Trung Quốc muốn xã hội hài hòa nhưng lòng dân bất hòa |
Tác Giả: Tú Anh | |||
Thứ Sáu, 24 Tháng 6 Năm 2011 15:06 | |||
Nhân danh xã hội hài hòa, chính quyền Trung Quốc áp đặt giải pháp thỏa hiệp bên ngoài tòa án. Dưới sự chỉ đạo của đảng Cộng sản, thẩm phán biến thành trợ lý công an, không dám tố giác sự thật và thi hành pháp luật công minh. Hậu quả là tòa án trở thành cơ quan bù nhìn, còn ở ngoài xã hội, lực lượng dân oan ngày càng đông. Công nhân tập thể dục tại một nhà máy ở tỉnh Hà Bắc, ngày 20/06/2011 Cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân lúc cầm quyền đã đưa ra một chính sách gọi là « xã hội hài hòa » nhằm hóa giải mọi tranh chấp có thể dẫn đến một cuộc nổi dậy như vụ phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh. Theo báo mạng Asia News, người hậu thuẫn đường lối này một cách hăng say tại Trung Quốc là chủ tịch Tòa án Tối cao Vương Thắng Tuấn. Thay vì giải quyết tận gốc những tranh chấp mà phần lớn bắt nguồn từ nạn tham ô, lạm quyền, các tòa án Trung Quốc đề ra giải pháp gọi là « điều giải » tức là « điều đình và hòa giải » bên ngoài tòa án. Tân Hoa Xã gọi đây là sáng kiến phát huy « văn hóa luật pháp truyền thống, chú trọng hài hòa, giảm thiểu bất đồng, chấm dứt xung khắc ». Thế nhưng, cũng chính nhân vật này, trong một cuộc hội thảo trong giới thẩm phán, mới đây đã phải tỏ ý quan ngại tình trạng xuống dốc thấy rõ của « nhà nước pháp quyền ». Theo thẩm định chính thức, thì trong năm qua đã xảy ra hơn 180 ngàn vụ bạo loạn trên toàn quốc. Từ mùa xuân đến nay, chỉ trong vòng ba tháng, Hoa lục đã bị chấn động vì nhiều vụ phản kháng với hình thức thật kinh hoàng, trong đó có sự kiện một nông dân ôm bom tấn công tự sát vào cơ quan công quyền. Nhiều trường hợp xung đột bạo lực kéo dài giữa dân và lực lượng quân cảnh chống bạo động như ở Nội Mông, Hồ Bắc và Quảng Đông. Đầu năm 2009, mọi ban ngành gồm cảnh sát, công an, công tố, Đảng và các cơ quan chính phủ đều tham gia vào nỗ lực đạt chỉ tiêu « điều giải » trong khi tòa án lên tuyến đầu phát huy « văn hóa hòa giải ». Theo chủ tịch Tòa án Tối cao, những vụ kiện tụng liên quan đến tranh chấp thương mại được giải quyết « bên ngoài tòa án » ở nhiều tỉnh đã lên đến tỷ lệ 65%. Do vậy, trong năm đó, ông chỉ thị tòa án Trung Quốc đóng vai trò « nâng cao tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, nâng cao ổn định chính trị xã hội ». Và ông tuyên bố rằng thẩm phán vừa là cán bộ tư pháp vừa là trợ lý xã hội. Thế nhưng, chính sách đặt thỏa hiệp lên trên luật pháp bị chỉ trích và đã đưa đến hậu quả nguy hiểm. Cụ thể là hồi tháng Sáu năm nay, trước ngày tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn 1989, cảnh sát và thẩm phán Bắc Kinh đề nghị với thân nhân các sinh viên bị giết chết một số tiền bồi thường, đổi lại sự im lặng vĩnh viễn không đòi xét lại vụ án. Lập tức, Hiệp hội các bà mẹ Thiên An Môn đã tố cáo chính quyền hối lộ và xúc phạm đến vong linh các sinh viên tranh đấu cho dân chủ. Trường hợp điển hình thứ hai là vụ tai tiếng sữa nhiễm melamine làm hàng gần 300 ngàn trẻ em lâm bệnh. Thay vì xử tội thủ phạm và bồi thường cho nạn nhân, chính quyền Trung Quốc đã dùng các biện pháp trấn áp, dọa nạt không cho đưa vấn đề ra pháp đình. Luật sư Triệu Liên Hải bị bắt giam, nhiều cha mẹ nạn nhân bị câu lưu. Sau nhiều đợt trấn áp bất thành, chính quyền phối hợp với các công ty áp dụng chính sách « « hài hòa » vừa đưa tiền vừa dọa nạt. Cuối cùng 270 000 gia đình nhận 910 triệu nhân dân tệ đền bù, vì không còn cách nào khác khi tòa án không chịu thụ lý hồ sơ kiện tụng. Khi tòa án không dựa vào luật pháp thì chuyện gì phải tới đã tới. Nhân danh xã hội hài hòa, tòa án Trung Quốc đã tuyên bố bản án 11 năm tù cho nhà dân chủ Lý Hiểu Ba, giải Nobel Hòa Bình 2010. Trong bối cảnh « mùa xuân Ả Rập », cán cân công lý tại Trung Quốc đã mất hết ý nghĩa. Hàng loạt những nhà bất đồng chính kiến với Đảng đột nhiên mất tích như Cao Trí Thịnh hoặc bị truy tố tội « trốn thuế » như Ngải Vị Vị. Người dân oan chỉ còn đường phố để chống bất công.
|