Home Tin Tức Bình Luận Tú thiệt và Tú dỏm khi đề thi bị lộ

Tú thiệt và Tú dỏm khi đề thi bị lộ PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn thị Cỏ May   
Thứ Hai, 04 Tháng 7 Năm 2011 05:22

    Từ Thứ Hai 20/06 tới Thứ Năm 23/06, Pháp có 650,000 thí sinh tham dự kỳ thi Tú Tài với các Ban:

 Phổ thông, Sinh ngữ, Khoa học, Kỹ thuật (Technique) và Kỹ thuật cao (Technologie). Năm nay, số thí sinh Tú Tài Phổ thông ổn định, chiếm 50% tổng số dự thí. Chỉ có thí sinh Tú Tài Kỹ thuật và chuyên nghiệp có tăng trong khi đó thí sinhTú Tài Khoa học và Văn chương giảm vài phần trăm.

Điều đáng chú ý là trong 45,000 thí sinh Tú Tài chuyên nghiệp có thí sinh trẻ nhứt 12 tuổi và lớn tuổi nhứt là 71 tuổi cùng lều chõng ra Trường thi tại Trung Tâm Orléans-Tours, cách Paris về phía Nam lối non 200 km. Thật đáng hoan nghênh vì nêu gương đẹp cho tuổi trẻ là học hành và thi cử không liên hệ đến tuổi tác.

Động cơ chánh của nhiều thí sinh lớn tuổi đi thi là để có nghề nghiệp bảo đảm công ăn việc làm lâu dài.

Tới hôm nay, Thứ sáu 24 tháng 6/2011, có 4 thanh niên bị cảnh sát bắt giữ điều tra về đề thi bị lộ bằng điện thoại cầm tay và chuyển qua mạng Internet. Sự việc này đang làm hoang mang học sinh và cả giới phụ huynh. Một bà mẹ thí sinh đem vấn đề lộ đề thi khiếu nại trước Tham Chánh viện Pháp vì nguyên tắc bình đẳng bị Ông Tổng trưởng giáo dục vi phạm khi Ông tuyên bố không tính điểm bài Xác xuất (Probabilité) của môn Toán (4 điểm).

Nhắc lại Bằng Tú Tài

Văn bằng Tú Tài của Pháp được quí trọng (người Pháp cho là thiêng liêng – sacro-saint) vì nó là ngưỡng cửa mở ra cho tuổi trẻ thành người lớn và đồng thời mở ra cho thanh niên một tương lai tốt đẹp. Không có Tú Tài không vào được các Trường Lớn và Đại Học. Năm 1950, số thí sinh thi đậu Tú Tài ở Pháp không quá 10%.Trước đây, ở Việt nam, tỷ lệ đậu Tú Tài rất thấp, chừng vài chục phần trăm. Tới Tú Tài A,B,C thì tỷ lệ tăng lên cũng chỉ trên dưới 50%. Ở Việt nam, Tú Tài còn là bùa hộ mạng vì được hoãn dịch để học Đại Học. Sau Đại Học có thể làm việc ở hậu phương và tiến thân.

Ngày nay nhắc lại thi Tú Tài không khỏi bùi ngùi nhớ lại câu hát đầy chua xót một thời phổ biến khắp nơi ở Việt nam:

“Rớt Tú Tài, anh đi Trung sĩ
Ở nhà, em lấy Mỹ nuôi con”

Ở Pháp ngày xưa, ai không đậu Tú Tài bị xã hội xem như là kẻ sống ngoài những giá trị tiêu chuẩn và tự thấy như mình bị hụt hẵng. Những người đậu Tú Tài được xã hội biết tới như nhân vật lịch sử tập thể, vừa trong phạm vi gia đình, vừa ở tầm vóc quốc gia.

Văn bằng Tú Tài làm vẻ vang nguồn gốc gia đình. Nó đưa người ta từng bước tiến lên trên con đường sự nghiệp và thăng tiến xã hội.

Khi một người con trong nhà đi thi Tú Tài thì chính là lúc cả nhà như cùng đi thi với nó. Mọi người đều nối vòng tay lớn, xiết chặt tay nhau để ủng hộ tinh thần thí sinh của mình.

Tổng trưởng xã hội Jacques Lang trong Chánh phủ xã hội thời Tổng thống Mitterrand tuyên bố để phản bác lại những ý kiến cho rằng ngày nay nên bỏ thi Tú Tài cho đỡ tốn kém ngân sách quốc gia: “Tú Tài là di sản quốc gia không thể bỏ được”.

Ông Jacques Legendre, Thượng Nghị sĩ, trong báo cáo về các Vấn đề Văn hóa năm 2008, viết: “Văn bằng Tú Tài xuất hiện từ lâu như là nền tảng của nền giáo dục của chúng ta …Văn bằng Tú Tài là hình ảnh bình đẳng xiển dương nền văn hóa cộng hòa của riêng của nước ta. Ngộ nhận sức mạnh tiêu biểu của nó, chính là không hiểu Văn bằng Tú Tài kết hợp bằng những hình ảnh thí sinh ra và vào cùng ngày thi trên toàn cõi nước Pháp”.

Một vị Tổng trưởng Giáo dục khác, ông Antoine Prost, giải thích “Tú Tài có giá trị cao hơn sự khảo hạch. Nó là một sự kiện xã hội, hay đúng hơn, nó là triệu chứng sốt của xã hội chúng ta. Không ai có thể tìm thấy ở bất kỳ một quốc gia Âu châu nào khác một kỳ thi có khả năng động viên mạnh dư luận đến như vậy”.

Tổ chức thi Tú Tài đòi hỏi một năm chuẩn bị, từ việc soạn thảo đề thi (có 4,800 đề soạn thảo), chọn Trung tâm thi (có 4,598 trung tâm), cho 654,000 thí sinh, 166,000 Giám khảo. Về ngân khoản, Chánh phủ phải chi cho 1 thí sinh Tú Tài năm nay là 83 euros (năm rồi 2010: 79.10) và 5 euros cho lệ phí chấm một bài thi. Có hơn 4 triệu bài thi phải chấm. Tổ chức thi Tú Tài tốn kém cho ngân sách quốc gia 38 triệu Euros.

Nghị định 17-03-1808 định nghĩa Văn bằng Tú Tài là “kết thúc Chương trình Trung học và mở cửa cho thí sinh thi đậu bước vào các Chương trình bậc Cao đẳng hay Đại học.”

Mọi người có đủ 16 tuổi đều có quyền dự thi Tú Tài.

Lúc ban đầu, thi Tú Tài chỉ có vấn đáp về các tác giả la-tinh, hi-lạp, tu từ học, lịch sử, địa lý và triết học. Khoa thi đầu tiên năm 1809 chỉ có 31 thí sinh thi đậu. Năm 1830, môn Làm văn bắt đầu đưa vào chương trình thi Tú Tài. Qua năm 1853 mới có môn sinh ngữ vì trước kia chỉ có cổ ngữ.

Theo thời gian, Tú Tài thay đổi chương trình thi. Năm 1880 có gần 1% thí sinh của một lớp tuổi thi đậu. Từ năm 1930 đến năm 1948, số thí sinh thi đậu tăng lên gấp đôi, tức từ 15,000 tới 30,000, năm 1973, có 150,000 thi đậu, năm 1985 có 250,000 thí sinh thi đậu, năm 1998 có 470,000 thí sinh thi đậu.

Năm 1847, Tú Tài được bắt đầu chia ra làm 2 Phần. Năm 1902, môn triết và toán có thể chọn lựa. Năm 1927, Tú Tài được chia ra làm 3 Ban cho Tú Tài I: la-tinh – hi-lạp, la-tinh và sinh ngữ. Tới năm 1946, Tú Tài I chia ra làm 7 Ban: 4 Ban cổ điển, 2 Ban Moderne (Hiện đại, Mới) và 1 Ban Kỹ thuật.

Đề thi bị lộ

Khởi điểm của Đề Thi bị lộ là từ một nhà in. Một người thợ nhà in nghỉ ăn trưa, thấy một người bạn tới, vội mời vào. Người này bắt gặp đề Xác xuất của môn Toán Tú Tài Ban Khoa học (S) và chụp hình ngay. Sau đó, anh chuyền cho người khác. Từ đây đề thi được các thí sinh chuyển cho nhau bằng MMS tới người sau cùng cho lên mạng Jeưxvideos.com.

Qua Internet, Cảnh sát bài trừ du đảng phăng ra manh mối, tới lục soát tư gia thủ phạm ở Val d’Oise thuộc ngoại ô phía Bắc cách Paris 35 km, tịch thu máy Computer và điện thoại cầm tay.

Hai anh em 25 và 21 tuổi bị cảnh sát điều tra chiều thứ Năm, 23 tháng 6. Người em liên hệ nội vụ nên bị giữ lại. Người anh được cho ra về chiều thứ Sáu.

Sau vụ điều tra hai anh em này, học sinh chuyển đề thi Xác xuất cho người trẻ trong hai anh em đã tự động trình diện cảnh sát. Tại đây, anh khai vào hôm trước ngày thi, trước trường học, tình cờ anh gặp một học sinh khoe có được đề thi Xác xuất của ngày hôm sau. Học sinh này cũng bị bắt luôn.

Hôm thứ bảy 25/06, người đầu tiên trong vụ lộ đề thi là người chụp hình đề thi ở nhà in cũng đã bị giữ điều tra.

Lộ đề thi không phải là chuyện mới mẻ. Gần như hằng năm, tới kỳ thi Tú Tài, là nghe có “tuy-dô” đề thi. Trên trang Web 89, một người giữ kín tên khai mười năm trước, tại Versailles, ngoại ô Tây-nam Paris, anh cùng một nhóm bạn đã mua đề thi và đã trúng đúng đề đã mua. Đề quan trọng như Toán, Lý Hóa, bán với giá 20,000 quan (= 3,000 euros. Nhưng với thời giá bấy giờ, 20,000 quan có giá trị hơn 3,000 euros ngày nay nhiều). Lẽ dĩ nhiên cha mẹ học sinh có tiền ứng ra trả cho người bán. Sau đó, chúng tôi hoàn lại phần của mỗi người. Trong nhóm mua đề thi, chỉ có một người đậu Bình. Nhưng tất cả ngày nay đều thành đạt, kẻ ở Paris, người ở Anh, người ở Đức, ở Canada.

Học và Thi ở chế độ xã hội chủ nghĩa

Sau 30/04/75 ít lâu, các trường ở Sài gòn mở cửa lại để dạy hai tháng kết thúc chương trình niên khóa 74-75 cho học sinh các lớp thi Tú Tài. Vào tháng 9, Trường Nông Lâm Súc Long Xuyên thi lên lớp theo tiêu chuần mới của nhà trường xã hội chủ nghĩa. Hai nữ sinh viên quê Nha trang vào Sài gòn đi học và ở trọ với Cỏ May. Bị ám ảnh tuyên truyền miệng, sinh viên tin trình độ học của chế độ xã hội chủ nghĩa cao hơn, khó hơn của Sài gòn trước kia nhiều lắm. Hai sinh viên nhờ Cỏ May liên hệ với cán bộ trong xóm đang làm Hiệu trưởng Trường Nông Lâm Súc để “chạy” cho chúng nó được lên lớp và tiếp tục học qua kỳ thi cuối năm. Cỏ May nhớ cán bộ đó tên Nam Kỳ, nhưng gốc người Quảng Nam. Hai con trai của anh tên Việt Trung và Việt Sô.

Lúc đề nghị với anh ta một số tiền cho hai sinh viên được lên lớp, anh làm thinh với nét mặt vui vẻ. Nhưng, hôm sau, tại buổi công bố danh sách sinh viên được tiếp tục học, anh ta lại khai “chuyện đi đêm” này trước đông đảo sinh viên và cực lực phê bình Cỏ May nhằm hủ hóa cán bộ cách mạng theo thói xấu của Mỹ Ngụy. Hai sinh viên đủ điểm học tiếp nhưng phải qua 3 tháng lao động thủy lợi ở Đồng Tháp.

Hai sinh viên về thuật lại, cả ba bà con chúng tôi cùng cười rũ rượi. Hai sinh viên này ngày nay tỵ nạn ở Huê kỳ và đều có gia đình.

Ngày nay, anh cán bộ Nam Kỳ này nếu nhớ lại chuyện cũ chắc phải lấy làm tiếc rẻ lắm và thầm phục Cỏ May là người đi trước thời cuộc.

Chuyện thi cử và bằng cấp ở Việt nam, ai cũng biết nó trở thành chuyện buôn bán ở chợ trời. Riêng chuyện học tại chức hãy còn thạnh hành. Hiện giờ ở Sài gòn có một nhóm giáo chức đi các Tỉnh lãnh dạy tại chức cho cán bộ lãnh đạo đảng từ Bí thư Chi bộ tới Bí thư Huyện học đọc và viết quốc ngữ. Cán bộ Tỉnh thì học lấy Tú Tài hoặc Cử nhơn. Mỗi giáo chức lãnh ít nhứt 15 triệu đồng tháng. Vì việc làm kiếm tiền dễ nên gia nhập vào nhóm đi dạy tại chức phải thuộc phe phái với nhau.

Cỏ May có người bạn dạy Đệ Tam Cấp môn Toán ứng dụng vào Tin học tại Đại Học Paris VI (Pierre Curie), cách nay vài năm, về Việt nam làm việc theo Chương trình trao đổi Khoa học Kỹ thuật của hai nước Pháp và Việt nam. Một hôm tại Trường Khoa Học cũ ở đường Cộng Hòa, ông giảng về cách bảo mật trong Tin học. Ông nói thêm như muốn bảo mật đề thi không bị lộ, ông bảo đảm tất cả đề thi trên toàn quốc, Trung tâm thi chỉ nhận trước 15 phút và chỉ với 2 người mà thôi. Nếu bị lộ, thì biết ngay lộ ở đâu.

Bỗng trong những người tham dự, có người đứng lên nói lớn “Yêu cầu Giáo sư ngưng ngay đề tài này vì chuyện quan hệ đến giới giáo chức của chúng tôi”. Ông bạn của Cỏ May ngạc nhiên và không hiểu ý của người can thiệp. Liền có thêm vài người nữa nói tếp theo “Giáo sư muốn giết chúng tôi à?”. Người bạn của Cỏ May đến đây đành ngưng bài giảng. Sau đó, ông mới biết là “việc không bảo mật đề thi là nguồn sống của giáo chức mỗi năm một lần”.

Cái học và thi cử ở chế độ xã hội chủ nghĩa có khác!
 
Nguyễn thị Cỏ May