Sự thật đem lại tự do |
Tác Giả: Hà Minh Thảo | |||
Thứ Năm, 13 Tháng 10 Năm 2011 23:56 | |||
Tựa đề này được trích ý từ Tin Mừng Thánh Gioan câu 8,32 : « các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông». I.- WIKILEAKS LÀ GÌ ? Sau vụ khủng bố ngày 11.09.2001, chính phủ Tổng thống George W. Bush ra lệnh cho các cơ quan quân đội, ngoại giao, tình báo phải chia sẻ tài liệu mật cho nhau với mục đích để các cơ quan công quyền có đầy đủ thông tin chống khủng bố. Nhờ đó, Trung sĩ Bradley Manning, sau bị giáng xuống binh nhì, một trong hàng ngàn quân nhân có nhiệm vụ đọc các công điện mật của ngành ngoại giao trong mạng lưới tài liệu mật ‘SIPRnet.’ của quân đội Hoa kỳ Mỹ, đã tải toàn bộ các văn kiện này về máy điện tính mình và, sau đó, chuyển qua cho Wikileaks. Wikileaks là một tổ chức bất vụ lợi hoạt động đòi chính quyền phải minh bạch bằng cách công bố các tài liệu mật do các nguồn vô danh cung cấp, nổi danh nhờ những tiết lộ bí mật về chiến tranh Iraq. Phối hợp với bốn tờ báo lớn El País (Tây Ban Nha), Der Spiegel (Đức), Le Monde (Pháp), The Guardian (Anh) và The New York Times (Hoa kỳ), Wikileaks đã tiết lộ 251,287 công điện, sau khi xóa bớt tên những giới chức cần được bảo vệ. Đây là những công điện do các tòa đại sứ, lãnh sự Mỹ toàn cầu gởi về Bộ Ngoại giao. Dĩ nhiên, trong đó, có lối 5.000 công điện liên quan tới Việt Nam. II. TỰ DO TÔN GIÁO TẠI VIỆT NAM ? Từ năm 1963, các chánh phủ Hoa kỳ tự cho mình cái quyền cho điểm về tình trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam. Ngày 20.12.1960, cộng sản Miền Bắc dựng nên Mặt trận giải phóng miền Nam để bắn giết đồng bào Việt Nam Cộng hòa. Lý luận để chống lại chúng, ngày 09.05.1961, trong cuộc viếng thăm chính thức Việt Nam, Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson đề nghị gởi quân Mỹ sang tham chiến, Tổng thống Ngô đình Diệm đã cương quyết từ chối: «Nếu Quân đội Mỹ vào Việt Nam, tôi phải giải thích thế nào với dân tộc tôi ? Với người Việt, hình ảnh hãi hùng của Quân đội viễn chinh Pháp còn hằn sâu trong tâm trí họ. Sự hiện diện của quân Mỹ sẽ làm cho dân chúng dễ tin theo những lời tuyên truyền của cộng sản. Sự hiện diện của bất cứ quân đội ngoại quốc nào tại Việt Nam cũng đem lại sự bất lợi cho Việt Nam, vì làm cho cuộc chiến chúng tôi mất chính nghĩa.» Không thể lung lay được lòng yêu nước và quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia của ông Diệm, ‘người bạn’ Hoa kỳ bắt đầu đội cho ông những chiếc nón : tham nhũng, độc tài, gia đình trị và đàn áp Phật giáo. Tổng thống hết mực kính trọng Quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa, nên không chấp nhận Quốc kỳ ngang hàng với các Đạo kỳ, Vatican (chứ không của Công giáo vì biểu tượng của Công giáo là Thánh giá) hay Phật giáo. Trong một chuyến đi kinh lý tỉnh Kiến tường. Phi cơ đến nơi, Tổng thống thấy cờ vàng trắng nhiều hơn cờ Việt Nam. Ông nện gậy xuống sàn phi cơ và ra lệnh trở về: «Đây không phải xứ Vatican, đây là xứ Việt Nam, vậy cờ Việt Nam đâu ? ». Trung tá Sang thưa : « Thưa Cụ, đồng bào già trẻ lớn bé đợi Cụ từ sáng sớm, bây giờ Cụ bỏ về thì họ sẽ buồn biết mấy ». Tổng thống bớt giận sau khi Thiếu tá Tỉnh trưởng bước lên nhận lỗi. Nửa giờ sau, cờ Việt Nam Cộng hòa phất phới bay, Tổng thống bước khỏi phi cơ, chào đáp trả đồng bào, hớn hở và vui vẻ. Khi đọc ‘Le courrier du Viêtnam’, Tổng thống thấy hình Phật Đài lớn đẹp chỉ có cờ Phật giáo mà không có cờ quốc gia, nên nói: «Mình khuyến khích xây Phật Đài to lớn để thế giới qua lại ngoài khơi nhận thức giá trị tâm linh của dân tộc Việt Nam, thế mà không thấy một lá cờ quốc gia biểu tượng Việt Nam, nước này là nước nào đây ? ». Ông Diệm viết trên một miếng giấy lớn : « … bất kỳ tôn giáo nào, khi treo cờ tôn giáo phải treo cờ quốc gia, theo đúng nghị định Bộ Nội vụ đã ban hành… » và giao cho Sĩ quan tùy viên để trao cho ông Đổng lý hầu gởi văn thư nhắc nhở. Không bao lâu sau đó, xảy ra vụ cờ Phật giáo ở Huế và vụ nổ ở Đài phát thanh… [Phúc trình của Phái đoàn Liên hiệp quốc tìm hiểu sự thật tại Việt Nam (Report of the United Nation Facts-Finding Mission to South Vietnam) về ‘đàn áp’ Phật giáo, không được công bố vì chính phủ Ngô đình Diệm đã chấm dứt ngày 01.11.1963 và phái đoàn rời Việt Nam ngày 03.11.1963, cho thấy khó có thể nói có một chính sách kỳ thị tôn giáo nơi giới lãnh đạo. Nếu có, chỉ là những lạm dụng quyền hành ở mức địa phương, tại bốn tỉnh miền Trung. Theo ông Ngô đình Nhu, số công chức thuộc giới Phật tử và thờ Ông Bà chiếm tỉ lệ 75% toàn thể. 14 trong 17 tướng lãnh là phật tử, không được rõ là phật tử thuần túy hay không và 3 Kytô hữu.] Từ đó, chính phủ Kennedy gắn cho Tổng thống Ngô đình Diệm tội ‘đàn áp Phật giáo’ và, sau cùng, đã thuê mướn các tướng lãnh giết vị Tổng thống khai sáng nền Cộng hòa Việt Nam, độc lập và tự do. Vị lãnh tụ vị quốc vong thân, qua đời trong sự nghèo nàn so với các ‘linh mục quốc doanh’ đảng viên cộng sản ngày nay. Năm 2004, trước cuộc bầu cử Tổng thống, chính phủ Hoa kỳ đặt Việt Nam vào Danh sách ‘các quốc gia đặc biệt quan tâm’ (Countries of Particular Concern, CPC). Năm 2006, trước khi đến Hà nội, Tổng thống Bush bôi Việt Nam khỏi danh sách này. Do đó, linh mục đầu Đàn két Nguyễn công Danh hót : « Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã chính thức đưa VN ra khỏi danh sách các nước ‘đặc biệt quan tâm’ về tôn giáo ». Đại sứ Michael Michalak cho rằng việc giáo sĩ và giáo dân Tổng Giáo phận Hà nội đòi lại đất mà Tòa Tổng Giám mục cho Tòa Khâm sứ mượn để Hội đồng Giám mục có nơi làm việc là tranh chấp dân sự. Ông đã không nói Sự Thật vì ông dư biết tại Việt Nam, luật đất đai chia làm ba loại đất : công, tư và tôn giáo hầu phân biệt đối xử tôn giáo theo cơ chế xin/cho. Tại các quốc gia pháp quyền, luật chỉ phân biệt đất công và đất tư. Tôn giáo không phải là nhà nước hay ‘quốc doanh’, mà chỉ đơn thuần là tư nhân. III.- MỘT CÔNG ĐIỆN ĐƯỢC TIẾT LỘ. Ngày 20.09.2011, VietCatholic đã cho đăng công điện ngày 25.11.2009 mà Tòa Đại sứ Mỹ ở Hà Nội gởi về Bộ Ngoại giao : 1/ Công điện ghi: «Phụ tá ngoại giao Liên hệ với các Quốc gia của Tòa Thánh là Tổng Giám Mục Pietro Parolin (nay là đại diện Tòa Thánh tại Venezuela) đã ‘chỉ trích mạnh mẽ’ cựu Tổng Giám mục Ngô quang Kiệt trong việc xử lý quyền lợi việc tranh chấp với các quan chức thành phố». 2/ Công điện cho rằng: «các buổi thắp nến cầu nguyện thu hút đến 15.000 người mục đích cứu vãn đất đai của giáo hội - nơi cư trú cũ của các Sứ thần Tòa Thánh – bị Nhà nước tịch thu. Tuy nhiên, các cuộc tụ họp đã buộc phải giải tán vì cảnh sát và lực lượng an ninh giả làm các băng đảng nhà nước bảo trợ đến phá ». Sự thật, các buổi thắp nến cầu nguyện tại Tòa Khâm sứ cũ không phải giải tán vì cảnh sát và lực lượng an ninh giả làm các băng đảng nhà nước bảo trợ đến phá mà do Kitô hữu đáp lời Đức Cha Ngô quang Kiệt, sau khi nhận thư của Đức Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhân danh Đức Thánh Cha, ngày 30.01.2008 ; 3/ Giới chức Tòa Đại sứ viết: «Cuối năm đó các giám mục Việt Nam đến thăm Vatican, và Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã chỉ thị cho các giám mục nên ‘hy sinh cá nhân, tỏ sự hạn chế trong những bất đồng với chính phủ và tuân thủ luật pháp’ ». Thật sự, trong năm 2009, các giám mục Việt Nam đến Vatican nhân dịp Ad limina từ 22.06 đến 03.07.2009 và gặp Đức Thánh Cha ngày 27.06.2009. Khi ban Huấn từ, Người nói: «Cũng như tôi, Anh Em biết rằng một sự cộng tác lành mạnh giữa Giáo hội và cộng đồng chính trị là điều có thể. Về vấn đề này, Giáo hội mời gọi mọi phần tử của mình hãy chân thành dấn thân xây dựng một xã hội công chính, liên đới và công bằng. Giáo hội không hề muốn thay thế các vị hữu trách chính quyền, nhưng chỉ mong muốn có thể tham gia chính đáng vào đời sống quốc gia, trong tinh thần đối thoại và cộng tác tôn trọng, để phục vụ toàn dân. Khi tích cực tham dự vào chỗ đứng của mình và theo ơn gọi đặc thù, Giáo hội không bao giờ có thể châm chước cho mình việc thực thi Bác ái trong tư cách là một hoạt động có tổ chức của các tín hữu, và mặt khác, sẽ không bao giờ có một tình trạng trong đó người ta không cần lòng Bác ái của mỗi Kitô hữu, vì con người, ngoài sự công bằng, vẫn luôn cần tình thương"(Deus caritas est, số 29). Như vậy, thì làm gì có chuyện ‘hy sinh cá nhân, tỏ sự hạn chế trong những bất đồng với chính phủ và tuân thủ luật pháp’! IV.- XIN TỔNG GIÁM MỤC NGÔ QUANG KIỆT THA THỨ ! Đó là tựa đề bài ông Hà văn Thịnh gởi đăng trên ‘Dân Luận’ http://danluan.org/node/10065#comment-42916 ngày 27.09.2011 để nói rõ ‘vụ’ ông đã đăng trên báo ‘Lao động’ ngày 22.09.2008 bài ‘Đáng rủa sả thay!’ http://laodong.com.vn/Home/Dang-rua-sa-thay/20089/107307.laodong để chê trách Đức Tổng Giám mục Hà nội Ngô quang Kiệt, sau khi Đức cha tuyên bố tại phiên họp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà nội ngày 20.09.2008 và bị cắt xén chỉ còn "Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam". Ông xác nhận bài đó là « một sai lầm và, ở mức độ nào đó, có thể coi là một tội ác khó có thể biện minh. Tôi muốn cầu xin một sự thứ tha nhưng chắc chắn rằng sự day dứt của lương tâm thì chẳng thể nào nguôi ngoai được... ». Tiếp theo, ông cho biết lý do: «Hồi ấy, tôi là cộng tác viên thường xuyên của báo Lao Động. Viết với đam mê và trách nhiệm thực sự của nghĩ suy là mình luôn bảo vệ cái đúng, chống lại những điều sai (ấu trĩ, ngây ngô, ngu dốt...; để cho độc giả và quý vị xa gần phán xét, mặc nhiên tôi không phàn nàn hay khiếu nại). Một lần, tôi nhận được điện thoại của ông Tô Quang Phán, Phó TBT (nay là Tổng BT Hà Nội Mới), nói rằng Tổng GM Ngô Quang Kiệt tuyên bố cầm hộ chiếu Việt Nam thấy nhục nhã, hãy viết ngay một bài bình luận về sự kiện trên.... ». Cuối cùng, ông viết : « Bây giờ, tôi biết tôi xứng đáng bị rủa sả bởi những lời tàn tệ. Ừ và ề Lỗi lầm và đau xót đang được đo bằng sự ê chề. Tôi chỉ còn biết sùng kính ngước nhìn lên và nói tới hai chữ: Cầu Xin! ». Cám ơn ông Hà văn Thịnh đã nói Sự Thật cho chúng tôi được biết.
|