Trung Quốc: Ngày càng nhiều người dùng internet để tố cáo tham nhũng |
Tác Giả: Đức Tâm | |||
Thứ Hai, 24 Tháng 1 Năm 2011 13:59 | |||
Nhiều vụ việc bị phát giác cho thấy ảnh hưởng của internet. Để tố cáo những bất công hoặc những vụ bê bối liên quan đến các quan chức chính quyền, tại Trung Quốc ngày càng có nhiều người dùng internet thay vì gửi thư tố cáo, biểu tình hoặc đệ đơn kiện trước tòa. Internet thu hút đông đảo người sử dụng tại Trung Quốc / Reuters Kỹ sư họ Chung (Zhong Jizhang) đã trở thành nhân vật nổi tiếng khi ông dám nêu lên trên internet những sai sót liên quan đến an toàn trong một dự án xây dựng tàu điện ngầm ở Quảng Đông. Trong khi đó, các thanh tra của nhà nước thì hài lòng về chất lượng công trình và cấp chứng chỉ công nhận đạt tiêu chuẩn an toàn. Vụ bê bối này đã xẩy ra khi Quảng Đông chuẩn bị đón Thế vận hội châu Á, tháng 11 năm ngoái, với sự tham dự của 45 quốc gia. Vào thời điểm đó, chính quyền thành phố muốn chứng tỏ đã có chuẩn bị chu đáo đón sự kiện này thì những tiết lộ chi tiết, rõ ràng của ông Chung về chất lượng tồi tệ của loại beton được dùng xây các hạ tầng cho tuyến đường tàu điện ngầm đã gây trấn động mạnh. Lúc đầu, vị kỹ sư 68 tuổi này đã cố gắng báo động các quan chức Nhà nước thông qua những con đường chính thức, thế nhưng, ông không hề nhận được hồi âm. Do vậy, ông Chung đã lập một blog đăng tải những thông tin liên quan và trong một thời gian ngắn, số người truy cập blog của ông đã tăng vọt. Kỹ sư Chung cho AFP biết là ông đã nhận được qua điện thoại những lời đe dọa giết chết, chặt tay chặt chân. Thậm chí có kẻ còn nói thẳng rằng, nếu muốn giết, hắn sẽ lái xe hơi đâm thẳng vào ông, sau đó, hắn sẽ uống rượu. Nhờ sự quen biết, hắn chỉ bị xử phạt lái xe cán chết người trong tình trạng say rượu. Do công bố những khiếm khuyết về an toàn của hệ thống tàu điện ngầm, kỹ sư Chung đã bị mất việc, còn chính quyền thì vẫn khẳng định là dự án bảo đảm an toàn. Hiện nay, tại Trung Quốc, có tới 450 triệu người dùng internet. Do vậy, mạng thông tin toàn cầu đã tạo ra cơ hội bằng vàng để những người như kỹ sư Chung tố cáo những tệ nạn trong lúc các phương tiện truyền thông chính thức thì bị kiểm duyệt chặt chẽ. Cho dù chính quyền đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn, như lập « tường lửa », nhưng các « hiệp sĩ trừ gian diệt bạo » trên mạng không lùi bước. Các website, blog liên tiếp bị đánh sập nhưng lại nhanh chóng được khôi phục. Theo ông Dương Quốc Tân (Yang Guobin), giảng dậy tại trường Đại học Columbia, Hoa Kỳ, thì đấu tranh chống tiêu cực, tệ nạn xã hội qua internet là một hiện tượng đang phát triển mạnh tại Trung Quốc. Ông cho biết là đã viết một cuốn sách về đề tài này và liệt kê ra khoảng 70 vụ bê bối nghiêm trọng trong một thập niên. Vừa qua, khi viết lời bạt, ông thống kê được là có thêm 60 vụ mới chỉ trong vòng có hai năm, 2009 và 2010. Ông Khương Hoán Văn (Jian Huanwen), quản trị một website « chống tham nhũng » nói với AFP là hiện có khoảng 200 trang mạng chuyên vạch trần những vụ bê bối, tham nhũng, đó là chưa kể vô số blog cá nhân. Cuối tháng 12 năm ngoái, vụ một trưởng làng bị xe hơi cán chết trong lúc ông ngăn cản việc trưng dụng đất đai của người dân, đã gây ra rất nhiều phản ứng trên các diễn đàn internet tại Trung Quốc. Những người dùng internet đã chỉ ra những điểm phi lý trong lời giải thích chính thức về vụ việc. Chính quyền lúng túng, không dám cung cấp băng video quay toàn cảnh vụ xe cán chết người này. Một vụ điển hình khác liên quan đến con một quan chức công an cấp cao, say rượu, lái xe cán chết hai sinh viên. Kẻ này chỉ bị bắt sau khi có rất nhiều phản ứng gay gắt trên internet. Đây là những thắng lợi của những người dùng internet can đảm. Tuy nhiên, giới quan sát cũng nhấn mạnh vai trò, tác động của internet vẫn còn bị hạn chế. Ông David Bandurski, phụ trách dự án China Media tại trường đại học Hồng Kông nói, thật là ngây thơ nếu cho rằng internet tạo ra những thay đổi cơ bản trong xã hội Trung Quốc. Để khẳng định vai trò kiểm soát của mình, không bị mang tiếng là chịu sức ép của những « hiệp sĩ mạng », chính quyền Bắc Kinh đã chỉ thị cho báo chí chính thức nhập cuộc, đăng tải một số thông tin liên quan sau khi vụ việc được đưa lên mạng. Một chuyên gia về interent thuộc trường đại học Bắc Kinh lưu ý rằng không nên đề cao quá mức sức mạnh của các công dân mạng, báo chí truyền thống vẫn còn có một vai trò chủ chốt tại Trung Quốc.
|