Trung Quốc chuẩn bị thâu tóm tài nguyên thiên nhiên của Bắc Triều Tiên |
Tác Giả: Trọng Nghĩa | |||
Chúa Nhật, 06 Tháng 2 Năm 2011 16:05 | |||
Trong thời gian qua, Bắc Kinh đã liên tục bảo vệ đàn em Bình Nhưỡng trên trường quốc tế. Trung Quốc đã sẵn sàng dùng quyền phủ quyết của mình tại Hội Đồng Bảo An LHQ để giải tỏa sức ép của quốc tế muốn trừng phạt Bắc Triều Tiên trên hai hồ sơ vũ khí nguyên tử và tấn công Hàn Quốc. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Il đang xem xét các thủy sản của đặc khu Rason (ảnh do KCNA phát hành) Cho đến nay, các nhà quan sát đều nêu bật mối lợi về mặt địa lý chiến lược và an ninh mà Bắc Kinh thu hoạch được khi kiên quyết hậu thuẫn cho Bình Nhưỡng. Vào hôm nay, 06/02/2011, theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, sắp tới đây, Trung Quốc sẽ có thêm lợi ích về mặt kinh tế với thỏa thuận khai thác tài nguyên quặng mỏ của Bắc Triều Tiên sẽ được ký kết. Theo Yonhap, được AFP trích dẫn, thì trong tháng hai này, Bình Nhưỡng sẽ ký với Bắc Kinh môt thỏa thuận cho phép các công ty Trung Quốc tiến hành việc thăm dò trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên để khám phá tiềm năng khoáng sản được cho là rất dồi dào tại Bắc Triều Tiên. Quan chức hai nước sẽ ký kết một thỏa thuận về việc cùng khai thác nguồn tài nguyên trong lòng đất của Bắc Triều Tiên vào ngày 15 tháng 2 tại Bắc Kinh, một hôm trước ngày sinh nhật của đương kim lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Il. Trích dẫn một nguồn tin từ giới thông thạo các vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên, hãng tin Hàn Quốc xác định là thỏa thuận sắp ký kết bao gồm một danh sách chi tiết của các mỏ cần khai thác, trong đó có cả mỏ vàng, mỏ than đá và mỏ đất hiếm. Theo thỏa thuận này, hai nước đồng minh sẽ thành lập một công ty đặt trụ sở tại Hồng Kông nhằm tìm cách thu hút các nhóm đầu tư tư nhân ở Trung Quốc. Theo phía Hàn Quốc, nguồn tài nguyên trong lòng đất trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên rất phong phú, có trị giá lên đến 6.300 tỷ đô la. Theo các nhà quan sát, kinh tế Bắc Triều Tiên đang qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn trong bối cảnh nước này bị cô lập trên trường quốc tế do chính sách vũ trang nguyên tử của mình, lại bị đồng hương phương Nam nghi ngại sau hai vụ tấn công vào tàu Cheonan và đảo Yeongpyeong của Hàn Quốc. Trong tình hình đó, thỏa thuận cho Trung Quốc khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình có thể trở thành một nguồn dưỡng khi cần thiết cho chế độ Bình Nhưỡng. Về phần Trung Quốc thì đang gặt hái thành quả từ việc hết lòng giúp đỡ Bắc Triều Tiên từ trước đến nay trong tư cách là đồng minh nặng ký duy nhất của Bình Nhưỡng. Cho đến giờ này, Trung Quốc vừa là nguồn chi viện lớn nhất cho Bắc Triều Tiên, vừa là đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Theo Yonhap, kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước đã đạt mức 3 tỷ đô la trong 11 tháng đầu năm 2010, phá vỡ kỷ lục 2,7 tỷ đô la của toàn năm 2008. Việc ký kết thỏa thuận khai thác nguồn khoáng sản của Bắc Triều Tiên như đã được chuẩn bị từ trước với việc Trung Quốc đầu tư khoảng 2 tỷ đô la vào khu vực Rason miền đông bắc Bắc Triều Tiên, chỉ cách biên giới với Trung Quốc khoảng 50 km. Tập đoàn Trung Quốc được giao việc đầu tư lại là một doanh nghiệp chuyên trách lãnh vực chế biến dầu và khai thác khoáng sản. Theo dự án thì cảng Rason mà Trung Quốc đã giành được quyền sử dụng từ năm 2008 sẽ trở thành cơ sở xuất khẩu qua Trung Quốc và những nước khác. Trung Quốc còn dự trù xây dựng các hạ tầng cơ sở cơ bản như đường giao thông, cầu cảng hiện đại, nhà máy điện… Ngoài vị trí thông ra biển Nhật Bản, và gần Trung Quốc, Rason còn gần khu mỏ quặng sắt lớn Musan, với trữ lượng ước tính là bảy tỷ tấn, tức là lớn nhất thế giới. Theo hãng Yonhap, khu mỏ này đã thu hút sự quan tâm của Trung Quốc cũng như các tài nguyên khác mà rất Bắc Kinh cần để nuôi dưỡng nền kinh tế Trung Quốc.
|