Tunisia : Vợ ông Ben Ali mang một tấn rưỡi vàng sang Dubai ? |
Tác Giả: Thụy My | |||
Thứ Hai, 17 Tháng 1 Năm 2011 11:15 | |||
« Leila Ben Ali, người phụ nữ bị căm ghét nhất ở Tunisia » France Soir khi chọn đăng tấm ảnh bà Leila, vợ hai của ông Ben Ali, người "đã làm sụp đổ Tunisia". Tờ báo cho biết thêm nhiều chi tiết về xuất thân cũng như cung cách làm ăn lưu manh của gia đình bà Leila. Đệ nhất phu nhân Tunisia chạy trốn với 1,5 tấn vàng ? / Reuters « Cuộc cách mạng hoa lài » ở Tunisia tiếp tục chiếm trang nhất của hầu hết các tờ báo lớn xuất bản tại Paris. « Tunisia cố thoát ra khỏi tình trạng hỗn loạn », tựa của Le Figaro. Tờ Le Monde chạy tựa « Tunisia đối diện với cú sốc hậu Ben Ali », và trong bài xã luận, đã nói đến hy vọng về một sự chuyển tiếp mang tính dân chủ. « Tunisia, thử thách của thời kỳ chuyển tiếp », nhật báo công giáo La Croix nhấn mạnh đến tình trạng bất ổn sau khi ông Ben Ali bỏ trốn, nhưng cho rằng đất nước này có nhiều điểm mạnh để có thể tái xây dựng. Nhật báo cộng sản L’Humanité phấn khởi trước việc « Người dân Tunisia bảo vệ được cuộc cách mạng của họ ». Nhật báo kinh tế Les Echos băn khoăn về « Tình trạng bấp bênh của thời kỳ hậu Ben Ali », trong khi tờ báo cánh tả Libération nhìn rộng ra thế giới Ả rập và đặt câu hỏi « Rồi sẽ đến lượt ai đây ? ». Bà vợ ông Ben Ali mang một tấn rưỡi vàng sang Dubai ? Tờ France Soir khi chọn đăng tấm ảnh bà Leila, vợ hai của ông Ben Ali trên trang nhất với tựa đề « Bà ta đã làm sụp đổ Tunisia », đã nhấn mạnh đến việc bà vợ của cựu Tổng thống đã lập nên một mạng lưới mafia kiểm soát toàn bộ nền kinh tế nước này. Trong bài viết « Leila Ben Ali, người phụ nữ bị căm ghét nhất ở Tunisia », tờ báo cho biết thêm nhiều chi tiết về xuất thân cũng như cung cách làm ăn lưu manh của gia đình bà Leila. Theo France Soir, bà Leila đã bay sang Dubai từ giữa tháng 12/2010, ngay từ sau các cuộc biểu tình phản kháng đầu tiên. France Soir, Le Figaro và Métro cùng thông tin, có nhiều lời đồn đãi cho rằng bà ta đã mang theo 1.500 thỏi vàng, tương đương khoảng một tấn rưỡi vàng, lấy từ kho của Ngân hàng Trung ương Tunisia. Tờ báo cánh hữu Le Figaro cho biết thêm, họ nhà Trabelsi còn có nhiều tài sản tại Dubai, Malta và Achentina, tổng cộng lên đến hàng trăm triệu euro. Tại Pháp, gia đình này có nhiều triệu euro gởi trong các tài khoản ngân hàng khác nhau, và nhiều căn hộ ở các khu phố đẹp nhất của Paris cũng như nhà nghỉ ở các vùng nghỉ mát của nước Pháp. Điện Elysées đã yêu cầu cơ quan chống rửa tiền của Pháp điều tra về các tài sản bất minh này. Cha bán trái cây khô, mẹ nội trợ, người phụ nữ sinh năm 1957 này bắt đầu bằng nghề thợ cắt tóc, rồi từ từ đi lên khi quyến rũ được đàn ông. Leila trở thành tình nhân của tướng Ben Ali từ năm 1984 và tiếp tục cho đến khi ông này trở thành Tổng thống năm 1987, và đến năm 1992 mới ly dị để cưới bà ta. Nghiễm nhiên trở thành đệ nhất phu nhân, gia đình họ hàng bà Leila tha hồ vơ vét và lũng đoạn. Theo các bức điện ngoại giao Mỹ được WikiLeaks tiết lộ, thì chỉ riêng ông anh Belhassen Trabelsi của bà Leila vốn được xem là người cầm đầu, chỉ trong vài năm đã nắm gọn trong tay một công ty hàng không, nhiều khách sạn, một đài phát thanh tư, nhiều nhà máy lắp ráp xe hơi, mạng lưới phân phối xe Ford và một công ty địa ốc. Các nhà đầu tư muốn vào Tunisia phải hối lộ cho họ nhà Trabelsi hoặc phải chấp nhận cho họ góp vốn, vì thế mà các tập đoàn có tiếng như McDonald’s hay Auchan đã không vào nổi thị trường này. Trở thành nhà giàu mới, nhưng họ nhà Trabelsi của bà Leila vẫn không bỏ được tính tham lam vặt vãnh. Tờ báo nhắc đến một số vụ được hai nhà báo Pháp nêu ra trong một cuốn sách mang tên « Nạn vơ vét của cải ở Tunisia », như vụ người cháu bà Leila ăn trộm chiếc du thuyền của một doanh nhân Pháp, một thành viên khác ăn cắp chiếc xe BMW của một cầu thủ Olympique de Marseille… Còn bản thân bà đệ nhất phu nhân thì đã « quên » trả tiền một chiếc áo măng tô nhãn hiệu Dior trị giá 30.000 euro, kế toán của hiệu thời trang sang trọng này đợi mãi mà đại sứ quán Tunisia tại Paris vẫn không chịu thanh toán. Liệu cuộc cách mạng Tunisia có thể lan sang các nước Ả rập khác ? Đó là câu hỏi được nhiều tờ báo cùng đặt ra. Trong bài viết « Các chế độ Ả rập lo sợ cách mạng Tunisia sẽ lan rộng » Le Figaro đã nhận xét, đa số chính quyền các nước Ả rập đều giữ yên lặng. Còn trong bài « Tunisia, viễn cảnh mới của thế giới Ả rập », Libération cũng nhận định, sự sụp đổ của chế độ Ben Ali đang làm các nhà độc tài Ả rập lo ngại là tinh thần dân chủ sẽ lây lan sang các nước Hồi giáo khác. Theo quan sát của Libération, phản ứng đầu tiên rõ nét nhất là tại Jordanie, với 8.000 người biểu tình tại nhiều thành phố để chống lại việc vật giá tăng cao. Họ hô các khẩu hiệu như « Chào đón cách mạng của người Tunisia », « 2011, năm thế giới Ả rập thay đổi ». Chính phủ Jordanie sau đó đã loan báo sẽ dành 150 triệu euro cho các biện pháp nhằm kéo giá xuống và tạo thêm việc làm. Còn tại Syria, chính phủ đã quyết định trợ giá cho chi phí sưởi ấm của hai triệu gia đình, và từ một tuần qua Tổng thống nước này đã tiếp kiến đại diện rất nhiều giới để đảm bảo là họ vẫn trung thành với chế độ. Đặc biệt là tại Ai Cập, Ủy ban Quốc phòng cấp cao đã yêu cầu các bộ trưởng ngưng đưa ra những lời tuyên bố về cuộc khủng hoảng ở Tunisia. Nhìn chung hiện không có nhà lãnh đạo Ả rập nào lên tiếng hoan nghênh sự sụp đổ của chế độ Ben Ali cả. Chuyên gia Khattar Abou Diab ở Paris đã nhận định, « một bức tường tâm lý đã bị sụp đổ trong thế giới Ả rập ». Chuyên gia này đánh giá, đây là sự kiện quan trọng nhất kể từ khi thoát khỏi chế độ thuộc địa cho đến nay, và cho rằng « Từ nay không có gì là không có thể. Có giai đoạn tiền và hậu Tunisia, tất cả các chế độ Ả rập có thể rút ra các bài học từ đây ». Một chuyên gia khác, giáo sư Gilles Kepel của trường đại học Khoa học Chính trị Paris phân tích, đặc điểm của cuộc cách mạng Tunisia trước hết là ở chỗ được tiến hành bởi tầng lớp trung lưu, được giáo dục tốt và không phải là tín độ cuồng nhiệt của Hồi giáo, khác hẳn với các cuộc nổi dậy ở Algérie do lớp trẻ đứng bên lề xã hội. Tất nhiên là nếu không có sự hỗ trợ của quân đội Tunisia thì chế độ Ben Ali khó thể sụp đổ nhanh chóng. Nhưng cơ may của Tunisia là nguồn lợi nước này không phải là từ dầu khí, mà chính lớp trung lưu đã làm nên sự thịnh vượng của đất nước. Họ ngày càng thêm bất mãn trước sự vơ vét của gia đình ông Ben Ali cũng như dòng họ vợ ông ta. Một kịch bản như thế khó thể xảy ra tại nhiều nước Ả rập khác, đặc biệt là các nước vùng Vịnh – tại đây tuy say mê theo dõi những gì diễn ra tại Tunisia, nhưng lớp trung lưu và thượng lưu tại đây lại sống sung túc nhờ nguồn tiền từ dầu khí của chính phủ.
|