Trong nghề chính trị họ cũng hay áp dụng binh pháp, với binh pháp lắm khi thực là hư, mà nhiều khi hư lại là thực.
|
Trên trang Tuần VietnamNet ngày 24/6/2010 có đăng bài “Cựu Chủ tịch Quốc hội bàn việc sửa Hiến pháp” [1] trong mục Gặp gỡ & Đối thoại, đó là nội dung cuộc phỏng vấn của phóng viên Thu Hà với cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An về việc tu chính Hiến pháp 1992 sắp tới. Xem ra bài phỏng vấn này được dư luận trong và ngoài nước coi trọng và chú ý, bằng chứng là không chỉ các trang báo chính thống của nhà nước mà các các trang báo lề bên trái kể cả mấy trang báo hải ngoại cũng đua theo để đưa tin và kèm theo những nội dung thảo luận sôi nổi.
Nội dung cuộc phỏng vấn của ông Nguyễn văn An nguyên là là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam trong thời gian từ ngày 27 tháng 6 năm 2001 đến ngày 26 tháng 6 năm 2006, thực ra không có gì mới đối với những ai có chút kiến thức về chính trị xã hội về quản lý nhà nước. Mặc dù bài trả lời phỏng vấn trên vẫn còn một số khiếm khuyết do một số khái niệm của cựu Chủ tịch Quốc hội còn nhiều điểm chưa hoàn toàn chính xác, nhưng bài phỏng vấn trên cũng có tác dụng tích cực cho việc thức tỉnh và mở mang kiến thức cho nhân dân đặc biệt là tầng lớp trí thức hiện sống đang ở trong nước chưa từng được biết đến. Cho dù những cái đó mới chỉ là các kiến thức hiểu biết phổ thông mà các học sinh phổ thông trung học ở các nước dân chủ phát triển được đã được giáo dục, điều mà mọi công dân các nước đó đều hiểu rõ đó là quyền lợi của họ, không gì dễ gì để cho bất kỳ ai tước đoạt.
Nhưng đối với người Việt nam, kể cả các trí thức thì những điều đó có vẻ là những điều mới mẻ như những phát kiến mới của nhân loại (!?), mặc dù các kiến thức này đã có khoảng hơn 200 năm kể từ khi cuộc cách mạng dân chủ tư sản đầu tiên thành công. Đây là một thực tế nếu bạn xem các ý kiến thảo luận về bài viết này để thấy họ xuýt xoa, ca ngợi[2], điều này cho thấy sự thành công của đảng CSVN trong việc bưng bít thông tin và ngu dân về phương diện kiến thức chính trị.
Thực ra mục đích của Tuần VNNet tiến hành cuộc phỏng vấn này có ý đồ gì khác hay không thì chưa rõ, nhưng hình như chủ đích của VNNet rõ ràng là hòng mượn lời của ông cựu Chủ tịch Quốc hội để nói những điều mà không ai dám nói, chỉ những người ở cương vị quyền cao, chức trọng mà không ai dám động tới như ông Nguyễn Văn An, mới dám mở miệng tố cáo nói sự thật chế độ hiện nay và trong suốt mấy chục năm qua. Chúng ta thử xem ông Nguyễn Văn An nói những gì về vấn đề liên quan đến Hiến pháp xung quanh cuộc phỏng vấn này?
1. Đảng CSVN vi phạm Hiến pháp: Đảng CSVN từ năm 1946 đến nay đã liên tục vi phạm Hiến pháp trong việc tuân thủ HP năm 1946, thông qua và các lần sửa đổi Hiến pháp các năm 1959, 1980 và 1992 đảng CSVN đã tước đoạt quyền lập hiến và phúc quyết của nhân dân (trích): ”Sửa đổi như vậy là nhiều lần rồi, song dân chưa được phúc quyết lần nào. Hiến pháp 1946 quy định dân phúc quyết Hiến pháp song dân cũng chưa được phúc quyết vì chiến tranh đã xảy ra ngay sau đó. Còn Hiến pháp sửa đổi 1959 lại quy định Quốc hội có quyền lập Hiến và lập Pháp… Tuy vậy chúng ta cần hiểu bản chất của thể chế cộng hòa hay dân chủ cộng hòa là quyền lập hiến phải thuộc về nhân dân, mà trực tiếp là cử tri cả nước“.
2.Chế độ hiện nay là chế độ chuyên chế tập thể: Về danh nghĩa theo Hiến pháp, Việt nam hiện nay là một nước theo thể chế cộng hòa dân chủ, nhưng thực chất chỉ là một nhà nước quân chủ biến thái, thay cho một ông vua như trong chế độ quân chủ bằng nhiều ông vua. Hiến pháp 1946 ưu việt hơn chế độ quân chủ ở chỗ khẳng định rằng quyền lập Hiến hoàn toàn thuộc về toàn dân, thuộc về nhân dân, mà trực tiếp là cử tri cả nước, không có một điều nào, một ý nào quy định quyền lập Hiến thuộc về Quốc hội. Nhưng các Hiến pháp sửa đổi sau này lại quy định Quốc hội có quyền lập Hiến, như vậy chính là đảng và nhà nước Việt nam hàng chục năm nay đã cướp quyền lập Hiến pháp của dân, để vừa lập Hiến pháp vừa hành pháp theo kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi (trích): “Quốc hiệu của Việt Nam đã ghi rất rõ: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Thể chế chính trị là Dân chủ Cộng hòa, khác hoàn toàn với Quân chủ. Do vậy, người chủ đất nước không phải là Vua nữa mà chính là Dân (không phân biệt thành phần, giới tính, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo…)…
Song quy định cụ thể về quyền làm chủ trực tiếp của người dân thì còn quá ít, nhất là quyền phúc quyết Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia thì các Hiến pháp sửa đổi sau này lại ghi khác hoàn toàn với Hiến pháp năm 1946…. Điều 82 của Hiến pháp 1980 và Điều 83 của Hiến pháp 1992 quy định: “Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập Hiến và lập Pháp”… Chúng ta nhận thấy ngay rằng đã có sự thay đổi rất lớn, rất cơ bản về quyền lập Hiến từ Dân đã được chuyển sang Quốc hội. Câu hỏi đặt ra là ai có quyền chuyển quyền đó? Câu trả lời rõ ràng là chỉ có Dân mới có quyền đó. Song Dân chưa có văn bản nào chuyển quyền lập Hiến của Dân sang Quốc hội cả, mà là do Quốc hội tự quyết định giao quyền lập Hiến cho mình…
Từ chỗ Dân làm chủ trực tiếp trong lập Hiến, chuyển sang chỗ Dân làm chủ gián tiếp thông qua Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của Dân. Như vậy có thể nói, từ Dân làm chủ đích thực chuyển sang Quốc hội thay mặt cho dân làm chủ. Đó là sự thay đổi, sự xa rời rất lớn, rất cơ bản về người chủ đích thực của đất nước. Quốc hội vừa lập hiến, vừa lập pháp, người ta gọi như thế là vừa đá bóng, vừa thổi còi… Cũng có thể Hiến pháp ghi nền thể chế là Cộng hòa hay Dân chủ Cộng hòa, song thực chất vẫn là chuyên chế, không phải là quân chủ chuyên chế mà là tập thể chuyên chế. Đó là sự biến tướng, tiếm quyền. Tức là về mặt hình thức có thể là Cộng hòa hay Dân chủ Cộng hòa, song về thực chất vẫn có thể là chuyên chế“.
3. Dân chủ giả hiệu mang tính hình thức: Cái gọi là dân chủ hiện nay ở Việt nam thực chất là một nền dân chủ giả hiệu, lừa bịp, xa rời bản chất dân chủ của nhà nước, cả về pháp lý, cả về thực tiễn. Đảng và nhà nước cướp quyền làm chủ của dân lại giao cho Quốc hội với hơn 90% là đảng viên, thì khác gì lấy quyền của dân mang lại cho đảng, vì vậy nên nhiều người cho rằng Đảng mới thực quyền (trích): “Dân làm chủ có nghĩa là Dân phải quyết định trực tiếp thể chế quốc gia, tức là Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, rồi Dân giao cho Nhà nước và giám sát Nhà nước (Quốc hội, Chính phủ và Tòa án) quản lý đất nước theo Hiến pháp và những quyết định đó của Dân. Như vậy Dân mới làm chủ đích thực.
Đây là vấn đề xa rời bản chất dân chủ của nhà nước, cả về pháp lý, cả về thực tiễn. Như trên đã nói, do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân bất khả kháng, vì vậy, chúng ta đã chuyển từ Dân chủ thành Quốc hội chủ… Đúng ra, quyền lập Hiến phải là quyền của Dân chứ không phải của Quốc hội. Do đó mà quyền của Dân cũng bị phân tán và yếu thế, không đúng với quyền của người làm chủ… Hiện nay khoảng 90% đại biểu Quốc hội là đảng viên. Do vậy mà nhiều người cho rằng, về hình thức thì Quốc hội quyết, song thực chất là Đảng quyết . Quyết định của Quốc hội chỉ là quyết định mở rộng trong nội bộ Đảng. Như vậy là từ Dân chủ đầy đủ chuyển sang Quốc hội chủ một phần, Dân chủ một phần, song cả Dân và Quốc hội đều còn nhiều hình thức nên nhiều người cho rằng Đảng mới thực quyền“
4.Tổ chức hệ thống chính trị hiện tại không phù hợp, không đảm cơ chế cân bằng và kiểm soát quyền lực: Đó là quyền lực và trách nhiệm của người đứng đầu nhà nước bị xé lẻ chia cho nhiều chức vụ khác, trái với quy định của Hiến pháp, đồng thời lại làm ngược lại quy định phân chia quyền lực dưới thể chế cộng hòa hay dân chủ cộng hòa. Đó là không tập trung vào một người hay một lực lượng, cơ quan nào, mà phân công tương đối cân bằng cho ba cơ quan: Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp (Quốc hội – Chính phủ – Tòa án): Quốc hội là cơ quan lập pháp cao nhất, Chính phủ là cơ quan hành pháp cao nhất, và Tòa án là cơ quan tư pháp xét xử cao nhất. Nhưng hiện nay mọi quyền lực đều bị tập trung vào tổ chức duy nhất đó là đảng CSVN (trích): “Hoặc quyền của nguyên thủ quốc gia bị phân tán ở ba nơi, điều đó cũng có nghĩa là quyền lực của cơ quan hành pháp quá yếu thế so với cơ quan lập pháp. Còn quyền lực của cơ quan tư pháp thì sao? Trong thực tiễn thì nó yếu thế hơn các cơ quan lập pháp và hành pháp và còn bị chi phối trong xét xử. Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, phân công quyền lực không cân bằng, không rõ ràng thì sự kiểm soát sẽ không có hiệu lực và hiệu quả. Tình trạng tham ô, lãng phí, quan liêu, cơ hội là những biểu hiện của sự lạm quyền và thoái hóa quyền lực rõ ràng nhất. Nó cũng là hậu quả của sự phân công và kiểm soát quyền lực chưa được cân bằng như quy định của Hiến pháp 1946. Cân bằng và kiểm soát quyền lực là một cơ chế cực kỳ quan trọng trong Hiến pháp nhằm tránh sự lạm quyền và thoái hóa mà trong thể chế quân chủ chuyên chế đã bất lực. Tất nhiên không thể nói tuyệt đối được, vì thể chế nào cũng phải thông qua con người cụ thể. Nhưng có một cơ chế cân bằng và kiểm soát quyền lực cho ba cơ quan Nhà nước, sẽ tốt hơn rất nhiều so với cơ chế tập trung quyền lực vào một ông vua, hoặc vào bất kỳ một lực lượng, một cơ quan nào khác“
5. Kêu gọi đa nguyên đa đảng: Được biết đa nguyên đa đảng là vấn đề hết sức nhạy cảm vì nó đe dọa tới quyền độc tôn lãnh đạo nhà nước của đảng CSVN. Tuy không dám nói rõ và mang tính khẳng định, nhưng ông Nguyễn Văn An vẫn đề cập tới vấn đề này, thông qua vấn đề sự thoái hóa do xu hướng lạm quyền mang lại của chế độ quân chủ, qua đó để nêu bật vai trò của một ê-kíp cầm quyền mới, nhằm thay cho chế độ độc đảng hiện tại là phù hợp quy luật khách quan. Thông qua đó mà ông Nguyễn Văn An cho rằng là xu hướng mang tính tích cực nhằm kiểm soát quyền lực để chống độc quyền chính trị (trích): “Nhìn lại lịch sử của thể chế quân chủ cho thấy, quyền lực tập trung vào nhà Vua, mà quyền lực bao giờ cũng có xu hướng lạm quyền, thoái hóa… Do đó mà triều đại nào lên, lúc đầu thường là được lòng người, sau lại thoái hóa, lại bị triều đại sau thay thế. Những sự thay thế đó thường diễn ra khi triều đại cũ đã quá thối nát, quá cản trở sự phát triển của xã hội và thường bị thay thế bằng bạo lực. Chính vì thế mà thể chế cộng hòa hay dân chủ cộng hòa đã áp dụng sự phân công cân bằng và kiểm soát quyền lực để chống độc quyền, hạn chế sự lạm quyền và khi cần thì thay thế ê kíp cầm quyền một cách chủ động, kịp thời, thông qua tranh cử nghị viện“.
Việc cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn văn An xuất hiện và cho ý kiến về việc sửa đổi Hiến pháp với một tờ báo lớn như Tuan VNNet có ý nghĩa lớn và quan trọng đặc biệt. Thứ nhất là ngay sau khi Quốc hội bác đại Dự án Đường Sắt Cao Tốc ngày 19/6/2010 thì những ý kiến trên có tác dụng nhắc nhở không chỉ các đại biểu Quốc hội mà còn cả toàn thể nhân dân về quyền hạn và ý thức trách nhiệm của mình là việc xây dựng và sửa đổi Hiến pháp là việc của dân chứ không phải của nhà nước. Thứ hai là tình trạng dân chủ giả hiệu mà thực chất là một chế độ chuyên chế độc đảng đã không còn phù hợp với giai đoạn hiện nay, việc chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ là vấn đề tất yếu và phù hợp với quy luật phát triển của xã hội loài người. Việc sửa đổi Hiến pháp theo tinh thần trên là điều kiện để tạo một bước ngoặt mang tính lịch sử trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Trong một chế độ toàn trị độc đảng như ở Việt nam hiện nay, bài phỏng vấn của cựu Chủ tịch QH Nguyễn Văn An là một sự kiện bất bình thường trong đường lối của đảng CSVN, vì chúng ta đều biết rằng kỷ luật của đảng CSVN theo điều lệ không cho phép đảng viên của mình dù cho ở bất kỳ cương vị nào làm điều đó. Điều đó chứng tỏ đây là một việc làm có sự chỉ đạo thống nhất nhất quán từ ban lãnh đạo chủ chốt của đảng CSVN nhất là vào thời điểm trước đại hội đảng lần thứ XI. Nếu ai tinh ý nhìn lại toàn cục những động thái diễn biến dồn dập gần đây ở Việt nam như việc chủ động đến nhà riêng của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh của ông Trương Tấn Sang, việc một số các nhân của Bộ Chính trị bật đèn xanh cho các nhóm ĐBQH bỏ phiếu tự do về Dự án ĐSCT trái với chủ trương của đảng và chính phủ đó là những tín hiệu sẽ có một sự thay đổi rất lớn.
Việc trả lời phỏng vấn trên VNNet của ông cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn văn An người đã từng được trao tăng Huân chương Hồ Chí Minh thực chất là người ta (đảng) mượn ông để chuyển cho dư luận xã hội một thông điệp của đảng CSVN, đó thực chất chính là tiếng la làng của một tổ chức (đảng ) đã từng ăn cướp quyền làm chủ của 87 triệu người Việt nam trong 65 năm qua, đến nay đã tỏ ra ăn năn hối lỗi muốn trở về lập công chuộc tội với tổ quốc và dân tộc với hy vọng được nhẹ tội.
Nếu không phải như vậy thì ai cho phép bài phỏng vấn mang tính chất tố cáo bôi nhọ đảng và nhà nước Việt nam tồn tại công khai như vậy trên trang VNNet? Nếu như chỉ cần thay tên tuổi của ông Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An trong bài phỏng vấn trên bằng tên tuổi của ông Hà Sĩ Phu, của ông Nguyễn Thanh Giang, của blogger MeNam, blogger anhbasg … những tên tuổi của những kẻ “phản động” bất đồng chính kiến ở Việt nam thử xem hậu quả sẽ ra sao và liệu bọn họ có được yên với chính quyền hay không?
Trong nghề chính trị họ cũng hay áp dụng binh pháp, với binh pháp lắm khi thực là hư, mà nhiều khi hư lại là thực. Cứ dở ông dở thằng như cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn văn An khi hết chức, tự nhiên nhảy ra diễn trò anh Chí “phèo” mà nhiều khi lại được việc, không chừng cái chức Chủ nhiệm Uy ban sửa đổi Hiến pháp lần này lại có tên ông ta là một ứng cử viên sáng giá?
Lời sám hối của những kẻ có tội dù là nhanh hay chậm về thời gian nhưng nó cũng là những lời ăn năn hối cải có giá trị của những kẻ đã biết lỗi lầm, có còn hơn không. Nhiều khi người ta không cần đứng lên xin lỗi quốc dân, rồi giả vờ sụt xịt lau nước mắt như Cụ Hồ sau Cải cách Ruộng đất như ngày xưa, mà chỉ cần lên tiếng tố cáo cái sai của mình, của đảng mình đã phạm phải cũng là một cách ăn năn, hối hận.
26/6/2010
————
Ghi chú: [1]http://www.tuanvietnam.net/2010-06-24-cuu-chu-tich-quoc-hoi-ban-viec-sua-hien-phap
[2]Xem thêm ý kiến thảo luận của độc giả trên VNN http://community.tuanvietnam.net/2010-06-24-cuu-chu-tich-quoc-hoi-ban-viec-sua-hien-phap?comments=1&commentStart=10
http://biendongnama.tk/ http://anhduong.net http://hoangvan.net
|