Home Tin Tức Bình Luận Sự khác nhau giữa hai cuộc Nội Chiến

Sự khác nhau giữa hai cuộc Nội Chiến PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Văn(VN)   
Thứ Năm, 22 Tháng 9 Năm 2011 06:36

Mấy mươi năm sau chiến tranh, những người Cộng sản vẫn giữ một thái độ hằn học với những người gốc Việt Nam Cộng hòa, vốn là đồng bào của họ.

 
Trong quá trình hình thành và phát triển, lịch sử quốc gia nào cũng có những cuộc nội chiến. Đó là cuộc chiến của những người cùng một quốc gia, dân tộc. Sự xung đột nội bộ sẽ dẫn đến những tổn thất to lớn và gây chia rẽ trong lòng dân tộc. Vì thế việc hàn gắn vết thương sau chiến tranh để đất nước sớm được phục hồi và vững tiến trên con đường phát triển là điều cấp thiết. Tuy nhiên mỗi quốc gia có một cách thức thực hiện khác nhau, điều đó dẫn tới sự khác biệt cho sự tái thiết sau chiến tranh của những quốc gia có xảy ra nội chiến.

Với một quá trình hình thành mới mẽ nhưng nước Mỹ đã phải chứng kiến cuộc nội chiến lịch sử. Một cuộc nội chiến mà đã đem lại bài học sâu sắc cho nhiều quốc gia từ đó trở về sau.
 

Nguồn: upa.pdx.edu

Ngày 4/3/1861, Abraham Lincoln tuyên thệ nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ. Trong bài diễn văn nhậm chức ông tuyên bố không thừa nhận sự ly khai của các bang Miền Nam bảo vệ chế độ nô lệ, khi cho rằng điều đó “Không có hiệu lực về mặt pháp luật”. Bài diễn văn của ông kết thúc bằng việc phục hồi những mối liên kết của Liên bang. Nhưng miền Nam đã bưng tai giả điếc và ngày 12/4, súng đã nổ nhằm vào binh đội đồn trú ở Đồn Sunter tại hải cảng ở Charleston, bang Nam Carolina. Cuộc nội chiến đã bắt đầu, một cuộc chiến mà trong đó số người Mỹ tử trận nhiều hơn bất kỳ cuộc xung đột nào trước đó, và cho đến nay.

Mỗi bên đều tham chiến với niềm hy vọng rất cao vào việc giành chiến thắng nhanh chóng. Miền Bắc có được những lợi thế không thể chối cãi về các nguồn lực vật chất. Hai mươi ba bang với số dân 22 triệu người được triển khai chống lại 11 bang của miền Nam với 9 triệu dân cư trú. Sự vượt trội về công nghiệp của miền Bắc thậm chí còn vượt cả ưu thế về dân số khi cung cấp được cho miền Bắc lượng thiết bị dồi dào để chế tạo vũ khí và đạn dược, quần áo và các đồ cung cấp khác. Tuy nhiên miền Nam có truyền thống quân sự mạnh hơn và những thủ lĩnh quân đội có nhiều kinh nghiệm. Cuộc chiến ác liệt kéo dài 4 năm với hai thủ lĩnh quân sự xuất sắc đại diện của mỗi bên: Tướng Robert E.Lee của miền Nam và Cllysses S. Grant của miền Bắc.

Sau nhiều trận chiến ác liệt, quân miền Nam đã trở nên suy yếu và phải rút chạy về phía Nam. Vào ngày 9/4/1865, bị các đạo quân đông đảo của Liên Bang bao vây, tướng Lee đã đầu hàng Grant tại nhà Tòa án Appomattox. Cuộc nội chiến như vậy coi như đã chấm dứt với hàng trăm ngàn binh sĩ thiệt mạng cho mỗi bên.
Những điều kiện đầu hàng tại Appomattox quả thực là quảng đại, và từ khi gặp gỡ Lee trở về, Grant đã làm cho những cuộc diễu hành ồn ào của binh lính ông im lặng bằng lời lẽ nhắc nhở họ: “Những kẻ nổi loạn lại là đồng bào của chúng ta đấy”. Cuộc chiến tranh vì nền độc lập của miền Nam đã trở thành “Một sự nghiệp đã mất”, mà sự nghiệp của người anh hùng đó là Robert E. Lee, đã được đông đảo mọi người thán phục vì sự xuất sắc trong tài lãnh đạo và sự lớn lao của ông trong thất bại. Nhờ sự kết thúc chiến tranh trong hòa bình, bằng sự nhìn xa trông rộng đó mà nước Mỹ sau nội chiến đã được phục hồi nhanh chóng mà không phải chịu thêm sự thiệt hại nào về nhân mạng và vật chất nữa.
 

Nguồn: VANGANH.INFO

Trong lịch sử hiện đại, Việt Nam chúng ta đã kém may mắn hơn khi đất nước phải gánh chịu một cuộc nội chiến kéo dài tới 20 năm (từ 1954 đến 1975). Đó là cuộc chiến giữa miền Bắc theo chủ nghĩa Cộng sản và miền Nam theo chủ nghĩa Tự do. Miền Bắc được sự trợ giúp của phe Xã hội chủ nghĩa là Liên Xô và Trung Quốc, miền Nam được sự giúp đỡ về quân sự và cố vấn của Hoa Kỳ. Tuy vậy về bản chất, đây là cuộc nội chiến giữa hai miền Nam – Bắc của những người Việt Nam.

Cuộc chiến đã khiến cho hàng triệu nhân mạng phải hy sinh cho mỗi bên, và khoảng 58.000 binh lính Mỹ tử trận. Thiệt hại về cơ sở hạ tầng thì không thể kể xiết. Sự mất mát về tinh thần và vật chất cho dân tộc Việt Nam quả là to lớn trong cuộc chiến tranh này.

Từ cuối thập niên ’60, do phải tập trung đối phó với phe Cộng sản trên phạm vi toàn cầu, Mỹ đã quyết định bỏ mặt trận Việt Nam. Và họ đã rút quân sau khi thúc đẩy việc ký kết cho bằng được Hiệp định Paris vào tháng 1/1973. Hai năm sau, ngày 30/4/1975 Sài Gòn thất thủ, quân đội Bắc Việt giành được thắng lợi qua một chiến dịch quân sự lớn.
Trong những ngày cận kề thất thủ của Sài-gòn, hàng triệu người dân miền Nam đã bị cuốn theo làn sóng di tản do lo sợ sự tàn sát của quân đội miền Bắc, và quan trọng hơn cả là họ không thể chấp nhận tư tưởng Cộng sản vô thần mà miền Bắc theo đuổi. Với định kiến được quy định bởi sự phân biệt ý thức hệ mà những người chiến thắng, thay vì thực hiện hòa hợp dân tộc để bắt tay xây dựng đất nước sau chiến tranh, thì họ lại giết hại và bỏ tù những người của chế độ miền Nam. Những trại cải tạo được lập nên để giam giữ các thành phần quân cán chính thuộc chế độ cũ, rằng để cải tạo họ trở thành con người Xã hội chủ nghĩa? Đất nước đã phải gánh chịu nhiều đau thương trong chiến tranh, nay lại phải chứng kiến một sự đổ vỡ to lớn nữa trong lòng dân tộc, đó là sự chia rẽ ý thức hệ.

Mấy mươi năm sau chiến tranh, những người Cộng sản vẫn giữ một thái độ hằn học với những người gốc Việt Nam Cộng hòa, vốn là đồng bào của họ. Nhà nước Cộng sản gọi những người này là kẻ thù, là thế lực thù địch và phản động. Sở dĩ có cách nhìn nhận đầy định kiến đó là vì những người Cộng sản đã không đặt lợi ích dân tộc và đất nước lên trên hết mà thay vào đó là ý thức hệ Cộng sản của họ. Việc làm đó đã gây chia rẽ lâu dài cho dân tộc Việt Nam, những người vốn cùng là một dân tộc vẫn phải đứng về hai bên chiến tuyến chỉ vì ý thức hệ cộng sản chủ nghĩa. Những vết thương đã không được hàn gắn, những thiệt hại to lớn thì nhân dân và đất nước phải gánh chịu, chỉ những người cộng sản được lợi vì họ có một thế lực để đổ lỗi cho những sai lầm của họ.

Mới hay, cùng một sự việc nhưng cách hành xử của những người trong cuộc khác nhau thì sẽ dẫn tới những kết quả khác nhau. Và rằng nếu những người trong cuộc biết đặt những lợi ích tốt đẹp lên trên hết thì sẽ có được những hành xử quãng đại và mang lại lợi ích cho đất nước. Ngược lại, những người dù chiến thắng nhưng vì quyền lợi ích kỷ của một đảng phái hay tập đoàn cầm quyền mà đã có những cách hành xử tồi tệ khiến cho đất nước phải gánh chịu những tổn thất nặng nề và làm cho dân tộc bị chia rẽ lâu dài.

Hậu quả cuộc nội chiến vừa qua ở nước ta chưa chấm dứt ở tháng 4/1975, và kể cả ở thời điểm này. Ngày nào quyền lực lãnh đạo đất nước vẫn còn tiếp tục nằm trong tay những người mang định kiến, hận thù và đất nước chưa thật sự có dân chủ, tự do, thì hòa bình, ấm no vẫn còn là một khao khát cho những người Việt Nam ở cả miền Nam lẫn miền Bắc.
Hà Nội ngày 19/09/2011