Quân đội Ai Cập là sản phẩm du học Mỹ |
Tác Giả: Nguyễn Văn Khanh | |||
Thứ Hai, 14 Tháng 2 Năm 2011 16:48 | |||
Hầu hết các sĩ quan lớn tuổi của Ai Cập tốt nghiệp Học Viện Quân Sự Liên Xô Hinh minh họa Bài phát biểu của Tổng Thống Barack Obama mở đầu bằng câu “trong cuộc đời chúng ta ít khi được chứng kiến sự chuyển mình của lịch sử, và đây là một trong những cơ hội hiếm hoi đó.” Ông bảo tiếp, “người dân Ai Cập đã cất tiếng bày tỏ quan điểm chính trị của họ và tiếng nói của họ đã được lắng nghe.” Bài phát biểu kết thúc với câu “vẫn còn những ngày khó khăn trước mắt” trên con đường tiến đến dân chủ, thay mặt người dân và chính phủ Hoa Kỳ “cam kết sẽ hỗ trợ” để dân chúng quốc gia đồng minh đạt được ước nguyện. Không ai biết bài phát biểu mà tổng thống Hoa Kỳ vừa đọc trưa Thứ Sáu vừa rồi có phải là bài được soạn sẵn từ tối hôm trước hay không, vì từng có lúc không chỉ Tòa Bạch Ốc mà cả thế giới đều tin Tổng Thống Hosni Mubarak sẽ từ chức, chẳng ai ngờ ông ta lại thông báo chỉ trao quyền hành lại cho Phó Tổng Thống Omar Suleiman. Báo chí không quên cảnh ông chánh văn phòng Bill Daley bảo với nhân viên dưới quyền bằng giọng bực bội “bên Cairo nói với mình khác mà” ngay sau khi nghe bài diễn văn tổng thống Ai Cập đọc vào tối Thứ Năm, và cũng không thể quên cử chỉ vội vã của ông chánh văn phòng vào trưa Thứ Sáu khi nghe ông hỏi người phụ tá “đã liên lạc được chưa,” trước khi Tổng Thống Barack Obama xuất hiện để đọc lời phát biểu chúc mừng cuộc cách mạng do người dân khởi xướng đã thành công. “Liên lạc” ở đây có nghĩa là gọi điện thoại nói chuyện với Ðô Ðốc Mike Mullen, tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ. 2. Kể từ khi dân chúng Ai Cập tràn ra đường đòi Tổng Thống Hosni Mabarack phải từ chức, 2 vị tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ và Ai Cập “nói chuyện với nhau ít nhất 3 lần,” theo tiết lộ của một viên chức cao cấp thuộc Bộ Quốc Phòng. Cuộc thảo luận qua điện thoại đầu tiên giữa Ðô Ðốc Mullen và Trung Tướng Sami Enan diễn ra “khi ông Mubarak quyết định đưa quân đội vào kiểm soát Cairo” và lần cuối cùng 2 người nói chuyện với nhau “ngay sau khi Phó Tổng Thống Omar Suleiman loan báo ông Mubarak tử chức.” Giữa những lần nói chuyện đó, Ðô Ðốc Tham Mưu Trưởng Mullen cho biết cảm nghĩ của ông, “quân đội Ai Cập đã giữ vị trí của họ thật hay,” và kể lại với các nhân viên dưới quyền là chính ông vào Phòng Bầu Dục báo cáo với tổng thống là ông không ngờ quân đội nước bạn “lại hay đến thế.” Một viên chức Tòa Bạch Ốc kể lại lúc được tin xe tăng và quân đội Ai Cập tiến vào thủ đô Cairo “mọi người đều lo âu” vì nghĩ có thể đổ máu sẽ xảy ra. Tức khắc Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia được triệu tập và chỉ thị cho ông Ðặc Sứ Frank Wisner đừng vội rời Trung Ðông, nhưng vài giờ đồng hồ sau đó Tòa Ðại Sứ gửi về bản báo cáo đầu tiên “không thấy quân đội phản ứng mạnh” chỉ “giữ trật tự và rất hòa nhã với dân.” Báo cáo này cùng với hình ảnh trên TV giúp các thành viên cao cấp trong Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ thở phào nhẹ nhõm, vì trước đó chuyện Thiên An Môn có thể tái diễn đã được nói tới. 3. Tại sao quân đội Ai Cập giữ vị trí độc lập, cho dù có khả năng dẹp tan cuộc biểu tình cũng như có thể lật đổ được chính quyền? Có nhiều cách để trả lời câu hỏi này, và riêng với các giới chức Hoa Kỳ, chuyện binh sĩ án binh bất động - chỉ giữ vai trò bảo vệ an ninh - là thành quả của những chương trình huấn luyện do Bộ Quốc Phòng thực hiện. Hầu hết các sĩ quan lớn tuổi của Ai Cập tốt nghiệp Học Viện Quân Sự Liên Xô - kể cả Tổng Thống Mubarak và Phó Tổng Thống Suleiman, nhưng sau ngày ký hiệp ước hòa bình với Israel (hồi 1979), chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu mở rộng hợp tác quân sự với Ai Cập dưới nhiều hình thức khác nhau, từ số tiền viện trợ quân sự khổng lồ hàng năm cho tới những chương trình huấn luyện, đào tạo một thành phần sĩ quan trẻ cho quốc gia đồng minh quan trọng ở Trung Ðông. Các chương trình huấn luyện này giúp những sĩ quan Ai Cập hiểu “binh sĩ không chỉ nhập ngũ để đánh giặc, mà còn là nhịp cầu giữa quân đội với xã hội,” theo trình bày của Thiếu Tướng Robert Scales, cựu chỉ huy trưởng Trường Cao Ðẳng Quốc Phòng tại Washington khi trả lời phỏng vấn của đài truyền hình CBS. Cũng trên đài truyền hình này, Ðại Tướng Anthony Zinni, cựu tư lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Phi Châu và Trung Ðông tin rằng “thế hệ sĩ quan trẻ và trung niên do Hoa Kỳ đào tạo hiểu rõ trách nhiệm của họ, biết phải làm gì ở chiến trường và phải làm gì ở hậu phương.” Vì thế Ðại Tướng Zinni chẳng ngần ngại gọi việc quân đội Ai Cập không nổ súng bắn dân “là thành quả của những chương trình hợp tác giữa quân đội 2 nước.” Tướng Zinni nói rõ hơn “những gì nước Mỹ bỏ ra để đầu tư đã đem lại kết quả tốt.” Với những người đóng vai trò lãnh đạo cuộc tranh đấu ở Ai Cập, binh sĩ quyết định không sử dụng sức mạnh súng đạn để can thiệp vì lối làm việc “khôn ngoan” của đoàn biểu tình. Anh Mohamed Shadi, một thanh niên trẻ tham dự cuộc biểu tình ngay từ ngày đầu tiên cho biết anh cùng với các bạn “soạn sẵn một quyển cẩm nang” phổ biến trên mạng cho những người biểu tình biết phải ăn mặc như thế nào và phải làm gì khi gặp khó khăn. Trong quyển cẩm nang dầy hơn 20 trang này có 2 điều quan trọng: “nhớ cầm trên tay một đóa hoa để cho các nhân viên an ninh biết chúng ta biểu tình ôn hòa” và “nhớ ôm hôn, trò chuyện thân tình với các binh sĩ để cho họ biết chúng ta quý trọng họ.” Cả 2 điều này đều đem lại kết quả tốt đẹp, giúp cuộc biểu tình thành công êm thấm.
|