Home Tin Tức Bình Luận Tại sao Việt Nam nghèo hèn?

Tại sao Việt Nam nghèo hèn? PDF Print E-mail
Tác Giả: BS Ngọc   
Thứ Năm, 13 Tháng 10 Năm 2011 06:53

Việt Nam nghèo hèn là do thiếu lãnh đạo có tài, nhưng căn cơ sâu xa của câu trả lời chính là … Đảng. Đảng CSVN và chủ nghĩa cộng sản chính là nguyên nhân dẫn đến lãnh đạo bất tài..."

Cho dù là người lạc quan nhất bạn cũng cảm thấy bi quan và phẫn nộ khi nhìn chung quanh mình. Phải nhìn nhận rằng tình hình đất nước không khả quan. Biên giới bị kẻ thù xâm lấn. Ngư trường bị kẻ thù chiếm đoạt và kiểm soát. Kinh tế suy thoái. Lòng người ly tán. Cái ác lên ngôi. Đạo đức suy đồi. Hệ thống giáo dục và y tế rối beng. Nhìn chung, nền tảng xã hội bị lung lay đến tận gốc. Tất cả những nét vẽ đó làm cho bức tranh xã hội Việt Nam ảm đạm. Nghèo. Hèn. Câu hỏi là “tại sao” . Tại sao nên nông nỗi này?
|
Ai cũng có thể tìm cho mình câu trả lời. Có thể nhiều câu trả lời. Nhưng quan điểm cá nhân, tôi nghĩ đến một câu trả lời đơn giản nhất. Lãnh đạo. Nói chính xác hơn là do lãnh đạo bất tài nên đất nước mới ở trong tình thế nghèo hèn như hôm nay.

Câu trả lời của tôi xuất phát từ một hình ảnh lãnh đạo của một bệnh viện mà tôi từng gắn bó trên 20 năm. Anh được thành ủy phân công làm giám đốc một bệnh viện lớn của TPHCM. Anh người Nam, trẻ hơn tôi độ 4 tuổi, xuất thân là một y sĩ trong thời kháng chiến. Do đó, trình độ y khoa của anh rất hạn chế. Anh không dấu diếm điều đó. Là người cộng sản, nhưng anh lại là người dễ thương, có cảm tình và thông cảm với đám bác sĩ của chế độ cũ như chúng tôi. Anh thích gặp bạn bè sau giờ làm việc và lai rai vài lon bia nói chuyện đời. Qua “những chuyện đời” tôi mới biết được rằng tuy anh làm giám đốc bệnh viện, nhưng anh chẳng có quyền gì cả. Tất cả đều làm theo chỉ thị cấp trên và của chi bộ Đảng. Bí thư chi bộ là một bác sĩ được ngoài Bắc chi viện vào tiếp quản, trong lúc các bác sĩ miền Nam đua nhau vượt biên bỏ chạy khỏi Việt Nam. Anh rất bận giải quyết các vấn đề nhỏ mang tính hậu cần trong bệnh viện. Anh rất bận đi họp và …ký giấy giới thiệu. Thời đó giấy giới thiệu rất quan trọng! Họp giao ban anh không nói gì về chuyên môn mà chỉ đơn giản thông báo chỉ thị cấp trên và đọc khẩu hiệu. Những khẩu hiệu mà chính anh cũng không tin hoặc không hiểu. Anh tại chức được hơn chục năm. Trong thời gian tại chức anh không để lại một dấu ấn nào. Bệnh viện vẫn chật chội, bệnh nhân càng ngày càng tăng trong khi số giường không thay đổi. Bẵng đi một thời gian tôi gặp lại anh, bấy giờ anh đã là một tiến sĩ, phụ trách một Cục trong bộ có văn phòng ở TPHCM. Anh ngạc nhiên khi thấy tôi chưa “làm tiến sĩ”. Anh là một lãnh đạo tiêu biểu trong thời CNXHCNVN, một lãnh đạo được tôi luyện trong môi trường du kích và nâng đỡ của Đảng. Lãnh đạo quốc gia cũng chẳng khác mấy so với anh cựu giám đốc bệnh viện tôi vừa kể.

Vai trò lãnh đạo rất quan trọng. Tôi nhìn lãnh đạo là yếu tố quyết định sự hưng thịnh hay suy vong của một quốc gia. Nước nào có lãnh đạo tài ba thì nước đó sẽ thăng tiến, nước nào có lãnh đạo bất tài thì nước đó sẽ lụn bại. Lý Quang Diệu của Singapore là một minh chứng. Nam Hàn với Phát Chung Hy (Park Chung-hee) là một minh chứng khác. Philippines với tài nguyên dồi dào dưới sự lãnh đạo của một người bất tài như Marcos thì hậu quả chỉ có thể nói là nghèo nàn, lạc hậu. Vâng, bạn có thể phản biện rằng Lý Quang Diệu và Phát Chung Hy là hai kẻ độc tài. Vâng, tôi đồng ý. Họ độc tài nhưng độc tài có đức. Nhưng quan trọng hơn là họ có tài. Độc tài mà ngu dốt như Marcos mới đáng sợ gấp triệu lần hơn là độc tài có tài đức. Việt Nam từng có Hồ Chí Minh cũng có thể xem là một nhà lãnh đạo có tài chính trị, nhưng tài kinh tế thì là con số 0. Kể từ khi ông Hồ mất, Việt Nam không có lãnh đạo tài ba và đủ uy tín để huy động quần chúng. Và đó chính là lý do tại sao chúng ta vẫn còn là một trong những nước nghèo nàn và lạc hậu nhất thế giới. Nói nghèo là còn nhẹ, phải nói là sắp phá sản thì đúng hơn. Phá sản cả về kinh tế lẫn cơ cấu xã hội.

Vậy thế nào là một lãnh đạo tài ba? Theo tôi nghĩ, người lãnh đạo tài ba là người có tầm và có tâm, có khả năng làm cho người khác muốn nghe theo mình và làm theo ý của mình. Nói cụ thể hơn, người lãnh đạo tài ba là người có viễn kiến và khả năng đạo đức huy động quần chúng thực hiện và biến viễn kiến thành hiện thực. Để có khả năng huy động quần chúng, tôi nghĩ người lãnh đạo phải có 10 phẩm chất sau đây.

Phẩm chất số 1 là có tầm nhìn. Người lãnh đạo như thuyền trưởng điều khiển con tàu, ngồi trên boong tàu, nhìn rõ phía trước, tránh chướng ngại vật và tìm đường an toàn mà đi. Tức là người lãnh đạo phải có tầm nhìn xa nhưng rõ ràng, phải biết lái con thuyền đất nước đi theo xu hướng chung của thời đại nhưng đồng thời tránh xung đột. Các vua chúa Thái Lan đã từng lái con thuyền đất nước Thái Lan như thế, họ không làm anh hùng để tham chiến với ai, thậm chí chấp nhận một chút thiệt thòi để đưa đất nước giàu mạnh. Họ có tầm nhìn xa, biết mình biết người và vì lợi ích chung của đất nước.

Đối chiếu lại tình hình Việt Nam, lãnh đạo chúng ta có viễn kiến gì? Họ muốn Việt Nam đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa cộng sản làm kim chỉ nam. Nhưng đó là định hướng sai lầm. Chính vì định hướng XHCN đã biến một phần đất nước từng xuất khẩu gạo phải ăn độn bo bo. Chính vì định hướng XHCN đã biến phân nửa Việt Nam có thời giàu có thành nghèo hèn như ngày hôm nay. Chính vì định hướng XHCN mà hệ thống giáo dục rối như canh hẹ như ngày nay. Bây giờ thì ai cũng biết chủ nghĩa cộng sản là loại chủ thuyết không tưởng. Ngay cả quê hương của chủ nghĩa cộng sản cũng đã từ bỏ nó một cách không thương tiếc. Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói: “Cộng sản là loài cỏ dại mọc trên hoang tàn của chiến tranh; là loài nấm độc sinh sôi nẩy nở trên rác rưởi của cuộc đời”.

Mối liên hệ giữa CNXH và phồn thịnh là mối liên hệ nhân quả. Những nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa sau khi từ bỏ con đường đó trở nên giàu có. Bắc Triều Tiên và Cuba kiên định theo xã hội chủ nghĩa là những nước nghèo nhất thế giới. Nước ta khá lên cũng vì từ bỏ chủ nghĩa bao cấp, hợp tác xã theo mô hình XHCN. Ngày nay, Việt Nam sau một thời suýt suy sụp nay lại gương cao ngọn cờ “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đó là một định hướng quái thai. Quái thai vì kinh tế thị trường thì không thể nào xã hội chủ nghĩa được. Ngay cả những lãnh đạo đề ra nó, lớn tiếng nói về nó cũng không hiểu họ nói gì! Ấy thế mà lãnh đạo Việt Nam đang lái con thuyền đất nước đi theo hướng mà chính họ không biết hướng nào. Nhưng dân thì biết rõ rằng họ đã lèo lái con thuyền đất nước chệch hướng và chúng ta đang và sẽ trả giá đắt cho sự chệch hướng đó.

Phẩm chất số 2 của người lãnh đạo là liêm chính. Tôi hiểu “liêm” là không tham nhũng, “chính” là chính nghĩa, chính trực. Người liêm chính là người có chính nghĩa và không tham nhũng. Lãnh đạo phải có phẩm chất liêm chính thì mới thu hút được nhân tâm. Người lãnh đạo tiêu biểu có phẩm chất là này cụ Hồ Chí Minh. Ông cụ có một cuộc sống thanh bần cho đến ngày mất đi và không có tài sản nào đáng kể. Ông cụ có khả năng thu hút quần chúng vì tấm gương trong sáng đó.

Nhưng rất tiếc trong thời đại ngày nay, Việt Nam chưa có một lãnh đạo nào có thể xem là liêm chính. Họ không được dân bầu thì làm sao có chính nghĩa. Ngược lại, quan tham quá nhiều. Quan tham hiện diện trong bộ máy của Đảng, của nhà nước, doanh nghiệp tư nhân. Quan tham hiện diện trong tất cả các cấp chính quyền, từ cao nhất đến thấp nhất. Có thể nói rằng chưa bao giờ trong lịch sử nước ta tham ô hối lộ tràn lan và lộng hành như hiện nay. Người cộng sản thường tuyên truyền rằng “Mỹ Ngụy” là đồng nghĩa với tham ô hối lộ. Điều đó cũng đúng một phần. Nhưng người cộng sản không dám thú nhận rằng chế độ do Đảng CSVN lãnh đạo ngày nay còn tham ô hơn cả trăm lần so với thời “Mỹ Ngụy”. Chưa có bao giờ nạn mua quan bán chức phổ biến như hiện nay. Chưa có bao giờ những hàm cấp tá, cấp tướng rẻ bèo như hiện nay. Chưa có bao giờ những tấm bằng tiến sĩ rẻ rúng như hiện nay. Đó không phải là dấu hiệu của sự suy vong thì là gì? Lãnh đạo Việt Nam ngày nay là những người không có viễn kiến mà còn thiếu tính liêm chính.

Phẩm chất số 3 là dấn thân. Dấn thân là dùng thời gian và năng lực của mình để hoàn thành mục tiêu đề ra. Dấn thân là quên mình, gần dân. Có thể nói thế hệ lãnh đạo trong thời chiến là những người dấn thân. Họ theo cách mạng, theo cụ Hồ vì dấn thân đánh Tây, đuổi Mỹ, dành độc lập tự chủ cho quê hương. Họ sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng đó. Họ thật sự là những người dấn thân. Cố nhiên, tôi chưa nói họ dấn thân có đúng hay không, tôi chỉ nói họ là tiêu biểu cho lý tưởng dấn thân.

Ngày nay thì sao? Theo tôi thấy, lãnh đạo ta chưa chứng minh rằng họ dấn thân vì sự thịnh vượng của đất nước. Đất nước hòa bình, họ lo cho bản thân và gia đình hơn là cho đất nước. Thật vậy, họ nếu có thì họ dấn thân thì vì quyền lợi cá nhân và gia đình của họ. Họ sẵn sàng làm tất cả để giữ cái ghế, vị trí của họ trong bộ máy nhà nước, bộ máy Đảng. Họ dấn thân vào Đảng không phải để phục vụ nhân dân mà để được ăn trên ngồi chốc, được đem bổng lộc cho dòng họ, gia tộc. Đọc bài của Huy Đức sẽ thấy một ông chủ tịch Quốc hội (Nông Đức Mạnh) mà không hề biết thành phố Hồ Chí Minh có bao nhiêu dân và còn tỏ ra ngạc nhiên thành phố có nhiều xe! Lãnh đạo Việt Nam ngày nay là những người không có viễn kiến, thiếu tính liêm chính và không dấn thân vì sự nghiệp chung.

Phẩm chất số 4 là dám nói dám làm. Một phẩm chất quan trọng của người lãnh đạo giỏi là dám nói ra viễn kiến của mình và dám thực hiện cũng như chịu trách nhiệm về hậu quả của việc làm. Đó là phẩm chất của một lãnh đạo can đảm và có danh dự. Một lãnh đạo dám nói dám làm tạo ra một tấm gương tốt để cấp dưới và người dân có thể tin tưởng vào họ. Chúng ta đã thấy lãnh đạo Hàn Quốc dám chịu trách nhiệm như thế nào. Họ sẵng sàng xin lỗi công chúng khi cấp dưới làm sai. Lãnh đạo Nhật sẵn sàng và tự nguyện từ chức khi không làm tròn trách nhiệm.

Còn Việt Nam thì sao? Chúng ta đã thấy có nhiều lãnh đạo chỉ nói mà không dám làm. Cũng có nhiều người làm nhưng không dám chịu trách nhiệm. Lãnh đạo Việt Nam không hề có văn hóa từ chức, không hề có danh dự. Lãnh đạo Việt Nam không quen với hai chữ “xin lỗi”. Họ tỏ ra rất vô trách nhiệm. Công trình xây dựng có vấn đề, vở đê, những cây cầu sắp hoặc đang sập, nạn ùn tắc giao thông triền miên, tội phạm hoành hành, công an tàn ác và giết dân, giáo dục suy thoái, y tế hỗn độn, nhưng chẳng ai chịu trách nhiệm. Có bộ trưởng y tế còn trân tráo tuyên bố ra đi một cách thanh thản để lại sau lưng một di sản rối mù. Do đó, phải nói rằng lãnh đạo Việt Nam ngày nay là những người không có viễn kiến, thiếu tính liêm chính, không dấn thân và vô trách nhiệm.

Phẩm chất số 5 là quyết đoán. Quyết đoán không có nghĩa là hung hãn! Quyết đoán có nghĩa là quyết tâm làm theo kế hoạch và ý định đề ra để đạt kết quả. Quyết đoán cũng có nghĩa là khả năng diễn đạt một cách rõ ràng, không để cho người khác hiểu lầm. Người lãnh đạo phải quyết đoán để đạt được kết quả đề ra. Tôi nghĩ đến một người gây ra nhiều tranh cãi nhưng có phẩm chất quyết đoán, đó là ông Nguyễn Bá Thanh của Đà Nẵng. Ông là một lãnh đạo dám nói, dám làm và quyết đoán. Ông nói không thu dụng quan chức học tại chức chuyên tu là ông làm. Ai dèm phe thế nào thì dèm pha, ông vẫn không thay đổi quan điểm và vẫn làm. Ông có thể là độc tài và có vài vấn đề khác, nhưng ông là người lãnh đạo có tài, dám quyết đoán.

Nhưng chúng ta phải nhìn nhận rằng rất hiếm thấy những lãnh đạo như Nguyễn Bá Thanh. Ngược lại, chúng ta thấy toàn những lãnh đạo chỉ làm theo chỉ thị của cấp trên, không hề tỏ ra quyết đoán. Họ chỉ là những người lãnh đạo ngoan ngoãn, với viễn kiến duy nhất là giữ được cái vị trí hiện tại. Một vụ dịch tả họ cũng không dám tuyên bố cho dân biết vì sợ đụng chạm cấp trên. Khi kẻ thù xâm phạm vùng biển của ta, họ không hề có một lời tuyên bố bảo vệ ngư dân và lãnh hải. Ngay cả ngài thủ tướng còn không dám (?) đuổi một bộ trưởng hay thứ trưởng nào! Lãnh đạo Việt Nam ngày nay do đó là những người không có viễn kiến, thiếu tính liêm chính, không dấn thân, vô trách nhiệm và thiếu tính quyết đoán.

Phẩm chất số 6 là cởi mở. Tôi hiểu cởi mở là lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, lắng nghe những ý tưởng mới không hẳn có cùng ý tưởng với mình. Người lãnh đạo tài ba là người tôn trọng ý kiến của người khác, tin tưởng vào dân và trí thức. Người lãnh đạo có tài không cần có học cao, nhưng phải hiểu rộng và có khả năng thu hút người tài chung quanh mình. Người có tài thường có cá tính và “trung ngôn nghịch nhĩ”, nên người lãnh đạo phải biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của họ.

Tuy nhiên, rất hiếm thấy lãnh đạo Việt Nam có tính cởi mở. Thái độ cởi mở của cụ Hồ và ông Võ Văn Kiệt không hiện hữu trong giới lãnh đạo hiện nay. Mới đây, wikileaks tiết lộ rằng một vài lãnh đạo Việt Nam không cởi mở với chuyến hồi hương của ông Nguyễn Cao Kỳ. Họ không lắng nghe giới trí thức phản biện về bauxite. Chúng ta biết rằng viện IDS bị bức bách phải đóng cửa. Họ không cho tự do báo chí. Họ kêu gọi báo chí chống tham nhũng, nhưng nhà báo phải đi tù vì chống tham nhũng! Ai nói gì khác họ là mang cái mũ “phản động”, “thành phần bất mãn”, thậm chí “chống chế độ”. Đến nhà văn đại tá Nguyên Ngọc, tiến sĩ Nguyễn Quang A, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, giáo sư Phạm Toàn … mà họ còn liệt vào nhóm “phản động”! Lãnh đạo Việt Nam đã đánh mất niềm tin của trí thức và của người dân. Vì thế, có thể nói rằng lãnh đạo Việt Nam ngày nay là những người không có viễn kiến, thiếu tính liêm chính, không dấn thân, vô trách nhiệm, thiếu tính quyết đoán và không cởi mở.

Phẩm chất số 7 sáng tạo. Sáng tạo là có khả năng suy nghĩ cái mới, suy nghĩ khác những quy định giáo điều. Người lãnh đạo tài ba phải có khả năng sáng tạo để có thể nhìn thấy trước những gì người thường không nhìn thấy.

Lãnh đạo nước ta thật khó có khả năng sáng tạo do họ bị trói buộc trong giáo điều của Đảng. Họ không nói ra được một điều gì ngoài những nghị quyết, quyết định của Đảng. Thử nghe qua một bài diễn văn của các cấp lãnh đạo, chúng ta thấy họ chỉ đọc đi đọc lại những từ ngữ nhàm chán. Tiến lên xã hội chủ nghĩa. Học tập và làm theo tấm gương của bác Hồ. Đảng ta quang vinh vĩ đại. Vân vân. Những câu chữ nhàm chán chỉ có một mục đích duy nhất là nhồi sọ. Họ thốt ra những khái niệm mà chính họ không hiểu ý nghĩa. Họ chỉ là những người hô khẩu hiệu. Trong môi trường bị Đảng kiểm soát họ không thể suy nghĩ được cái gì mới, bởi rất dễ bị quy chụp là “xét lại”. Do đó, khó có thể có những lãnh đạo Việt Nam có tính sáng tạo. Khi gặp tình huống khó khăn và người dân bày tỏ quan tâm, tất cả những gì họ có thể nói là “để cho Đảng và nhà nước lo”. Nhưng họ không giải thích được lo cái gì, trong khi ngư trường bị kẻ thù xâm chiếm. Họ không có chiến lược gì sáng tạo để giảm lạm phát kinh tế. Họ không có sáng kiến nào để làm cho dân giàu nước mạnh như một khẩu hiệu phổ biến. Bên cạnh đó, có kiểu sáng tạo nổi hứng chẳng giống ai như bộ trưởng Đinh La Thăng và Nguyễn Thiện Nhân. Họ đòi ra những quy định có ảnh hưởng nhiều triệu người mà không hề có nghiên cứu gì cả. Một kiểu làm việc theo cảm tính. Họ tỏ ra năng động bằng một cú điện thoại. Họ tỏ ra năng nổ nhưng họ lại tự biến mình thành nhưng kẻ chỉ biết nổ mà không có sáng kiến gì cả. Vì thế, lãnh đạo Việt Nam ngày nay là những người không có viễn kiến, thiếu tính liêm chính, không dấn thân, vô trách nhiệm, thiếu tính quyết đoán, không cởi mở và không có sáng kiến (dốt).

Phẩm chất số 8 là công minh. Không cần nói ra, ai cũng biết công minh là đối xử với mọi người một cách công bằng và minh bạch, trước sau như một. Phẩm chất công minh đòi hỏi người lãnh đạo phải tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo pháp quy chứ không phải theo những mối liên hệ cá nhân và bè phái. Chế độ cộng sản không xem công minh là quan trọng. Chính vì thế mà khi Liên Xô đổi mới, Gorbachev giương cao ngọn cờ “Glasnost” mà thực chất là công minh hóa.

Nhưng ở nước ta trong thể chế hiện tại, tất cả các mối liên hệ chịu sự chi phối của thân thế, quyền lực và Đảng. Dân gian vẫn nói “Nhất thân, nhì thế, tam quyền, tứ chế”. Quan tòa xét xử dựa vào cái gọi là “nhân thân” hơn là lý luận tội trạng. Người ngoài Đảng lúc nào cũng bị thiệt thòi hơn Đảng viên. Đó là chưa kể đến nạn địa phương chủ nghĩa. Một người vào trung ương liền kéo theo đàn em, đàn anh địa phương theo để kết bè kết cánh. Hệ quả là tất cả những hành xử đều dựa vào thân thế, bè phái. Hễ cứ đến kỳ đại hội Đảng là có những trò đánh đấm nội bộ và họ sử dụng báo chí cho mục tiêu đó. Nhìn bề ngoài người ta sẽ nghĩ báo chí có tự do nêu lên những cá nhân “tiêu cực”, nhưng dần dần người dân biết quá rõ rằng đó là những trò đánh đấm để tranh quyền tranh chức. Lãnh đạo mà không công minh, hành xử trước sau bất nhất thì làm sao huy động được quần chúng. Không ngạc nhiên khi thấy người dân xem lãnh đạo như là những người đóng kịch. Mà họ đóng kịch rất kém. Họ đóng kịch để làm như tuân theo pháp luật nhưng trong thực tế là họ đứng trên pháp luật. Lãnh đạo Việt Nam ngày nay là những người thiếu tầm nhìn xa, thiếu tính liêm chính, không chịu dấn thân, vô trách nhiệm, thiếu tính quyết đoán, không cởi mở, dốt và thiếu công minh.

Phẩm chất số 9 là văn minh. Trong thế giới hiện đại người lãnh đạo không chỉ là một công dân Việt Nam mà còn là một công dân toàn cầu. Điều này đòi hỏi người lãnh đạo phải xuất hiện một cách lịch thiệp, phải biết hành xử một cách có văn hóa và văn minh với đồng nghiệp ngoại quốc. Nếu người ta biết chơi golf, lãnh đạo cũng nên biết tham dự. Nếu người ta nói được tình hình quốc tế, lãnh đạo cũng phải biết tham gia câu chuyện và có chính kiến. Lãnh đạo nên ăn nói lưu loát. Tuy không cần nhưng sẽ rất tốt nếu lãnh đạo biết một ngoại ngữ. Chúng ta thấy hình ảnh của nữ thủ tướng Thái Lan, một người có học hành nghiêm chỉnh, ăn mặc đơn giản nhưng lịch thiệp, nói tiếng Anh lưu loát, rất gần dân nhưng khi gặp lãnh đạo nước ngoài bà cũng có khả năng trao đổi một cách tự nhiên.

Còn lãnh đạo nước ta? Chỉ nhìn qua cách ăn mặc và đi đứng chúng ta cũng dễ dàng thấy lãnh đạo nước ta chưa … văn minh và thiếu những nét văn hóa tối thiểu. Chúng ta biết rằng lãnh đạo ta thường xuất thân miền quê, ít ra nước ngoài, nên họ chưa quen với những cách ứng đối văn minh. Thử nhìn ông Nguyễn Chí Vịnh, ông Đinh La Thăng, hay rất nhiều lãnh đạo khác chúng ta thấy họ ăn mặc rất xuề xòa, quần áo chẳng chẳng đâu vào đâu, caravat thì hờ hững hoặc sai kiểu cách, tóc tai bù xù, tất cả tạo nên những con người trông rất phản cảm. Có người mà tôi nghĩ trong đời họ chưa bao giờ dùng đến cái lượt chải đầu! Họ thể hiện rất rõ cái tính kém văn minh và kém văn hóa. Chúng ta biết rằng lãnh đạo nước ta không có học nhiều nhưng lại có bằng cấp rất cao. Chúng ta biết rằng phần lớn những cái bằng đó chỉ là mua bán chứ không phải do miệt mài học tập mà có. Do đó, khi gặp người cùng trình độ, họ ứng xử một cách thấp kém hơn, lép vế hơn. Họ cũng rất kém tiếng Anh. Nhìn ông Phạm Gia Khiêm bên cạnh bà Clinton thì chúng ta xấu hổ cho ngài ngoại trưởng Việt Nam biết dường nào. Do đó, lãnh đạo Việt Nam ngày nay là những người thiếu tầm nhìn xa, thiếu tính liêm chính, không chịu dấn thân, vô trách nhiệm, thiếu tính quyết đoán, không cởi mở, thiếu trình độ, thiếu công minh và có phần kém văn hóa.

Phẩm chất số 10 là biết thương người. Làm lãnh đạo phải biết khổ nỗi khổ của người dân, phải biết chia sẻ vui buồn với người dân. Điều kỵ nhất là lãnh đạo vô cảm, quan liêu. Một lãnh đạo vô cảm là lãnh đạo thiếu nhân tính. Thương dân theo cái nhìn cá nhân của tôi là gần dân khi dân gặp hoạn nạn hoặc thiên tai. Lãnh đạo Mỹ sẵn sàng trì hoãn một chuyến công du để đi thăm dân trong lúc hoạn nạn. Chúng ta đã thấy các chính khách Thái Lan và Singapore tiếp cận dân như thế nào trong lúc họ gặp nạn. Họ không màu mè, không đi cứu trợ hay thăm dân chỉ để chụp được một tấm ảnh đẹp, họ tỏ ra là những người biết khổ cái khổ của dân.

Còn các lãnh đạo nước ta thì hoàn toàn không có dấu hiệu nào để gọi là thương dân. Tuần vừa qua, chúng ta thấy trong khi dân nước lũ tràn về làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa màn của nông dân ở một số tỉnh ở miền Tây, nhưng có lãnh đạo nào ghé thăm đâu. Ông tổng bí thư thì bận chuẩn bị cho chuyến đi thăm thiên triều. Còn các vị khác thì im hơi lặng tiếng, chẳng ai có lời hỏi han, chẳng ai thân hành xuống xem tình hình ra sao. Nhưng họ có ra chỉ thị! Trước đó, ngay cả một trận lũ lụt lịch sử ở miền trung, có lãnh đạo ghé thăm ăn mặc chỉnh chu, có người che dù, đứng trên gò đất cao chỉ trỏ, giống y như hình thực dân ngày xưa đi thị sát tình hình. Một hình ảnh rất phản cảm mà giới blogger đã nói nhiều. Việc lãnh đạo xa dân chẳng có gì là bí mật. Ông Phan Minh Tánh là cựu ủy viên trung ương Đảng cũng nói “giữa dân và lãnh đạo có một số khoảng cách trong vấn đề này, gây ra ít nhiều bức xúc trong xã hội”. Bức xúc? Tôi nghĩ nói thế là còn lịch sự. Phải nói là khinh. Dân rất khinh lãnh đạo. Dân khinh lãnh đạo vì họ là những người thiếu tầm nhìn xa, thiếu tính liêm chính, không chịu dấn thân, vô trách nhiệm, thiếu tính quyết đoán, không cởi mở, thiếu trình độ, thiếu công minh, kém văn hóa và không hề biết thương dân.

Lãnh đạo Việt Nam ngày nay làm ngược lại hoàn toàn những gì cụ Hồ căn dặn. Chẳng những không làm theo lời dạy của cụ Hồ, nhưng họ lại rất thích lấy hình tượng và những lời giáo huấn của cụ Hồ ra để giảng dạy người khác. Đó là hình ảnh của một thế hệ lãnh đạo đạo đức giả và dối trá.

Nhưng tại sao lãnh đạo Việt Nam ngày nay bất tài và dối trá như thế? Tôi nghĩ cần phải nhìn vào sự xuất thân và quá trình trưởng thành của họ thì sẽ thấy được nguồn gốc của vấn đề và có câu trả lời. Những người lãnh đạo Việt Nam ngày nay đều là đảng viên Đảng CSVN. Họ được dạy một cách khá thuần thục về chủ nghĩa cộng sản. Đảng cộng sản thực chất là một tôn giáo, nhất là Thiên chúa giáo La Mã. Tính chất tôn giáo của Đảng có thể nhìn thấy từ cơ cấu tổ chức đến hoạt động. Thiên chúa giáo có đức giáo hoàng, Đảng CS có tổng bí thư. Thiên chúa giáo có hội đồng giám mục, Đảng CS có ban bí thư. Thiên chúa giáo có hội giám mục, Đảng CS có bí thư tỉnh ủy. Thiên chúa giáo có cha, Đảng CS có bí thư chi bộ. Thiên chúa giáo có tín đồ, Đảng CS có đảng viên. Thiên chúa giáo xem người ngoại đạo là “người lương”, Đảng CS xem người ngoài Đảng là … quần chúng. Quần chúng không đáng tin cậy vì quần chúng nói chung là có tội hay có tiềm năng có tội. Trong cái tôn giáo đó, tín đồ (đảng viên) phải tuyệt đối tin vào giáo huấn của Đảng, không được chất vấn. Họ được dạy về đấu tranh giai cấp. Họ được dạy về đấu tranh bằng vũ lực. Chính vì thế mà ngôn ngữ của họ là “cướp”, “giành”, “giựt”. Họ nói huỵch tẹt rằng “cướp chính quyền”. Suy bụng ta ra bụng người, họ từng cướp chính quyền bằng vũ lực, nên họ nghi ngờ cái quần chúng ngoài Đảng cũng có ý đồ tương tự. Đó là lý do họ đàn áp người dân khi người dân biểu tình phản đối Tàu Cộng (chữ của GS Vũ Cao Đàm mà tôi nghĩ là chính xác) và áp đặt một chế độ công an trị. Đó là mô hình tổ chức và hoạt động của Mao Trạch Đông và Stalin. Được tôi luyện và trưởng thành trong cái môi trường tôn giáo Mao – Stalin như thế, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy giới lãnh đạo Việt Nam:

    * Thiếu tầm nhìn – Vì họ quan tâm đến sự sống còn của Đảng chứ không phải của dân tộc hay đất nước.
    * Thiếu tính liêm chính – Vì họ sống trong môi trường dối trá, dựa vào quan hệ cá nhân. Tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô Gorbachev nói: “Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản. Ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng: Đảng cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá”.
    * Không chịu dấn thân cho đất nước – Họ chỉ biết dấn thân cho Đảng, cho cá nhân vì lý tưởng của họ là sự tồn vong của Đảng.
    * Vô trách nhiệm – Tôn giáo còn có trách nhiệm, nhưng lãnh đạo ngày nay không có trách nhiệm vì hệ thống tổ chức chồng chéo giữa Đảng và nhà nước. Đảng ra lệnh nhà nước làm nhưng Đảng không chịu trách nhiệm!
    * Thiếu tính quyết đoán – Lớn lên trong môi trường của Đảng và tổ chức họ không hề có ý tưởng độc lập và quyết đoán.
    * Không cởi mở – Vì giáo điều của Đảng là phải nghi ngờ người ngoài Đảng nên họ lúc nào cũng có thái độ nghi ngờ quần chúng, nghi ngờ trí thức.
    * Thiếu trình độ – Họ không có tự do học hỏi những gì ngoài giáo điều của Đảng nên khó có thể có trình độ cao và rộng.
    * Thiếu công minh – Sống và làm việc trong môi trường Đảng như là một hội kín thì không thể nào có sự minh bạch được.
    * Kém văn hóa – Văn hóa của họ là văn hóa Đảng, văn hóa làng xã, mà trong đó mọi người xuề xòa với nhau, bênh vực nhau. Nên khi ra ngoài họ không thoát được cách hành xử của văn hóa ao làng.
    * Không hề biết thương dân – Đảng xem dân là những người có tiềm năng phản trắc, nên họ lúc nào cũng nhìn dân bằng cặp mắt nghi ngờ. Không thể nào đòi hỏi họ thương dân. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói thẳng hơn “Những ai còn tin vào những gì cộng sản nói là không có cái đầu. Những ai làm theo lời của cộng sản là không có trái tim”.
    * 

Việt Nam nghèo hèn Ảnh: Benjamin Rusnak/Zuma
From Doubletruck, Food for the Poor

Ở nước ta có những khẩu hiệu vô lý nhưng chẳng ai đặt câu hỏi. Một trong những khẩu hiệu thuộc loại vô lý đó là “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý”. Người dân diễu cợt hỏi trong một đất nước chẳng có ai làm công cả thì thử hỏi làm sao khá nổi! Nhưng suy nghĩ kỹ câu khẩu hiệu đó chúng ta thấy một sự giả dối. Đảng lãnh đạo, nhưng Đảng không hề chịu trách nhiệm trước dân. Bao nhiêu oan khiên từ thời Cải cách ruộng đất, cải tạo công viên chức VNCH, đánh tư sản mại bản … Đảng vẫn không đứng ra chịu trách nhiệm. Nhà nước thực chất là từ Đảng, xuất thân từ Đảng. Nói “nhà nước quản lý” chính là Đảng quản lý. Nhân dân làm chủ cái gì trong khi Đảng quản lý tất cả? Trong thực tế chế độ nước ta là chế độ thực dân kiểu Đảng trị. Chế độ này rất khác với chế độ thực dân kiểu cũ hay kiểu mới mà người cộng sản thích phê phán và kêu gọi đánh phá. Trong chế độ thực dân kiểu Đảng trị, người dân không có quyền gì cả. Tất cả, từ lập pháp đến hành pháp đều do Đảng độc quyền. Người dân chỉ là người nô lệ kiểu mới mà thôi. Người dân lao động ngày đêm không đủ ăn nhưng chỉ để làm giàu thêm cho mấy ông quan tham có thẻ Đảng.

Trong chế độ thực dân kiểu Đảng trị và môi trường bán tôn giáo bán chính trị, không có chỗ đứng cho người có thực tài. Người có tài là người ưa thích tự do, thích chất vấn, thích tìm cái mới. Họ sẽ không thể nào và không bao giờ chịu sự trói buộc bởi một ý thức hệ nào vĩnh viễn, càng không chịu sự chi phối của các giáo lý đội lốt nội quy của Đảng. Họ càng không thể chấp nhận chủ nghĩa cộng sản theo kiểu Mao – Stalin, bởi trong thực tế chủ nghĩa đó chống lại tinh thần khai sáng tri thức. Nhưng ở nước ta, muốn lãnh đạo thì phải có thẻ đảng. Thế là những người có thực tài và yêu chuộng tự do không có vai trò trong việc lãnh đạo. Ngược lại, những người tham gia Đảng để gọi là lãnh đạo là những người bất tài, cơ hội, những người chỉ muốn vâng lệnh chứ không có khả năng suy nghĩ độc lập. Thế là cái chính sách có thể nói là quái đản đó là một cách loại bỏ những nhân tài ưu tú của đất nước. Đó chính là lý do tại sao nước ta dù lúc nào cũng có người tài, nhưng trong cái cái cơ chế hội kín của Mao – Stalin pha màu tư bản đỏ như hiện nay thì người tài hoàn toàn bất lực.
Vài người hy vọng một cách huyền bí rằng trong thời đất nước suy đồi sẽ có một “minh quân”, một “nhân tài xuất chúng” sẽ xuất hiện. Trong bối cảnh và cơ chế Mao – Stalin hiện nay đó chỉ là một giấc mơ lãng mạn. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy giới trí thức đang quay lưng với những lời kêu gọi của Đảng và nhà nước. Chúng ta cũng không ngạc nhiên tại sao đất nước đã thống nhất 36 năm nhưng lòng người thì chưa thống nhất.

Do đó, tuy câu trả lời tại sao Việt Nam nghèo hèn là do thiếu lãnh đạo có tài, nhưng căn cơ sâu xa của câu trả lời chính là … Đảng. Đảng CSVN và chủ nghĩa cộng sản chính là nguyên nhân dẫn đến lãnh đạo bất tài. Lãnh đạo bất tài làm cho đất nước đi chệch hướng, tổn thất về con người trong thời chiến, kinh tế lụn bại, đạo đức xã hội suy đồi. Vấn đề là VN không có một đảng chính trị khác ngoài Đảng CSVN. Đó cũng là một bất hạnh cho dân tộc. Bởi vậy tôi nghĩ Đảng CSVN phải tự mình cải cách, phải tuyệt đối từ bỏ mô hình Mao – Stalin. Chỉ khi nào thoát khỏi mô hình Mao – Stalin và thiết lập dân chủ thì may ra nước ta mới có cơ hội thoát nghèo. Và thoát hèn.