Home Tin Tức Bình Luận Ngoại Giao Gia Nô

Ngoại Giao Gia Nô PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Trần   
Thứ Bảy, 03 Tháng 9 Năm 2011 05:53

Việt Nam“kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn“ (Nguyễn Chí Vịnh)

        Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trường Quốc phòng Việt Cộng

Cuộc “Đối thoại chiến lược quốc phòng-an ninh Việt - Trung lần thứ hai” diễn ra tại Bắc Kinh ngày 28-08 (2011) đáng lẽ đã có kết qủa tốt  nếu không có những lời nói ngoại giao gia nô dưới đây của Nguyễn Chí Vịnh, Trung tướng, Thứ trường Quốc phòng Việt Nam tại Cuộc họp với Thượng tướng Mã Hiểu Thiên, Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc :
“Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng thông báo chủ trương kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn.“ Các thế lực thù địch hiện có hai luận điệu chống phá. Thứ nhất, là Việt Nam dựa vào Mỹ để chống Trung Quốc. Thứ hai, là Việt Nam nhượng bộ để Trung Quốc lấy đất, lấy biển Việt Nam. Đây là các luận điệu bất lợi cho Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng như quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.
Chúng ta cần làm cho nhân dân hai nước hiểu rõ, giữa Việt Nam và Trung Quốc còn tồn tại vấn đề nhưng hai Đảng, hai Nhà nước đã cam kết xử lý bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, với giải pháp hai bên cùng có thể chấp nhận được”. (Theo  Bảo Trung của Báo Quân đội Nhân dân, 30-8-2011)
 
Tại sao Vịnh phải hạ mình tâu và hưá với Quan Tầu Mã Hiểu Thiên như thế ?
Đường đường một Trung tướng và trong một ngày nào đó có thể sẽ nắm giữ Bộ Quốc phòng của một nước ngót 90 triệu dân mà phải hứa “kiên quyết xử lý” với dân như thế, vì  các cuộc biểu tình chỉ có một mục đích: Chống âm mưu xâm lăng biển đảo Việt Nam của Trung Quốc.

Hơn thế nữa, Vịnh không thể không biết tất cả 11 Cuộc biểu tình của người dân từ Sài Gòn ra Hà Nội từ đầu tháng 6 (2011) là để  thể hiện lòng yêu nước quyết tâm bảo vệ tòan vẹn lãnh thổ  và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Quân Tầu đã dùng võ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay Quân lực Việt Nam Cộng hòa ngày 19/01/1974, và chiếm 8 vị trí đá ngầm ở quần đảo Trường Sa vào tháng 3 năm 1988.

Những cuộc biểu tình có chính nghĩa này không  thể  bị gọi một cách xách mé và  hỗn xược là các cuộc “tụ tập đông người” để phá rối trị an, hay chống Đảng hoặc chống Nhà nươc như những lời vu khống, mạ lỵ của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội trong Thống báo ngày 18 tháng 8 và của các Báo, Đài  Nhà nước.

Tệ hại hơn, Vịnh còn xuyên tạc và bôi nhọ lòng yêu nước của người dân, bằng cách gán ghép cho số người dân đi biểu tình, trong số có nhiều trí thức và các cụ gìa, em thơ đã mắc mưu các “thế lực thù địch” , lợi dụng chống Tầu để chống phá đảng và nhà nước.
Vịnh còn phân bua với Mã Hiểu Thiên rằng, hiện nay đang có tin gây hoang mang cho rằng: “ Việt Nam dựa vào Mỹ để chống Trung Quốc. Thứ hai, là Việt Nam nhượng bộ để Trung Quốc lấy đất, lấy biển Việt Nam. Đây là các luận điệu bất lợi cho Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng như quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.”

CHUYỆN CŨ VÀ CHUYỆN MỚI

Tại sao lại phải “phơi hết cả ruột gan” ra thế, vì sợ Mã Hiểu Thiên chưa tin à ? Mà chắc gì họ Mã đã tin Vịnh ?
Hơn nữa, Mã Hiểu Thiên có  phải là Lãnh tụ tối cao của Trung quốc đâu mà Vịnh phải báo cáo kỹ đến thế ?
Báo Quân đội Nhân dân còn cho biết : “Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh và Thượng tướng Mã Hiểu Thiên đã thẳng thắn trao đổi những vấn đề còn khác biệt trong quan hệ hai nước. Theo Thượng tướng Mã Hiểu Thiên, hiện nay điểm bất đồng và nhạy cảm nhất trong quan hệ hai nước là tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, hai nước cần xử lý thỏa đáng vấn đề này vì đại cục quan hệ Việt-Trung và ổn định khu vực: “Hòa bình hai bên đều có lợi, đối đầu hai bên đều thiệt hại”.

Lời tuyên bố lên mặt dậy đời Nguyễn Chí Vịnh của của Mã Hiểu Thiên tại Bắc Kinh ngày 28-8 (2011) có khác gì lời tuyên bố nặc mùi đe dọa Việt Nam ngày 06/01/2010 của Tôn Quốc Tường, Đại sứ tòan quyền Trung Hoa tại Việt Nam, đã mãn nhiệm về nước ?
Trong Cuộc họp báo đầu năm bất ngờ tại Hà Nội ngày 06/01/2010, họ Tôn bảo Việt Nam: “Kinh nghiệm quý báu nhất rút ra trong tiến trình 60 năm quan hệ Trung - Việt là "hợp tác sẽ phát triển, đấu tranh sẽ thất bại".” (ViệtNam Net, 6/01/2010)
Vẫn theo Báo Quân đội Nhân dân thì trong cuộc họp ở Bắc Kinh, Nguyễn Chí Vịnh và Mã Hiểu Thiên đã “nhất trí đánh giá dưới sự chỉ đạo của phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, quan hệ giữa hai Đảng, hai nhà nước tiếp tục phát triển phù hợp với khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.”
Phương châm 16 chữ do Tầu đưa ra cách nay vài năm là :  “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt là : “'láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”

Nhưng trong thực tế những chuyện gì đã xẩy ra ?
Trên đất liền, theo lời Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại Sứ Việt Nam tại Trung Quốc (1974-1989) thì: “ Trong đàm phán biên giới, họ (Trung Hoa)  ép ta làm ta mất một nửa thác Bản Giốc, dân ta cũng không được đặt chân đến Ải Nam quan nữa, tất cả ta mất hàng trăm km2 đất. Họ xóa hiệp định phân định ranh giới vịnh Bắc Bộ giữa hai Chính phủ Pháp – Thanh (do lịch sử để lại) đòi chia lại, ăn hơn của ta một phần hải phận.” (Trích Bauxite Việt Nam, ngày1/12/2010)

Trên Biển Đông, Bắc Kinh quyết không thảo luận với Việt Nam về chủ quyền Quần đảo Hòang Sa, không hề điếm xỉa đến chuyện đã chiếm 8 vị trí đá ngầm ở Trường Sa năm 1988 và tiếp tục đán áp, khủng bố, tấn công các thuyền đánh cá của Việt Nam và giết hại nhiều ngư dân, ngay trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Các tầu hải giám của Trung Hoa còn trắng trợn xâm phạm lãnh hải Việt Nam để đe dọa, cắt cáp các tầu thăm dò của Công ty Dầu khí Việt Nam.

Về phương diện kinh tế, được tiếp tay bởi các phần tử vọng ngọai, ham lời, tham nhũng trong đảng CSVN nên các Cônmg ty Tầu đã trúng thầu  đến 90 phần trăm các  dự án kinh tế, xây dựng néo bở để tự động đưa hàng chục ngàn lao động Thanh niên vào lấy mất công ăn việc làm của người dân Việt Nam.

Nhiều Trí thức, Tướng lãnh và Đảng viên nghỉ hưu đã hòai nghi có thể  đây là kế họach của Tầu cấy người vào khi cần sử dụng như những binh lính thì đã có sẵn lực lượng để tấn công Việt Nam.

Một số công ty trồng cây kỹ nghệ của người Tầu, do tham nhũng và thiển cận của một số các Quan đầu tỉnh Việt Nam, cũng đã thuê được đất dài hạn 50 năm tại các vùng chiến lược dọc biên giới hai nước, mở nhiều đường cho xe chạy lên các điểm cao khiến cho các giới chức lão thành cách mạng và cựu Tướng lãnh CSVN lo sợ sẽ có ngày trở tay không kịp.

Người Tầu còn  làm chủ nhiều vùng đất đai mầu mỡ dọc theo bờ biển dài trên 3000 cây số của Việt Nam.
Ngòai ra, còn phải kể đến hiểm họa kinh tế và quốc phòng của hai Nhà máy chế biến quặng Bauxite để lấy Nhôm ở Lâm Đồng và Đắk Nông được đảng CSVN giao cho Tầu xây dựng và sắp đến ngày khai thác.

Trương Tấn Sang, Chủ tịch Nước, tại buổi tiếp xúc cử tri quận 4, Thành Phố Hồ Chí Minh ngày 11-8 (2011), đã trấn an sự lo ngại của người dân về hiểm họa này: “Xin báo cáo rõ với bà con cử tri là Bộ Chính trị đã kết luận, không có chủ trương cho Trung Quốc khai thác bôxit ở Tây Nguyên. Sự có mặt của người Trung Quốc tại hai công trường xây dựng Nhà máy bôxit - nhôm Tân Rai, tỉnh Lâm Đồng và Nhà máy alumin Nhân Cơ, tỉnh Đắk Nông là bởi công ty của Trung Quốc trúng thầu xây dựng nhà máy ở đây. Khi công trình hoàn thành, công nhân Trung Quốc sẽ rút đi. Việc khai thác bôxit được giao cho Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN thực hiện”
Nhưng chất quặng chế biến thành Nhôm dùng cho nhiều lọai kỹ nghệ cao rồi đây sẽ bán cho ai, ngòai khách hàng có nhu cầu lớn nhất thế giới hiện nay là Trung Hoa ?

Như vậy, lợi trước mắt sẽ về tay Bắc Kinh và cái hại lâu đời sẽ để lại cho người dân Việt Nam, một khi những con đồi trọc sẽ bị bỏ hoang sau khi khai thác hết Bauxite, hoặc tệ hại hơn, chẳng may các hồ chứa chất độc Bùn Đỏ sẽ bị vỡ tràn xuống đồng bằng và châu thổ sống Đồng Nai thì sức tàn phá cho thiên nhiên, các sinh vật và con người sẽ vô cùng khủng khiếp cho nhiều thế hệ người Việt Nam.
Đấy là chỉ kể một số những mặt trái của phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt của lòng dạ người Trung Quốc đối với Việt Nam.

Nhưng Nguyễn Chí Vịnh vẫn như kẻ ngủ mơ , theo Báo Quân đội Nhân dân (30-8-2011) vẫn : “ Khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đại cục với Trung Quốc và mong muốn tìm được giải pháp “cùng thắng”.”
Vịnh lý luận rằng : “ Vấn đề Biển Đông có ba khía cạnh khác nhau nhưng liên quan mật thiết, đó là Tuyên bố chủ quyền của các nước liên quan; xử lý mối quan hệ giữa Việt Nam-Trung Quốc; xử lý trên các diễn đàn đa phương. Việt Nam và Trung Quốc có nhiều tuyên bố chủ quyền vào nhiều thời điểm, nội dung và phạm vi khác nhau. Giải quyết vấn đề phải tôn trọng lịch sử nhưng dù thế nào đi chăng nữa cũng phải tuân thủ luật pháp quốc tế.”

Nói cho dễ hiểu thì đơn giản như thế này : Việt Nam chủ trương đối thọai song phương với Trung Quốc về những tranh chấp chỉ liên quan đến hai nước, như trường hợp Quần đảo Hòang Sa. Nhưng sẽ tham gia thảo luận với các nước khác, kể cả Trung Quốc, như trường hợp Trường Sa là nơi còn có tranh chấp chủ quyền của  Nam Dương, Mã Lai Á, Phi Luật Tân và Đài Loan.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã ngang ngược cho Hà Nội biết “không có gì để nói chuyện về Hòang Sa. Quần đảo này là của Trung Hoa vì chính Việt Nam, qua Công hàm năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai, đã thừa nhận như thế”!
Còn về Trường Sa thì Bắc Kinh đã tự vẽ bản đồ hình Lưỡi Bò, hay còn gọi là đường 9 Đọan từ năm 2009 để tranh giành chủ quyền với các nước khác.

Kẹt một nỗi là bàn chân của quân đội Trung Quốc đã đặt ở 8 vị trí đá ngầm mà Bác Kinh đã đánh chiếm của Việt Nam từ năm 1988, nhưng đảng Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ tìm cách chiếm lại.
Vì vậy mà khi còn sống, Lãnh đạo đảng CS Tầu là Đặng Tiểu Bình đã đưa ra sáng kiến âm mưu hiểm độc “cùng khai thác để có lợi”, nhưng khẳng định chủ quyền ở Trương Sa bao giờ cũng là của Tầu.
Như vậy có khác gì bảo rằng : Cái Nhà là của tôi làm chủ, thôi thì vì là láng giềng với nhau hãy ngưng tranh cãi để  cùng khai thác kinh tế  chia lời.
Các nhà lãnh đạo Bác Kinh bây giờ vẫn đang tích cực theo duổi chiến lược này của họ Đặng để biến nhà hàng xóm thành của mình nên  Bắc Kinh đã có kế họach  di chuyển dàn khoan dầu khổng lồ đến Trường Sa để thăm dò khả năng dầu khí.
Trong chuyến đi Trung Quốc, Nguyễn Chí Vịnh còn cam kết : “ Việt Nam không có ý định quốc tế hóa các vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc vì chính lợi ích của chúng tôi”.

Báo Quân đội Nhân dân cũng cho biết : “Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng chia sẻ rằng, để bảo vệ và xây dựng đất nước chỉ có một con đường là giữ gìn độc lập tự chủ, chủ quyền lãnh thổ và quan hệ tốt với cộng đồng thế giới, không thể có những điều đó nếu dựa vào nước này để chống nước kia: “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhưng nếu Việt Nam cần sự ủng hộ, đồng cảm, hợp tác và phát triển thì còn có ai hơn một nước Trung Quốc Xã hội chủ nghĩa láng giềng, với hơn 1 tỷ 350 triệu dân, đang phát triển, có vị thế và uy tín ngày càng cao trên thế giới, một khi các đồng chí tôn trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam và mong muốn Việt Nam cùng phát triển?”

Liệu câu nói dẻo mép mồi chài này của Vịnh có làm cho Mã Hiểu Thiên siêu lòng hay không thì chưa biết, nhưng ngay sau đó, Vịnh còn “mở cả ruột gan ra” với lời hưá và kêu gọi: “Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng phát triển với Trung Quốc ở những khu vực thực sự có tranh chấp theo luật pháp quốc tế quy định và về lâu dài sẽ tìm giải pháp xử lý mà hai bên có thể chấp nhận được, nhưng“trong lúc chưa phân định được, hai bên tuyệt đối không được sử dụng vũ lực và thậm chí cũng không được nghĩ đến việc sử dụng vũ lực”.
Nhưng “những khu vực thực sự có tranh chấp”  giữa hai nước trên Biển Đông là khu vực nào? Hòang Sa hay Trường Sa ?

BÁO TẦU ĐE DỌA VIỆT NAM

Nhưng ngòai những lời lẽ vừa ngọai giao trơn tru mánh lới, vừa dụ Tầu nham hiểm chấp hành Luật pháp quốc tề về biển đảo của Nguyễn Chí Vịnh,  thì liệu có  còn “chóp bu” nào của đảng CSVN ngây thơ không ?

Nếu vẫn có người, hay nhiều người còn mê sảng thì hãy đọc một số đọan dịch từ Báo Tầu của Giáo sư Vũ Cao Đàm phổ biến trên mạng Báo Bauxite Việt Nam từ lâu ở trong nước để biết rõ hơn tâm địa của anh láng giếng Đại Hán Bá Quyền nguy hiểm như thế nào:
“Việt Nam xâm chiếm nhiều đảo nhất, có nguy hại lớn nhất, hơn nữa có thái độ kiêu ngạo nhất, ảnh hưởng xấu nhất. Trước tiên ta thu hồi lại những đảo mà Việt Nam chiếm đóng là có thể thu hồi lại hầu hết các đảo bị chiếm, khống chế được toàn bộ. Lấy gương xua đuổi thành công quân Việt Nam để răn đe các nước khác buộc chúng phải tự mình rút lui….

Trước đây, Việt Nam đã nhất nhất thừa nhận Tây Sa và Nam Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Những bài phát biểu của các quan chức, bản đồ quân sự, tài liệu địa lý đều là những bằng chứng xác thực, cho đến sau khi thống nhất đất nước thì Việt Nam có những thái độ bất thường, có yêu cầu về lãnh thổ lãnh hải đối với Tây Sa và Nam Sa. Việt Nam ngấm ngầm thọc lưng Trung Quốc, tiền hậu bất nhất, đã làm mất đi cái đạo nghĩa cơ bản, khiến quân đội của chúng ta phải ra tay, với lý do đó để lấy lại những vùng biển đảo đã mất….

Quần đảo Nam Sa là một vị trí chiến lược không thể thiếu của Trung Quốc trên trận tuyến kéo dài từ Trung Đông đến Viễn Đông, tuy eo biển Malacca là con đường yết hầu nhưng quần đảo Nam Sa không phải là không có vị trí chiến lược. Có được Nam Sa sẽ uy hiếp được Malacca, yểm trợ các đường ống dẫn dầu, Nam Sa là một trong những vùng hiểm yếu, Trung Quốc quyết không ngần ngại chiến đấu để thu hồi Nam Sa.

Hãy giết chết bọn giặc Việt để làm vật tế cờ cho trận chiến Nam Sa.”
Sauk hi đưa ra những bằng chứng như thế, Giáo sự Vũ Cao Đàm kết luận: “Với những tư liệu còn quá thiếu sót đó người dân Việt Nam đã thấy rất rõ dã tâm của Trung Cộng. Chúng đã thực sự lộ nguyên hình một tên đế quốc xâm lược tệ hại nhất so với tất cả các đế quốc đã từng có mặt ở Việt Nam, và so với ngay cả các triều đại Trung Hoa đã đặt ách cai trị trên đất Việt Nam.

Tôi cứ phân vân suy nghĩ, không hiểu một số người Việt Nam còn nuối tiếc gì mà cứ phải níu kéo cái bọn gian manh Đại Hán... miệng nam mô “đồng chí”, nhưng bụng thì chứa một bồ dao găm hiểm độc. Chủ nghĩa cộng sản, mà hiện thân là quốc gia cộng sản khổng lồ Đại Hán, leo lẻo trên mồm những điều ngọt xớt, nhưng lại hành xử bằng những thủ đoạn của bọn giang hồ thảo khấu, đã phơi bầy trên thực tế không còn như Lênin kỳ vọng: “trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại chúng ta” như một số người vẫn còn ảo tưởng, mà thực sự đã và đang là bi kịch vô cùng lớn lao của nhân loại.

Tôi tin rằng, có thể vì lý do gì đó, một số người còn xưng tụng cái tình đồng chí cộng sản “Bốn tốt” và “Mười sáu chữ vàng”; Vì lý do gì đó, họ còn cản trở những cuộc biểu tình chống lại “người đồng chí” đế quốc cộng sản xâm lược, nhưng tôi tin chắc rằng, cũng có lúc trong thâm tâm của họ vấn còn cảm thấy nhói đau cái nỗi đau của dân tộc đang bị tên đế quốc cộng sản Đại Hán dày xéo non sông.

Tôi hy vọng lương tri của những người đó sẽ thức tỉnh để quay về với dân tộc đang đứng trước nguy cơ mất còn trước tên đế quốc xâm lược nguy hiểm nhất của thời đại chúng ta, là chủ nghĩa cộng sản Đại Hán.” (Trích từ Bauxite Việt Nam, 31-08-2011)

Như vậy lời hứa của Nguyễn Chí Vịnh nói với Mã Hiểu Thiên ở Bắc Kinh  ngày 28-08 (2011) rằng Việt Nam“kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn“  có “bà con dòng họ gì” với những lời hỗn xược, đe dọa vô liêm sỉ  đối với Việt Nam của Báo chí Trung Hoa không, hay đó lại là ngôn ngữ thuộc loại ngọai giao gia nô ? -/-