Để Khôi Phục Giấc Mơ Mỹ, Chúng Ta Phải Sửa Chữa Hệ Thống Giáo Dục Hoa Kỳ |
Tác Giả: Fareed Zakaria / Nguyễn Minh Tâm dịch | ||||
Thứ Sáu, 11 Tháng 11 Năm 2011 07:40 | ||||
Ngày nay hệ thống trường công ở California là một thảm hoạ, dậm chân tại chỗ không tiến lên được vì không hoạt động nhịp nhàng, và ở tình trạng tuyệt vọng. Hồi tháng trước, chúng ta tiếc nuối cuộc đời thiên tài Steve Jobs, đứa con nuôi của một gia đình giai cấp công nhân, bỏ học nửa chừng trên đại học, và trở thành một nhà kỹ thuật, và một doanh nhân vĩ đại thời nay. Làm thế nào để ông ta có thể thực hiện được nhiều việc lớn lao như vậy? Dĩ nhiên, ông là một con người ngoại hạng, nên ông đã đạt được những thành công vượt bực. Nhưng phải nói môi trường rèn luyện ông cũng đóng góp một vai trò không kém quan trọng. Một phần môi trưòng đó là giáo dục. Và chúng ta nên ghi nhận tầm quan trọng của sự giáo dục ở bực trung học hồi ông Steve Jobs còn nhỏ. Ông theo học tại trường Homestead High School ở thành phố Cupertino, California, một trong những trường công lập đứng hàng đầu. Chính trường trung học này đã cho Steve Jobs những căn bản tuyệt vời về mỹ thuật và kỹ thuật. Người cộng sự của ông là Steve Wozniak cũng học ở trường này ra. Ông Wozinak có năng khiếu đặc biệt về kỹ thuật, cùng với Steve Jobs sáng lập ra công ty Apple Computer. Năm 1972 là năm Steve Jobs tốt nghiệp trung học. Vào thời bấy giờ các trường công lập của California rất tốt, đến nỗi cả thế giới phải ghen tị. Trường học ở Cali thường được xếp hạng giòi nhất trên toàn quốc, được chính phủ chu cấp ngân qũi dồi dào, nhà trường có ban giám hiệu giỏi đứng ra điều hành, và các thầy cô giáo xuất sắc đứng dạy trong lớp. Những trường học đó là cái đầu máy thúc đẩy xã hội chuyển động, thăng tiến (social mobility), và họ đã nhận được những cậu học trò như Steve Jobs và Steve Wozniak, để dạy cho hai học sinh này căn bản giáo dục thật vững chắc, giúp họ vươn lên, thành công sau này. Ngày nay hệ thống trường công ở California là một thảm hoạ, dậm chân tại chỗ không tiến lên được vì không hoạt động nhịp nhàng, và ở tình trạng tuyệt vọng. Trường công ở California đang đứng hạng chót ở Hoa Kỳ. Trong lúc nước Mỹ lại đứng gần đội sổ so với những nước kỹ nghệ khác trên thế giới, xét dưới nhiều khía cạnh của ngành giáo dục. Hội Nghị Kinh Tế Thế Giới- World Economic Forum- xếp hạng hệ thống giáo dục Hoa Kỳ đứng hàng thứ 26, thua xa các nước công nghiệp khác như Đức, Phần Lan (Finland), Hoà Lan (Netherlands), Đan Mạch, Canada và Singapore. Riêng về hai môn Toán và Khoa Học, điểm thi của học sinh Mỹ còn tệ hơn nữa. Chúng ta đang nói về tình trạng suy đồi của hệ thống giáo dục Mỹ trong ba thập niên vừa qua, tệ đến nỗi cần phải đem ra thảo luận, mổ xẻ. Nhưng hậu qủa của việc giáo dục suy đốn đó bây giờ mới bắt đầu lộ diện. Trong lúc hệ thống giáo dục Mỹ suy sụp, đồng lương trung bình của công nhân Mỹ đứng lại, và khả năng thăng tiến xã hội (social mobility) cũng dậm chân tại chỗ. Chính khả năng thăng tiến xã hội này là nhịp đập của con tim trong Giấc Mơ Mỹ (American Dream). Nó đang từ từ đập chậm lại, để rồi sẽ ngưng đập. Giáo dục từ xưa đến nay bao giờ cũng là phương cách nhanh nhất để leo nấc thang cao hơn về xã hội và kinh tế. Và phần thưởng dành cho những kẻ nào được hưởng một nền giáo dục tốt vẫn xảy ra hàng ngày, ngay cả trong lúc tình trạng phục hồi kinh tế rất yếu. Tỉ lệ thất nghiệp của những người tốt nghiệp đại học chỉ vào khoảng 4%, nhưng giữa người chưa học xong trung học, tỉ lệ thất nghiệp lên đến 14%. Ở Hoa Kỳ hiện nay tỉ lệ bỏ học, không học xong trung học là 25%, và nếu bạn không học xong trung học, phần đời còn lại của bạn sẽ phải sống với tiêu chuẩn thấp kém, đáng buồn lắm. Nhu cầu phải có một nền giáo dục tốt cho mọi người Mỹ là một nhu cầu vô cùng bức thiết. Trong lúc chúng ta ngủ quên trong sự thua kém, ở ngoài kia, cả thế giới đang ra sức học hỏi, trau dồi kỹ năng của họ. Nhiều quốc gia ở châu Âu và châu Á đang tăng tỉ lệ người dân học lên cao hơn nữa, học xong đại học, còn ở Mỹ tỉ lệ theo học đại học đứng yên ở mức cũ, không tăng. Trước đây, tỉ lệ theo học đại học của người Mỹ cao nhất thế giới. Các nước khác cố gắng tập trung rèn luyện học sinh về hai môn Toán và Khoa Học, trong lúc bằng cấp ở Mỹ chỉ chuyên chú tăng lên trong những “điạ hạt” dễ, vô tích sự như chơi thể thao, hay nghiên cứu về những thú vui nhàn tản. Ông Bill Gross, Chủ tịch công ty Pimco, một công ty buôn bán trái phiếu lớn nhất thế giới, đã tóm lược tình trạng giáo dục tệ hại của Mỹ, làm ảnh hưởng đến nhân dụng, và kinh tế như sau: “Lực lượng lao động của chúng ta rất đắt tiền, mà lại được giáo dục yếu kém, không đủ kỹ năng cho tình hình thị trường thế giới ngày nay.”. Có hai yếu tố cần để ý trong vấn đề này: Trình độ giáo dục của chúng ta đang ở mức thấp kém, và lương công xá của chúng ta lại ở mức cao. Như vậy, hoặc là chúng ta phải nâng cao trình độ giáo dục, hay thị trường tự nó sẽ hạ giảm lương công xá của chúng ta xuống. Làm cách nào để cải tiến giáo dục? Đơn giản thôi, cứ cho thi theo thời lượng rõ ràng, bắt học sinh phải học thật nhiều. Ông Thomas Edison từng nói rằng muốn trở thành thiên tài, 99% phải đổ mồ hôi làm việc cật lực, chỉ có 1% là do ngẫu hứng. Ông Malcolm Gladwell thì nói rằng đằng sau lưng những thiên tài, tưởng như là bẩm sinh, về âm nhạc, thực ra là cả một qúa trình luyện tập công phu. Ông ước tính theo lối của ông là họ phải tập luyện khoảng 10,000 giờ. Số thời gian học sinh ở Hoa Kỳ cắp sách đến trường ít hơn so với học sinh các nước khác trên thế giới. Ngày học của học sinh Mỹ ngắn hơn, và số ngày đi học trong niên học cũng ít hơn. Học sinh Nam Hàn đi học nhiều hơn học sinh Mỹ khoảng hai năm, tính đến lúc tốt nghiệp trung học. Vì thế không có gì lạ khi học sinh Đại Hàn đạt điểm thi cao hơn học sinh Mỹ rất xa. Đại Hàn chú trọng đến việc dùi mài kinh sử, học thật nhiều. Trong lúc đó, ở Phần Lan, người ta dạy cho học sinh theo lối khác. Học sinh Phần Lan gần như đứng đầu trong hầu hết các môn thi quốc tế, song các em không học theo kiểu “học gạo” như học sinh Á châu. Ngược lại, học sinh Phần Lan bắt đầu cắp sách đến trường trễ hơn học sinh các nước khác một năm, song các em được dạy cho tinh thần sáng tạo và tránh không phải làm nhiều bài thi trong niên học. Phần Lan có nhiều giáo chức giỏi, họ được trả lương cao, và được kính trọng ngang hàng với bác sĩ, luật sư. Các giáo sư được tuyển theo một thủ tục hết sức khó khăn. Tất cả ứng viên xin vào nghề dạy học phải có ít nhất một văn bằng Cao học (Master), và cứ 10 người dự thi, chỉ có một người trúng tuyển vào chương trình sư phạm huấn luyện giáo chức. Điều này hoàn toàn khác hẳn với thủ tục tuyển giáo chức ở Hoa Kỳ. Phân nửa thầy cô giáo của Mỹ thuộc một phần ba thành phần sinh viên học kém nhất trong các trường đại học. Ông Bill Gate đã bỏ ra $5 tỉ đô la để nghiên cứu và tìm cách cải tổ giáo dục Mỹ. Tôi đã hỏi ông, nếu như ông nắm quyền lãnh đạo một khu học chính, và có chiếc đũa thần trong tay, ông sẽ làm gì ? Câu trả lời của ông là: Nên tuyển những giáo chức giỏi nhất. Thầy cô giáo giỏi mới sản xuất ra học sinh giỏi được. Giáo sư giỏi quan trọng hơn là sĩ số học sinh trong lớp học, chu cấp tiền bạc dồi dào cho trường sở, hay viết sách giáo khoa thật hay. Ông nói tiếp: “Chính vì thế, công tác nghiên cứu cơ bản dẫn đến việc dạy học giỏi đang là đầu tư lớn nhất của chúng tôi.”. Một cuộc nghiên cứu cho thấy nếu học sinh Da Đen được một phần tư giáo sư giỏi nhất dạy học, thay vì một phần tư giáo sư hạng bét,và chỉ cần cho học sinh Da Đen học liên tiếp trong bốn năm liên tiếp với thầy giỏi, là các em sẽ học giỏi ngang với học sinh Da Trắng, hay Á châu. Còn rất nhiều ý kiến xây dựng được đưa ra, và đáng được đem ra thử nghiệm, nhưng bạn sẽ dễ dàng lâm vào mê hồn trận nếu cứ đắm đưối đi sâu và cuộc thảo luận liên quan đến giáo dục. Xin hãy chú tâm vào hai đề nghị đơn giản: Học thật nhiều và có thầy giáo giỏi. Vậy mà khi đem ra ứng dụng nó không đơn giản như chúng ta tưởng. Hai việc này sẽ va chạm rất nặng với hệ thống giáo dục hiện nay. Đó là một hệ thống ưa cưỡng lại mọi thay đổi, và họ có một nghiệp đoàn giáo chức chỉ lo bảo vệ đặc quyền trong nghề nghiệp giáo chức. Tất cả các đề nghị cải tổ như cho học sinh học thêm nhiều ngày trong niên học, ngày học dài hơn, hay tặng thêm lương tiền cho giáo chức giỏi đều bị nghiệp đoàn giáo chức kháng cự, chống lại. Họ chỉ muốn bảo vệ, duy trì nguyên trạng họ đang có, không thay đổi gì hết. Trong lúc bạn chán nản vì những chướng ngại làm kỳ đà cản mũi trong nổ lực tìm phương cách cải tổ guồng máy giáo dục, bạn sẽ cảm thấy lên tinh thần khi có những cá nhân ngoại cuộc, làm được những cải tổ hết sức lớn lao, phải gọi họ là “meta-reformer” . Những cá nhân này đang làm một cuộc cách mạng lớn để sửa đổi hệ thống giáo dục. Nhưng cuộc cách mạng thực sự xảy ra khi đem tài liệu dạy bằng video của ông Khan vào trong lớp học. Năm ngoái, tại thành phố Los Altos, California, học khu quyết định dùng video của Khan Academy, và những nhu liệu của chương trình này trong trường công lập. Khi dùng tài liệu này, mô thức giảng dạy thay đổi hoàn toàn. Thông thường từ bấy lâu nay, học sinh vào lớp nghe thầy giảng bài, ghi chép lời giảng, rồi về nhà làm Homework. Khi làm bài tập, học sinh chỉ ngồi làm một mình, lỡ gặp bài khóthì đành chịu chết, không có ai giảng cho mình cả. Bây giờ, học sinh xem video của Khan Academy ở nhà một mình, mang bài tập vào lớp làm, có thầy ở bên cạnh giảng cho những bài toán khó. Các em có thể xem đi xem lại video bài học nhiều lần, tùy theo trình độ hiểu bài của mình nhanh hay chậm. Tài năng của thầy giáo được tận dụng đúng mức. Kết qủa cho thấy các em đạt điểm thi rất cao, có sự tiến bộ khác hẳn với lối học ngày xưa. Khoa học kỹ thuật được tận dụng để tạo nên lối giáo dục tương hỗ, soạn riêng, uốn nắn cho từng học sinh. Phương pháp này vừa mới mẻ, vừa đem lại hiệu quả tốt đẹp. Lý do tôi viện dẫn việc dạy học bằng video của Khan Academy vì tôi nghĩ đây chính là cái tinh hoa của những phát minh kiểu Mỹ, một cách suy nghĩ mới về giáo dục. Ngoài ra, tôi phải kể thêm là tôi đã dùng phương pháp này cho cậu con trai 12 tuổi của tôi. Tôi đã kinh nghiệm qua hệ thống giáo dục kiểu Á châu, và tôi hết sức ngưỡng mộ hệ thống giáo dục đó. Nó cho tôi những căn bản kiến thức thật sâu rộng, và nó dạy tôi cách học chăm chỉ, và hiểu biết rất nhanh. Nhưng khi sang Hoa Kỳ để theo học đại học, tôi chợt nghiệm ra một điều là lối giáo dục kiểu Á châu không dạy tôi cách suy nghĩ. Giáo dục của Mỹ rất giỏi trong việc dạy chúng ta cách giải quyết một vấn đề khó khăn, hiểu tường tận tài liệu mình học, dám đặt câu hỏi vặn lại kẻ trên, hay giới chức có thẩm quyền, dám suy nghĩ theo tư duy riêng của mình, và có đầu óc sáng tạo. Giáo dục của Mỹ dạy cho bạn học cái gì bạn yêu thích, và say mê trong việc học hỏi điều này. Đó là những đặc điểm hết sức quan trọng của giáo dục Mỹ, chính nó đã giúp Hoa Kỳ duy trì ưu thế trong nhiều ngành công nghiệp cần sáng tạo, và phát minh mới. Hoa Kỳ cần phải thực sự sửa đổi hệ thống giáo dục của mình, chú trọng đặc biệt đến những điểm cơ bản của giáo dục - chẳng hạn như phải học chăm, học thật nhiều - đồng thời cũng nên duyệt lại những điểm đặc thù chỉ có trong hệ thống giáo dục Mỹ. Đúng như nhà văn James Fallows từng viết, chúng ta sẽ thành công không phải chỉ cắm đầu học theo kiểu Á châu, nhưng chúng ta “học theo kiểu của Mỹ nhiều hơn.”, tức là phải học nhiều hơn, một cách sáng tạo, và chú trọng vào những môn học hữu dụng như Toán và Khoa Học. Đó là yếu tố sẽ giúp nước Mỹ trở thành một xã hội năng động nhất thế giới. Và chúng ta sẽ lại thực hiện được Giấc Mơ Mỹ, American Dream.
|