Tháng mười năm nay có tin nổi cộm là nhà độc tài Qadafi của nước Lybia bị bắt và giết trong trận đánh cuối cùng với quân nổi dậy ở thành phố Shirte, nơi trú ẩn cuối cùng của ông ta.
|
Lên nắm quyền từ năm 1969, lúc mới 27 tuổi, là một sĩ quan cấp úy tham gia vào cuộc đảo chánh quốc vương Lybia, Qadafi trở thành một trong những người cầm quyền nhiều năm nhất trên thế giới- 42 năm.
Cái chết của nhà độc tài này khá bi thảm- bị bắt, bị đánh đập, bị chửi mắng, bị kéo lê trên đường bởi xe hơi và cuối cùng qua đời bởi mấy phát đạn vào đầu vào ngực. Xác của ông ta sau đó để trong nhà kho chứa thực phẩm đông lạnh cho dân chúng vào xem và chụp hình và mấy ngày sau được chôn cất bí mật.
Cuộc nổi dậy của dân chúng ở các nước Trung Đông và Bắc Phi vào đầu năm 2011 được gọi là Mùa Xuân Ả Rập, sau khi thành công mau chóng ở Tunisia và Ai Cập, lan sang các nước lân cận nhưng khi tới Lybia thì bị chận đứng bởi sự ngoan cố của Qadafi. Và với sự hỗ trợ của khối NATO, dùng máy bay thả bom quân đội của Qadafi, cho nên cuối cùng sau 8 tháng, phe nổi dậy toàn thắng; lịch sử Lybia lật qua trang sử mới.
Xét về luật quốc tế thì sự can thiệp vào nội bộ Lybia của khối NATO đặt lên dấu hỏi lớn. Nhưng nghĩ cho cùng thì luật pháp ở đâu cũng là tiếng nói của đa số, của thế lực mạnh mẽ và kẻ yếu thì phải chấp nhận thua thiệt.
Vào thời đại hiện nay, một quốc gia không thể sinh tồn đơn độc mà phải phát triển trong mối quan hệ quốc tế. Lybia có dầu hỏa nhưng cũng phải nhờ kỹ thuật khai thác của Tây phương và nguồn lợi tức chính là bán dầu cho các nước khác.
Bạo chúa Qadafi cứ tưởng là có tiền nhiều, nắm trong tay thế lực nhiều năm, đàn áp và tiêu diệt đối lập là ở ngôi vị suốt đời; nhưng không ai ngờ lại có Mùa Xuân Ả Rập và thế giới cũng tiếp tay hạ bệ ông ta.
Nhưng làm chúa tể được 42 năm, chết ở tuổi 69 thì cũng quá đầy đủ cho Qadafi.
Vừa nghe tin Qadafi chết, tổng thống Obama liền tuyên bố sẽ rút hết quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Iraq vào cuối năm 2011. Làm bài tính thì thấy đổ quân vào Iraq năm 2003 để diệt Saddam Hussein tốn mất cả ngàn tỉ đô la và thiệt mạng mấy ngàn lính Mỹ, trong khi chỉ tốn cỡ 1 tỉ đô la trong chiến dịch oanh tạc hỗ trợ quân nổi dậy để thanh toán Qadafi.
Làm vua một nước thì có để lại một số di sản tốt và xấu. Như bạo chúa Tần Thủy Hoàng gồm thâu lục quốc, đốt sách chôn học trò, bắt dân chúng cực khổ xây Vạn Lý Trường Thành, ban hành chính sách tàn ác cai trị, cho nên vua vừa băng hà thì cả đế quốc Tần sụp đổ trong vòng mấy năm. Thế nhưng theo cái nhìn của những sử gia Trung Cộng thì họ cho là Tần Thủy Hoàng là nhân vật số 1 của lịch sử Tàu vì có công thống nhất, tạo cơ sở để thành lập một nước Trung Hoa rộng lớn như bây giờ và Mao Trạch Đông là nhân vật số 2 kế thừa sự nghiệp bành trướng lãnh thổ và xâm chiếm cùng đồng hóa các dân tộc khác.
Có lẽ cùng một loại độc tài cho nên Trung Cộng và Việt Cộng không phát biểu gì về cái chết của Qadafi. Giã từ tháng mười 2011, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng dẫn theo một số Ủy viên Bộ Chính Trị và một số bộ trưởng sang Bắc Kinh để ký một thông cáo chung liên quan đến nhiều vấn đề giữa hai nước như biển đảo, biên giới, cộng tác chung trong một số lãnh vực.... Bản thông cáo với lời lẽ mơ hồ chung chung có vẻ như là do phía Trung Quốc soạn sẵn để Việt Nam ký và xét cho cùng thì có lợi cho Bắc Kinh.
Trong lúc quần đảo Hoàng Sa bị Trung Cộng chiếm giữ từ năm 1974, ngư dân ra biển đánh cá bị “ tàu lạ” bắn giết, các khu rừng đầu nguồn bị người Tàu thuê mướn dài hạn, khu vực Tây nguyên bị công nhân Tàu trấn giữ để khai thác bô xít, công nhân Tàu có mặt trong nhiều công trường từ Bắc đến Nam, hàng hóa Tàu buôn lậu sang Việt Nam cùng những mặt hàng giá rẻ tràn ngập các cửa hàng giết chết nền sản xuất yếu kém của dân Việt, các công trình xây dựng quan trọng về điện nước, đường xá đều do nhà thầu Trung quốc thực hiện, các cuộc biểu tình yêu nước của người dân chống Trung Cộng xâm lăng bị nhà cầm quyền đàn áp, thì nguy cơ diệt vong của dân tộc Tiên Rồng hiển hiện.
Xét về mặt pháp lý thì bản thông cáo chung nói trên không có giá trị vì Nguyễn Phú Trọng chỉ đại diện cho Đảng Cộng Sản Việt Nam để ký tên, trong khi phía Tàu thì Hồ Cẩm Đào vừa đại diện Đảng CS Trung Quốc vừa là chủ tịch nhà nước. Trong khi đó thì chủ tịch nhà nước Việt Nam là Trương Tấn Sang lại có mặt ở Ấn Độ để ký hiệp ước về vấn đề hợp tác khai thác dầu khí Biển Đông.
Có lẽ Hà Nội phải thay đổi cơ cấu tổ chức hành chánh về lãnh đạo đất nước để phù hợp với hoàn cảnh quốc tế. Trong bốn nước còn sót lại của thế giới do đảng cộng sản nắm quyền thì Trung Cộng, Bắc Hàn, Cuba có chủ tịch đảng kiêm chủ tịch nhà nước, riêng Việt Nam thì chủ tịch nước và thủ tướng thì không phải là nhân vật số một.
Thập niên 1950, 1960 Việt Cộng đi dây giữa Liên Xô và Trung Cộng để chống Mỹ. Bây giờ thì làm bạn với Ấn Độ, Nhật Bản và lôi kéo Mỹ về phe mình để chống lại sự xâm lăng Biển Đông của Trung Cộng.
Vùng Biển Đông nơi có quần đảo Trường Sa, là đường hàng hải giao thương cần thiết của thế giới. Bên cạnh các mỏ dầu hỏa tiềm tàng dưới lòng biển, nơi đây còn là khu vực chiến lược trọng yếu mà nếu để Trung quốc chiếm cứ thì họ sẽ bá chủ thế giới. Và Việt Nam, một định mạng mà Thượng Đế sắp sẵn, là giữ vai trò ngăn chận sự bành trướng của thế lực đế quốc khổng lồ Bắc Phương xuống phía nam. Cho dù có khôn ngoan bằng các phương cách ngoại giao quốc tế với các nước để cân bằng thế lực trong cuộc tranh chấp, điều quan trọng là dân tộc Việt Nam phải tự vững mạnh. Điều kiện duy nhất để có thể vững mạnh là phải vận dụng được tất cả lòng yêu nước của toàn dân và phát huy mọi tài năng công sức của mọi người dân mang dòng máu Lạc Hồng.
Phải có tự do, dân chủ thì mới phát huy được sự đóng góp của mọi người cho tổ quốc Việt Nam. Giã từ tháng mười 2011, thủ đô Bangkok của Thái Lan bị ngập lụt nhiều nơi, gây hoảng loạn cho người dân. Mưa nhiều từ vùng thượng nguồn làm mực nước sông dâng cao và tràn ra vùng dân cư thủ đô trước khi chảy ra Vịnh Thái Lan, kết hợp cùng triều cường, tạo nên thảm họa cho đất nước xứ Chùa Vàng. Tình trạng ngập lụt ở Bangkok có thể kéo dài nữa tháng đến một tháng, ước tính thiệt hại nhiều tỉ đô la, đây là trận lụt mà nữa thế kỷ mới xảy ra với Thái Lan.
Dĩ nhiên vùng đồng bằng sông Nam Bộ của Việt Nam cũng có nhiều nơi bị ngập lụt. Có kẻ cho rằng nước lũ lần này sẽ đem phù sa bồi bổ cho những cánh đồng bị khai thác quá cỡ khi trồng lúa tới 3 vụ mỗi năm. Họ cho đây là điều lợi so với điều thiệt hại do lũ gây nên. Nhưng những nông dân trồng lúa vụ ba năm nay hoàn toàn trắng tay, ai sẽ cứu giúp cho họ đây?
Những lý thuyết gia trong sách vở Cộng sản dạy cho học sinh, đã phê phán chính sách khai thác quá mức đất đai khi trồng trọt một loại cây trồng trong một năm, thì thực tế hôm nay lại cho thấy nhà cầm quyền lại khuyến khích nông dân canh tác 3 vụ lúa. Một sự trái ngược to tát. Lý thuyết Cộng sản là phân chia đồng đều lợi tức cho mỗi người dân, nhưng thực tế tại Việt Nam bây giờ cho thấy cái hố to lớn ngăn cách giữa cán bộ tham nhũng giàu có so với đa số người dân nghèo khổ.
Giã từ tháng mười 2011, kinh tế Hoa Kỳ vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Ở vùng thung lũng điện tử Silicon Valley có San Jose là thành phố với trăm ngàn người Việt Nam cư ngụ, từng làm việc trong ngành điện tử, đóng góp cho sự thịnh vượng của Bắc California; tình trạng thất nghiệp vẫn ở mức 10%. Tin tức cho biết càng ngày càng có nhiều người quen bị hãng cho nghỉ việc. Ở lứa tuổi năm mươi, bao nhiêu năm nay làm công nhân hãng điện tử, bây giờ nghề điện tử đã bay sang châu Á và những người bạn gốc Việt Nam này chẳng còn biết làm gì. Cứ tưởng qua Mỹ thì chuyện cơm áo không lo lắng, nhưng tình thế đổi thay, áo cơm vẫn là chuyện quan tâm muôn đời.
San Jose, 29/10/2011
|