Trung Quốc: Cội nguồn gây ra căng thẳng tại Biển Đông |
Tác Giả: Tú Anh | |||
Chúa Nhật, 05 Tháng 6 Năm 2011 22:11 | |||
Chiến thuật « nắn gân » Việt Nam trong vụ « tàu Bình Minh » đã đẩy chính quyền Trung Quốc rơi vào chiếc bẫy của chính họ. Tảu hải giám Trung Quốc trong vụ gây hấn với tàu Bình Minh 02, ngày 26/05/2011 Tại Diễn đàn An ninh khu vực Singapore, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nhận định tình hình căng thẳng tại Biển Đông phát xuất từ thái độ khiêu khích của Trung Quốc. Hoa Kỳ cho biết sẽ tăng cường sức mạnh quân sự từ bắc Á đến nam Á và Úc. Việt Nam hoan nghênh thái độ của Mỹ và lần đầu tiên bật đèn xanh cho sinh viên xuống đường đả kích Trung Quốc. Trong những ngày qua, Việt Nam và Philippines, nằm ở yết hầu trên đường nam tiến của Trung Quốc, nhiều lần tố cáo tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền trên biển và hành động gây hấn của Bắc Kinh làm cho tình hình trong khu vực căng thẳng thêm. Chuyện gì phải đến đã đến. Thứ bảy 04/06/2011, tại Diễn đàn An ninh khu vực - Đối thoại Shangri-La - tổ chức ở Singapore, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã cảnh báo về thái độ khiêu khích của Trung Quốc và ông cho rằng nếu không có một cơ chế giải quyết xung khắc ôn hòa thì sẽ khó tránh khỏi một cuộc xung đột võ trang. Để trấn an các đồng minh, ông Robert Gates cam kết Hoa Kỳ sẽ đưa thêm vũ khí mới vào châu Á từ tàu chiến đến phi cơ tàng hình và phương tiện chiến tranh tin học và trong 5 năm tới đây, sự hiện diện của Mỹ tại Á châu từ bắc Á đến Ấn Độ Dương sẽ hùng hậu hơn hiện nay. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt vội vã tuyên bố : Quân đội Trung Quốc không có hành động nào gây căng thẳng tại Biển Đông. Về phần Việt nam, trả lời phỏng vấn báo Financial Times, thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã có một câu tuyên bố nhiều ý nghĩa : "Việt Nam hoan nghênh sự hiện diện của Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc miễn sao họ tôn trọng luật quốc tế và quyền lợi các quốc gia trong vùng". Một tuần lễ trước, Việt Nam lên án Trung Quốc vi phạm luật biển cho tàu tuần dương cắt dây cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 ngày 27/05/2011. Ba ngày sau, 31/05/2011, ba tàu quân sự Trung Quốc nổ súng uy hiếp 4 tàu đánh cá của ngư dân Phú Yên. Trung quốc còn có hành động trịch thượng là ra lệnh cấm đánh cá trong vòng hai tháng rưỡi từ 15/05/2011 đến 01/08/2011 ngay trong vùng ngư trường của Việt Nam. Cũng trong thời gian này, Philippines phản đối Trung Quốc chở vật liệu xây dựng đổ lên một hải đảo san hô mà Manila xem là thuộc chủ quyền của mình. Theo AFP, hôm nay 05/06/2011, tại Diễn đàn Shangri-La, một lần nữa Manila và Hà Nội công kích các hoạt động quân sự của Bắc Kinh trong vùng Biển Đông và yêu cầu láng giềng phương Bắc tôn trọng cam kết. Trước đó, bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố tại Diễn đàn là Trung Quốc tôn trọng "hòa bình và ổn định". Lo ngại các nước châu Á liên kết với Mỹ chống lại Bắc Kinh, bộ trưởng Lương Quang Liệt kêu gọi một thái độ "dân chủ trong quan hệ quốc tế" để bảo vệ "quyền lợi then chốt" của từng quốc gia và "duy trì hòa bình". Không biết Trung Quốc hiểu các từ ngữ này như thế nào ? Nhưng từ Hàn Quốc, Nhật Bản ở biển Hoa Đông đến Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia ở Biển Đông, tất cả đều có kinh nghiệm va chạm với lòng tham của Trung Quốc từ ngư nghiệp đến tài nguyên dầu khí dưới đại dương. Chính sách "chuỗi ngọc trai" và "đường lưỡi bò" của Bắc Kinh cho thấy có sự khác biệt rất lớn giữa lời nói và việc làm của giới lãnh đạo Bắc Kinh. Trong bối cảnh hàng ngàn thanh niên, sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước biểu tình phản đối tham vọng bá quyền của Trung Quốc, nhóm tác giả Quỹ Nghiên cứu Biển Đông trong bài "Chiến lược chuỗi ngọc trai và chiến lược bảo vệ Biển Đông", trên báo mạng VNNet, đưa ra nhận định như sau: "Thực chất của tình trạng căng thẳng trên Biển Đông dẫn đến cuộc chiến đối ngoại vừa qua chính là Trung Quốc muốn đè bẹp ASEAN và thăm dò phản ứng của Mỹ và Ấn Độ. Giải pháp hiệu quả nhất để làm Trung Quốc không dám sử dụng vũ lực là "không nhân nhượng quá đáng".
|