“Tù nhân chính trị không phải là người”! |
Tác Giả: Lê Minh | ||||||
Thứ Sáu, 29 Tháng 7 Năm 2011 10:44 | ||||||
Tin ông Nguyễn Văn Trại, một tù nhân chính trị đang phải thọ bản án 15 năm tù đã chết trong nhà tù trại Z30A vào lúc 10.30g sáng ngày Thứ Hai 11/07/2011, đã gây xúc động đến nhiều người trong và ngoài nước, bởi vì ông Trại đã chết trong tình trạng bị bệnh ngặt nghèo, trong khi chỉ còn chưa đầy 5 tháng nữa là mãn hạn 15 năm tù vào ngày 28/11/2011. Có lẽ nếu không có những tấm hình “biết nói” về tấm thân tàn tạ của ông Trại được chụp tại bệnh viện Biên Hòa cách đây 1 tuần, thì chẳng ai có thể hình dung ra được tại sao ông Trại chết, và chết trong hoàn cảnh nào. Được biết ông Nguyễn Văn Trại là thành viên Đảng Nhân Dân Hành Động, từng hoạt động chung nhóm với các ông cựu Đại Úy VNCH Nguyễn Anh Hảo (được thả về sau khi mãn hạn tù cách nay một năm), ông Nguyễn Tuấn Nam (tức Bảo Giang) và ông Lê Văn Tính. Họ đều bị bắt tại biên giới Campuchia - Thái Lan ngày 28/11/1996 sau khi trên đường công tác từ Thái trở về. Tổng cộng có 19 người của nhóm này bị bắt trong 2 đợt. Họ được giải giao về Việt Nam, trước tiên bị giam tại trại B34 (Nguyễn Văn Cừ) một năm, rồi một năm tiếp theo tại trại giam Chí Hòa và gần một năm tại An Giang. Tất cả đều bị đem ra xử kín trong cùng một phiên tòa tại An Giang vào tháng 9 năm 1999. Tại phiên tòa này, cả nhóm 19 người không có ai nhận tội, mà chỉ xác quyết lại “tội trạng” của mình chỉ là “đòi hỏi tự do dân chủ thông qua con đường đấu tranh bất bạo động”. Theo như lời của cựu tù nhân Nguyễn Bắc Truyển, một bạn tù với ông Trại cho biết rằng ông Trại bắt đầu phát bệnh từ tháng 5 năm 2010. Tuy nhiên do chế độ lao tù cộng sản hà khắc đối với tù nhân chính trị, tình hình sức khỏe của ông Trại không được chiếu cố. Mãi đến gần đây, sau khi sức khỏe của ông Trại sút giảm nghiêm trọng và sau nhiều lần do gia đình yêu cầu, ban quản lý trại giam mới miễn cưỡng đưa ông Trại ra bệnh viện bên ngoài để chữa trị. Đợt chữa trị lần thứ hai vào đầu tháng 7 này và cũng là lần cuối cùng là ban quản lý trại tù đưa ông Trại ra bệnh viện Biên Hòa nằm chữa trị. Bệnh viện Biên Hòa tuy cho biết là bệnh tình của ông Trại đã ở vào giai đoạn cuối, hết phương cứu chữa, nhưng cũng có ý muốn lưu giữ ông lại nằm điều trị tại bệnh viện cho đến ngày qua đời, mà ít nhất là ông cũng được ra đi trong vòng tay chăm sóc của người thân. Tuy nhiên, sau khi thấy tình hình sức khỏe bi đát của ông Trại và biết bệnh viện không thể chữa trị được căn bệnh của ông đang vào giai đoạn cuối, ban quản lý trại giam vì lo ngại bằng hữu đến thăm viếng ông, và cũng vì không muốn để ông lại bệnh viện bên cạnh người thân, nên đã quyết định đưa ông về lại trại giam vào lúc 5g chiều ngày chủ nhật 10/07. Đến 10.30g sáng hôm sau Thứ Hai 11/07 thì ông Trại qua đời trong trại giam Z30A. Những ngày cuối cùng nằm điều trị tại bệnh viện Biên Hòa, ông muốn gặp thầy Thiện Minh để được nhắn nhủ những lời trăn trối cuối cùng. Bên giường bệnh, cầm tay thầy Thiện Minh, ông thều thào trong hơi thở đứt quãng, yếu ớt: “Tôi biết mình không còn sống được bao lâu nữa, để được thấy rồi đây Việt Nam cũng sẽ có dân chủ,... Tôi cũng mong được chết bên cạnh người thân,...”. Nhưng đau đớn thay ước nguyện “mong được chết bên cạnh người thân” của ông cũng không được toại nguyện. Gia đình xin trại tù cho đem thi hài ông về an táng tại quê nhà, nhưng cũng đã bị ban quản lý trại tù từ chối chỉ vì ông “NGUYỄN VĂN TRẠI LÀ MỘT TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ, CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI”. Thế đấy người tù chính trị tại Việt Nam được xem là kẻ thù của chế độ, phải bị trừ khử, loại bỏ không thương tiếc. Một ông lão ốm yếu Nguyễn Văn Trại trước khi chết, và sau khi chết rồi có còn “Khả Năng Lật Đổ Chính Quyền Nhân Dân” không nhỉ? Như vậy giữa cái chết của một người tù chính trị và một con chó chỉ khác nhau ở chỗ là một cái hòm gỗ mà thôi! Tuy đã chết rồi nhưng thân xác ông Trại cũng không thoát khỏi bản án tù, bởi vì giờ đây ông phải nằm trong lòng đất lạnh của khu mộ chôn cất những tù nhân qua đời, cũng thuộc khuôn viên trại tù Z30A. Được biết trại giam VC có một thông lệ đối với việc chôn cất những tù nhân chính trị chết trước khi mãn hạn tù là giám thị trại giam đọc một “lệnh ân xá” trước nấm mồ. Như vậy, trường hợp của tù nhân chính trị Nguyễn Văn Trại cũng không ngoại lệ. Nằm dưới ba tấc đất ông đã được ban quản lý trại giam đọc “lệnh ân xá”, để ông không phải tiếp tục ... ngồi 5 tháng tù còn lại trên dương thế! Đọc lệnh “ân xá” bên nấm mộ ông Trại, nhưng lại tiếp tục giam nhốt hình hài của ông mãi mãi trong khuôn viên nhà tù Z30A. Bất nhẫn như thế thì còn từ ngữ nào để diễn tả nữa đây? Quả thật là dưới chế độ CSVN hiện nay, tù nhân chính trị không được xem là con người bởi vì họ bị chính quyền đối xử còn tệ hơn con vật. Úc Châu, ngày 14/07/2011 Ghi chú: Các ông Lê Văn Tính, ông Nguyễn Tuấn Nam (tức Bảo Giang), Bùi Đăng Thủy và ông Nguyễn Văn Trại thuộc nhóm người lãnh án tù cao nhất, lần lượt theo thứ tự là 20 năm, 19 năm, 18 năm và 15 năm. Nay người có án tù “thấp nhất” là ông Trại chống không nổi bệnh tật đã ra đi, thì không biết những người còn lại có được may mắn sum họp và “được chết bên cạnh người thân” hay không? Trước tin ông Trại qua đời trong trại giam, bà Vương Thị Viếng, vợ của ông Bảo Giang Nguyễn Tuấn Nam, đã lo lắng cho số phận của chồng mình và bà cũng chỉ có mỗi một mong ước “nhỏ nhoi” là mong sao chồng mình “được thả về sớm một chút, để ông có thể sống bên ngoài trại giam một vài năm trước khi chết”. Bà Viếng cùng chồng là ông Bảo Giang Nguyễn Tuấn Nam đều bị bắt tại biên giới Campuchia ngày 28/11/1996. Tại phiên tòa xử kín ở An Giang tháng 6 năm 1999, trong khi chồng nhận lãnh bản án 19 năm tù thì bà cũng nhận 10 năm tù, và bị đưa về giam tại trại giam nữ Z30D, Xuân Lộc. Năm 2006, sau khi ra tù, bà đã chạy qua Campuchia xin tỵ nạn tại Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ và hiện nay vẫn đang sống vất vưởng trên xứ Chùa Tháp. Tuy được thừa nhận tư cách tỵ nạn, nhưng viễn ảnh được đi định cư vẫn còn xa vời và cuộc sống hiện nay của bà vẫn còn nhiều bất định, khó lường, trong khi chồng vẫn còn khắc khoải trong nhà tù CSVN. Những tấm ảnh “biết nói” về ông Trại trong những ngày ông nằm hấp hối trên giường tại bệnh viện Biên Hòa – (Nguồn: DCCT Việt Nam) Ông Nguyễn Bắc Truyển: “Nhìn những bức hình da bọc xương của ông Nguyễn Văn Trại, tôi liên tưởng đến những người tù dưới thời Đức Quốc Xã, thế chiến thứ hai”.
|