Hôm Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011, Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh cho phát ngôn viên Lưu Duy Minh ra tuyên bố lập lại như cũ là “Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với quần đảo Trường Sa và các vùng nước chung quanh.”
|
Người dân ở Hà Nội đi biểu tình chống Trung Quốc bá quyền ngày Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011. Sau cuộc biểu tình này, công an đã thẳng tay dẹp biểu tình. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images) |
BẮC KINH - Ngày Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011, trước khi kết thúc chuyến thăm viếng 5 ngày của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Trung Quốc và Việt Nam ra bản tuyên bố chung 8 điểm dài 3,163 từ cam kết hai nước “mở rộng hợp tác thiết thực” “theo các nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi.”
Một ngày trước đó, Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh khuyến cáo Hà Nội đừng đụng đến dầu khí Biển Ðông trong “Lưỡi Bò.”
Bản thông cáo chung bản tiếng Việt phổ biết trên TTXVN kêu gọi “hai nước Việt Nam-Trung Quốc tăng cường hơn nữa sự tin cậy chiến lược, hợp tác chặt chẽ toàn diện, xử lý thỏa đáng các vấn đề còn tồn tại hay mới nảy sinh giữa hai nước, là phù hợp với lợi ích căn bản và lâu dài của hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước.”
Từ cái nền tảng 6 điểm căn bản “thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển” mới ký ngày 12 tháng 10, 2011, hai nước “đẩy mạnh đàm phán vấn đề trên biển, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, đồng thời tích cực trao đổi tìm kiếm giải pháp có tính quá độ, tạm thời, không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và trao đổi về vấn đề hợp tác cùng phát triển.”
Tuy nhiên, hôm Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011, Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh cho phát ngôn viên Lưu Duy Minh ra tuyên bố lập lại như cũ là “Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với quần đảo Trường Sa và các vùng nước chung quanh.” Dù họ chỉ đem quân tới xâm chiếm một số đảo nhỏ và bãi đá ngầm vào năm 1988 đến 1995.
Tờ Trung Quốc Nhật Báo tường thuật cuộc họp báo đó không thấy nói gì đến quần đảo Hoàng Sa và cái “Lưỡi Bò” nhưng Lưu Duy Minh lại nói rằng, “Chúng tôi được thông tin (về thỏa thuận hợp tác dò tìm dầu khí giữa Việt Nam và Ấn Ðộ) và hy vọng các bên liên quan đi các bước tích cực để bảo đảm hòa bình và ổn định ở vùng Biển Ðông.” (mà họ gọi là Nam Hải)
Ðiều này gián tiếp cho hiểu Bắc Kinh coi chuyện đánh cướp quần đảo Hoàng Sa hồi tháng 1, 1974 nay đã xong, không có gì để nói qua nói lại dù Việt Nam vẫn luôn luôn tuyên bố chủ quyền không thể chối cãi đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bản thông cáo chung giữa Việt Nam và Trung Quốc, với lời lẽ tổng quát, vẽ ngầm ra chiều hướng để nếu Việt Nam muốn đụng chạm tới những mỏ dầu khí nằm trong vòng “Lưỡi Bò” thì phải nói chuyện với Trung Quốc và phải theo các điều kiện của Trung Quốc. Ấn Ðộ sẽ bị đẩy ra ngoài.
Báo chí của Bắc Kinh từ khi biết có mối hợp tác dò tìm dầu khí ở thềm lục địa giữa Việt Nam và Ấn Ðộ đã nhiều lần đe dọa.
Tân Hoa Xã hôm Thứ Bảy thì vẫn tường thuật sự cam kết của lãnh tụ hai đảng và nhà nước sẽ thường xuyên tiếp xúc và trao đổi về các vấn đề trên biển và chỉ thị giải quyết đúng cách các vấn đề trên biển căn cứ theo sự đồng thuận chung ở cấp cao.
Tân Hoa Xã cũng lập lại bản thông cáo chung Việt Nam-Trung Quốc là trong khi chờ đợi các tranh chấp được giải quyết, các bên cần kềm chế để giữ hòa bình, ổn định trên Biển Ðông và “không bên nào cho phép các lượng lượng thù địch phá hoại các mối quan hệ giữa hai đảng và hai nước.”
Chỉ mới ngày hôm trước, người ta vẫn thấy tờ Hoàn Cầu Thời Báo vẫn còn dọa đánh Việt Nam để “làm thất bại” kế hoạch hợp tác dò tìm dầu khí giữa Việt Nam và Ấn Ðộ.
Báo chí ở Việt Nam vẫn chỉ đưa ra các bản tin ca ngợi cuộc viếng thăm Trung Quốc tốt đẹp của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, không hề có báo nào nói gì đến các bài bình luận hay bản tin của Hoàn Cầu Thời Báo, Trung Quốc Nhật Báo. Trên đường về nước, ông Nguyễn Phú Trọng còn gửi điện văn cảm ơn ông Hồ Cẩm Ðào đã dành cho ông cuộc tiếp đón nồng hậu. “Rời thành phố Thâm Quyến của tỉnh Quảng Ðông, kết thúc chuyến thăm chính thức nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, tôi xin gửi đến đồng chí và qua đồng chí đến các đồng chí lãnh đạo đảng, nhà nước và nhân dân Trung Quốc lời cảm ơn chân thành về sự đón tiếp nồng nhiệt, chu đáo, thắm tình đồng chí, anh em mà đảng, nhà nước và nhân dân Trung Quốc cũng như cá nhân đồng chí dành cho chúng tôi trong suốt chuyến thăm đầy ấn tượng tốt đẹp này.” TTXVN dẫn bức thư cảm ơn của ông Trọng.
Những cam kết viết trong bản tuyên bố chung đưa ra ngày 15 tháng 10, 2011 ở Bắc Kinh và 6 điểm nền tảng hướng dẫn các cuộc thương thuyết sẽ được áp dụng ra sao, diễn tiến thời sự những ngày sắp tới sẽ cho người ta câu trả lời.
|