Chúng tôi là những người tị nạn, di dân như bao triệu người khác đã chọn nơi này để lập nghiệp.
|
Pháo bông mừng nước Mỹ 235 năm tuổi. (ảnh Bùi Văn Phú)
|
Năm nay Lễ Độc lập mừng nước Mỹ 235 tuổi rơi vào ngày thứ Hai nên là cơ hội cho những cuộc vui kéo dài suốt một cuối tuần đầu tháng Bảy mùa hè. Chúng tôi cùng vài gia đình thân quen hôm thì đến với thiên nhiên, hôm lai rai nhậu ở nhà, cũng hot dog, burger, thêm BBQ gà ngũ vị hương, đu đủ bò khô, sò ốc. Ăn nhậu trong ngày, tối coi bắn pháo bông là truyền thống mừng Lễ Độc lập 4-7 của Mỹ.
Chúng tôi là những người tị nạn, di dân như bao triệu người khác đã chọn nơi này để lập nghiệp. Có người đến Mỹ ngay sau tháng 4.1975, có người mới chân ướt chân ráo. Người vượt biển Đông, người vượt sông Mekong, người bay thẳng từ Sài Gòn đến San Francisco. Gặp nhau câu chuyện thường xoay quanh hành trình đến Mỹ, những khó khăn hội nhập trong giai đoạn đầu rồi đến việc học hành, sinh hoạt của các con.
Lúc mới đến Mỹ ai cũng cực khổ làm đủ thứ việc từ lao công, bồi bàn, bỏ báo đến lựa rác, hái trái cây để mưu sinh, mua sữa, tã cho con còn thơ dại. Dần rồi ổn định cuộc sống với một công việc thích hợp, làm lâu dài, đóng thuế, trả nợ nhà, nợ xe cùng lúc con cái vào đời, vào đại học.
Trong số những người con của đám bạn bè chúng tôi có hai em lớn nhất hiện là sinh viên năm thứ ba ở U.C. San Diego, em nữ học hè tại trường, em nam sang Pháp học chương trình 8 tuần bên đó. Một em nữa mới vào học U.C. Los Angeles năm đầu. Còn lại mấy em đang học cấp 3.
Con cái đi học xa đối với chúng tôi không là nỗi lo vì hiểu rằng có xa nhà các em mới học được tính tự lập khi vào đời. Mấy gia đình bạn có con đi học xa nhà cũng chẳng mấy khi tính chuyện nấu nướng đồ ăn, thức uống khi xuống thăm các em, như quan sát và nhận xét của một nữ sinh viên da trắng ở Đại học U.C.L.A. được đưa lên YouTube cách đây ít lâu làm bùng lên những tranh cãi. Cô phàn nàn sinh viên châu Á hay ồn ào trong thư viện và bố mẹ sinh viên châu Á, cô không nói rõ gốc nhưng tôi nghĩ cô nói đến người Việt, khi đến trường thăm con mang theo đủ thứ đồ ăn, thức uống cho con dùng trong nhiều ngày. Theo cách nhìn của cô sinh viên này thì cha mẹ làm như thế là không tập cho con tính độc lập, tự lập.
Theo tôi, nhận xét của cô đúng trong một chừng mực nào đó. Sinh viên vào thư viện mà ồn ào là đáng trách. Còn chuyện lo thức ăn cho con đã vào đại học cho thấy cha mẹ người Á đông lo con sống xa nhà, không ăn uống đầy đủ hoặc lo con không có dịp ăn món Việt, món Tàu nên thương con mà làm thế chứ nhiều em cũng chẳng vui gì khi cha mẹ cứ lo từng li, từng tí, lúc nào cũng coi con như còn ngây thơ, khờ khạo.
Thực ra chuyện này phản ánh tâm lí xã hội của người châu Á là cha mẹ lo cho con ăn học nên người để sau phải phụng dưỡng báo hiếu. Nhưng trong nếp sống Mỹ cha mẹ khuyến khích và các con cũng biết rằng vào đại học là bắt đầu ít lệ thuộc gia đình để dần quen với cuộc đời tự lập, tự lo cho chính bản thân và cha mẹ ở Mỹ không ai bắt con phải phụng dưỡng mình khi về già. Hệ thống an sinh xã hội là chính sách của nhà nước đã có lâu đời để chăm sóc cho người dân đến tuổi hưu trí hưởng già.
Ở Mỹ, nếu đi làm chính thức, lãnh lương là bị trừ đi nhiều loại tiền thuế, thuế liên bang, thuế tiểu bang, tiền bảo hiểm y tế, tiền đóng vào quỹ an sinh xã hội để khi trên 65 tuổi sẽ được hưởng. Theo số liệu mới nhất, hiện nay tiền an sinh xã hội trung bình là 1,400 đô-la một tháng.
Ước tính của cơ quan an sinh xã hội liên bang, một người ở tuổi 40 nếu lương hiện thời là 100 nghìn đô-la một năm và tiếp tục làm việc đến năm 65 tuổi với cùng mức lương, khi về hưu sẽ lãnh 2 nghìn đô một tháng. Nếu để dành thêm trong quỹ 401-K khi về hưu cũng có thêm 2 nghìn đô nữa. Khi đó nợ nhà đã trả hết, với 4 nghìn đô một tháng, bảo hiểm y tế được chính phủ trợ cấp mua với giá rẻ thì ung dung hưởng nhàn.
Trong số người thân quen, tôi lớn nhất, đi dạy học gần 30 năm và nay đã đủ tiêu chuẩn để nghỉ hưu nếu muốn. Những bạn khác, người làm kĩ sư, dược sĩ, kế toán, tài xế xe tải, đầu bếp chính, người làm khách sạn, làm neo, làm công nhân viên quận hạt, ai cũng đóng góp cho xã hội theo luật định và cũng mong chờ khi đến ngày đủ tuổi hưu trí để thong dong vui chơi.
Chúng tôi ngồi ôn lại ít nhiều kỉ niệm về ngày mới đến Hoa Kỳ để thấy những khó khăn ban đầu rồi cũng vượt qua. Anh bạn có cậu con trai đang học hè bên Pháp kể về những tháng năm cơ cực không bao giờ quên. Khi mới qua, ở vùng nông trại Merced khỉ ho cò gáy khác hẳn với đời sống buôn bán của gia đình ở Sài Gòn. Công việc đầu tiên anh đi làm trong vườn cây trái. Ngửa cổ rung những cây walnut cho trái rụng hết xuống, rồi còng lưng hốt bỏ vào giỏ. Ngày làm 10 tiếng, mất một tuần mới đạt chỉ tiêu 700 cây chủ vườn giao cho. Lương được trả tất cả 200 đô-la, tính ra chưa đến 3 đô-la một giờ.
Cực quá, bỏ miền quê lên kinh thành ánh sáng San Francisco làm nghề bỏ báo. Sáng sớm hai vợ chồng chở cả đứa bé trai còn nằm trong nôi đi ném báo. Mưa hay nắng, gió hay bão thì một năm vẫn làm đủ 365 buổi sớm. Rồi đi nấu ăn, không phải nhà hàng Việt mà nhà hàng Ý còn bà xã lúc đầu cũng học làm neo, làm tóc nhưng không thấy hợp nên đi làm khách sạn. Đúng sở thích hai vợ chồng giữ việc từ đó đến nay. Sau hơn 20 năm định cư, cuộc sống ổn định. Xe, nhà có đủ. Tháng tháng trả tiền nợ đều đặn. Hàng tuần thích xuống San Jose ăn quà vặt. Lâu lâu đi du lịch Lake Tahoe hay nam California và “xin chọn nơi này làm quê hương dẫu cho khó thương” như bao người khác đã đến với xứ sở của độc lập, tự do và nhiều cơ hội này.
© 2011 Buivanphu.wordpress.com
|