Cộng đồng người Việt Úc Châu: Một điểm sáng |
Tác Giả: Lê Nguyên Hồng | ||||
Thứ Tư, 01 Tháng 6 Năm 2011 06:03 | ||||
Người Việt hiện nay ở Úc chủ yếu có nguồn gốc là người tị nạn chế độ Cộng Sản Việt Nam. So với Hoa Kỳ là quốc gia có đông cư dân gốc Việt đang sinh sống nhất, thì Úc có lẽ sẽ xếp hàng thứ hai, với khoảng 250 ngàn người. Một người có con mắt quan sát bao quát, sẽ đánh giá rằng kể cả “chất lượng” chính trị trước khi rời Việt Nam thì người Việt ở Úc cũng thua kém người Việt tại Hoa Kỳ. Người Việt sang Úc chủ yếu bằng con đường vượt biển nguy hiểm, phần lớn là thường dân và hạ sĩ quan hoặc binh lính cũ của Việt Nam Cộng Hòa. Còn người Việt ở Hoa Kỳ thì đi theo bối cảnh di tản năm 1975, số còn lại cũng đi theo diện HO, một bộ phận nhỏ hơn mới là diện ODP và những thuyền nhân vượt biển, được cứu xét theo diện tị nạn chính trị. Chúng ta biết rằng, những gia đình di tản sang Mỹ năm 1975 chủ yếu đều là các gia đình quan chức các cấp trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, và lực lượng các sĩ quan quân đội, cũng như cảnh sát quốc gia. Một lượng lớn người Việt khác đến Mỹ là các cựu tù nhân quân cán chính của Việt Nam Cộng Hòa sau khi mãn hạn tại các trại tù khủng khiếp khắp đất nước, được chính phủ Hoa Kỳ chấp nhận cho đi định cư theo diện HO. Như vậy nếu nói về mặt bằng kiến thức chính trị, văn hóa xã hội nói chung, người Việt ở Úc sẽ kém người Việt tại Hoa Kỳ. Thế nhưng tại Úc, người Việt đã hình thành được một cộng đồng khá thống nhất và có sự chặt chẽ trong khâu tổ chức từ trên xuống dưới. Sau năm 1975 tổ chức có tên: Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu (Vietnamese Community in Australia) được manh nha thành lập. Tổ chức này được đăng ký chính thức theo luật pháp của nước Úc vào năm 1987. Họ là tổ chức đại diện cho toàn thể người Việt trên đất Úc, với mục tiêu cụ thể là: Đáp ứng các nhu cầu của người Việt định cư tại Úc, phát huy và bảo tồn văn hóa của người Việt hải ngoại trong xã hội đa văn hoá Úc. Nói chung là bảo vệ quyền lợi của người Việt tị nạn, bên cạnh việc làm tốt nghĩa vụ công dân trên đất nước Úc. Có thể mọi người cứ tưởng rằng chỉ có tại Hoa Kỳ mới có các vị dân biểu gốc Việt thành công trên chính trường. Nhưng tại Úc, ngay từ năm 1995, một người Việt tị nạn có tên là Nguyễn Văn Sang đã trúng cử vào Viện lập pháp thuộc quốc hội tiểu bang Victoria. Hai dân biểu Trần Thái Văn và Võ Huy người Việt đắc cứ nghị viên tiểu bang California và Texas cũng chỉ trúng cử vào năm 2004 tại Mỹ. Hiện nay tại Úc có hàng trăm các hội đoàn dân sự lớn nhỏ của người Việt được hình thành tự do tại tất cả các tiểu bang có người Úc gốc Việt sinh sống. Những hội đoàn nói trên đã rất tích cực trong công cuộc đấu tranh ôn hòa nhằm từng bước đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, xóa bỏ chế độ Độc tài Cộng sản trong nước. Có được những thành tựu này là nhờ những hạt nhân và các hội đoàn hạt nhân thúc đẩy cuộc đấu tranh chống Cộng từ đất Úc hướng về Việt Nam. Có rất nhiều các hội đoàn tiêu biểu tại các tiểu bang đáng nhắc tới, nhưng trong khuôn khổ một bài báo, người viết xin trích dẫn đôi dòng về một vài công việc cụ thể thành công của người Việt tị nạn tại tiểu bang New South Wales: Người Việt tại New South Wales, đặc biệt là tại Sydney đã thành công lớn trong những năm qua, ít nhất trong hai việc: Thứ nhất là tạo áp lực chính trị lên các vị dân biểu tiểu bang và liên bang để họ có tiếng nói chính thức về tình trạng mất nhân quyền tại Việt Nam. Thứ hai, người Việt tại New South Wales đã hỗ trợ về vật chất, tiền bạc rất mạnh cho các nhà đấu tranh trong nước. Đối với mảng tác động chính giới, nhiều năm qua người Việt tị nạn tại tiểu bang này đã có những cuộc gặp gỡ, điều trần với quốc hội tiểu bang, với sự hiện diện của các vị chủ tịch cộng đồng và Khối 1706, cũng như Đài phát thanh Vietnam Sydney Radio. Ví dụ như buổi điều trần với quốc hội Úc ở thủ đô Canberra ngày 19/03/2009. Buổi điều trần này là kết quả nhiều hoạt động của người Việt từ những năm trước, và từ việc ngày 3/9/2008, Tổng trưởng Ngoại giao Úc, Steven Smith, đã yêu cầu Ủy ban nghiên cứu về nhân quyền ở Châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt yêu cầu Ủy ban phối hợp Ngoại giao, Quốc phòng, và Thương mại của Quốc hội Liên bang Úc có những buổi điều trần để nghiên cứu môt số vấn đề về nhân quyền quốc tế. Tại sao nước Úc lại quan tâm sâu sắc đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam? Trước hết là nhờ những nỗ lực thuyết thảo của cộng đồng người Việt tị nạn, với những hoạt động cụ thể, ví dụ: Thể theo nguyện vọng của Khối 1706, Dân Biểu Chris Hayes - Dân biểu Liên Bang vùng Fowler - Đã tổ chức một cuộc thảo luận về Nhân quyền cho Việt Nam, tại phòng họp trong quốc hội Úc - Canberra, ngày 11 tháng Năm 2011, giữa một số chính giới Liên bang Úc, cùng Cộng đồng người Việt tự do, Khối 1706, và một số đại diện tôn giáo. Từ buổi thảo luân trên, ngày 23/05/2011 dân biểu Chris Hayes đã có bài tranh luận tại quốc hội Úc lên tiếng thay cho cộng đồng người Việt tị nạn Úc Châu. Tại sao vấn đề nhân quyền ở Việt Nam lại được chính giới Úc quan tâm ? Đó một phần là vì quyền lợi của nước Úc, của các công dân Úc gốc Việt. Chúng ta đã biết hiện nay Việt Nam đang là đối tác chiến lược của Úc. Mọi sự trì trệ hay cởi mở về chính trị, về dân chủ ở Việt Nam sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của người Úc. Do vậy họ quan tâm đến vấn đề nhân quyền của Việt Nam là điều đương nhiên. Mặt khác, đó cũng là một nghĩa vụ quốc tế trong việc cải thiện nhân quyền toàn cầu. Về những thành công rực rỡ của người Việt chủ yếu là tại Hoa Kỳ và Úc, trong công cuộc vận động dân chủ hóa Việt Nam, là những kết quả không ai có thể chối bỏ. Thế nhưng có những người với nhãn quan chính trị lạc hậu và thiển cận, đã cho rằng người Việt hải ngoại vẫn đang dậm chân tại chỗ trên con đường đấu tranh, với con số « không », đó là những phát biểu bất công, thậm chí bất minh. Họ cần biết rằng: Trách nhiện nặng nề nhằm xóa bỏ Độc tài là do người Việt trong nước phải đảm trách, đó là nghĩa vụ trực tiếp. Còn người Việt ở nước ngoài (trong đó có người Việt tại Úc), hiện đã và đang làm rất tốt tất cả những gì cần phải làm cho quê hương của họ. Một ví dụ tiêu biểu khác, đó là Khối 1706 và đài phát thanh Vietnam Sydney Radio. Ngoài việc nhiều năm qua họ nỗ lực không mệt mỏi trong hoạt động truyền thông, hai tổ chức này còn khuấy động mạnh phong trào yểm trợ Quốc nội. Nhờ có nguồn đóng góp vật chất của đồng bào, hàng chục, hàng trăm các nhà đấu tranh và nhiều hoàn cảnh đáng thương xót trong nước đã được Khối 1706 và Đài Vietnam Sydney Radio gửi tiền cứu trợ kịp thời. Có những nhà đấu tranh trong nước, chỉ trong vài năm gần đây đã được nhận tổng số tiền yểm trợ lên đến hàng vài trăm triệu Đồng (VN). Người viết bài này có thể lấy một dẫn chứng xác thực về một trường hợp, đó là trường hợp của một người đấu tranh trong nước, do hoàn cảnh ngặt nghèo nên đã phải chạy sang Campuchia lánh nạn. Khối 1706 và đài Vietnam Sydney Radio, khi biết người này lâm vào tình thế rất khó khăn, họ đã gửi tiền giúp đỡ. Người này vì xấu hổ khi mình phải chạy trốn, nên đã nhiều lần từ chối sự giúp đỡ của Khối 1706 và đài Vietnam Sydney Radio. Nhưng do có những thông tin từ những anh chị em tị nạn đã tận mắt chứng kiến hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn của người này, Khối 1706 vẫn quyết tâm gửi tiền trợ giúp. Cho đến nay, theo ghi nhận của người viết bài này, số tiền Khối 1706 và đài Vietnam Sydney Radio giúp đỡ gia đình nói trên đã lên đến hàng trăm triệu Đồng (VN). Tuy nhiên, dù là người đang ở trong nước, nhưng phát hiện thấy động cơ đấu tranh của ai đó chỉ nhằm mục đích xin tiền đồng bào hải ngoại, thì Khối 1706 và đài Vietnam Sydney Radio sẽ sẵn sàng khéo léo từ chối. Vì vậy, đồng bào tại Úc không bao giờ sợ những đồng tiền đóng góp của họ sẽ không sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích. Theo tìm hiểu của người viết bài này, đối với trường hợp như chị Bảo Khánh, là một người trực tiếp và gián tiếp đã nhận tiền đóng góp từ đồng bào tại Sydney, chuyển cho các đối tượng được yểm trợ đấu tranh trong nước. Sau hơn 20 năm đến Úc định cư, và hàng chục năm lăn lộn trong phong trào đấu tranh chống Độc tài, hướng về Việt Nam, cho đến năm 2010, chị Bảo Khánh vẫn chưa có một mái nhà riêng cho bản thân mình, vẫn phải ở nhà thuê, trong khi chị đang phải mang trong mình căn trọng bệnh, đó là bệnh tim… Tuy nhiên, là một cộng đồng gồm hàng chục ngàn con người, cho nên ở đâu đó trong khối người Việt tại New South Wales cũng có lúc có chuyện “canh chẳng ngọt” âu cũng là chuyện thường tình. Nhưng tựu chung lại, tất cả những sự hiểu lầm hoặc ai đó thực sự có khuyết điểm nào đó thì cũng đều xuất phát từ nghĩa vụ đấu tranh và cung cách thể hiện sự đấu tranh đó mà thôi. Đó cũng là chuyện khó tránh khỏi trong một đất nước mà cong người hoàn toàn tự do phát biểu, tự do bày tỏ quan điểm riêng. Thiết nghĩ, bất kỳ một sự đáng tiếc nào cũng đều là một bài học kinh nghiệm. Quay trở lại với sự so sánh về hai cộng đồng người Việt tại Mỹ và tại Úc, ta thấy mặt bằng trình độ học vấn, trình độ chính trị xã hội (từ Việt Nam) của người Việt tại Úc có phần thấp hơn so với người Việt ở Mỹ. Nhưng cho đến ngày hôm nay, người Việt tại Úc hoàn toàn có thể ngẩng cao đầu với thế giới người Việt và bạn bè quốc tế rằng, họ đã và tiếp tục sẽ thành công trên con đường khẳng định tầm cao văn hóa, trí tuệ của người Việt. Đặc biệt là ngọn cờ nhiệt huyết, ngọn lửa đấu tranh của họ đang hừng hực cháy là niềm tự hào cho người Việt khắp nơi. Lê Nguyên Hồng
|