Rơi vào chiến thắng, Hoa Kỳ vừa ‘thắng’ tại Libya. Rồi sao.... |
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nghĩa | ||||
Thứ Sáu, 02 Tháng 9 Năm 2011 08:08 | ||||
Chính quyền của Moammar Gaddafi vừa bị đánh bật khỏi thủ đô Tripoli của Libya. Biến cố này đánh dấu một chiến thắng của Minh Ước NATO nhờ sự yểm trợ của Hoa Kỳ. Nói cho đúng, một thắng lợi của Hoa Kỳ, nhưng theo ngôn từ chính thức là dưới sự lãnh đạo của NATO. Một hài kịch có khi biến thành bi kịch. Từ khi được thành lập vào Tháng Tư 1949 - vì mục tiêu khi ấy là chặn đà bành trướng của Liên Bang Xô Viết - Minh Ước Phòng Thủ Bắc Ðại Tây Dương NATO có góp phần bảo vệ được phần Âu Châu của Ðại Tây Dương - là các nước Tây Âu và Bắc Âu. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, lần đầu tiên sức mạnh của NATO được khai triển là tại khu vực Balkans, trong những mảnh vụn của Cộng Hòa Liên Bang Nam Tư. Trước hết tại Bosnia năm 1992, rồi tại Kosovo năm 1999. Thề rồi, lần đầu tiên NATO tham chiến bên ngoài Âu Châu là trong chiến dịch A Phú Hãn sau khi một thành viên là Hoa Kỳ bị vụ khủng bố 9/11 vào năm 2001. Sau đó, dù nhiều thành viên Âu Châu của NATO phản đối, liên minh cũng góp phần huấn luyện quân đội Iraq từ năm 2004, trong một chương trình có tên là NTM-1 do chính quyền Baghdad yêu cầu. Qua hơn 60 năm hiện hữu, minh ước này có cả chục lần tranh luận trong nội bộ về mục tiêu, chiến lược và tổ chức, đã thoát xác nhiều đợt. NATO ngày nay có 28 thành viên nhưng cả hai khối chủ lực Âu và Mỹ đều gặp khó khăn kinh tế. Mà sự nhiễu nhương của thiên hạ sự thì đã ra khỏi khu vực Âu Châu. Tháng Ba năm nay lại xảy ra chuyện Libya. *** Khi dân chúng Libya nổi dậy phản đối chế độ độc tài của Ðại Tá Moammar Gaddafi, họ đã bị đàn áp dữ dội. Ngày 17 Tháng Ba, Liên Hiệp Quốc ban hành Nghị Quyết 1973 kêu gọi ngưng bắn và cho phép dùng biện pháp quân sự để bảo vệ thường dân. Ðáp ứng Nghị Quyết 1973, thực ra là do sự vận động của ba nước Anh Pháp Ý và Liên Ðoàn Á Rập, ngày 20 Tháng Ba, NATO nhập cuộc, với sự đồng ý của Hoa Kỳ, thành viên duy nhất có thực lực. Các thành viên NATO ban hành lệnh cấm vận võ khí và cấm bay trên vùng trời Libya. Một tuần sau Nghị Quyết 1973 thì bắt đầu oanh tạc các mục tiêu quân sự của chính quyền Gaddafi. Chiến dịch có sự yểm trợ của hai nước Á Rập nhỏ bé là Qatar và Tiểu Vương Quốc Á Rập Thống Nhất United Arab Emirates. Vài tuần sau chuyến ra quân, Hoa Kỳ trao quyền chỉ huy chiến dịch cho Minh Ước NATO, để chỉ giữ vai trò yểm trợ. Chính quyền Barack Obama không xin phép Quốc Hội khi tham gia chiến dịch Libya vì cho rằng chỉ thi hành một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và một nhiệm vụ của thành viên NATO, chứ không mở ra một cuộc chiến mới. Nhưng ngẫm lại thì Hoa Kỳ chấp hành nghị quyết Liên Hiệp Quốc, tham gia một cuộc chiến có chính nghĩa quốc tế, mà chưa ai rõ mục tiêu là gì! Với lý do là cấp cứu thường dân, khi can thiệp vào một cuộc nội chiến, Liên quân Âu-Mỹ thực tế yểm trợ phe nổi dậy để cột tay phe Gadhafi. Mục tiêu chỉ hoàn thành khi 1) Gadhafi bị giết, 2) phải từ chức, 3) tự giải giới, hoặc 4) chế độ Tripoli bị lật đổ. Cả bốn điều kiện ấy không có trong Nghị Quyết 1973 và cũng không là chủ trương của chính quyền Obama, ít ra về mặt chính thức. Nghị quyết xác định trách nhiệm quốc tế là thi hành lệnh cấm bay trên lãnh thổ Libya và cho phép áp dụng “mọi biện pháp khác” để chấm dứt việc tàn sát thường dân, nhưng không cho liên quân đưa lính vào tác chiến hoặc chiếm đóng Libya. Có thể thả toán vào tìm tin tức tình báo và liên lạc với phe nổi dậy, chứ không được xung đột với phe Gadhafi? Ba tháng sau, nội bộ NATO đã có xung khắc về thể thức tiến hành đầy mâu thuẫn như vậy và về phần đóng góp của các thành viên. Trong khi chế độ Gaddafi không sụp đổ như người ta chờ đợi. Rất lâu sau các thành viên Âu Châu như Pháp, Anh, Ý, Hoa Kỳ chỉ chính thức công nhận Hội Ðồng Chuyển Giao Quốc Gia (National Transitional Council) là đại diện chính thức của phe nổi dậy vào ngày 15 Tháng Bảy mà thôi. Thật ra, chỉ có tám trong 28 thành viên NATO tham gia hoạt động quân sự và hầu hết đều nương vào Mỹ. Trước khi mãn nhiệm, ngày 10 Tháng Sáu, Tổng Trưởng Quốc phòng Robert Gates gay gắt phê phán các thành viên Âu Châu là làm suy yếu NATO vì không đóng góp phần vụ của họ mà cứ trông cậy vào Hoa Kỳ. Thực tế thì các đồng minh hết đạn, như Ðan Mạch thông báo hay Hải Quân Anh xác nhận. Còn Na Uy cho biết là giảm dần việc tham gia đến kỳ hạn chót là đầu Tháng Tám. Cuối cùng, NATO quyết định triển hạn chiến dịch cho đến Tháng Chín. Và phép lạ xảy ra! *** Ðây là một chiến dịch hành quân của NATO - gồm hai mũi nhọn là biệt kích và thông tin. Biệt kích Anh và Pháp được thả vào chiến trường làm nhiệm vụ tấn công, phá hoại và yểm trợ các lực lượng nổi dậy, đồng thời tung chiến dịch tuyên truyền nhằm lung lạc ý chí của các đơn vị trung thành với Gadhafi. Tripoli sụp đổ vì hai mũi giáp công từ phía Tây Nam lên và sau đó từ hướng Ðông vào. Giờ đây, lực lượng Gaddafi chỉ còn trấn giữ được thành phố Syrte bên vùng duyên hải nhưng thực lực ra sao ở các nơi khác thì chưa ai biết. Trong màn hỏa mù dày đặc, ta có thể thấy chiến dịch biệt kích kết hợp tình báo và liên lạc giữa các lực lượng du kích của phe nổi dậy và chiến dịch tuyên truyền và địch vận của NATO nhằm tạo ra ấn tượng là chế độ Gadhafi đang sụp đổ, gia đình hoặc ban tham mưu đã sa lưới. Nó gây nhiễu âm và những mâu thuẫn khó hiểu về diễn tiến từng ngày, từ 13 đến 18 Tháng Tám tại miền Nam và trong những ngày sau đấy tại vùng phụ cận của Tripoli. Thành tích đó của NATO thật ra là do sự chỉ đạo và yểm trợ nhiều mặt của Hoa Kỳ. Mà phía Mỹ không nói ra. Lý do kín tiếng thì có rất nhiều. Không ai muốn công khai hóa chiến pháp của mình và dư luận thường chỉ thấy sự thất bại chứ chẳng hiểu ra sự thành công. Vả lại, công lao khởi nghĩa phải được nhường cho phe nổi dậy để tạo chính nghĩa sau này. Nói cách khác, mọi thành tích quân sự đều chỉ góp phần cho một giải pháp chính trị thôi. Thành tích chiến thuật của NATO góp phần cho giải pháp chiến lược nào tại Libya hay toàn khu vực MENA? Hỏi cách khác, Libya thời “Hậu Gadhafi” sẽ là gì? Chúng ta chưa biết! *** Nhưng, chiến thắng quân sự của NATO không giải quyết được mục tiêu chính trị tại Libya vì biệt kích và tuyên truyền không thể ổn định lãnh thổ, xây dựng quốc gia hay phát huy dân chủ. Ðó là trách nhiệm không ai thay thế được của chính người dân Libya - hay của cơ chế được coi là đại diện chân chính của Libya là Hội Ðồng Chuyển Giao Quốc Gia NTC. Người ta biết rất ít về cơ chế có 40 thành viên mà mới chỉ có 13 người xuất hiện hoặc họp báo hoặc tham gia vào chiến dịch tuyên truyền đầy nhiễu âm của NATO. Nội bộ hội đồng này còn là ẩn số. Còn khả năng điều hợp thì đã được minh chứng là một thất bại hiển nhiên trong gần sáu tháng giao tranh. Mà chuyện không chỉ có vậy. Từ mấy chục năm qua, Libya là một trung tâm xuất phát võ khí và khủng bố do Gadhafi dung dưỡng, hoặc của các nhóm khủng bố xưng danh “Thánh chiến”... chống lại ông ta. Trong mấy tháng giao tranh vừa qua, xứ này lại tiếp nhận rất nhiều võ khí, của cả NATO lẫn các tổ chức hay quốc gia liên hệ. Nội chiến rất dễ bùng nổ khi xứ này chưa có cơ chế chính trị thống nhất lại có quá nhiều võ khí. Ðã bị hay được Gadhafi dồn nén, sức ly tâm cố hữu của một quốc gia có 140 sắc tộc - và 40 thị tộc có thế lực - sẽ bung ra trên một chiến trường ngổn ngang khi giới đủ loại! Ðó là chuyện bên trong. Chuyện Hoa Kỳ thì ngay sau khi công nhận Hội Ðồng Chuyển Giao NTC của Libya, bộ Ngoại Giao lập tức yêu cầu cơ chế này đảm bảo là sẽ không phổ biến võ khí. Làm sao đảm bảo được thì chưa biết. Nhưng hôm 15 vừa qua, bộ Ngoại Giao đã trình hồ sơ ấy với Quốc Hội. Và về kế hoạch tung người vào thu hồi các hỏa tiễn cầm tay, kể cả lại SA-7 có khả năng bắn hạ phi cơ... Hôm 25 vừa qua, hai nhà thầu tư nhân đã nhận công tác và cùng với các đơn vị đặc nhiệm của bộ Ngoại Giao được lập ra từ năm 2003, họ sẽ khởi công vào tuần tới. Vào đầu Tháng Chín, khi NATO chính thức hoàn thành nhiệm vụ. Kết luận? *** Ta chưa dám nói đến Syria - bài viết có hạn! - nhưng không thể không nhắc đến hồ sơ sắp bốc khói của Liên Hiệp Quốc: Nghị quyết công nhận Palestine là một quốc gia và nhận chính quyền quốc gia Palestine (Palestine National Authority trong vòng kiểm soát của lực lượng Fatah tại Tây ngạn sông Jordan) vào Liên Hiệp Quốc. Từ Dải Gaza, phe Hamas đối lập với Fatah sẽ có cơ hội quậy cho tình hình thêm nát. Với hậu quả lan đến Israel và Ai Cập qua bàn tay hắc ám của Iran và sự yểm trợ của Syria. Ðang bận đi nhặt đạn tại Libya, khi ấy Hoa Kỳ sẽ làm gì? “Rơi vào chiến thắng” là như vậy!
|