Home Tin Tức Bình Luận Chiến tranh biên giới 17/2/1979: Ba mươi năm tội ác xâm lược, đâu rồi lòng yêu nước?

Chiến tranh biên giới 17/2/1979: Ba mươi năm tội ác xâm lược, đâu rồi lòng yêu nước? PDF Print E-mail
Tác Giả: J.B Nguyễn Hữu Vinh   
Thứ Năm, 17 Tháng 2 Năm 2011 05:48
Ngày hôm nay, 17/2, kỷ niệm 32 năm ngày cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ Quốc trước cuộc chiến xâm lược của bọn bành trướng bá quyền Trung Quốc.
Chiến tranh biên giới 17/2/1979: Ba mươi năm tội ác xâm lược, đâu rồi lòng yêu nước?

Một cuộc chiến được tiến hành trong điều kiện muôn vàn gian khó của toàn dân tộc nhưng đầy khí thế hào hùng thể hiện tinh thần bất khuất trước ngoại xâm khi cả nước cùng ra trận.

Đã 32 năm trôi qua, những khí phách đó chỉ còn trong ký ức trước hiện tại một nhà nước cam tâm thực hiện chính sách hèn với giặc, hung dữ với dân và lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mất dần vào tay bọn xâm lược. Từ Hoàng Sa, Trường Sa, Ải Nam quan, Thác Bản Giốc… đã dần đổi chủ và cả hệ thống chính trị đang bằng mọi cách lấp liếm điều này.

Kỷ niệm ngày khởi đầu cuộc chiến bảo vệ Biên giới phía Bắc 17/2, chúng tôi đăng lại bài viết của tác giả J.B Nguyễn Hữu Vinh, bài viết cách đây hai năm nhưng vẫn mang đầy đủ tính thời sự của nó.


Đúng ngày này ba mươi năm trước (17/2/1979) bọn bá quyền bành trướng Bắc Kinh xua quân xâm lược toàn tuyến biên giới nước ta. Cả đất nước vùng dậy, dù trong cơn đói kém đến kiệt quệ vẫn vững vàng tay súng với ý chí ngùn ngụt căm thù bọn xâm lăng. Hàng vạn thanh niên trai tráng lên đường, tạm biệt vợ con, người yêu thương để xông ra chiến trường giết giặc.

Cả đất nước đứng lên, cả thế giới căm hận

Lương tâm loài người được báo động, cả thế giới phỉ nhổ vào chính sách Đại Hán bành trướng ngang ngược xâm lược nước ta với những lời hăm doạ ngổ ngáo rất du đãng: “Dạy cho Việt Nam một bài học”.

Bài hát “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” được phát đi phát lại nhiều lần thôi thúc những người con đất Việt dâng lên một hào khí Thăng Long, Đông A, quyết tâm trừ giặc nước bảo vệ non sông gấm vóc của cha ông ngàn đời để lại.

 Tất cả đã thề một lời không đội trời chung với lũ xâm lăng, tất cả một lời thề dù hi sinh xương máu vẫn quyết giữ vững từng mảnh đất, khóm cây bụi cỏ là giang sơn của đất nước.

Những lời thề đó như còn vang vọng đến bên tai tôi tận hôm nay, 30 năm sau.

Tôi còn nhớ, những người bạn tôi đã ra đi thề quyết tử để Tổ quốc trường tồn. Tất cả dân tộc bừng lên khí thế hào hùng giết giặc.

 Hàng ngàn chiến sỹ đã đổ máu xương của mình để bảo vệ từng tất đất biên cương của Tổ quốc, hàng triệu gia đình chắt chiu những hạt gạo quý giá cuối cùng để gửi ra tiền tuyến. Tất cả mọi người từ già đến trẻ đều thể hiện dòng máu anh hùng yêu nước Việt Nam trong từng công việc, từng hành động từ các công trường, nhà máy, hầm mỏ và từ các cháu học sinh đến cụ già tóc bạc da mồi.

Với khí thế bừng bừng lửa hận, bọn bá quyền bành trướng Đại Hán vốn muôn đời nay vẫn không nguôi ý đồ xâm lược nước ta đã phải nhục nhã lui quân, ôm đầu máu tháo chạy.

Quân dân Việt Nam anh hùng đã ghi vào sử sách một trang vàng chiến công rực rỡ: Một lần đứng lên oai hùng, không chịu vết nhục ngàn năm bắc thuộc có cơ hội lặp lại trên đất nước Việt Nam.


Để có những chiến công vang dội đưa đến chiến thắng oai hùng đó, biết bao nhiêu chiến sỹ đã ngã xuống nơi tuyến đầu Tổ quốc. Bao bà mẹ, bao người vợ đã mãi mãi trên đầu những chiếc khăn tang vì đã hi sinh cho đất nước những người con anh dũng.

 Bao tiền của, vật lực và mồ hôi xương máu của nhân dân đã dốc ra tiền tuyến, chi viện cho chiến trường. Tất cả đã được ghi xương, khắc cốt và viết nên dòng chữ vàng trong lịch sử Việt Nam: LỊCH SỬ CHỐNG NGOẠI XÂM ANH DŨNG.

Dù biết rằng, mọi cuộc chiến tranh là bất hạnh, nhưng khi kẻ thù của đất nước, của nhân dân, của dân tộc ta đã buộc chúng ta đến bước đường cùng, thì tất cả dân tộc đã biết kết liên thành một khối.

Bài ca chiến thắng ngày đó là hùng tráng, là đẫm máu và nước mắt, xen lẫn giữa những tiếng khóc chia ly, mất mát là những nụ cười mãn nguyện: Chúng ta đã làm hết sức mình để bảo vệ giang sơn mà ngàn đời cha ông đã cố công gây dựng và trải biết bao cuộc chiến núi xương biển máu để giữ gìn.

Những người bạn tôi ra đi ngày đó, khi trở về con số hao hụt khá nhiều, đã có những con người không biết bây giờ còn nằm nơi nao trên núi rừng biên giới. Những người còn lại trở về, có những bạn không còn nguyên vẹn, một phần máu thịt để lại nơi núi rừng nào đó.

 Nhưng tất cả, dù còn sống trở về hay đã vĩnh viễn không trở lại, tôi biết họ đã mãn nguyện và tự hào khi được đứng lên thay cho cả đất nước để nói với kẻ thù rằng: Đất nước này không hèn đớn và không chịu nhục: Nỗi nhục mất nước, nỗi nhục bị đô hộ và xâm lăng.

Ba mươi năm đã qua

Ngày hôm nay, kỷ niệm ngày mà ngọn lửa chiến tranh bị bọn bá quyền đốt cháy bùng lên biên giới nước ta nhằm thiêu cháy cả dân tộc trong nỗi đau đớn và nhục nhã.

Những ngày này của cả đất nước Việt Nam đang tưng bừng lễ hội, những lễ hội tốn kém và hoành tráng. Phải chăng người ta đã quên mất những chiến sỹ trận vong năm nào, người ta đã quên mất những người đã bỏ mình vì Tổ Quốc?

Trên các báo của Việt Nam tôi đã cố tìm nhưng khó tìm thấy một dòng nào về ngày này, ngày mà đất nước chúng ta thể hiện tinh thần quật cường trước ngoại xâm. Không một dòng nào về những chiến sỹ, những người dân đã bỏ mình vì Tổ Quốc trong một ngày kỷ niệm lớn lao: Ba mươi năm chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ Quốc.

 Từ những tờ báo được coi là lớn ở Việt Nam như Tuổi trẻ, Thanh niên đến muôn vàn tờ báo lá cải khác, vẫn những bản tin : “vàng tăng giá, quan chức xâu xé đất tái định cư, tội phạm xã hội…” mà tuyệt nhiên không thấy một dòng nào để nói về một mốc son kỷ niệm cuộc chiến tranh vệ quốc mà bao nhiêu xương máu đã đổ.

Tôi cũng lục tìm đến tờ Hà Nội mới, tờ An ninh Thủ đô, Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội, những tờ báo và nhà đài đã đi đầu và hết sức nhiệt tình trong việc bóp méo, xuyên tạc và vu khống những giáo dân, những công dân Việt Nam ở Hà Nội đang đòi công lý và sự thật qua sự việc Toà Khâm sứ và Thái Hà.

Trên tờ Hà Nội mới, nổi bật hàng chữ “Đạo đức Hồ Chí Minh” khi click vào trang Chính trị. Tuyệt không có một dòng nào về ngày kỷ niệm này. Tôi không rõ trong mục đạo đức Hồ Chí Minh có dạy người dân Việt Nam phải biết yêu quê hương đất nước và kính trọng các anh hùng liệt sỹ đã bỏ mì
nh vì giang sơn hay không mà trên tờ báo này không có một lời nào về ngày này?

Trên tờ An ninh Thủ đô, những hàng chữ chạy ngang mà tôi đọc được nổi bật là: “Vào tù vì yêu sớm, chồng đâm vợ trọng thương, lừa tình chiếm xe…” và giữa trang vẫn là những bài viết đậm mùi xuyên tạc vu cáo, kích động hằn thù tôn giáo trong cộng đồng dân tộc mà ở trong đó không thiếu những lời lẽ mùi mẽ khi kích động đám quần chúng thiếu hiểu biết, thừa hằn học về cái gọi là “Lòng yêu nước” của họ.

Nhớ lại những ngày cách đây chưa lâu, dàn đồng ca báo chí nhà nước được lệnh đã nhất loạt dùng những ngón đòn nhơ bẩn nhất để đánh phá, kích động hằn thù đối với một cộng đồng tôn giáo ở Hà Nội. Thậm chí trên truyền hình Trung ương, hàng loạt bản tin, hàng loạt chương trình nhằm bôi xấu cộng đồng tôn giáo, xuyên tạc sự thật, bất chấp nhân tâm đã được ưu tiên. Khi đó những từ ngữ “lòng yêu nước, tự hào dân tộc…” trên chót lưỡi đầu môi được thể hiện một cách cuồng nộ nhất.

Đâu rồi những lời gào thét “yêu nước” đến khản giọng khi muốn nhấn chìm một lãnh tụ tôn giáo và một cộng đồng dân tộc? Đâu rồi các quan chức khi mở miệng nói về “lòng tự hào dân tộc”, “tự hào là người Việt Nam” khi xuyên tạc câu nói của Đức Tổng Giám mục Hà Nội nhằm làm mồi cho lũ cô hồn đòi giết người trong đêm?

Đâu rồi đám quần chúng tự phát vì “yêu nước thương nòi” đêm nào bao vây Thái Hà và Toà Khâm sứ? Đâu rồi đám “Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh” những đêm nào bao vây giáo dân, phá rối và khiêu khích đoàn người cầu nguyện bằng những cú hích vào mạng sườn và những bãi nước bọt nhổ vào mặt và gào lên “Như có bác Hồ…”?

Đâu rồi đám “Uỷ ban Đoàn kết Công giáo” đang là “đại diện của giới công giáo” yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội?

Tất cả trốn đâu hết mà để ngày này, kỷ niệm 30 năm cuộc chiến anh hùng giữ gìn đất đai thiêng liêng của Tổ quốc lại để các chiến sỹ trận vong thêm tủi nhục cho sự hi sinh của mình bởi sự lãng quên và vô cảm.

 Thật đáng thương thay cho thân phận báo chí nô lệ và những con người chỉ biết tôn thờ đồng tiền bất chấp lương tâm.

Thật đáng thương thay cho cả những con người yêu nước thương nòi thật sự mà không dám hay không thể nói lên được suy nghĩ của mình.

Thật đáng thương thay cho một đất nước, khi mà cả dân tộc đang phải mím miệng, ngậm tăm trước những sự càn rỡ hống hách của bọn xâm lăng đối với bờ cõi đất nước.

Phải chăng họ đã quên, phải chăng họ đã không còn nhớ những điều không bao giờ được quên đó? Tôi không nghĩ thế. Vậy ai dạy họ quên những điều này?

Hay bởi họ bị cấm không được nhớ, không được nói ra? Ai cấm họ nói lên lòng yêu nước của mình, những người đó có yêu nước thương nòi thật sự không?

Phải chăng khi cả xã hội, cả đất nước đua nhau hò hét giành giật từng mảnh đất, tài sản của từng cá nhân, tổ chức trong nước, thì họ đã quên mất tất cả?

Đáng thương thay.

Bên tai tôi vẫn văng vẳng một câu nói 30 năm trước của Đài Tiếng nói Việt Nam về bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh rằng: “Một đất nước mà trong ngoài lục đục trên dưới không yên thiên hạ bất đồng nhân tâm ly tán thì thử hỏi có sức mạnh làm sao được”.

Hà Nội, Kỷ niệm 30 năm ngày chiến tranh bảo vệ Biên giới Phía Bắc 17/2/1979- 17/2/2009.