Trong 10 người Mỹ, đã có 8 cho rằng đất nước đang đi lạc hướng...
Thứ Ba tuần rồi, cử tri một đơn vị thuộc thành phố Nữu Ước đi bầu người thay thế dân biểu Anthony Weiner. Ông Weiner là dân biểu Dân Chủ vừa từ chức vì dính dáng vào một vụ lem nhem tình dục hết sức dấm dớ. Ông ta gửi hình ở trần của mình cho mấy bà qua internet. Bị xì ra báo, mới đầu ông chối quanh chối quẩn, cuối cùng đành nhận tội và từ chức.
Đơn vị của ông Weiner là thứ thành đồng của đảng Dân Chủ. Ba phần tư cử tri là Dân Chủ. Một nửa là dân Do Thái giáo –Jews- và phần lớn là dân lao động chịu ảnh hưởng nặng của các nghiệp đoàn. Trong một trăm năm qua, chưa một chính khách Cộng Hòa nào đã được bầu trong đơn vị này. Việc thay thế dân biểu Weiner coi như là chuyện nội bộ đảng Dân Chủ giặt quần áo dơ trong nhà. Một chính khách Dân Chủ khác sẽ được bầu lên.
Thực tế lại không như vậy. Một doanh nhân không có một tý kinh nghiệm chính trị gì đã ra tranh cử bên Cộng Hoà. Ông ra tranh cử với chiêu bài thẳng thắn không úp mở gì hết: ông không chỉ có ý định tranh cử làm dân biểu đại diện cho một đơn vị địa phương, mà ông muốn yêu cầu cử tri hãy coi đây là một cuộc trưng cầu dân ý về chính sách của TT Obama!
Ít người nghĩ doanh gia Bob Turner này có chút hy vọng gì. Nhưng cũng không thể coi thường ông được.
Theo thăm dò địa phương, tỷ lệ ủng hộ TT Obama là 43% trong khi tỷ lệ chống đối là 54%. Tuy khá hơn tỷ lệ cả nước, nhưng số chống đối vẫn lớn hơn số ủng hộ. Điểm quan trọng nữa là ông Turner này lại được hậu thuẫn của cựu Thị Trưởng Dân Chủ của Nữu Ước, Ed Koch, nhân vật rất có uy tín trong khối dân Do Thái giáo rất mạnh của tiểu bang. Ông Koch kêu gọi cử tri theo Do Thái giáo ủng hộ ông Cộng Hoà Turner để phản đối chính sách ngoại giao vuốt ve khối Ả Rập, không thân thiện với Do Thái của TT Obama.
Bên Dân Chủ vội vã đưa cựu TT Clinton, Thống Đốc Nữu Ước Andrew Cuomo, và TNS Chuck Shumer ra vận động cho ứng viên Dân Chủ.
Kết quả bầu cử cho thấy ông Turner thắng lớn. Cử tri đã đáp ứng lời kêu gọi của ông Turner, biến cuộc bầu cử thành một trưng cầu dân ý về chính sách kinh tế và đối ngoại của TT Obama, đưa đến thất bại của ứng viên Dân Chủ.
Nếu coi cuộc bầu cử này như cuộc bầu địa phương thì đây quả là một chiến thắng bất ngờ của Cộng Hòa. Một ứng viên Cộng Hòa thắng được trong một đơn vị hầu hết là dân Do Thái giáo và dân lao động thì quả là đáng nói. Nhất là khi ông đối thủ Dân Chủ là người theo Do Thái giáo (Orthodox Jew).
Nhưng nếu coi đây như là trưng cầu dân ý về chính sách của TT Obama thì thất bại của ứng viên Dân Chủ không có gì đáng ngạc nhiên. Nếu bình tâm kiểm điểm lại thành quả gần ba năm chấp chánh của TT Obama thì ta sẽ thấy gì?
1. KHỦNG HOẢNG GIA CƯ VÀ TÀI CHÁNH
Thượng Nghị Sĩ Barack Obama ra tranh cử đúng lúc kinh tế bị khủng hoảng nặng nhất từ đầu thập niên 1930. Bắt nguồn từ khủng hoảng nhà cửa, kết quả của 30 năm sai lầm chồng chất của bao nhiêu đời tổng thống trong ý hướng hữu sản hóa, cho dân nghèo cũng có cơ hội mua nhà – và mua quá khả năng thanh toán. Hàng trăm ngàn nhà bị ngân hàng sai áp, thị trường địa ốc kẹt cứng. Toàn thể hệ thống ngân hàng bị đe dọa sụp đổ. Kinh tế khủng hoảng theo.
Tổng thống tân cử biết rõ, nhưng long trọng hứa sẽ giải quyết mau chóng.
Gần ba năm sau khi TT Obama nhậm chức, tình trạng gia cư vẫn không có gì cải tiến cho dù ông đã ba lần tung tiền để cứu nguy các chủ nhà bị đe dọa sai áp. Tại những điểm nóng như Nam Cali, Florida, và Nevada, giá nhà vẫn suy sụp, nhà cửa vẫn ứ đọng. Vào các trang mạng địa ốc vẫn thấy hàng hà sa số nhà “short sale”, “foreclosed”. Tỷ lệ nhà bị sai áp tăng 200% trong tháng Tám vừa qua.
TT Obama đã thông qua đạo luật cải tổ ngân hàng và tài chánh được quảng bá là lớn lao nhất lịch sử. Luật vĩ đại này đã thay đổi gì? Các ngân hàng lớn vẫn còn đó, các thủ phạm vụ khủng hoảng tài chánh lớn nhất thế kỷ vẫn ngồi đó. Lương và tiền thưởng của các quan chức lớn vẫn bạc triệu, chỉ có nhân viên bị sa thải, như Bank of America vừa loan tin sa thải hơn ba chục ngàn nhân viên trong khi Tổng Giám Đốc Brian Moynihan được tăng lương và tiền thưởng từ 6 triệu năm ngoái lên 10 triệu năm nay. Chỉ có điều khác là dân nghèo và dân trung lưu bây giờ đi vay tiền khó gấp trăm lần trước đây. Như vậy cải tổ tài chánh là cải tổ cái gì? Cải tổ không cho dân nghèo và dân trung lưu đi vay?
2. PHỤC HỒI KINH TẾ VÀ GIẢI QUYẾT NẠN THẤT NGHIỆP
Cuộc khủng hoảng gia cư đưa đến khủng hoảng tài chánh, rồi khủng hoảng kinh tế, đưa đến thất nghiệp tràn lan. TT Obama hứa sẽ mau mắn giải quyết và bảo đảm dân chúng ông sẽ làm được. Ông cam kết chỉ cần 800 tỷ kích cầu là sẽ mang tỷ lệ thất nghiệp xuống mức bình thường 4 hay 5% trong vòng một năm. Ông nhận được 800 tỷ và xài ngay không chừa một đồng nào. Xài luôn hơn 4.000 tỷ tiền nợ mới.
Ngân sách thâm thủng không phải vài trăm tỷ như dưới thời Bush, mà là hơn 3.500 tỷ hai năm qua. Ông Bush mà ứng viên Obama gọi là “vô trách nhiệm” đã tăng mức công nợ từ 32% tổng sản lượng lên tới 40% trong tám năm. TT Obama chỉ cần hai năm rưỡi là đã tăng công nợ từ 40% đến 100% tổng sản lượng. Không dễ, phải có phép lạ mới làm được.
Dù vậy, gần ba năm trong chính sách kích cầu kinh tế, đà tăng trưởng xuống mức thấp nhất lịch sử, dưới 1%. Thấp hơn mức tăng trưởng của Phi Châu là vùng bị chiến tranh, bệnh tật, nghèo đói và thất học triền miên tàn phá. Thất nghiệp vẫn trên 9% với hơn 15 triệu người không có việc làm. Tháng Tám vừa qua, con số việc làm mới được tạo ra là 0 (zero!), sau 32 tháng tổng thống chữa bệnh cho nước Mỹ.
Tuần rồi, đầu tháng 9, Washington Post loan tin số dân sống dưới mức “nghèo” đã tăng lên tới hơn 15%, cao nhất từ gần hai chục năm qua. Tính theo số người thì là hơn 46 triệu người, cao nhất lịch sử Mỹ. Đó là chưa kể một số kỷ lục gần 6 triệu thanh thiếu niên không đủ tiền sống riêng, phải trở về sống với bố mẹ (theo cách thống kê của Mỹ, những người này không được kể riêng ra, nếu không thì con số người nghèo sẽ là 52 triệu chứ không phải 46 triệu người). Cũng chưa kể trong số 15 triệu người đang thất nghiệp, có khoảng 6 triệu người đã không có job từ hơn nửa năm qua. Phần lớn những người này trong tương lai gần sẽ rơi vào định nghĩa “nghèo”.
Đối với kế hoạch tạo việc làm mới đây của TT Obama, chỉ có 40% dân Mỹ tin sẽ giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới mức 9% (Bloomberg National Poll, 9/9/11).
3. CẢI TỔ HỆ THỐNG BẢO HIỂM VÀ DỊCH VỤ Y TẾ
TT Obama giữ lời hứa cải tổ hệ thống y tế. Bất chấp chống đối toàn diện, ông cho thông qua bằng cửa sau bộ luật cải tổ y tế. TT Obama khẳng định cải tổ sẽ cắt giảm phí tổn y tế. Kẻ viết này xin phép hỏi quý độc giả có ai đã là người có thể xác nhận chi phí y tế của họ đã giảm sau khi luật cải tổ y tế được ban hành? Xin những độc giả đó lên tiếng qua diễn đàn Việt Báo online cho mọi người biết.
Bất chấp cải tổ y tế, vẫn theo Washington Post, số người không có bảo hiểm y tế tăng vọt lên đến 50 triệu người, cao nhất trong lịch sử Mỹ, vì hàng loạt công ty vừa và nhỏ sa thải nhân viên khiến họ mất bảo hiểm. Tổng thống ra luật bắt các công ty, lớn nhỏ gì không cần biết, đều phải cung cấp bảo hiểm y tế cho nhân viên. Nghe thì nhân đạo, nhưng kết quả là các công ty nhỏ sa thải nhân viên vì không muốn trả tiền bảo hiểm y tế cho họ, khiến họ chẳng những vẫn không có bảo hiểm y tế mà còn mất luôn jobs. Những công ty chưa sa thải nhân viên thì lại không dám thuê nhân viên mới hoặc tuyển lại nhân viên cũ bị sa thải.
Luật y tế mới hiển nhiên đã thành rào cản lớn nhất cho việc giải quyết nạn thất nghiệp. Gọi là chữa bệnh này lại sinh ra bệnh kia.
Đó chính là lý do khiến đa số dân Mỹ chống luật cải tổ y tế. Cải tổ y tế là bộ luật hết sức nhân đạo, nhằm giúp toàn dân có an toàn y tế, đúng ra phải được nhất loạt hoan hô, nhưng lại bị 55% dân Mỹ chống. Họ cho rằng trong tình trạng kinh tế hiện nay, tạo công ăn việc làm phải là ưu tiên số một. Không có việc làm thì cũng chẳng có bảo hiểm gì hết. Hai mươi sáu tiểu bang cũng đã kiện luật này tội vi phạm quyền tự do của dân Mỹ và vi phạm Hiến Pháp.
4. ĐỐI NGOẠI
Đối ngoại, nước Mỹ chưa bao giờ gặp khó khăn hơn bây giờ. Âu Châu lạnh nhạt, Nga gọi Mỹ là ký sinh trùng, Tàu coi chiến hạm Mỹ đi lòng vòng ở Biển Đông như chiến hạm giấy, tiếp tục chính sách gặm nhấm Đông Nam Á. Lybia lật đổ được Khaddafi, thay thế bằng những “chiến sĩ của tự do” – freedom fighters - bây giờ đang quay súng qua bắn lẫn nhau. Syria vẵn đàn áp giết dân biểu tình vô tội vạ mà chẳng thấy Mỹ hay Âu Châu nhân danh tính nhân đạo can thiệp gì hết.
Tại Afghanistan, trong mấy năm gần đây, lính Mỹ và dân Afghanistan chết nhiều hơn dưới thời Bush. Ngày 13/9 vừa qua, quân Taliban lần đầu tiên công khai đánh thẳng vào Tòa Đại Sứ Mỹ và Bộ Tư Lệnh NATO tại thủ đô, cùng với hơn hai chục thành phố khác. Chẳng khác gì Tết Mậu Thân tuy tầm vóc nhỏ hơn. Đó là tiến bộ sao?
Cuộc chiến tại Iraq, nơi mà tổng thống khoe là đã ổn định và đang rút quân thật nhanh, ngày 16/8 vừa qua, quân khủng bố tấn công một lúc 42 nơi, giết chết gần 100 người và làm hơn 300 người bị thương, một ngày đẫm máu nhất từ ngày tổng thống nhậm chức. Tuần vừa rồi quân khủng bố kỷ niệm ngày 9-11, cho nổ xe bom làm cả trăm quân nhân Mỹ chết và bị thương, cao nhất từ ngày tổng thống nhậm chức.
Như vậy là ổn định sao?
5. THAY ĐỔI KHÔNG KHÍ Ô NHIỄM CỦA HOA THỊNH ĐỐN
Đây có lẽ là vấn đề then chốt. Khi tranh cử, ứng viên Obama đả kích mạnh mẽ không khí chia rẽ hắc ám của Hoa Thịnh Đốn. Theo ông thì TT Bush đã hoàn toàn thất bại trong vai trò lãnh đạo tối cao vì đã không tạo được đồng thuận, đưa nước Mỹ đến phân hoá cùng cực. Ông long trọng hứa sẽ thay đổi hoàn toàn.
Thành quả của TT Obama? Mới đây, Standard & Poors lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, đã hạ điểm tín dụng, và một trong hai lý do nêu ra là sự phân hoá trong chính trường Mỹ. Ít nhất, dưới thời ông cao bồi Bush, tình hình cũng chưa xấu đến độ điểm tín dụng bị hạ.
Ứng viên Obama năm 2008 long trọng tuyên cáo không có một nước Mỹ xanh hay đỏ, bảo thủ hay cấp tiến, mà chỉ có một Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ thôi. TT Obama ngày nay thì lại khẳng định không có một Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, mà chỉ có một đảng Dân Chủ tích cực xây dựng đất nước và một đảng Cộng Hòa chỉ biết phá đám, cần phải đuổi về vườn hết.
***
Một tháng sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tháng Hai 2009, TT Obama tuyên bố “tôi có ba năm để lật ngược tình thế, nếu không làm được thì coi như tôi sẽ là tổng thống một nhiệm kỳ”. Bây giờ, gần ba năm sau, kinh tế tồi tệ gấp mấy lần dưới thời ông Bush. Tăng trưởng thấp hơn, thất nghiệp cao hơn, thị trường chứng khoán, thước đo của kinh tế Mỹ, trồi sụt cả mấy trăm điểm mỗi ngày. Trong 10 người Mỹ thì đã có 8 cho rằng đất nước đang đi lạc hướng.
Ai cũng thấy rất rõ cho đến nay TT Obama đã suốt ngày đổ thừa TT Bush và sự chống đối của đảng Cộng Hoà, nhưng nói mãi như vậy có hơi khó nghe không? Khi ra tranh cử, TT Obama biết rất rõ gia tài khó khăn TT Bush để lại và đã khẳng định sẽ giải quyết hết. Cũng như một thuyền trưởng đã nhìn rõ cơn giông bão đang hoành hành, ông không thể nhất định đòi lái, để rồi sau đó đổ thừa bão lớn quá, con tầu bị hỏng máy nhiều quá.
Đổ thừa phe đối lập cản đường cũng không chấp nhận được.
Thể chế hai đảng chống đối nhau đã được các nhà lập quốc đặt ra để bảo đảm tính dân chủ, không một phe nhóm, đảng phái nào độc quyền thao túng chính quyền. TT Obama là tổng thống thứ 44, trước đó, đã có 43 vị tổng thống phải đối đầu với đối lập rồi. Đó là chưa nói đến chuyện TT Obama đã có được cả thượng viện lẫn hạ viện cùng phe trong suốt hai năm đầu, và mới chỉ bị mất hạ viện cách đây tám tháng. Một tổng thống thành công là một người vượt qua được chống đối để làm được cái gì đó cho đất nước.
Một tổng thống thất bại là một người không làm được gì, chỉ ngồi ăn vạ, đổ thừa.
Đúng ra, nếu chỉ còn một đảng thì tất nhiên sẽ có “đồng thuận và ổn định”, Nhà Nước không bị phá đám, muốn làm gì là làm được ngay. Nhìn vào Việt Nam bây giờ làm gương. Có phải đó là giải pháp lý tưởng không?
Ông James Carville, cựu cố vấn của TT Clinton, góp ý là TT Obama nên cho về vườn một vài cố vấn và phụ tá cao cấp vì đã xúi đại ông từ ba năm qua. Nói cách khác, bây giờ bí quá nên đổ thừa cho… chính người của mình, may ra mới cứu vãn được tình thế? Lỗi của cả thế giới, trừ tôi.
Cuộc bầu cử nhỏ tại một đơn vị nhỏ của thành phố Nữu Ước đã đưa ra một thông điệp thật lớn. Chính sách của TT Obama thất bại và không còn được dân Mỹ ủng hộ -kể cả những khối thành đồng của đảng Dân Chủ. Ông còn 14 tháng để điều chỉnh chính sách và vận động quần chúng. (18-9-11)
|