Châu Âu muốn bảo vệ công nghiệp, không để rơi vào tay các nước mới trỗi dậy |
Tác Giả: Thụy My | |||
Thứ Sáu, 07 Tháng 1 Năm 2011 18:01 | |||
Báo động : « Châu Âu đã bị đặt dưới áp lực của các chủ nợ ». Nhật báo Le Monde hôm nay đặt câu hỏi : « Trước tham vọng của các quốc gia mới trỗi dậy, châu Âu có thể bảo vệ được nền công nghiệp của mình hay không ? ». Tờ báo kinh tế Les Echos thì lên tiếng báo động : « Châu Âu đã bị đặt dưới áp lực của các chủ nợ ». Thủ tướng Tây Ban Nha tiếp đón chủ tịch Hồ Cẩm Đào (Reuters) Hồ sơ hôm nay của Le Monde xoay quanh việc bảo vệ và phát triển nền công nghiệp châu Âu, đặc biệt là đối với các lãnh vực nhạy cảm, khi các nước mới giàu lên đang thi nhau mua lại các công ty uy tín của cựu lục địa. Trong bài xã luận mang tựa đề : « Châu Âu và việc quay lại với kỹ nghệ», Le Monde nhấn mạnh, khủng hoảng kinh tế đã làm đảo lộn nền kinh tế thế giới, với lợi thế nghiêng về phía các quốc gia mới trỗi dậy, và qua đó, các nước giàu mới ý thức được vai trò quan trọng của công nghiệp. Trong hai thập kỷ qua, người ta vẫn cho rằng nền kinh tế kỹ nghệ sẽ chuyển đổi sang nền kinh tế dịch vụ, thậm chí một số đưa ra hình mẫu nền kinh tế không nhà máy. Công nghiệp bị quy cho các tội làm ô nhiễm, điều kiện làm việc khắc nghiệt, gây ra các cuộc đấu tranh xã hội…Nhiều chính khách và nhà kinh tế tin rằng công nghiệp không có chỗ đứng trong việc tạo ra của cải cho một quốc gia hiện đại. Nhưng thực tế đã cho thấy, không có kỹ nghệ thì khó thể tạo được công ăn việc làm, duy trì tăng trưởng. Tổng thống Pháp trong thông điệp đầu năm mới đã khẳng định : « Nước Pháp sẽ không là cường quốc nếu không có kỹ nghệ ». Theo Le Monde, thì sự tỉnh thức này là khá muộn màng. Trong vòng 15 năm, Pháp đã mất đi nửa triệu việc làm trong lãnh vực công nghiệp, và trọng lượng của khu vực này trong 25 năm qua từ tỉ lệ 21% giá trị của nền kinh tế nay chỉ còn có 12%. Lâu nay người ta cho rằng khu vực dịch vụ sẽ lấp đầy lỗ hổng, nhưng lại quên rằng kỹ nghệ là khách hàng lớn nhất của ngành dịch vụ, khi kỹ nghệ biến mất thì dịch vụ không thể lớn mạnh nổi. Và châu Âu trong những năm qua đã không lo vun đắp cho các tập đoàn chủ chốt của mình, không có được một chính sách công nghiệp chung. Trong khi đó, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ đã vươn mình thức giấc, và Đức, Nhật, Mỹ không ngừng củng cố chiến lược kỹ nghệ. Le Monde kết luận, cuối cùng thì châu Âu có vẻ cũng muốn thiết lập một hệ thống trao đổi « có qua có lại », ít mất cân đối hơn với các đối tác. Đây không phải là chủ nghĩa bảo hộ, mà thời kỳ ngây thơ tin rằng toàn cầu hóa sẽ đem lại lợi ích cho tất cả mọi người nay đã qua rồi, và châu Âu vẫn còn thời gian để điều chỉnh lại chính sách. Trong phần điều tra phản biện ở các trang trong, Le Monde đặt ra các câu hỏi, tham vọng nuốt chửng các công ty châu Âu của các nước mới nổi liệu có sẽ ngừng lại ? Có nên nghi ngờ mục đích của họ, và tác động đối với hoạt động công nghiệp và việc làm ở châu Âu như thế nào ? Tờ báo nhận xét, gần đây không tuần nào mà không thấy có một công ty châu Âu hay Mỹ bị một công ty cạnh tranh của một quốc gia mới trỗi dậy mua lại. Vụ công ty Trung Quốc Tianjin Xinmao đòi mua công ty Draka của Hà Lan, chuyên sản xuất cáp kỹ thuật cao đã gây lo sợ cho đến nỗi Ủy viên châu Âu phụ trách công nghiệp đã kêu gọi thành lập một cơ quan phụ trách xét duyệt các dự án đầu tư nước ngoài vào châu Âu. Nhưng theo Le Monde, vụ này tuy gây nhiều dư luận do mang tính chiến lược quân sự, nhưng đã che lấp mất nhiều vụ khác. Chỉ trong tháng 12 vừa qua, công ty Trung Quốc Trinity đã mua lại hãng thời trang nổi tiếng Cerruti, công ty Nam Phi Steinhogg International mua tập đoàn đồ gỗ Conforama, còn trước đó các tập đoàn xe hơi Volvo, Jaguar và Land Rover đã bị Trung Quốc và Ấn Độ mua lại. Nước Mỹ bị nhắm đến nhiều nhất, tiếp đến là Ý và Anh, còn Pháp đứng thứ bảy. Trung Quốc đứng đầu trong số các nước mới trỗi dậy thích tìm mua các công ty uy tín của các nước giàu, sau đó là Ấn Độ và Nga. Các công ty Trung Quốc rủng rỉnh ngoại tệ, lại được sự hỗ trợ của hai ngân hàng nhà nước lớn. Khi mua các công ty phương Tây, họ sẽ có được sự bảo đảm của các tên tuổi lớn, nhiều bằng sáng chế hoặc một mạng lưới phân phối đã có sẵn. Trả lời phỏng vấn của Le Monde, Bộ trưởng Công nghiệp Pháp Eric Besson cho rằng, châu Âu lâu nay vẫn nhập hàng của các nước mới nổi nhiều nhất, và bây giờ có quyền đòi hỏi những cố gắng đáp lại. Các bộ trưởng công nghiệp châu Âu gần đây đã thông qua đề nghị của Pháp về một chính sách kỹ nghệ chung cho châu Âu. Pháp còn đề nghị thành lập một một quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ cho công nghiệp, và một quỹ bằng sáng chế châu Âu, chuyên mua lại các bằng sáng chế trên thế giới để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể sử dụng. Cũng liên quan đến công nghiệp, nhật báo cánh hữu Le Figaro chú ý đến sự kiện ba nhân viên cao cấp của tập đoàn xe hơi Renaud bị đình chỉ công tác vì nghi ngờ làm gián điệp. Tờ báo cánh tả Libération thì tỏ ra phẫn nộ trước lời phát biểu của ông chủ công ty dược phẩm Servier, là thuốc Mediator chỉ làm có ba người tử vong, dù hai công trình nghiên cứu nghiêm túc mới nhất cho biết loại thuốc này đã làm cho từ 500 đến 2.000 người chết. Trên lãnh vực giáo dục, nhật báo cộng sản L’Humanité cho rằng vấn đề tự trị đại học – giao cho các trường đại học tự quản lý ngân sách và tuyển người - thật ra chỉ là tư nhân hóa đại học Pháp. Nêu ra con số từ đầu năm nay có 73 trường đại học được giao chế độ tự trị, theo L’Humanité thì điều đó có nghĩa là các trường này phải tự tìm nguồn tài chính, và mở cửa cho các công ty tư nhân. Còn nhật báo công giáo La Croix thì quan tâm đến « Một Noel tang tóc đối với những người Copte », tức những người theo đạo Thiên Chúa ở Ai Cập và Ethiopie. Tối nay Giáo hội Copte sẽ mừng lễ Giáng Sinh, sau khi xảy ra vụ thảm sát ở Alexandrie hôm 31/12 vừa qua làm cho 21 người chết và 79 người bị thương. Tờ báo cho rằng trong bối cảnh đó, không thể coi thường những lời đe dọa tấn công vào các nhà thờ Copte tại Ai Cập cũng như tại Pháp, Đức.
|