau của Chile từ nam lên bắc. Theo giới khoa học thì trận động đất tại Chile mạnh đến nổi khiến cho trục trái đất bị dịch chuyển 8 centimét, và làm cho ngày trên trái đất bị ngắn mất chừng 1,26 micro giây. Sang đến tháng tư, trình trạng núi lửa Eyjafiallajokull ở Iceland hoạt động phun khói buộc hầu hết các vùng không lưu tại bắc Châu Âu phải đóng không hoạt động được. Tình trạng tê liệt hàng không tại Châu Âu gây ảnh hưởng dây chuyền đến cho tất cả những chuyến bay ở các châu lục khác đi Châu Âu trong thời gian đó. Tình trạng này được đánh giá là tồi tệ nhất cho hoạt động đi lại trên thế giới do một thảm họa môi trường gây ra. Nước Nga khô hạn
Vào mùa hè năm nay, nước Nga phải trải qua một đợt cháy rừng trên diện rộng với vài trăm vụ trên khắp nước Nga, bùng phát từ cuối tháng bảy. Lý do được cho hay vì thời tiết năm nay nóng và khô hạn đến mức được xem là kỷ lục trong lịch sử nước này. Từ cuối tháng sáu nhiệt độ tại nhiều vùng của Nga lên đến mức 38-40 độ C. Kỷ lục tại vùng Nga - châu Á vượt hơn 42 độ C vào ngày 25 tháng sáu; vào ngày 11 tháng 7, một kỷ lục được ghi nhận tại khu vực nước Nga châu Âu là trên 44 độ C. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại bảy vùng có cháy rừng. Thiệt hại được cho biết lên đến chừng 15 tỷ đô la Mỹ. Cô Tôn Vân Anh, một người Việt cư ngụ tại Ba Lan cho biết tình hình tại đó trong năm qua: Ví dụ như hai đợt ngập lụt giữa mùa hè khiến mất mùa, hoạt động thu hoạch bị ngưng trệ. Đó là điều mà người Ba Lan chưa hề được chuẩn bị trước. Chỉ có các thành thị mới được đê bảo vệ, còn những vùng nông nghiệp khác đến nay đã nửa năm rồi vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề nhà cửa cho nạn nhân lũ lụt. Chỉ trong vòng hai tháng bị hai đợt lụt nhấn chìm đến phân nửa diện tích của Ba Lan. Tình trạng tuyết rơi hiện nay cũng lại khiến cho khả năng ngập lụt lên cao tại nhiều vùng trũng bị ngập khi tuyết tan. Trong mùa đông này Ba Lan đang có nhiệt độ thất thường.”
Lũ lụt Nam Á Cũng vào tháng bảy, nhưng tại khu vực Nam Á, Pakistan phải hứng chịu một đợt lụt cũng được cho là lịch sử trong mấy mươi năm qua tại quốc gia này. Đợt lụt có lúc được cho biết gây ngập hết chừng một phần năm diện tích đất nước Pakistan. Nước dâng lên là do mưa mùa lớn và kéo dài. Thiệt hại được chính phủ Pakistan cho hay là chừng 2.000 người thiệt mạng và chừng 20 triệu người dân xứ này bị tác động. Con số này bằng tổng số những người bị tác động bởi trận sóng thần ở khu vực Ấn Độ Dương hồi năm 2004, trận động đất ở Kashmir hồi năm 2005 và thảm họa động đất hồi đầu năm nay ở Haiti gộp lại. Liên Hiệp Quốc đánh giá đợt lũ lụt tại Pakistan kể từ tháng bảy và kéo dài sang mấy tháng sáu đó gây tổn thất về nhân mạng và tài sản mà cần phải có gần nửa tỉ đô la để cứu trợ khẩn cấp. Tuy nhiên tổn thất về kinh tế tổng hợp lại được cho biết phải lên đến cả 43 tỷ đô la. Núi lửa hoạt động trở lại tại Indonesia cũng gây thảm họa cho dân chúng tại đó vào hồi tháng 10 năm nay. Núi lửa Merapi trên đảo Java phun trào hôm ngày 26 tháng 10 khiến cho gần 20 người thiệt mạng và hằng ngàn dân cư ngụ trên triền núi phải chạy lánh nạn. Trong khi núi lửa Merapi hoạt động trở lại thì ngoài khơi đảo Sumatra, cách khu vực núi lửa Merapi chừng 1.300 kilômét về phía tây, một đợt sóng thần xảy ra đã dìm chết ít nhất hơn trăm người dân, và cả năm trăm người khác mất tích. Giới chuyên gia địa chấn cho biết đợt sóng thần do chấn động dưới đại dương mạnh đến 7,7 độ Richter gây nên.
Khói và tro trong một vụ phun trào núi lửa vào ngày 17 Tháng 04 năm 2010 tại Iceland. AFP PHOTO / HALLDOR KOLBEINS. Nóng kỷ lục vừa xảy ra tại Châu Âu trong mùa hè này, nay Châu Âu đang phải trải qua một mùa đông lạnh giá, khắc nghiệt. Khói núi lửa ở Iceland khiến cho hàng không ngưng trệ hồi tháng tư, đến tháng 12 tuyết gây ách tắc cho nhiều chuyến bay tại các phi trường Châu Âu. Cơ quan Kiểm soát Không lưu Châu Ấu cho biết trong ngày 21 tháng 12 vừa qua có đến 1.000 chuyến bay tại Châu Âu bị hủy do băng tuyết. Đến ngày 22 tháng 12, tình hình ách tắc được cho là giảm bớt; tuy nhiên ở hai phi trường Heathrow, London của Anh và phi trường Frankfurt Đức hoạt động vẫn còn bị cản trở do băng tuyết. Đây là hai phi trường quốc tế bị tác động dữ dội nhất trong đợt băng tuyết vừa rồi ở Châu Âu. Giới chuyên gia trong thời gian qua đều có dự báo là tình hình thời tiết khắp nơi trên thế giới có những biến động. Và thực tế đã cho thấy những bất thường đó qua những thiên tai xảy ra trong suốt những năm rồi, và trong năm 2010. Nguyên nhân Một trong những nguyên nhân được đưa ra cho những hiện tượng bất thường lâu nay trên trái đất đó là có tác động của tình trạng trái đất ấm dần lên do khí khải công nghiệp xả ra trong suốt bao nhiêu năm qua. Một chuyên gia về tình hình biến đổi khí hậu Trái đất, tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh, trình bày nhận định về những hiện tượng bất thường của thời tiết trong thời gian qua, trong tương quan với biến đổi khí hậu: “Năm 2010 là một năm nóng nhất từ trước đến nay, so với những năm nóng khác như 2005, 1998. Tác động của biến đối khí hậu là giá trị cực đoan thay đổi rất lớn, ví dụ nóng rất nóng, lạnh rất lạnh. Tình trạng nóng ở Nga vào mùa hè vừa rồi và nay rất lạnh ở Châu Âu, Nội Mông mang những giá trị cực đoan rất lớn. Qua số liệu hằng chục năm và hằng trăm năm qua, người ta thấy rất rõ biểu đồ nhiệt độ trung bình hằng năm tăng lên, nồng độ khí nhà kính C02 tăng lên; lượng khí phát thải trên thế giới hằng năm đưa vào khí quyển có tỷ lệ thuận. Đó là những minh chứng rõ ràng trong mối liên quan việc tăng lượng khí nhà kính trong bầu khí quyển, tăng nhiệt độ bề mặt trái đất, suốt hằng trăm năm qua và bấy nhiêu năm vừa rồi với cường độ biến động thiên tai ngày càng lớn tần suất ngày càng nhiều và phổ cập khắp các châu lục.” Các quốc gia trên thế giới trong hai tuần từ cuối tháng 11 sang đến đầu tháng 12 vừa rồi cũng đã gặp nhau tại Cancun, Mexico để đi đến những thỏa thuận cắt giảm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính làm cho trái đất ấm nóng lên. Tuy nhiên, tất cả đều thấy nhu cầu phải ra tay hành động, nhưng rồi vì quyền lợi riêng mà một thỏa thuận mang tính ràng buộc về các chỉ tiêu cắt giảm mọi loại khí gây hại cho trái đất vẫn chưa thể đạt được. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh cho biết những kiến nghị mà giới khoa học đối với tiến trình đi đến thỏa thuận giữa các quốc gia trong việc hạn chế phát thải gây hiệu ứng nhà kính: “Giới khoa học trên thế giới đã đưa ra những đánh giá rất cụ thể với hai vấn đề giảm thiểu và thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu. Trong lĩnh vực giảm thiểu thì các nhà khoa học nêu rõ tình trạng tăng khí nhà kính thế nào, và những đề xuất giảm thiểu ra sao. Tại hội nghị Cancun ở Mexico gần đây bắt đầu có đàm phán để đưa ra lộ trình để sang năm họp tại Nam Phi có thể đạt được hiệp ước mang tính ràng buộc pháp lý quốc tể để tiếp tục Nghị Định thư Kyoto ra sao sau năm 2012. Các nhà khoa học đưa ra lộ trình cụ thể cho chính phủ các nước với các biện pháp cụ thể như trồng rừng, xử dụng đất, chăn nuôi. Trách nhiệm nay thuộc giới thẩm quyền, giới kinh doanh của các nước. Chính quyền các nước phải tiếp tục vòng đàm phán tiếp theo, có những thỏa hiệp với nhau đặc biệt giữa Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ là những nước có phát thải khí nhà kính nhiều nhất hiện nay. Từ đó tiến tới ổn định việc phát thải khí nhà kính giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá 2 độ C trong thế kỷ này.” Một kết luận mà hầu như ai cũng thấy là chi phí dùng để hạn chế những tác hại do thiên tai, sự cố môi trường gây nên bao giờ cũng rất lớn; dẫu vậy việc thực hiện để tránh tình trạng đó vẫn còn ngoài kế hoạch hành động. Khi khoa học - kỹ thuật chưa phát triển thì người ta cho rằng thiên tai là chuyện trời làm; thế nhưng qua thời gian với những tiến bộ khoa học, con người nhận ra được những qui luật của tự nhiên, và họ có thể có những biện pháp để giảm thiểu tác động của thiên tai khi nắm bắt được những qui luật đó. Thế nhưng, chính những qui luật tự nhiên lâu nay cũng bị thay đổi mà giới khoa học cũng chứng minh cho thấy đổi thay có tác nhân con người góp phần vào.
|