Những việc xẩy ra ở Libya và Sirya khiến chúng tôi nghĩ đến những chế độ độc tài độc đảng còn rơi rớt lại ở khắp nơi trên thế giớí, nhất là ở Á châu.
|
Tình hình Libya đã có những diễn biến bất ngờ từ đầu tuần này. Các toán quân nổi dậy đã chiếm được tới 85% lãnh thổ của thủ đô Tripoli, trong khi chưa biết Tổng Thống Moammar Gadhafi hiện ở chỗ nào.
Một người con trai của Gadhafi, Seif al-Islam, đã xuất hiện bất ngờ tại Khách sạn hạng sang Rixos ở trung tâm thủ đô, lên tiếng khoe khoang chính quyền của cha anh ta vẫn “kiểm soát” tình thế và đã nhử mồi cho các toán nổi dậy vào một cái bẫy. Quân trung thành với Gadhafi vẫn giao tranh, bắn bị thương hay giết chết khoảng hơn 10 người.
Về phía dân quân nổi dậy cho đến nay vẫn là những đội quân rời rạc, ít nhóm có tiếp xúc với nhau mặc dù họ không hề giao tranh với nhau. Đến tối thứ Ba quân nổi dậy đã chiếm được dinh thự của Gadhafi, nhưng không thấy có Gadhafi và gia đình, trong khi lá cờ mầu xanh của Gadhafi bay phấp phới ở nhiều nơi tại Tripoli và ở hai thành phố Sabha và Surt, nằm giữa Tripoli và Benghazi.
Bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết các chiến đấu cơ Mỹ đã bắn rớt một hỏa tiển bắn đi từ Surt.
Tổng Thống Barack Obama, vào đầu tuần đã đến nghỉ hè ở Vườn trồng nho Martha, Mass. Ông lên tiếng nhìn nhận tính chất lịch sử về những thành đạt của những đoàn quân nổi dậy ở Libya và những khó khăn họ đã phải đương đầu. Ông nói “Tương lai của Libya nằm trong tay của dân tộc nước này”. Ông cũng nhắc nhở còn những thách đố khổng lồ ở trước mắt, và cam kết “Hoa Kỳ sẽ tìm cách giúp dân Libya thực hiện một chế độ dân chủ”. Có nhiều người dự đoán Gadhafi có thể đã rút về tòa thành quách võ trang kiên cố Bab al-Alziziyan ở Tripoli, nơi được phòng vệ bằng đại bác và chiến xa.
Trong khi đó các chính phủ ở miền Tây và Trung Đông đã hoan nghênh những thắng lợi các đoàn quân nổi dậy đạt được ở Libya. Khối Liên Hiệp Âu châu cho biết họ đã bắt đầu đặt kế hoạch cho thời kỳ hậu Gadhafi. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Ahmet Davutoglu nói ông sẽ bay đến Benghazi để hội kiến với lãnh tụ dân quân nổi dậy Mustapha Abdul-Jalil. Ai Cập đã chính thức nhìn nhận chính quyền do quân nổi dâäy thành lập, gọi Hội đồng Chuyển tiếp là “chế độ mới”.
Ngoại trưởng Ai Cập Mohamed Amr nói Hội đồng chuyển tiếp Libya có thể sử dụng Sứ quán Libya ở Cairo và ngồi vào ghế dành cho Libya trong Liên đoàn Á rập đặt căn cứ cũng ở Ai Cập.Tại Âu châu đầu tuần này, Pháp ngỏ ý muốn triệu tập một cuộc họp cấp cao của nhóm “Tiếp Xúc” gồm các nước đã ủng hộ các đoàn dân quân nổi dâäy ở Libya như Mỹ, Anh, nhiều nước Á rập, Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Á rập. Tổng thư ký Liên hiệp Quốc Ban Ki-moon nói ông muốn tổ chức một cuộc họp vào Thứ Năm hay Thứ Sáu tuần tới với các nhân vật hiểu biết nhiều về vụ Libya kể cả Liên hiệp Phi Châu và Liên đoàn Á rập.
Về các bộ tộc ở Libya, một số các thành phần nổi dậy tin rằng các bộ tộc từng được hưởng nhiều quyền lợi do Gadhafi ban cho, như bộ tộc Warfallah và Warshafallah, sẽ tiếp tục chống các đoàn quân nổi dậy.
Emhemmed Ghula, tự giới thiệu là Phó Trưởng đoàn của phe nổi dậy vào tối thứ Ba đã nói với các phóng viên rằng các toán nổi dậy đã kiểm soát được 90% lãnh thổ của Thủ đô, trừ một số nhỏ quân đánh lén của chính phủ còn núp trên các mái nhà, chúng không dám xuống đường. Lát sau một bọn quân này núp trên mái một toà nhà lớn, đã nổ súng bắn xuống sân và cửa sổ tòa nhà mà trước đây là một trường nữ Trung học. Thế rồi sau đó hai nhóm võ trang quân của Gadhafi do xe vận tải chở đã tông vào cửa Truờng học, bắn đại bác vào trường, một chiếc xe hơi ở đó bốc cháy. Những kẻ tấn công như vậy đều là một loại dân quân trung thành với Gadhafi.
Trong khi các biến chuyển xẩy ra ở Libya chống Gadhafi, tại Syria hàng ngàn người đã ào ra đường biểu tình, miệng la lớn “Assad cũng sẽ bị số phận như Gadhafi”. Assad là Tổng Thống của Syria ngày nay cai trị theo kiểu độc tài độc đảng nên cũng bị dân biểu tình chống đối. Đầu tuần này hàng ngàn người đã xuống đường ở Beirut và hô: “Triều đại của gia đình Assad cai trị độc tài độc đảng trong 40 năm qua sẽ bị sụp đổ giống như triều đại của Gadhafi”. Assad trong 5 tháng qua cũng đã khởi sự dẹp biểu tình, nhưng càng ngày người ta càng thấy ông ta không muốn tiếp xúc với ai, vì các nhà phân tích nói ông ta không chịu nhìn nhận là hàng trăm ngàn người đã lên tiếng đòi ông phải từ chức. Dù vậy nhiều nhà quan sát đã nói Assad phải lưu ý đến những vìệc đã xẩy ra ở Libya. Những người biểu tình chống Assad la lớn: “Gadhafi sẽ phải ra đi. Rồi đến lượt Assad!”.
Biến cố này xẩy ra ngay sau khi Assad lên TV bác bỏ những lời kêu gọi ông phải từ chức. Kế đó lực lượng An ninh Syria đã nổ súng giữa thành phố Homs, giết chết ít nhất cũng một người.Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tuyên bố ở Ađis Ababa, Ethiopia: “Các nhà lãnh đạo các nước phải hiểu rằng họ chỉ có thể còn ngồi trên ghế chính quyền khi nào họ thông cảm với những sự đòi hỏi của người dân”. Thổ Nhĩ Kỳ đã từng là đồng minh thân cận và cũng là bạn hàng giao thương với Syria, cảm thấy bất mãn với chính quyền Syria về sự đàn áp tàn bạo những người đi biểu tình. Sự tàn bạo đó khiến Syria bị quốc tế cô lập nếu tính từ cả mấy chục năm qua, trong khi dư luận quốc tế đòi ông phải từ chức.
Các nhóm Nhân quyền nói hơn 2000 người biểu tình - phần lớn không võ trang - đã bị giết chết trong các vụ đàn áp biểu tình. Bộ truởng Quốc Phòng Anh Liam Fox nói với đài Phát thanh BBC rằng Assad nên “nghĩ lại trước tình hình ở Tripoli biến đổi chỉ qua một đêm.”. Ông Fox nói: ”Sẽ có những đột biến không thể tránh trong vùng này, nếu không chịu để việc thay đổi là một tiến trình, nó sẽ trở thành một biến cố. Syria là một trường hợp khác với các nước Á rập bị bất ổn trong năm nay. Không thể có sự can thiệp quân sự từ bên ngoài như người ta đã thấy trong vụ Libya.
Hoa Kỳ và các nước khác không có cách nào khác hơn là hăm dọa trừng phạt bằng cách cô lập kinh tế Syria, một nước thân thiện với nước Iran.
Nữ phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ, Victoria Nuland, đã gạt bỏ tư tưởng trang bị vũ khí cho quân nổi dậy Syria, bà nói: ”Tôi không nghĩ có ai cho rằng cấp vũ khí cho dân nổi dậy là cách tốt nhất ngay trong lúc này. Chính người dân Syria cũng không muốn như vậy. Bởi thế chúng tôi nhắm vào việc làm áp lực chính trị và kinh tế”.
Những việc xẩy ra ở Libya và Sirya khiến chúng tôi nghĩ đến những chế độ độc tài độc đảng còn rơi rớt lại ở khắp nơi trên thế giớí, nhất là ở Á châu. Chúng ta mới đi đến năm thứ 11 của Thế kỷ 21 với tất cả những bước tiến rất mau, ngày càng mau hơn nữa về tư tuởng và kỹ thuật của loài người. Hãy chờ xem sự xúc tiến đó còn nhanh hơn đến thế nào trong những năm tháng tới.
|