Home Tin Tức Bình Luận Từ 2-9 đến 1-10

Từ 2-9 đến 1-10 PDF Print E-mail
Tác Giả: Bùi Văn Phú   
Chúa Nhật, 02 Tháng 10 Năm 2011 08:57

Giữa lúc nước láng giềng khổng lồ đang hung hăng tấn công ngư dân Việt trên biển Đông, đang khoanh đường lưỡi bò để lấn chiếm lãnh hải Việt Nam thì mọi việc làm xa gần có dính tới Trung Hoa là điều sẽ làm cho người dân bất mãn với nhà nước.

Từ 2-9 đến 1-10

Cờ Trung Hoa và cờ Đài Loan phất phới trong phố Tàu San Francisco
(ảnh Bùi Văn Phú)
Biểu ngữ mừng Quốc khánh 1-10 của Trung Hoa ở Oakland
(ảnh Bùi Văn Phú)
Trụ sở chi bộ Quốc dân Đảng ở Oakland
(ảnh Bùi Văn Phú)

Hôm đầu tháng, lái xe ngang qua Toà thị chính San Francisco thấy trên tiền đình có treo lá cờ đỏ sao vàng. Tôi đoán bên trong đang có tiếp tân chào đón một đoàn trong nước qua thăm thành phố. Mà nếu có quan chức Việt Nam đến đây, sao không có biểu tình phản đối như vẫn thường xảy ra?

Tìm thông tin trên mạng, vào trang nhà của Lãnh sự quán Việt Nam cũng không có thông tin quan chức thăm San Francisco hay hội họp liên quan đến Việt Nam. Còn báo trong nước có nhiều tin về ngày Quốc khánh 2-9. Lúc đó tôi mới nhớ ra từ vài năm qua cứ đến ngày này toà thị chính có treo cờ mừng Quốc khánh Việt Nam dù những năm trước đã có sự phản đối của các hội đoàn người Việt sinh sống tại đây.

Ở Việt Nam dĩ nhiên ngày này công sở đóng cửa, học sinh nghỉ học. Báo chí bên nhà gần đây còn gọi 2-9 là Tết Độc Lập.

Chữ tết nghe linh thiêng nhưng sao không có những sinh hoạt rộn ràng như các lễ hội chào đón Tết Nguyên đán dịp đầu năm âm lịch. Thành phố San Francisco treo cờ vì tính cách ngoại giao và cũng vì San Francisco và Thành phố Hồ Chí Minh đã kết nghĩa chị em từ hai chục năm nay. Không biết các nước khác có quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ mỗi dịp quốc khánh của họ có treo cờ trước tiền đình toà thị chính không, hay chỉ Việt Nam muốn làm thế thôi?

Nhưng gọi ngày Quốc khánh là Tết thì cường điệu quá. Trong nước Tết Độc lập không tưng bừng, còn ở hải ngoại đối với nhiều người Việt ngày 2-9 chẳng có ý nghĩa gì.

Sử Việt cận đại ghi rằng ngày 2-9-1945 ông Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhưng cũng vào đúng ngày đó 24 năm sau ông Hồ từ trần khiến trong dân chúng có truyền khẩu những vần thơ, đại ý rằng: “Bác Hồ chết phải giờ trùng. Con cháu một lũ không khùng cũng điên” nên Đảng Cộng sản Việt Nam đã phải rời ngày qua đời của lãnh tụ sang hôm sau tức 3-9-1969. Tuyên ngôn được đọc đã 66 năm rồi nhưng đất nước ngày nay có độc lập, dân chủ và dân Việt có được tự do, bình đẳng hay chưa?

Chuyện cờ quạt tôi để ý thấy cộng đồng người Hoa trong vùng San Francisco hay giương lên để khẳng định lập trường chính trị và sự trung thành của họ đối với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa - People’s Republic of China - hay với Đài Loan, còn gọi là Cộng hoà Trung Hoa - Republic of China - do Tôn Dật Tiên khai sinh cách đây một thế kỉ.

Theo sử học, cuộc cách mạng do Tôn Dật Tiên khởi xướng ngày 10-10-1911 đã xoá bỏ chế độ phong kiến Mãn Thanh để thành lập nền cộng hoà với danh xưng chính thức Cộng hoà Trung Hoa ra đời ngày 1-1-1912. Từ đó nước Trung Hoa do Quốc dân Đảng nắm quyền, cai trị dân theo chủ thuyết tam dân của Tôn tiên sinh. Đến thời Tưởng Giới Thạch cầm quyền vì có ngoại xâm rồi nội chiến, trong khi đó chính quyền lại tha hoá, tham nhũng nên đã để mất Trung Hoa vào tay Đảng Cộng sản. Năm 1949 quân của Tưởng Giới Thạch bỏ đất liền chạy qua đảo Đài Loan thành lập chính phủ lưu vong.

Năm 1975 Tưởng Giới Thạch qua đời. Một đài tưởng niệm vĩ đại được xây ở Thủ đô Đài Bắc để ghi nhớ công ơn của ông. Bên trong, Tưởng Thống chế nằm yên nghỉ đầu hướng về lục điạ và tượng đồng của cố Tổng thống Đài Loan với cặp mắt luôn nhìn về đất Trung Hoa với mơ ước một ngày trở về lấy lại giang san.

Ngày 1-10-1949 tại Quảng trường Thiên An Môn Chủ tịch Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung hoa. Từ ngày đó nhiều người Hoa trong lục địa tìm cách trốn qua Đài Loan hay Hồng Kông tị nạn cộng sản, nhiều người được cho vào Hoa Kỳ định cư.

Trước khi Hoa Kỳ chính thức bang giao với Trung Hoa vào năm 1979, phố Tàu San Francisco chỉ treo cờ Đài Loan. Nay hai màu cờ tung bay trong gió cạnh nhau, rộn ràng nhất là vào dịp tháng Mười mỗi năm.

Vì lịch sử, vì những biến cố chính trị và vì những quan hệ phức tạp giữa Hoa Kỳ, Đài Loan và Trung Hoa nên người Hoa có mặt tại Mỹ cũng có những quan điểm chính trị khác nhau, phô diễn qua mầu cờ. Phố Tàu ở Oakland và San Francisco thường có cờ Trung Hoa và cờ Đài Loan phất phới bay nhưng tôi chưa bao giờ thấy trụ sở của chi bộ Đảng Cộng sản mà chỉ thấy văn phòng chi bộ Quốc dân Đảng. Vì có hai cộng đồng khác nhau về quan điểm chính trị nên quanh đây người Hoa mừng hai lễ Quốc khánh: ngày 1-10 của Trung Hoa và ngày 10-10 của Đài Loan.

Dưới phố Tàu Oakland những năm trước có treo biểu ngữ ngay ngã tư đường Webster và đường số 8 chào mừng Quốc khánh 1-10, một tuần sau có biểu ngữ mừng Quốc khánh 10-10 tức ngày Song Thập của Đài Loan tại cùng vị trí. Tiệc tùng ăn mừng nhiều khi tổ chức tại một nhà hàng vào hai cuối tuần trước và sau của hai cộng đồng, cũng là người Hoa nhưng với những quan điểm chính trị đối nghịch nhau. Quan chức thành phố đến dự cả hai vì dù không chính thức công nhận Đài Loan là một quốc gia nhưng trao đổi thương mại giữa Hoa Kỳ và hải đảo này có tầm quan trọng không kém gì quan hệ với các cường quốc kinh tế châu Á khác như Nhật hay Nam Hàn. Trong gần nửa thể kỉ qua giao thương là quốc sách và quyền lợi của nước Mỹ.

Nhắc đến những ngày Quốc khánh, năm ngoái trong nước có lễ hội 1000 Năm Thăng Long, không biết vì lí do gì nhà nước lại tổ chức trong vòng mười ngày, khai mạc 1-10-10 và kết thúc 10-10-10 nên đã có những dư luận bàn tán. Theo tôi có lẽ những con số 0 và số 1 trong niên lịch mang lại một nét đẹp nào đó trong tư duy của lãnh đạo Việt Nam vì thế họ đã chọn những ngày đó để mở đầu và chấm dứt cho một lễ hội lịch sử.

Năm nay ở tỉnh Lào Cai sát biên giới Trung Hoa đang có kỉ niệm 20 năm thành lập tỉnh và xảy ra sự kiện dân chúng treo lồng đèn Trung Hoa đón mừng khiến quan chức văn hoá thông tin phải ra thông báo khuyên bà con không nên làm như thế. Nhưng không biết do nguyên nhân nào mà ngày thành lập tỉnh, thay vì 12-7 hay 10-10-1991 như ghi trong nghị quyết của quốc hội thì lại bị đổi thành 1-10. Có gì lấn cấn trong ban lãnh đạo tỉnh Lào Cai chăng? Cũng là tháng 10, nhưng ngày 10-10 có gì húy kị mà phải thay đổi?

Giữa lúc nước láng giềng khổng lồ đang hung hăng tấn công ngư dân Việt trên biển Đông, đang khoanh đường lưỡi bò để lấn chiếm lãnh hải Việt Nam thì mọi việc làm xa gần có dính tới Trung Hoa là điều sẽ làm cho người dân bất mãn với nhà nước.

Nếu lãnh đạo Việt Nam để những chuyện như thế tiếp tục xảy ra thì từ ngày 2-9 đến 1-10 không phải là thời gian quá xa để chuyển đổi các sinh hoạt lễ hội.

Cứ nhìn quốc huy của Việt Nam và Trung Hoa là thấy đã gần như vậy rồi.

© 2011 Buivanphu.wordpress.com
nguonvietbao.com

(10/01/2011)