Home Tin Tức Bình Luận Vụ trao giải thưởng Nobel Hòa Bình 2010 : Cá hồi Na Uy vẫn là nạn nhân của Trung Quốc

Vụ trao giải thưởng Nobel Hòa Bình 2010 : Cá hồi Na Uy vẫn là nạn nhân của Trung Quốc PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Tư, 05 Tháng 10 Năm 2011 09:16

Chính quyền Bắc Kinh cho rằng Ủy ban Nobel đã trao phần thưởng cho một « tội phạm »

 
Cá hồi : sản phẩm xuất khẩu quốc gia của Na Uy / DR

Cách nay một năm, Trung Quốc đã nổi đóa trước việc giải thưởng Nobel Hòa Bình được trao cho nhà ly khai Lưu Hiểu Ba.

 Bắc Kinh đã không ngần ngại trả đũa nhắm vào một biểu tượng của Na Uy : Cá hồi.

Trong một năm qua, xuất khẩu của sản phẩm này sang Trung Quốc đã bị giảm mạnh.

 
Chính quyền Bắc Kinh cho rằng Ủy ban Nobel đã trao phần thưởng cho một « tội phạm » và đe dọa là hành động này làm tổn hại quan hệ Trung Quốc – Na Uy. Là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, WHO, Trung Quốc không thể ngăn chặn hoặc đánh thuế nhập khẩu đối với cá hồi Na Uy. Do vậy, Bắc Kinh đã dựng hàng rào phi thuế quan, gia tăng các kiểm soát thú y, vệ sinh thực phẩm.
 
Theo các chuyên gia trong ngành, cá hồi Na Uy khi nhập khẩu vào Trung Quốc đã phải trải qua những phân tích tỷ mẩn, chi tiết và kỹ lưỡng kéo dài đến mức khó hiểu, hậu quả là các sản phẩm này bị hư hỏng, ươn thối trong kho chứa hàng.

 Ông Christian Chramer, phát ngôn viên Trung Tâm Hải sản Na Uy nói với cho AFP: « Chúng tôi đã hy vọng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng từ 30 đến 40% trong năm này. Thế nhưng, điều này đã không xẩy ra ».

Trong tám tháng đầu năm 2011, xuất khẩu cá hồi tươi của Na Uy sang Trung Quốc đã giảm một nửa. Vào tháng 12/2010, thị trường Trung Quốc nhập khẩu hơn 1000 tấn. Sang đến tháng Giêng 2011, xuất khẩu của Na Uy bị giảm hẳn xuống còn 315 tấn và đến tháng Hai thì chỉ còn 75 tấn.
 
Trong thời gian đầu, để tránh các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh, cá hồi Na Uy đi vòng qua Hồng Kông để vào thị trường nội địa Trung Quốc, thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, cánh cửa này cũng bị đóng sập lại.
 
Bất lực trước hành động của Trung Quốc, chính quyền Na Uy cho biết sẽ kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới.
 
Theo giới chuyên gia, khi nhắm vào cá hồi, Trung Quốc đã tấn công vào biểu tượng của Na Uy mà không gây tác động tiêu cực đến nhu cầu của thị trường nội địa bởi vì Bắc Kinh có thể nhập khẩu cá hồi của Scotland để thay thế.
 
Một số tập đoàn của Na Uy đẩy mạnh các dự án nuôi cá ở các nước thứ ba và từ đó xuất khẩu vào Trung Quốc. Thế nhưng, theo đại diện của tập đoàn Marine Harvest, dẫn đầu thế giới về xuất khẩu, có cơ sở nuôi cá hồi tại sáu nước, chiếm tới một phần tư tổng sản lượng toàn thế giới, thì phương thức này cũng không bù đắp được hoàn toàn mức độ suy giảm của xuất khẩu. Phát ngôn viên của tập đoàn cho biết là mức tiêu thụ cá hồi của Trung Quốc ngày càng cao và các nhà sản xuất của những nước khác đã mở rộng được thị phần của mình.
 
Mức tiêu thụ cá hồi của Trung Quốc, so với Pháp và Nga, thì còn khiếm tốn, nhưng không ngừng tăng và trong tương lai, Trung Quốc sẽ trở thành một thị trường quan trọng.
 
Tuy nhiên, nếu cá hồi đã hứng chịu hậu quả của việc trao giải Nobel Hòa bình 2010, quan hệ kinh tế Trung Quốc – Na Uy lại không bị ảnh hưởng.

Theo một nghiên cứu của cơ quan thống kê quốc gia Na Uy, được công bố đầu tháng Chín, trong sáu tháng đầu năm 2011, nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Na Uy tăng 16%, chủ yếu là nguyên liệu, xuất khẩu của Trung Quốc sang nước này cũng tăng 43%.
 
Còn trong lĩnh vực chính trị, Trung Quốc vẫn hậm hực.

Bắc Kinh đã đình chỉ vô thời hạn mọi cuộc đàm phán về hiệp định tự do mậu dịch song phương, cũng như các tiếp xúc ngoại giao ở cấp cao.

Giới quan sát mới ghi nhận được một sự chuyển biến nhỏ : Ngày 22/09 vừa qua, bộ trưởng Năng lượng Na Uy đã tới Bắc Kinh dự một hội nghị quốc tế với sự hiện diện của nhiều quan chức Trung Quốc. Phía Na Uy hy vọng đây là những tín hiệu đầu tiên trong tiến trình sưởi ấm lại bang giao giữa hai nước.
 
Thế nhưng, các nhà bình luận cho rằng còn quá sớm để hy vọng như vậy. Giáo sư Hứa Thiết Binh, chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc đại học Truyền thông Trung Quốc nhận định :

« Thông thường, sau một cuộc xung đột như vậy, cần phải có thời gian thì hai chính phủ mới nối lại tiếp xúc. Khó có thể nói là mất bao lâu. Nhưng cho đến nay, tình hình đã không tiến triển chút nào ».