Lý do, điều kiện giam giữ vì quá đông nên vô nhân đạo, vi phạm tu chính án thứ tám của hiến pháp Hiệp Chủng Quốc Hoa kỳ.
|
Tối Cao Pháp Viện [TCPV] Mỹ với số phiếu khít khao 5 đồng ý 4 không, đã phán quyết rằng chánh quyền tiểu bang California [Cali] trong vòng 2 năm phải thả 46,000 tù nhân. Lý do, điều kiện giam giữ vì quá đông nên vô nhân đạo, vi phạm tu chính án thứ tám của hiến pháp Hiệp Chủng Quốc Hoa kỳ. Quyết định này của TCPV Mỹ đặt chánh quyền tiểu bang Cali vào hoàn cảnh khó khăn, dân chúng phát lo về an ninh khi những tù nhân này được thả ra ngoài xã hội trước hạn án. Đây là phán quyết đầu tiên chưa có tiền lệ của Mỹ. Trong lịch sử Mỹ không thiếu những tranh chấp giữa liên bang với tiểu bang, giữa hành pháp và tư pháp, gây rất nhiều tranh luận. Nhưng trong hầu hết các trường hợp chánh quyền và nhân dân tuân hành phán quyết của TCPV. Và người ta tin rằng đây là cơ hội, thời điểm để TB Cali cải thiện hệ thống cải huấn của mình.
Bình tâm nhận định những con số người ta thấy phải làm một cái gì để sửa đổi, cải thiện hệ thống khám đường và cải huấn của Cali. Thống kê cho biết cứ 6 ngày thì có 1 người tù chết vì điểu kiện giam giữ tồi tệ này. Không thiếu gì những hình ảnh thê thảm trong các khám đường Cali. Nào là nhiều khám đường hết chỗ chứa tù, phải lấy nhà tập thể dục của khám đừơng làm nơi giam giữ , với hàng trăm giường ngủ, cái này chồng lên cái kia thành cả mấy tầng. Nào là tù nhân bị bịnh phải cách ly nhưng nhốt trong những cái cũi sắt chờ được khám bịnh. Nào là xà lim mỗi cái chứa nhiều người mất ý nghĩa xà lim, biệt giam mà luật pháp qui định trong khi còn đang điều tra. Thẩm phán [TP] tối cao Anthony Kennedy, người thay mặt cho đa số đã biểu quyết thuận trả tự do, thảo ra phán quyết đã dùng những hình ảnh ấy để nói lên «những cái chết, những đau khổ không cần thiết » gây ra bởi những điều kiện sống vô nhân đạo. Vì vậy mà cứ 6 ngày thì có một người tù chết vì điều kiện giam giữ tồi tệ và thiếu chăm sóc ấy. Số tù nhân tự tử ở Cali tỷ lệ cao hơn các tiểu bang khác, là 80 lần.
Ô. Matthew Cate, Bộ Trưởng Bộ Cải Huấn của TB Cali cho biết 33 khám đường của TB sức chứa chỉ đủ cho 80,000 người tù nhưng đang phải chứa 140,000 người, nên không thể có 1 giường cho 1người.
Nên những thẩm phán tối cao có thái độ cấp tiến như Bader-Ginsburg, Breyer, Sotomayor và Kagan biểu quyết thả bớt, chiếm đa số. Còn quí vị bảo thủ như TP Scalia, Alito, Thomas và Roberts thì không đồng ý thả vì lo âu. Như TP Samuel Alit nói việc trả tự do cho những tù nhân này sẽ dẫn đền một bức tranh buồn cho những nạn nhân của việc thả tù nhân này. Và TP Antonin Scalia nghiêm khắc cho việc làm đó là một việc đánh cuộc đằng sau lưng nền an ninh của người dân Cali.
Nhưng thực tế vấn đề không trầm trọng như vậy. Đâu phải một lần một hay một ngày một bữa phải thả hết 46,000 người tù này đâu. Đâu phải phạm nhân nào cũng tái phạm đâu mà quá lo vấn đề an ninh khi thả quá nhiều như vậy. Phán quyết dành cho chánh quyền Cali trong vòng hai năm để thực hiện.
Chánh quyền Cali có nhiều cách để giải quyết cái khó khăn này. Chuyển số tù nhân này qua các tiểu bang khác gởi ở đó, tự nhiên là phải trả tiền. Xây một số khám đường mới. Trong lúc ngân sách Cali khiếm hụt trầm trọng hai giải pháp này cũng là một vấn đề lớn. Thả những người ít nguy hiểm trước.
Nguyên do chánh có số tù nhân quá tải đối với khám đường này là do luật nhứt quá tam. Luật này qui định đương nhiên dựa vào khám tối thiễu 25 năm những ai phạm tội lần thứ ba dù đó chỉ là tội ăn cắp một ổ bánh mì.
Đây không phải là việc gì mới. Sự tranh chấp giữa chánh quyền liên bang với tiểu bang là một vấn đề cổ điển. Thống đốc Arkansas Orval Faubus chống lại phán quyết bình đẳng giáo dục cho người Da Den, dùng vệ binh tiểu bang ngăn không cho 9 học sinh ghi danh vào Little Rock Central High School. TT liên bang lúc bấy giờ là Eisenhower thi hành phán quyết của TCPV, dùng không quân đưa quân đội của liên bang xuống bảo vệ số học sinh này.
Nhưng TT Eisenhower bảo vệ những trẻ em học sinh Mỹ vô tội, chớ không bảo vệ tù nhân như TCPV làm qua phán quyết buộc TB thả tù nhân đang thi hành án - một phán quyết chưa có tiền lệ. Vấn đề này liên quan đến vấn đề liệu toà án Mỹ có quyền xen vào các trại giam do chánh quyền tiểu bang quản trị hay không. Vấn để này thêm gay go vì liên quan đến vấn đề an ninh của xã hội đối với quyền tự do cá nhân.
Nhưng từ khi lập quốc cho đến Nội Chiến và Phong trào Dân quyền, khuynh hướng chung của chánh quyền Mỹ nói chung, là Hành Pháp nhiều khi bất bình và bất đồng ý mạnh với TCPV nhưng sau cùng vẫn tuân hành khi TCPV ban hành phán quyết. Do đó đây là một cơ hội, là thời điểm để chánh quyền Cali gồm lập pháp, hành pháp và tư pháp của tiểu bang nói chung cải thiện hệ thồng cải huấn của tiểu bang mình. Cần một ủy ban liên ngành, lưỡng đảng để xem xét phán quyết của TCPV với tình hình giam giữ quá đông chật của TB.
Dù Thống Đốc Jerry Brown vốn là một chưởng lý,với lập trường không cải tổ hệ thống khám đường, từng mạnh dạn chống đối lại quyết định của toà bảo chánh quyền trả tự do cho 40,000 người khiến phải thượng cầu lên TCPV liên bang. Nhưng với quyết định của TCPV hiện tại, Ông là Thống Đốc, Ông không thể cưỡng lại được, vấn đề coi như đã chung thẩm. Và Quốc Hội Cali cũng thế. Chánh quyền Cali không thể làm ngơ trước vấn đề khám đường quá tải. Chánh quyền Cali không thể không tuân hành để sửa chữa những điều mà TCPV Mỹ gọi là vi phạm tu chính án của hiến pháp Mỹ cấm hình phạt tàn bạo và bất thường.
Chánh quyền Cali trong đó có TĐ Brown đã thấy nên hồi đầu năm Ông đã cho chuyển hàng ngàn tù nhân từ khám đường tiểu gang sang khám đương quận hạt (counties) để bớt chật chội và điều kiện sống khá hơn. Và mới đây Ông cũng đã ký ban hành luật AB 109 để thực hiện điều ấy. Nhưng tiểu bang gặp khó khăn là phải trả tiền trong khi ngân sách quá thiếu thốn, nợ nần. Nhưng những cố gắng sửa chữa của Hành Pháp và Lập Pháp Cali chưa đủ. Cali dự trù chuyển gởi một số sang các nhà tù tiểu bang khác, nhưng cũng cần tiền trả. Trả tự do cho tù nhân ít nguy hiểm trước. Và xin thả 30,000 người trong vòng 3 năm, chậm hơn đòi hỏi của TCPV một năm.
|