Khủng bố tự sát tại Matxcơva chứng tỏ chính sách trấn áp của Nga thất bại |
Tác Giả: Tú Anh | |||
Thứ Ba, 25 Tháng 1 Năm 2011 09:59 | |||
Nhưng giới phân tích chính trị tỏ ra không ảo tưởng đối với chế độ bàn tay sắt của Putin Phong trào hồi giáo võ trang tại vùng Kavkaz (Trung Á) bị Nga nghi là thủ phạm trong vụ đánh bom tự sát tại phi trường Matxcơva- Domodedovo hôm qua 24/01/2011. Tự xưng là « Vương quốc Kavkaz », và do Dokou Oumarov sáng lập, tổ chức này khởi sinh từ tàn quân Tchetchenia đòi độc lập bị quân đội Nga đè bẹp trong trận chiến Tchetchnia thứ hai năm 1999. Thủ lãnh Oumarov ban hành thánh chiến trên khắp vùng Kavkaz của Nga và thường xuyên tuyên bố « thường dân Nga là mục tiêu trả thù ». Từ khi Nga đưa quân tái chiếm Tchetchenia năm 1994, bạo lực xảy ra hàng ngày tại vùng Kavkaz thuộc Nga và thỉnh thoảng lan đến tận thủ đô Maxtcơva. Những vụ bắt con tin do các toán đặc công hồi giáo thi hành ở bệnh viện Boudennovsk năm 1995 làm 129 người chết, vụ bắt con tin tại nhà hát Douvbrovka năm 2002 với 120 nạn nhân thiệt mạng khi an ninh Nga tấn công giải cứu đã biến thành thảm nạn quốc gia. An ninh Nga điều tra bên ngoài sân bay Domodedovo. Ảnh ngày 24/01/2011 / Reuters Gần đây hơn là vụ khủng bố tự sát trong đường xe điện ngầm Maxtcơva hồi tháng 03/2010 ngay dưới chân tòa nhà của cảnh sát liên bang FSB, hậu thân của KGB làm 40 hành khách tử vong. Phi trường Domodedovo bị khủng bố, giết chết hơn 30 hành khách hôm qua, cũng đã từng là mục tiêu của hai vụ đánh bom tự sát năm 2004 do hai phụ nữ thực hiện trên hai chiếc máy bay làm chết 90 người. Một tháng trước khi xảy ra vụ tấn công trong đường xe điện ngầm, thủ lãnh « Vương quốc Kavkaz » tuyên bố : nếu người Nga tin rằng chiến tranh chỉ diễn ra trên vô tuyến truyền hình , chỉ ở vùng Kavkaz xa xôi, thì chúng tôi sẽ đem chiến tranh đến tận nhà của họ ». Theo ghi nhận của giới phân tích, mỗi lần nội tình Nga có dấu hiệu « bấp bênh » thì có xảy ra khủng bố. Nhà chính trị Nicolai Petrov của Viện nghiên cứu Carnegie nhận định là nước Nga đang đi vào « vùng rối loạn khí quyển ». Bầu cử quốc hội 2011, bầu tổng thống 2012 và không kể sự kiện thể thao quốc tế 2014, Thế vận hội Sotchi. Theo chuyên gia Nicolai Petrov thì Nga chưa giải quyết được ổn thỏa vấn đề « mất an ninh» tại Kavkaz. Nguyên do chính là giới lãnh đạo Nga không có tầm nhìn chiến lược, chỉ tập trung « gặp việc tới đâu thì làm đến đó ». Trung tá mật vụ Vladimir Putin lên nắm quyền là nhờ chiến tranh Tchetchenia đã không dám đối đầu với tình hình bất ổn định triền miên tại vùng lãnh thổ xa xôi muốn độc lập này. Chuyên gia Nicolai Petrov phân tích thêm là chính quyền tuyên bố « chiến tranh đã chấm dứt » nhưng thực tế cho thấy là bạo động vũ trang lan khắp Kavkaz và tiến đến tận thủ đô Liên bang. Đây là những bằng chứng cụ thể khẳng định « chính sách an ninh bằng trấn áp đã thất bại ». « Bạo lực trả lời bạo lực » Từ sau loạt khủng bố và bắt con tin vào giữa thập niên 2000, lực lượng công an mật vụ Nga đòi hỏi tăng cường phương tiện hành động và đã được thỏa mãn. Thế nhưng vấn đề an ninh vẫn không được cải thiện. Đã vậy nhà nước Nga còn bị tố cáo là « đồng lõa » với khủng bố. Điển hình là vụ đặt dom phá sập hai tòa nhà cao tầng làm chết gần 300 người dân năm 1999 tại Maxtcơva bị các nguồn tin độc lập tố cáo là có bàn tay của FSB, tạo cớ cho Vladimir Putin tấn công vào Tchetchenia lần thứ hai. Giải pháp hiệu quả nhất không thể dựa vào bạo lực. Trên đài phát thanh Kommersant tối hôm qua, nhà chính trị học Serguei Markov nhận định : « Phải tạo điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi như thế nào để giới trẻ Kavkaz thấy được một tương lai tươi sáng. Nếu không, họ sẽ tìm lối thoát bằng cách « mang bom đến tận Maxtcơva ». Nhưng giới phân tích chính trị tỏ ra không ảo tưởng đối với chế độ bàn tay sắt của Putin. Những tuyên bố của chính quyền Nga trong những giờ qua cho phép dự báo máu sẽ đổ nhiều thêm, nuôi dưỡng vòng xoáy bạo lực.
|