Ở Tây phương, người ta thường nói: có hai nghề rất khó tìm ra người tử tế và nói thật: những người bán xe cũ và các chính trị gia.
|
Hình: Getty Images/Hemera |
Xe cũ đến mấy, khi vào tiệm, cũng đều được đánh bóng; và qua miệng của người bán hàng, tự nhiên biến thành mới, đẹp, an toàn, sang trọng và, dĩ nhiên, mắc tiền hơn hẳn. Có điều sự gian dối của những người bán xe cũ, nghĩ lại, cũng chẳng thấm tháp gì. Thứ nhất, họ chỉ lừa được từng người. Và mỗi người chỉ bị lừa, xui lắm, vài lần trong đời. Là hết. Vả lại, mức lừa cũng có giới hạn. Chiếc xe cũ trị giá thực khoảng năm ngàn, họ nâng lên khoảng 7,8 ngàn là nhiều. Có lẽ hiếm khi nào tăng được gấp đôi. Lý do là họ còn chịu sức ép cạnh tranh của các đối thủ khác. Thứ hai, dù sao đó cũng là chuyện mua bán. Mà nguyên tắc chính của mua bán là sự đồng thuận (thuận mua vừa bán).
Các chính trị gia thì khác. Từ mà giới chính trị gia thường nói nhiều nhất có lẽ là từ "sự thật" hay "chân lý" (kiểu "Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi!"). Nhưng rất hiếm khi chân lý ấy là chân lý thật. Thường là giả. Lại là thứ giả do cố ý: chúng là những sự dối trá. Có thể nói một cách ngắn gọn: chính trị là dối trá. Tìm được một nhà chính trị thành thực, nhất là thực thà, là một điều bất khả. Sự khác biệt giữa nhà chính trị này và nhà chính trị kia, về phương diện này, chỉ là ở mức độ, kể cả mức độ dối trá cũng như mức độ khôn khéo khi dối trá. Vậy thôi.
Nói đến sự dối trá của các nhà chính trị, tôi nhớ ngay đến một nhận định của một nhà cựu ngoại giao người Singapore, Kishore Mahbubani, trong một bài viết trên The Financial Times mới đây: "Các nhà độc tài đang sụp đổ. Các chế độ dân chủ cũng đang sụp đổ. Một trùng hợp lạ lùng chăng? Hay có lẽ, đó là dấu hiệu của một sự thay đổi căn bản nào đó trong khuynh hướng lịch sử nhân loại? Tôi ngờ là như vậy. Tại sao các nhà độc tài tồn tại? Tại chúng nói láo. Muammar Gaddfi là một trong những tên nói láo lớn nhất của mọi thời đại. Hắn tuyên bố là nhân dân nước hắn yêu hắn. Hắn kiểm soát mọi nguồn thông tin đến nhân dân hắn bằng cách ngăn chận mọi sự thật khác với những gì hắn kể. Rồi các máy điện thoại di động đơn giản ra đời nối kết mọi người lại với nhau. Sự thật lan tràn rộng rãi, cuốn trôi mọi sự dối trá mà tên đại tá đã phát đi phát lại trên các đài truyền thanh. Tương tự như vậy, ở Ai Cập và Tunisia, các chế độ mất quyền kiểm soát trên các tự sự. Nói một cách vắn tắt, kỹ thuật đã và đang xói mòn khả năng nói láo của các tên độc tài đối với nhân dân nước chúng. Vậy tại sao các nền dân chủ cũng đang sụp đổ cùng lúc? Câu trả lời đơn giản: các nền dân chủ cũng đang nói láo."
Cho các nền dân chủ đang sụp đổ kể cũng vội. Có lẽ Mahbubani chỉ căn cứ vào sự suy thoái kinh tế ở một số nước. Cho Gaddafi là kẻ nói láo lớn nhất mọi thời đại kể cũng hơi vội. Nghĩ xem, những điều Mahbubani kể về tội nói láo của Gaddafi, với người Việt chúng ta, nghe quen thuộc lắm, phải không? Thì, ở nước ta, cũng có người lúc nào cũng xưng xưng tuyên bố là được cả nước yêu mến đó thôi. Không phải chỉ yêu mến suông. Mà yêu mến như bác, như cha, như ông cơ! (Nhớ câu hát:"Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn các em nhi đồng".)
Không ai có thể chối cãi là ở các nước dân chủ, các chính trị gia cũng nói láo. Nói láo trắng trợn nữa là khác. Đã có nhiều người viết nhiều cuốn sách dày cộm về thứ chính trị dối trá (the politics of lying) ở Tây phương với vô số bằng chứng hùng hồn. George W. Bush nói láo về sự hiện diện của các loại vũ khí giết người hàng loạt của Sadam Hussein như cái cớ để tấn công Iraq. Đã đành. Ngay chính Barack Obama cũng bị kết tội nói láo khi không dám nhìn nhận sự thật là kinh tế Mỹ đang bị khủng hoảng nghiêm trọng và cần phải có những biện pháp cứu vãn mạnh mẽ và quyết liệt. Nhưng đó chỉ là những lần nói láo lớn. Còn những lần nói láo nhỏ hơn thì chắc chắn là nhiều hơn.
Tuy nhiên, dù nhiều đến mấy, chắc chắn các chính trị gia ở các nước dân chủ cũng không thể nói láo nhiều bằng các chính trị gia ở các nước độc tài. Ở các nước dân chủ, ít nhất cũng còn có các phe đối lập và giới truyền thông vốn lúc nào cũng rình rập để bắt quả tang những lời nói láo. Rồi tri hô. Rồi vạch mặt. Rồi phê phán. Biết vậy, giới làm chính trị, dù muốn nói láo, cũng đâm ra dè dặt. Ở các nước độ tài thì ngay cả những sự dè dặt tối thiểu cũng không có. Họ độc quyền trên các cơ quan truyền thông. Radio là của họ. Truyền hình là của họ. Báo chí là của họ. Không ai dám nghi vấn họ cả. Họ cứ nói như thánh phán. Rồi sẽ có cả bọn nịnh bợ xúm vào tâng bốc. Thành ra họ nói láo dễ dàng như việc họ mở miệng ban huấn từ. Nhân dân yêu mến họ. Nhân dân tin tưởng họ. Nhân dân ủng hộ họ. Một triệu người là nhân dân. Một ngàn người là nhân dân. Thậm chí, một người - chính họ - cũng là nhân dân nốt.
Một mình họ tha hồ tô vẽ các tự sự hoang đường về chính họ. Họ nói láo không biết ngượng mồm là vì vậy. Có thể nói, nếu đặc điểm đầu tiên của các tên độc tài là nói láo, thì đặc điểm thứ hai của chúng chính là: tuyệt đối không biết xấu hổ khi nói láo. Tuyệt đối. Ví dụ, ở Việt Nam, sau khi câu chuyện Lê Văn Tám, cậu bé bán đậu phộng rang tẩm xăng tự đốt rồi chạy đến kho xăng, nhảy vào một thùng xăng gần nhất, làm bùng cháy cả một kho xăng lớn của Pháp vào năm 1946, gần đây, bị vạch trần là một câu chuyện hoàn toàn bịa đặt. Có ai xấu hổ không? Có. Hai người: một là Trần Huy Liệu, một sử gia; và hai là Phan Huy Lê, cũng là sử gia. Còn giới chính trị thì sao? Không ai lên tiếng cả. Lê Văn Tám, cho đến bây giờ, vẫn được đặt tên đường, tên công viên và tên trường học. Hàng ngày, học sinh vẫn ra rả đọc các bài ca tụng "anh Tám" anh hùng chống Pháp.
Còn bao nhiêu chuyện khác nữa.
Nhưng thôi. Lại nhớ một câu viết của Mahbubani trong đoạn văn dẫn trên: "kỹ thuật đã và đang xói mòn khả năng nói láo của các tên độc tài đối với nhân dân nước chúng." Kẻ thù của những tên độc tài, như vậy, chẳng phải là đảng này đảng nọ đứng đằng sau xúi giục các biểu tình chống Trung Quốc đâu. Chúng chính là các blog, twitter, facebook và những chiếc máy điện thoại di động đấy, các "đồng chí" ạ.
(Nhớ trả công tôi về việc tố giác này đấy nhé!)
|