Giới trẻ với ước vọng cho năm mới |
Tác Giả: Khánh An, phóng viên RFA | |||
Thứ Năm, 10 Tháng 2 Năm 2011 10:11 | |||
Việt Nam vẫn còn đang trong những ngày nghỉ Tết. AFP photo Để mở đầu cho năm con Mèo 2011, Café Wifi thực hiện cuộc phỏng vấn bỏ túi với một số bạn trẻ, để tìm hiểu xem họ đang thực sự quan tâm đến điều gì? Họ có hài lòng với xã hội đang sống không? Và họ mong đợi điều gì trong năm mới? Trong chương trình ngày hôm nay, Khánh An có dịp gặp gỡ với 4 bạn trẻ ở các tỉnh thành khác nhau của Việt Nam. Mong ước cho bản thân Trước tiên, mời quý vị làm quen với Thiện, một nhân viên kỹ thuật tại TPHCM. Khánh An: Xin chào Thiện, năm mới xông nhà bạn, Khánh An muốn hỏi Thiện là bạn có mong đợi điều gì trong năm mới không? Thiện: Có chứ. Năm mới, mình cũng mong công việc của mình sẽ ổn định hơn, tốt hơn và thu nhập của mình sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, sức khỏe của mình được ổn định để mình làm việc. Gia đình mình khỏe mạnh và hạnh phúc. Khánh An: Còn đối với xã hội, bạn có mong đợi điều gì không? Thiện: Có lẽ quan trọng nhất là kinh tế của đất nước mình phát triển hơn, ổn định hơn để mình có thể yên tâm làm việc và sinh sống. Khánh An: Nhân dịp năm mới, không biết Thiện có thói quen giống như một số bạn trẻ là đặt ra những mục tiêu cho năm mới không? Nếu có, mục tiêu của Thiện là gì? Thiện: Tất nhiên là có chứ. Mục tiêu của Thiện trong năm mới là phát triển nghề nghiệp của mình. Trước mắt là hoàn thành tốt công việc của mình, sau đó là học thêm. Thiện cũng tính học lên cao học nên mục tiêu bây giờ của Thiện là học lên cao học. Khánh An: Nếu đánh giá, Thiện có thấy hài lòng với xã hội mình đang sống không? Thiện: Thiện hài lòng. Tất nhiên có những bức xúc, có những điều mà mình cảm thấy chưa được tốt lắm, nghĩ theo một hướng tích cực thì cũng do điều kiện của (đất nước) mình chưa đạt tới thôi và mình cố gắng làm được cái gì cho sự phát triển thì mình làm. Trước tiên thì mình cứ sống và làm việc tốt, có ích cho xã hội là tốt lắm rồi. “Có lẽ quan trọng nhất là kinh tế của đất nước mình phát triển hơn, ổn định hơn để mình có thể yên tâm làm việc và sinh sống. Thiện ở TPHCMKhánh An: Cảm ơn Thiện. Bây giờ thì Khánh An mời quý vị gặp gỡ Hương, sinh viên Đại học Kinh tế Kỹ Thuật Công Nghiệp, Hà Nội. Xin chào Hương, Hương mong đợi gì ở năm mới? Hương: Trước hết là công việc ạ. Bọn em cũng sắp ra trường nên mong muốn là sau khi ra trường sẽ tìm được một việc làm ổn định luôn. Bình thường thì em vẫn đi làm thêm nhưng chắc sang năm sẽ dừng việc làm thêm lại để hoàn thành nốt khóa học trong tháng 6 để ra trường yên tâm hơn một tí. Công việc thì không khó kiếm nhưng một công việc ổn định cho sau này thì chắc cũng phải vất vả thì mới có được. Khánh An: Hương thấy các bạn trẻ bây giờ có quan tâm đến những tin tức, thời sự hay những vấn đề đang xảy ra xung quanh không? Hương: Bọn tớ thì thực ra thì tin tức cũng hay đọc nhưng gần như tất cả mọi người theo một xu hướng chung là chỉ đọc những tin nào mình quan tâm. Giới trẻ thì hay quan tâm đến ca nhạc các thứ thôi, tớ cũng vậy, lên đọc trên mạng, đọc báo thì không hay đọc mấy cái tin kiểu chính trị, chỉ lướt lướt đại loại mấy cái tin đại diện thôi, chứ cũng không đi tìm hiểu nhiều về các lĩnh vực khác. Cho ngành giáo dục Hai bạn trẻ đánh giày kiếm sống vào dịp Tết Nguyên Đán 2011 ở Hà Nội. AFP photo Khánh An: Tiếp đến, mới quý vị cùng với Khánh An đến gặp một cô giáo trẻ mới đi dạy được 3 năm thôi, đó là cô Hoa Nhiên, hiện đang giảng dạy tại một trường phổ thông ở An Giang. Khánh An xin chào chị Hoa Nhiên. Đầu năm, chị cho Khánh An hỏi là năm ngoái đi dạy, chị thấy công việc thế nào? Cô giáo Hoa Nhiên: Nói chung, mình cũng làm việc nhiệt tình thôi nhưng mà nhiều khi có những cái mình thấy cũng hạn chế. Khánh An: Trong năm vừa rồi, chị thấy có điều gì mà chị cảm thấy bức xúc trong ngành giáo dục không? Cô giáo Hoa Nhiên: Có. Ví dụ như việc chống tiêu cực, chống bệnh thành tích nhưng có rất nhiều trường lại cho điểm sai sự thật hoặc nâng điểm lên để đủ số lượng, chỉ tiêu nhưng thực chất thì chất lượng lại không có. Khánh An: Như vậy nếu như được kiến nghị cho năm mới đối với ngành giáo dục thì chị sẽ kiến nghị điều gì? Cô giáo Hoa Nhiên: Nói chung có rất nhiều mà mình không biết tiếng nói của mình nó có giá trị để kiến nghị không nữa. Em nghĩ những người lãnh đạo về giáo dục khi đưa ra một cái hướng, ví dụ như chống việc này việc kia, thì coi xem ở dưới người ta có thực thi đúng hay không. Tại vì có những cái ví dụ như người ta nói là “không để cho học sinh ngồi nhầm lớp”, nhưng lại đưa ra một rào cản bắt buộc người giáo viên phải đạt được một chỉ tiêu nào đó, nghĩa là phải như thế nào đó để đạt được (danh hiệu) giáo viên giỏi, giáo viên cấp tỉnh, cấp huyện… Ví dụ như giáo viên môn Toán, tổng kết cuối năm lại là anh dạy thì có bao nhiêu phần trăm học sinh loại yếu, bao nhiêu phần trăm loại trung bình, khá… Nếu trong lớp anh có khoảng 10% loại yếu thì coi như anh không đạt chỉ tiêu rồi. Vì vậy người ta đâu có ai ngu dại mà cho số học sinh của người ta ở mức độ đó nên người ta phải nâng điểm số các học sinh đó lên. Từ đó tạo ra dạy học sinh không có chất lượng mà chạy theo số lượng thôi, kiến thức (của học sinh) không có nhưng mà người ta phải làm như vậy vì ở trên đã ra quy định như vậy rồi. Về xã hội thì em mong là những người dân phải có quyền tự do, những quyền cơ bản của con người thì phải (được nâng cao) hơn một chút. Ví dụ như ở An Giang của em thôi, em thấy có rất nhiều cái bất cập nhưng nhiều khi người dân chỉ im lặng thôi, không dám nói lên điều gì cả. “Em nghĩ những người lãnh đạo về giáo dục khi đưa ra một cái hướng, ví dụ như chống việc này việc kia, thì coi xem ở các cấp dưới người ta có thực thi đúng hay không. Khánh An: Cảm ơn cô giáo Hoa Nhiên. Chúc cho ước vọng đầu năm của chị cho ngành giáo dục và cho xã hội Việt Nam sẽ sớm thành hiện thực. Bây giờ, Khánh An mời quý vị lại trở về thủ đô để gặp một cô bạn trẻ rất mê đi du lịch, đó là Hiền, hiện đang là một nhân viên kinh doanh tại Hà Nội. Xin chào Hiền. Xin hỏi bạn đâu là thành tựu lớn nhất mà bạn đạt được trong năm ngoái? Hiền: Em tự hào là em đi quanh được khu vực miền Bắc rồi, bây giờ em chuẩn bị tiến vào trong Nam để đi hết trong đó. Ước mơ của em chỉ là đi du lịch thôi, thành ra cứ đi được càng nhiều thì em càng thích. Trong khu vực châu Á thì trong năm nay em cố gắng đi thêm được vài nước nữa, đi hết khu vực Đông Nam Á đã. Và cho xã hội Khánh An: Hiền đi nhiều và gặp nhiều các bạn thì nhiều người nói rằng thanh niên bây giờ thật ra không quan tâm nhiều đến những vấn đề xảy ra trong xã hội, những vấn đề thời sự, mà họ quan tâm nhiều hơn đến những gì liên quan đến cuộc sống bản thân họ, thì Hiền thấy là nhận xét này… Một phụ nữ với gánh hàng rong vào những ngày giáp Tết, hôm 25/1/2011. AFP photo Hiền: Thực ra bây giờ em thấy mọi người có một quan niệm là Việt Nam mình đi theo con đường XHCN nên mãi mãi sẽ không cải tạo được, thành ra mọi người sẽ tìm một hướng là đi theo nước ngoài hoặc là kể cả tìm bạn cũng thế, xu hướng là tìm bạn nước ngoài nhiều hơn. Thứ nhất, một phần là do mối quan hệ của họ rộng hơn. Thứ hai, họ học hỏi được nhiều hơn cách sống của họ, thay đổi chính mình và thay đổi xã hội luôn. Em cảm thấy là mỗi người ý thức một chút thì xã hội sẽ thay đổi, nhưng mà bây giờ cảm thấy khó quá, chả biết bao giờ xã hội sẽ khá lên được cho nên mọi người càng ngày càng thấy chán, thì thôi việc mình mình sống. Em nghĩ quan điểm của mọi người là thế, bạn bè xung quanh em cũng đang sống theo cách như thế. Khánh An: Nói về xã hội, năm mới Hiền có một mong đợi gì từ xã hội không? Hiền: Em chắc chẳng mong đợi gì từ xã hội đâu. Em cũng như các bạn thôi, em sống cho bản thân mình, tự cố gắng bản thân mình thôi chứ chả mong đợi gì xã hội tốt đẹp lên đâu. Chắc là phải đến lúc con em chập chững đi lấy vợ rồi thì lúc đó em mới bắt đầu nghĩ đến chuyện xã hội tốt lên được quá. “Em cũng như các bạn thôi, em sống cho bản thân mình, tự cố gắng bản thân mình thôi chứ chả mong đợi gì xã hội tốt đẹp lên đâu. Chả hy vọng gì ở xã hội cả chị ạ. Em chỉ nghĩ là bản thân mình phải cố gắng, còn xã hội mà mình muốn thay đổi thì mình phải vào một giới khác, nói chung là phải trong bộ máy chính quyền thì mình mới mong thay đổi được. Nhưng mà chị phải hiểu là trong đời sống xã hội có một cái trò là đi theo dây. Nếu mà không vào dây hay đi theo dây được thì mình cũng chết cho nên tốt nhất là… kệ nó! Khánh An: Vâng, đó là quan niệm của Hiền, cũng là quan niệm của một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay tại Việt Nam. Nói tóm lại, qua những chia sẻ của các bạn trẻ trên đây, có thể thấy những vấn đề của xã hội không phải là mối quan tâm chính, mà thay vào đó, công việc, giải trí và những vấn đề của bản thân vẫn là ưu tiên hàng đầu của đa số các bạn trẻ. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tích cực thì việc cố gắng thăng tiến bản thân nơi một số bạn trẻ chắc chắn sẽ là những hạt mầm cho ước mơ về một xã hội tốt đẹp hơn.
|