Home Tin Tức Bình Luận Năm mới có hy vọng gì mới ?

Năm mới có hy vọng gì mới ? PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Hưng Quốc   
Chúa Nhật, 02 Tháng 1 Năm 2011 08:38

cơ chế quyền lực trong cả nước phải thay đổi ... sự minh bạch và tính khả kiểm phải trở thành nguyên tắc chủ đạo trong việc điều hành chính phủ; ... quyền tự do thông tin và tự do ngôn luận phải được nhìn nhận và phải được tôn trọng.

Mấy ngày nay, đọc báo Úc, thấy các bình luận gia tiên đoán tình hình Úc trong năm 2011 sắp tới mà thèm. Ai cũng cho Úc, vốn là một trong vài quốc gia Tây phương hiếm hoi không bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong hai năm vừa qua, sẽ tiếp tục phát triển. Ngành mỏ vẫn là mặt mạnh của nền kinh tế Úc. Thị trường nhà đất khá ổn định. Tâm lý của giới sản xuất và kinh doanh, nói chung, đầy tự tin; và của giới tiêu thụ, khá lạc quan. Còn về chính trị thì chắc chắn có thay đổi ở vài tiểu bang nhưng dĩ nhiên là sẽ không có biến động hay khủng hoảng gì có ảnh hưởng đến đời sống mọi người cả.

Thèm.

Rồi nghĩ đến Việt Nam.

Theo truyền thống, bao giờ chúng ta cũng gắn liền năm mới với những hy vọng mới. Mỗi người có hy vọng riêng. Mỗi gia đình có hy vọng riêng. Và cả nước cũng khắc khoải với những hy vọng mới. Có điều, ở vào thời điểm cuối năm 2010, nhìn tới nhìn lui, khó tìm thấy được một tia hy vọng nào thật lớn. Về kinh tế, món nợ hơn 4,4 tỉ đô la (tương đương với 4,5% tổng sản lượng nội địa của Việt Nam trong năm 2009!) (1) vẫn treo lơ lửng trên đầu mọi người. Về giáo dục, không có chút xíu hứa hẹn nào cho thấy tình trạng ngồi nhầm lớp, nạn bằng giả bằng dởm cũng như sự tham nhũng trong học đường sẽ giảm, chất lượng học vấn sẽ tăng. Về xã hội, trong năm mới, đường xá chắc chắn sẽ tiếp tục bị kẹt; các hố tử thần chắc chắn vẫn còn; cảnh sát giao thông chắc chắn vẫn tiếp tục làm tiền người đi đường; tai nạn giao thông chắc chắn sẽ giết chết hàng ngàn người mỗi tháng.

Còn về chính trị? Trời, nhìn đâu cũng thấy tối mịt. Bóng dáng tên khổng lồ Trung Quốc án ngữ khắp nơi, không những ở biển Đông hay các vùng dọc theo biên giới hai nước mà còn ở mọi mặt trận, từ ngoại giao đến kinh tế, từ hình ảnh các bản đồ Trung Quốc bao trùm cả Hoàng Sa và Trương Sa xuất hiện nhan nhản khắp nơi trên thế giới đến các loại hàng hóa rẻ tiền, kể cả hàng giả và hàng nhái ngày ngày vượt qua biên giới tràn vào Việt Nam, đầy ngập trên các chợ và quán xá.

Hình như, với nhiều người, chút hy vọng chỉ le lói ở một điểm: Đại hội đảng lần thứ 11 sẽ được tổ chức vào ngày 11 tháng 1 sắp tới. Theo tin tức từ các hãng thông tấn quốc tế, vấn đề nhân sự của Đại hội dường như đã được giải quyết. Theo đó, ông Nguyễn Phú Trọng, đương kim Chủ tịch Quốc Hội, sẽ lên nắm chức Tổng bí thư thay thế Nông Đức Mạnh; ông Trương Tấn Sang sẽ thay Nguyễn Minh Triết làm Chủ tịch nước, ông Phạm Quang Nghị sẽ lên làm Chủ tịch Quốc Hội, và ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ tiếp tục giữ chức Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa.

Không có ai trong bốn người ấy có khả năng làm được điều gì mới mẻ. Thứ nhất, họ đều là sản phẩm thuần thành của chế độ hiện tại. Thứ hai, trong suốt sự nghiệp khá dài của họ, chưa bao giờ họ cho thấy bất cứ cách suy nghĩ táo bạo nào cả. Nói cho đúng, trong bốn người, Trương Tấn Sang tương đối còn là một bí ẩn. Trong nhiều năm qua, ông không giữ một chức vụ gì thật quan trọng để qua đó, người ta có thể đánh giá chính xác lập trường, quan điểm và phong cách lãnh đạo của ông. Tuy nhiên, chức vụ mà ông có hy vọng đảm nhận, Chủ tịch nước, lại là cái chức vụ có danh nhiều hơn thực.

Hơn nữa, vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay không phải là nhân sự mà là cơ chế. Nhân sự, người này có thể sâu sắc hay khả ái hơn người kia một chút; nhưng về ý thức hệ, và cùng với nó, những chính sách căn bản, họ vẫn là một. Ngay cả khi họ có tài năng lỗi lạc đi nữa, thì với cơ chế hiện tại, cái cơ chế khiến Thủ tướng không thể cách chức được bất cứ cán bộ nào dưới quyền như lời thú nhận của Phạm Văn Đồng trước kia và của Nguyễn Tấn Dũng gần đây, họ cũng chẳng làm được gì nhiều.

Cơ chế nói ở đây không phải là cơ chế ở tầm vi mô qua cách thức sắp xếp nhân sự hay quản lý ở cấp bộ hay ban, ngành. Mà là cơ chế ở tầm vĩ mô, gắn liền với cả hệ thống chính trị, và đằng sau nó, hiến pháp và hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Trong cái gọi là cơ chế vĩ mô ấy, vấn đề quan trọng nhất là mối quan hệ giữa đảng và nhà nước. Cái khẩu hiệu “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý” chỉ là một khẩu hiệu sáo rỗng và chỉ dẫn đến những rối ren, bế tắc. Đảng lãnh đạo nhưng vì đảng nằm ngoài luật pháp nên hầu như không phải chịu trách nhiệm về bất cứ điều gì cả. Sai cách mấy cũng không phải chịu trách nhiệm. Nhà nước quản lý nhưng lại không thể quản lý được cả khối nhân lực hùng hậu bao gồm cả mấy triệu đảng viên vốn là những kẻ lãnh đạo mình. Sự kiện Thủ tướng không có quyền sa thải nhân viên dưới quyền của mình xuất phát từ đó. Trên nguyên tắc, Thủ tướng có quyền hạn trên các Bộ trưởng và các Bộ trưởng có quyền hạn trên các giám đốc Sở ở địa phương. Nhưng trên thực tế, các ghế Bộ trưởng thường do Bộ Chính trị sắp xếp; còn các ghế giám đốc Sở thì lại do các tỉnh uỷ hay thành ủy ở các địa phương bổ nhiệm. Thủ tướng muốn cách chức một giám đốc Sở nào đó nhưng nếu tỉnh ủy hay thành ủy ở đó không đồng ý thì Thủ tướng cũng đành bó tay. Đó là chưa kể có không ít trường hợp Thủ tướng còn yếu cơ hơn cả Bộ trưởng (ví dụ trường hợp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Công An Lê Hồng Anh trước đây: có thời kỳ vị trí của Lê Hồng Anh trong Bộ Chính trị còn cao hơn Nguyễn Tấn Dũng!)

Việt Nam cần thay đổi cơ chế. Nhưng không có cơ chế nào là hoàn hảo. Ngay cơ chế ở các quốc gia phát triển và nổi tiếng tiến bộ nhất thế giới cũng có những điểm bất toàn. Người ta lấy gì để khắc phục những sự bất toàn ấy? Đó là sự minh bạch (transparency) và tính khả kiểm (accountability). Thiếu tính minh bạch và khả kiểm, không những tham nhũng hoành hành mà sự bất tài và bất lực cũng tha hồ tác oai tác quái; không những sự tiến bộ bị trì trệ mà nền dân chủ cũng bị đe dọa.

Nhưng tính minh bạch và khả kiểm chỉ có thể tồn tại được với một điều kiện: tự do, trước hết, là tự do thông tin và tự do ngôn luận. Người dân (những kẻ được xem là “chủ” của đất nước theo công thức: “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”) chỉ có thể làm “chủ” nếu họ có thể tham gia được vào các quyết định quan trọng của đất nước; và họ chỉ có thể tham gia nếu họ có thể nắm bắt được các thông tin cần thiết. Tuy nhiên, họ chỉ nắm bắt được các thông tin ấy nếu họ được phép, không phải chính phủ hay cá nhân nào đó cho phép mà là chính luật pháp cho phép, nghĩa là, nói cách khác, họ được quyền tự do thông tin. Ở Tây phương, nhân danh cái quyền ấy, các cơ quan truyền thông thường yêu cầu chính phủ phải cung cấp cho họ toàn bộ các thông tin liên quan đến một sự kiện hay một vấn đề nào đó.

Dĩ nhiên, tự do thông tin chỉ là điều vô nghĩa nếu không gắn liền với tự do ngôn luận. Biết mà không được nói, còn gì khổ bằng?

Nói tóm lại, theo tôi, tình hình Việt Nam chỉ có thể thay đổi nếu, trước hết, cơ chế quyền lực trong cả nước phải thay đổi, trong đó, quan trọng nhất là quyền của đảng và nhà nước phải được phân hóa thật rạch ròi; sau đó, sự minh bạch và tính khả kiểm phải trở thành nguyên tắc chủ đạo trong việc điều hành chính phủ; và cuối cùng, quyền tự do thông tin và tự do ngôn luận phải được nhìn nhận và phải được tôn trọng.

Thiếu những yếu tố ấy, mọi hứa hẹn đều là những hứa hẹn suông.

Và tương lai vẫn mù mịt.

Chú thích:

1.Xem bài “Vinashin không kịp trả vay đáo hạn nên sẽ đàm phán với các chủ nợ” trên http://boxitvn.blogspot.com/2010/12/vao-nam-2011-vinashin-tra-no-hay-tiep.html và bài “Di họa của khoản nợ 60 triệu USD Vinashin trả không đúng hạn” trên http://phamvietdaonv.blogspot.com/