Trung Quốc luôn luôn tìm đến với những chế độ độc tài sẵn sàng đàn áp dân chúng
Là một cường quốc kinh tế có nhu cầu tiêu thụ năng lượng hàng đầu trên thế giới trong ba thập niên gần đây Trung Quốc đã ráo riết săn tìm những nguồn cung ứng từ nước ngoài.
Ðoạn sông Irrawady ở tiểu bang Kachin nơi dự định xây đập thủy điện Myitsone. (Hình: TongSan MediaGroup/LAT)
Phải tìm cách khai thác dầu lửa ở những khu vực xa xôi tại Phi Châu như Sudan, Angola, hay tranh chấp chủ quyền biển với Nhật Bản và các nước Ðông Nam Á là sự thể hiện của nhu cầu chiến lược ấy. Về điện lực, sẵn có nhiều sông lớn, Trung Quốc hiện nay là nước đứng đầu về thủy điện và đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử đã là công trình lớn nhất thế giới.
Các đập thủy điện tại cung cấp khoảng 16% điện lực và 7% tổng số năng lượng tiêu thụ của Trung Quốc. Theo kế hoạch, Trung Quốc dự tính trong kế hoạch ngũ niên sắp tới sẽ gia tăng khả năng thủy điện thêm 60%. Tuy nhiên trước sự lo ngại và chống đối của các tổ chức bảo vệ môi trường và những hậu quả tác hại đã nhận thấy rõ ràng, gần đây Trung Quốc dè dặt trong sự tiến hành những dự án xây đập mới ở trong nước và thay vào đó tìm cách chuyển đến những sông ở các nước láng giềng, đặc biệt là Lào và Miến Ðiện (trước kia gọi là Miến Ðiện), hai nơi có điều kiện thuận lợi và gần gũi để chuyển dòng điện vào mạng lưới quốc nội. CPI (China Power Investment Group), thành lập năm 2002, là một trong 5 công ty quốc doanh sản xuất điện lực lớn nhất, cung ứng khoảng 10% điện ở Trung Quốc hiện nay. Hoạt động bao gồm phát triển, đầu tư, xây dựng, điều hành các trung tâm phát điện và hệ thống phân phối trên 27 tỉnh. Từ 5 năm nay CPI đã đầu tư $20 tỷ vào dự án thủy điện sông Irrawady và các phụ lưu ở Miến Ðiện.
Theo kế hoạch, các nhà máy thủy điện đập Myitsone trị giá $3.6 tỷ và 7 đập nhỏ hơn khi hoàn thành đầy đủ vào năm 2017, có công suất ngang với đập Tam Hiệp và 90% điện được chuyển về Trung Quốc, phần lớn cung cấp cho tỉnh Vân Nam và các thành phố miền Nam. Trung Quốc luôn luôn tìm đến với những chế độ độc tài sẵn sàng đàn áp dân chúng của họ không gây nên khó khăn trở ngại gì đe dọa đến tương lai hợp tác làm ăn. Ðường lối ấy đã từng được thực hiện ở Sudan, Ethiopia và như thế kế hoạch khai thác sông Irrawady không có gì bất ngờ vì từ nhiều năm Miến Ðiện đã sống dưới chính quyền quân phiệt. Miến Ðiện được coi là nước đối tác tin cậy nhất của Trung Quốc ở Á Châu cùng với Bắc Hàn.
Từ lâu, Trung Quốc đã bán hàng hóa và vũ khí cho Miến Ðiện, có cơ sở khai thác dầu khí và một đường ống dẫn trị giá nhiều tỷ còn đang được hoàn thành. Trung Quốc cũng đóng góp vào việc xây dựng Naypyidaw, thủ đô mới từ 2006 thay thế Yangon (Ngưỡng Quang) vẫn là thành phố chính của Miến Ðiện.
Với 900,000 dân cư, kế hoạch xây dựng thành phố dự trù đến năm 2012 mới hoàn thành, nhưng giữa một đất nước nghèo, Naypyidaw ngày nay đã có những cao ốc rộng lớn cho các cơ quan chính quyền và xa lộ 8 tuyến đường rất ít xe cộ lưu thông. Trong hoàn cảnh ấy, dự án thủy điện Myitsone coi như sẽ tiến triển êm ả dù cho đã có rất nhiều ý kiến chống đối của các tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế và sự bất bình của dân chúng địa phương. Nhưng bất ngờ ngày 30 tháng 9 vừa qua, Tổng Thống Thein Sein, một cựu tướng lãnh mới được bầu lên trong một cuộc bầu cử tương đối được xem là dân chủ mặc dầu còn rất nhiều sự kiện bất bình thường, loan báo ngưng dự án cho đến năm 2015.
Trong văn thư gởi tới Quốc Hội Miến Ðiện, Tổng Thống Thein Sein nói rằng ông có quyết định này vì việc xây dựng nhà máy thủy điện 6,000 megawatt ở tiểu bang Kachin đi ngược nguyện vọng của dân chúng và các nhà lập pháp. Tổng thống giải thích là kế hoạch thủy điện đã gây ra quá nhiều lo ngại cho dân chúng, từ vấn đề hủy diệt môi trường, tai nạn khi xảy ra động đất cho đến sinh hoạt của dân chúng và di sản văn hóa của vùng Myitsone cùng hạ lưu sông Irrawady. Do đó dự án Myitsone sẽ phải ngưng lại “ít nhất là trong nhiệm kỳ của chính phủ này.” Trung Quốc bắt đầu chú ý tới khả năng thủy điện ở lưu vực sông Irrawady, dòng sông chính ở Miến Ðiện từ đầu thập niên 1990. Năm 1994, Thủ Tướng Trung Quốc Lý Bằng, người rất hâm mộ các công trình thủy điện, đã gặp Tướng Than Shwe, nhà lãnh đạo Miến Ðiện khi ấy, ở Yangon và hai bên đã thỏa thuận giúp xây một chiếc đập trên sông Paunglaung. Ðập thủy điện này hoàn thành năm 2005 nhưng điện lực chỉ được cung cấp cho Naypyidaw. Trong khi nhu cầu điện của Trung Quốc ngày càng tăng thì đạo luật năm 2002 đòi hỏi trước khi tiến hành dự án xây một đập mới ở Trung Quốc phải có tài liệu nghiên cứu đánh giá về ảnh hưởng đến môi trường.
Một đập lớn dự định xây trên sông Nu ở Vân Nam đã phải ngưng lại vì luật này. Các công ty điện lực Trung Quốc bắt đầu chú ý đến những sông ở nước ngoài như Lào và Miến Ðiện, đặc biệt nhận thấy chính quyền Than We không quan tâm đến vấn đề môi trường. Sau nhiều cuộc thương lượng chính quyền Miến Ðiện bật đèn xanh cho CPI nghiên cứu kế hoạch phát triển các đập thủy điện ở lưu vực sông Irrawady từ năm 2008.
Mặc dầu gặp một số trở ngại như sự bất bình của dân chúng phải di dời nhà cửa làng mạc và mất di sản văn hóa dân tộc của họ, chương trình được tiến hành đều đặn như dự định. CPI trong nhiều năm đã mạnh mẽ phản bác những ý kiến cho rằng các đập thủy điện Irrawady chỉ có lợi ích cho Trung Quốc. Lu Qizhou, chủ tịch và bí thư đảng ủy CPI, nói rằng kế hoạch giúp cho vùng Myitsone phát triển và kể ra hàng trăm dặm đường mới mở ở khu vực rừng núi hiểm trở này cùng với việc điều hòa thủy lợi và những lợi ích khác. CPI cũng lập luận là thị trường Miến Ðiện chưa đủ để “tiêu thụ hết điện lực” và như thế điện bán qua Trung Quốc là một nguồn lợi tức quan trọng cho Miến Ðiện. Cho đến bây giờ sau khi đã có quyết định của Tổng Thống Thein Sein, CPI vẫn từ chối không xác định là họ sẽ ngưng công tác hay chưa và chỉ cho biết “chúng tôi đang thương lượng về những vấn đề có liên quan.”
Phó tổng thống và bộ trưởng Ngoại Giao Miến Ðiện đến Bắc Kinh đầu tháng 10 được các giới chức Trung Quốc khuyến cáo là Miến Ðiện nên tuân thủ những cam kết đã thỏa thuận với CPI và có trách nhiệm về mặt pháp lý. Mặc dầu vấn đề chưa được giải quyết dứt khoát nhưng người ta tin rằng dự án thủy điện Irrawady chắc chắn sẽ phải dừng lại ít nhất là một thời gian dài.
Các chính quyền Tây phương và những tổ chức bảo vệ môi trường hoan nghênh quyết định của Tổng Thống Thain Sein, coi đó là một dấu hiệu tốt chứng tỏ chính quyền Miến Ðiện đã ngày càng quan tâm và có trách nhiệm đối với dân chúng nước họ hơn. (HC)
|