Libya tỉnh giấc sau ác mộng dài 42 năm
|
|
|
|
Tác Giả: Việt Luận
|
Thứ Bảy, 27 Tháng 8 Năm 2011 11:40 |
Khi chung một kẻ thù là Muammar Gaddafi mà họ đã chia rẽ thì khi đứng trước đống đặc quyền đặc lợi của kẻ chiến thắng thì rất khó... 'bảo nhau'.
|
Chủ nhật tuần trước, phe nổi dậy bắn những phát súng đầu tiên vào thủ đô Tripoli, Libya. Thật ra, cuộc hành quân mang tên Mermaid Dawn đã bắt đầu vào tối hôm trước từ một giảng đường Hồi giáo nằm bên trong Tripoli khi tín đồ bất thần thét lớn 'Chúa vĩ đại' rồi túa ra đường công khai chống lại Gaddafi. Cuộc hành quân này đã được NATO và quân nổi dậy chuẩn bị từ mấy tháng qua. Họ bí mật phân phối vũ khí cho người dân Tripoli chờ cơ hội vùng lên.
Tripoli đã vùng lên. Nhưng nhà độc tài Muammar Gaddafi không rời bỏ quyền hành như Hosni Murabak tại Ai cập hay đầu hàng như Zine al-Abidine Ben Ali tại Tunisia. Đại tá Gaddafi cũng không quay mũi súng từng chĩa vào người dân Libya suốt 42 năm -- vào đầu mình như Aldolf Hitler hay Salvador Allende từng làm.
Sau bốn ngày nổ súng vào Tripoli, khoảng 6,500 quân nổi dậy cho rằng mình kiểm soát được 90% Tripoli. Họ tràn vào dinh thự Bab al-Aziziyah -- nơi ở của Gaddafi. Dân quân đập phá, cướp của, đạp lên tượng vàng Gaddafi ở trong chốn cung điện xa hoa nhưng không tìm ra bóng dáng của chủ nhân. Giũa lúc đó, quân nổi dậy loan báo bắt sống được hai cậu ấm của Gaddafi -- trong đó có thế tử Seif al-Islam. Nhưng sau đó, người ta thấy cả hai vẫn phây phây giữa phố Tripoli. Thế tử Seif al-Islam vung vít: cha mình vẫn còn ngự trị tại Tripoli và 'đám chuột cống phản loạn' đang bị lừa vào hang ổ của con hùm sa mạc Gaddafi để bị tiêu diệt. Chính Gaddafi từng tuyên bố mình sẽ trốn vào một nơi không ai thấy.Và khi Tripoli sụp đổ thì nhà độc tài này cho rằng mình vẫn đi giữa phố mà không ai biết.
Thế là: trong khi báo chí quốc tế đua nhau đăng cáo phó cho 42 năm cai trị sắt máu của 'con chó điên' -- chữ do tổng thống Ronald Reagan gọi Moamar Gaddafi -- thì súng vẫn còn tiếp tục nổ tại Tripoli, thành phố có 2 triệu dân. Dường như đã có ít nhất 4 ngàn người tử thương và hai bên giành giật nhau từng căn phố từng dãy nhà.
Khó khăn hiện nay cho phe nổi dậy là tìm cho ra Gaddafi. Ông này từng nhiều lần thoát khỏi lưới hái tử thần trong gang tấc kể cả khi Hoa kỳ dội bom dinh thự Bab al-Aziziyah vào năm 1986. Điều người ta sợ nhất là Gaddafi lại thoát thân sang mấy nước như Chad, Nigeria, Nam Phi, Venezuela, Cuba (hay nhà nước tự nhận là 'gác cu' với Cuba). Vì thế phe nổi dậy đã treo giá cho cái đầu của Gaddafi là 2 triệu Dinar, tiền Libya.
Nhưng khó khăn hơn nữa cho Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia (Transitional National Council) -- tên văn hoa của quân nổi dậy -- là giữ cho quyền hành tại Libya thực sự được 'chuyển tiếp' từ độc tài sang dân chủ. Đây là điều Hoa kỳ thất bại khi tiến chiếm Baghdad vào năm 2003. Saddam Hussein sụp đổ để lại khoảng trống quyền bính và Iraq trở thành hỗn loạn. Tripoli có thể rơi khỏi tay Gaddafi nhưng một Mustafa Abdul Jalil -- đang nắm chức chủ tịch Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia -- dường như đã hé lộ thói độc đoán và hẹp hòi. Trong sáu tháng hành quân, nhiều lần 'nội các' chuyển tiếp bị Mustafa Abdul Jalil giải tán và rạn nứt trong liên quân nổi dậy lộ ra khi chỉ huy trưởng Abdul Fattah Younis bị ám sát ngay tại Benghazi. Hiện nay dân quân tại thành phố Misrata -- lớn thứ ba sau Tripoli và Benghazi -- cũng công khai tuyên bố bất phục quyền Benghazi.
Dân quân nổi dậy đã đến từ nhiều vùng đất và bộ lạc rất khác nhau. Tại Libya có đến 140 bộ lạc. Khi chung một kẻ thù là Muammar Gaddafi mà họ đã chia rẽ thì khi đứng trước đống đặc quyền đặc lợi của kẻ chiến thắng thì rất khó... 'bảo nhau'. Khi chiến thắng của phe nổi dậy gần kề, tổng thống Hoa kỳ Barack Obama và tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Mon đã nhanh chóng kêu gọi người chiến thắng không được trả thù. Tuy nhiên, thật là khó dằn cơn giận từng bị đè nén suốt 42 năm qua và khó hơn nữa là kỷ luật đám thường dân võ trang từng quen bóp cò súng từ 6 tháng nay.
Libya vừa thoát khỏi ác mộng dài 42 năm nhưng khi tỉnh giấc thì chạm phải thực tế phủ phàng. Khi ác mộng càng lâu thì thực tế càng phũ phàng. Afghanistan, Iraq, Tunisia, Ai cập đã cho thấy như thế. Libya sắp đối diện như thế. Tiếp theo là Syria và sau đó đến phiên các nước đang sống lâu năm dưới chế độ độc tài độc đảng cũng phải trải qua điều kể trên.
|